Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không? (14)


Tiết 5 - Chỉ tiền trần làm ngăn ngại

a) Dụ đồ vật và hư không

Phật bảo Anan: “Tất cả các thứ trong ngoài lớn nhỏ ở thế gian đều thuộc về tiền trần, chẳng phải tính thấy co giãn. 

Tỷ như món đồ vuông, trong ấy thấy hư không vuông. Nay tôi lại hỏi ông: Trong món đồ vuông này, nhìn thấy hư không vuông là nhất định vuông hay không nhất định vuông? Nếu không nhất định, thì khi ở trong món đồ vuông, đáng lẽ hư không chẳng vuông. Ông nói nghĩa tính này thế nào. Nghĩa tính là như thế sao còn hỏi là thế nào?”

b) Bỏ đồ vật trong vuông tròn

Anan! Nếu muốn được tính không vuông tròn của hư không thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông tròn của đồ vật, sẽ biết thể của hư không vốn không vuông tròn. Không nên hiểu là phải bỏ cái tướng vuông tròn của hư không.

* Đức Phật lấy hư không làm hình tượng ví dụ cho thấy thể tính tiền trần là nguyên nhân ngăn ngại của phương tiện nhận biết. Thời xưa thì các giác quan hoặc kinh nghiệm (Mây đen thì mưa chẳng hạn...) và khả năng tư duy vốn có thuộc tính vật chất như đã tường ở trên chứ tính thấy không có ngăn ngại. Hư không trong trường hợp này chỉ là thí dụ cho tính thấy và không phải tính thấy (Đã tường ở trên: Nếu tính thấy là cái không so với cái có không còn, cái không cũng không tồn tại. Điều này hiển nhiên là phi lý. Tính thấy là một thực tại).

Đức phật nói: “Nếu như ông hỏi: Khi vào nhà thấy rút nhỏ lại. Vậy khi ngước xem mặt trời, há ông kéo cái thấy dãn ra ngang với mặt trời ? Nếu bị tường vách ngăn ép thì tánh thấy bị đứt đoạn, vậy khi soi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối? Nghĩa ấy không đúng! Tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay, mê mình là vật, bỏ mất bản tâm (Chân tâm sẵn có: Tính thấy), bị vật xoay chuyển, nên trong ấy lại xem có lớn nhỏ. Nếu chuyển được vật tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn sáng chẳng rời nơi đạo tràng. TRÊN ĐẦU MỘT MẢY LÔNG CÓ THỂ CHỨA ĐỰNG CẢ MƯỜI PHƯƠNG CÕI NƯỚC.”

* Câu “Trên đầu một mảy lông có thể chứa đựng cả mười phương cõi nước” là một câu nói nổi tiếng của Đức Như Lai. Tính thấy vô lượng, vô biên, không không gian, không thời gian, không lượng số. Chính là Thái Cực, chính là Đạo: “Đón không thấy đầu, theo không thấy đuôi, ở trên không sáng ở dưới không tối” (Đạo Đức Kinh), là sự khởi nguyên của vũ trụ với giá trị = |0|. So với cái vô cùng (|0|) mọi cái hữu hạn - “Mười phương cõi nước” đều nhỏ bé. Thái cực là một khái niệm giải thích sự khởi nguyên của vũ trụ theo thuyết Âm Dương Ngũ hành là giây |0| trước Bigbang chính là chiếc bánh Dầy của văn minh Lạc Việt, chính là “Mẹ tròn” trong câu tục ngữ nổi tiếng “Mẹ tròn con vuông” của người Việt Nam. Nhưng Thái cực là gì, tất nhiên không phải là vô cực như Chu Hy nói. Bởi vì, nếu có một sự tồn tại gọi là Vô Cực đối đãi với Thái Cực thì chính sự đối đãi này đã phân Âm Dương; Cần gì phải nói “Thái Cực sinh Lưỡng Nghi” (Âm Dương) nữa. Đó chính là lý do mà Giáo sư Nguyễn Hữu Lượng cho rằng: "Hiền tài như Chu Tử mà cũng chẳng tránh khỏi quanh co khúc thuyết...” (Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông phương). Chúng ta tiếp tục quán ngộ lời minh giảng của Đức Như Lai về tính thấy để rõ thêm về điều này.

MỤC III: Nân tánh thấy ra ngoài nghĩa phải và chẳng phải

Đoạn I - Nghi cái thấy hiện ở trước mắt

Ông Anan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu tánh thấy này nhất định là tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải hiện ở trước mắt con, cái thấy đó hẳn thật là con, vậy thân tâm con hiện này là vật gì?

