Từ thời xa xưa, người ta sử dụng giấy Hanji trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống vì vậy có câu nói rằng “Người Hàn sống và chết cùng với loại giấy này”.
Hong Choon-soo là một nghệ nhân làm giấy Hanji truyền thống. Năm 1998, ông được bình chọn là Người Bảo tồn nghề làm Giấy truyền thống. Ông cũng được vinh danh là Báu vật sống quốc gia vào năm 2010. Nghệ nhân Hong là một bậc thầy trong số các nghệ nhân. Ông ấy rất có tài trong việc làm giấy truyền thống và luôn rất nỗ lực bảo tồn kỹ thuật sản xuất loại giấy Hanji. Nghệ nhân Hong làm giấy bằng cả tấm lòng. Sản phẩm giấy của ông ấy rất tốt và rất tự nhiên.
Giấy Hanji truyền thống của Hàn Quốc có độ mịn và độ dai rất cao
Việc theo nghề làm giấy Hanji khởi đầu từ người cha tên Hong Soon-Sung. Khi còn trẻ, ông ấy theo học nghề này rồi sau đó mở xưởng sản xuất riêng với sự trợ giúp của 7 người con. Người con cả – tức nghệ nhân Hong Choon-soo – đã kế thừa nghề làm giấy của cha cho đến ngày nay. Từ năm 12 tuổi, cậu bé Hong Choon-soo đã có thể phụ giúp gia đình với nghề này. Sau khi ông Hong Soon-Sung truyền sự nghiệp lại cho con trai, sản phẩm giấy của gia đình ngày càng được nhiều người biết đến. Giấy do ông Hong Choon-soo sản xuất được bán trên khắp đất nước Hàn Quốc và cả ở Nhật Bản.
Để làm ra một tờ giấy Hanji, người ta phải thực hiện qua 100 công đoạn
Thuở trước, các cơ quan công quyền thường mua rất nhiều giấy Hanji để sử dụng vì đặc tính bền dai của nó. Các thông tin về hộ tịch thời trước được ghi chép trên giấy Hanji cho đến nay vẫn còn rõ nét nhờ sự bền dai của loại giấy này. Chúng được công nhận là loại giấy tốt nhất để lưu giữ các thông tin quan trọng. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, sự xuất hiện của các loại giấy rẻ tiền và nhiều loại giấy có nguồn gốc không rõ ràng đã gây ảnh hưởng đến nghề làm giấy của ông Hong. Sau đó, nhiều nhà máy sản xuất giấy hiện đại dần xuất hiện. Nhiều người bắt đầu nhập khẩu vỏ cây ở nước ngoài với giá rẻ hơn để làm giấy. Điều này khiến các nhà sản xuất giấy truyền thống ở Hàn Quốc phải lao đao.
Nghề làm giấy cha truyền con nối vốn nuôi cả đại gia đình ông Hong giờ gần như trở thành một ký ức đẹp. Các cơ sở sản xuất giấy Hanji dần biến mất, một số nơi vẫn còn sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống của tổ tiên.
Nhờ lòng yêu nghề của nghệ nhân Hong Choon-soo nên cơ sở sản xuất giấy của gia đình ông vẫn liên tục tỏa khói dù nó không còn sôi động như ngày xưa. Chế biến dung dịch kiềm từ cây đậu khô là bước đầu tiên trong việc sản xuất giấy Hanji. Hóa chất nhân tạo có tác dụng quá mạnh, chúng làm mềm vỏ cây quá nhanh, khiến vỏ cây dướng trở nên mềm nhũn. Nhưng dung dịch kiềm tự nhiên vẫn giữ được độ dai của vỏ cây.
Hiện nay, trên khắp đất nước Hàn Quốc chỉ còn khoảng 10 người nắm bắt được các kỹ thuật độc đáo của nghề làm giấy. Họ biết rất rõ các thành phần nguyên liệu, tính chất của từng loại và cách sử dụng chúng để tạo nên các sản phẩm giấy chất lượng cao.
Giấy Hanji không còn được bày bán nhiều như trước nữa
Người bình thường cũng có thể dễ dàng nhận biết đâu là giấy truyền thống mà không cần nhờ đến những phân tích khoa học. Người ta sử dụng giấy truyền thống bằng cả sự trân trọng. Họ thường dùng giấy Hanji để viết thư pháp. Đó là một hành động thể hiện sự yêu quí loại giấy truyền thống. Sợi của loại giấy Hanji dày đặc nên chúng hấp thụ mực tương đối chậm. Người viết dễ dàng thể hiện nhiều mức độ đậm nhạt của nét mực trên giấy, nhờ vậy chữ viết trông có vẻ sống động hơn.
Giấy Hanji còn được gọi là Giấy 100 vì người ta cần phải thực hiện 100 công đoạn để làm nên 1 tờ giấy. Chúng là thành quả từ những vất vả của người thợ tâm quyết với nghề.
Người ta sử dụng giấy Hanji để viết thư pháp
Nghệ nhân Hong đã kế thừa nghề truyền thống từ người cha của ông và giờ ông truyền nó lại cho con cháu. Nghề này đã được truyền qua 3 thế hệ trong gia đình ông Hong và ông hy vọng nó vẫn sẽ được lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Nguồn thvl.vn
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.