Nếu là tự nhiên thì xem làm gì? - Bạn có lý. Nhưng không phải ai cũng biết cách tích luỹ cho bản thân.
Có bao giờ bạn tự hỏi: "đâu là sự khác biệt giữa một người vô học và có học?" "Tại sao các nhà tuyển dụng lại thích chiêu dụ những người có văn bằng và đề xuất với họ những mức lương ngất ngưởng?",... nhiều lắm những câu hỏi đại loại thế.
Sống lâu, làm nhiều thì sẽ biết. Bạn biết, tôi biết và mọi người đều biết. Vấn đề là biết đến đâu và phát triển những hiểu biết đó đến mức nào? Đó là câu trả lời của tôi cho những câu hỏi nêu trên; nói một cách khác, sự khác biệt ở người với người chính là tư duy logic. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt và thành công khác nhau của mọi người.
- Bạn đã đi làm ở nhiều nơi, có không ít kinh nghiệm trong công việc nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, mình đã học được những gì qua mỗi việc đã làm?
Thông thường, đa số đều không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này bởi ít khi người ta có thời gian ngồi đánh giá, xem xét những việc đã làm nếu không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Thực tế, nếu biết đánh giá lại hiệu quả công việc, bạn sẽ biết cách rút kinh nghiệm và công việc tiến triển sáng sủa hơn nhiều. Đó cũng là cách hay nhất giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp, tự khẳng định mình trong mọi việc. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, bạn cần có sự tự tin, cẩn thận nhưng đừng quá cảnh giác.
Nhiều người cứ lao đầu vào làm việc, miễn sao hoàn thành đúng thời hạn mà không cần biết mình đã học hỏi được những gì, tích lũy được kinh nghiệm gì từ công việc ấy.
Đến lúc gặp lại tình huống tương tự, họ lại mò mẫm như thể đây là lần đầu tiên đảm nhận việc này. Vừa mất thời gian, lại vừa bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.
Có người cũng ý thức được việc xem mình đã làm và học được những gì nhưng họ lại làm việc đó vào cuối năm, nghĩa là một năm hoặc 6 tháng mới tổng kết một lần.
Khoảng thời gian kéo dài này dễ khiến bạn mất nhiều thời gian để mò mẫm, tìm kiếm lại từng dự án cụ thể, đó là chưa kể đến việc bạn có thể bỏ sót một số nội dung quan trọng. Bởi vậy, bạn cần có bí quyết riêng.
Mỗi ngày, trước khi rời khỏi văn phòng, bạn nên dành ra một vài phút để suy nghĩ về những việc đã làm, những gì đã xảy ra trong ngày.
Nghe có vẻ hơi rườm rà và bạn ngại tốn thời gian nhưng thực tế, nếu cứ làm từng ngày, mọi thứ sẽ đơn giản, gọn nhẹ hơn rất nhiều. Mỗi ngày chỉ cần dăm ba phút với đầu óc tỉnh táo, sáng suốt chứ không nên để dồn dập vào một lúc khiến đầu óc quay cuồng.
Tốt hơn là bạn hãy nhìn vào lịch làm việc và so sánh với thực tế xem bạn đã thực hiện được đến đâu. Từ đó, bạn sẽ thấy mình bị lỡ những gì, việc gì chưa hoàn thành và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên để ngày hôm sau tiếp tục.
Để hiểu rõ hơn về công việc đã làm trong ngày, bạn có thể trả lời những câu hỏi sau:
- Một ngày làm việc của bạn đã trôi qua như thế nào? Bạn rút ra kinh nghiệm gì từ sự thành công và những khó khăn đang chờ bạn?
- Những dự định sẽ làm trong ngày hôm sau, những ai sẽ tham gia cùng bạn vào công việc sắp tới?
- Bạn cần phải gặp gỡ những ai, cần trả lời email hay gọi điện thoại cho một ai đó mà bạn đã hẹn trước hay không?
Trả lời được những câu hỏi này nghĩa là bạn đang tạo mối liên hệ trong công việc ngày này qua ngày khác, không bị rời rạc, mất thời gian. Kể cả việc trả lời email hay gọi điện cho người khác như đã hẹn cũng chỉ mất dăm ba phút, trong khi bạn lại duy trì được mối quan hệ và mở rộng cơ hội cho chính mình. Chẳng phải tự nhiên mà người ta có câu “việc hôm nay chớ để đến ngày mai”, nếu cứ để dành công việc đến ngày mai thì chẳng biết bao giờ bạn mới hoàn thành.
Nếu bạn không dừng lại để suy nghĩ về những điều này, bạn có thể sẽ bỏ qua nhiều cơ hội, nhiều kinh nghiệm mà lẽ ra bạn hoàn toàn có thể học hỏi được. Điều đó sẽ rất có lợi khi bạn muốn thay đổi, tìm công việc mới.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.