Nhưng hiện nay thân tâm con thật có phân biệt, còn cái thấy kia không phân biệt được thân con. Nếu thật là tâm con, khiến cho con hiện nay có thấy, vậy tánh thấy ấy thật là con, còn thân tâm này không phải con, thì khác nào trước kia Đức Như Lai gạn hỏi: “Vật hay thấy được con”. Cúi mong Đấng Đại Từ chỉ bày cho chỗ chưa ngộ”.

Trong đoạn này, ông Anan cho rằng: Cái thấy ở bên ngoài thân tâm (Vì nhìn thấy vật thể bên ngoài thân tâm: Trời, trăng, mây, nước...). Sự sai lầm trong nhận thức này khiến ông thắc mắc: Cái thấy trong tâm ông và cái thấy mà ông cho rằng ở bên ngoài, cái nào là thật tính?

Khái niệm thân tâm mà ngài Anan dùng ở đây, có thể hiểu là tâm ở trong thân, đối đãi với Tính thấy mà ngài cho ở ngoài thân. Ngài Anan đã nhầm lẫn giữa phương tiện nhận biết có thuộc tính vật chất: tương tác vận động, tư duy, khả năng nhận thức.. được cấu tạo và vận động tương tác trong thân thể con người và sinh vật với đối tượng nhận biết là tính thấy. Bởi vậy, khi ngài cho rằng: Tính thấy- tính nhận biết ở bên ngoài thì phải nhận biết thân tâm của ngài. Thực ra tính thấy hằng có thường tồn, bao trùm tất cả, không ở trong, không ở ngoài. Nhưng trong cơ thể sinh vật, nó hiển thị qua phương tiện nhận biết có trong cấu trúc cơ thể. Riêng ở con người thì phương tiện nhận biết còn do tự tạo.

Đoạn II: Chỉ ra “ Không có cái gì tức là cái thấy” 

Tiết 1 - Nêu tướng để gạn hỏi cái thấy

Phật bảo Anan: “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng! Nếu thật ở trước mắt ông và ông thật thấy, thì tánh thấy này đã có chỗ nơi đều chỉ ra được. Vậy nay tôi cùng ngồi trong rừng Kỳ Đà xem khắp rừng suối, nhà cửa; phía trên đến mặt trời, mặt trăng, phía trước là sông Hằng.. ..Nay ông ở trước toà sư tử của tôi, hãy đưa tay chỉ rõ các thứ tướng ấy: chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn lại là vách, chỗ thông suốt là hư không, như thế cho đến cỏ cây mảy mún lớn nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng đều có thể chỉ ra được. Nếu nhất định cái thấy kia hiện trước mắt ông, ông nên lấy tay chỉ rõ cho chính xác cái nào là cái thấy? Anan, ông nên biết, nếu như hư không là cái thấy thì đã thành cái thấy rồi, cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã là cái thấy thì cái gì là vật? Ông nên chín chắn phân tích trong muôn vật lựa ra tánh thấy sẵn có sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu để chỉ rõ cho tôi, cùng các vật kia một cách rõ ràng không lầm lẫn”. 

Tiết 2 - Đáp không phải cái thấy

Anan thưa: “Nay con ở trong giảng đường này, nhìn xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời, mặt trăng, đưa tay chỉ ra, dẫu dùng mắt nhìn xem chỗ chỉ ra được đều là vật không phải là cái thấy.
Bạch Thế Tôn, đúng như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng Thanh Văn sơ lược hữu lậu chúng con, cho đến Bồ Tát cũng không thể đối trước hiện tượng của muôn vật vạch ra được cái thấy, rời tất cả vật riêng có Tự tánh”.
Phật nói: “ Đúng thế! Đúng thế!”.

* Qua đoạn trích cho thấy Đức Phật chỉ ra rằng: Cái thấy không phải vật (Tất cả dạng tồn tại của vật chất từ siêu hạt đến thiên hà khổng lồ, mà nhân loại đã tìm ra hoặc sẽ tìm ra trong tương lai, cùng với những thuộc tính của nó). Tính thấy là một thực tại: Riêng có tự tính.

Đoạn III - Chỉ ra không có cái gì ngoài cái thấy
(Vạn vật trong cái thấy - người viết)

Tiết 1- Nói cái không phải để đổi lại gạn hỏi cái gì chẳng phải cái thấy.

Phật lại bảo Anan: “Như ông đã nói, không có cái thấy rời tất cả vật riêng có tự tánh, thì trong tất cả vật ông đã chỉ ra được, chỉ là vật chứ không phải là cái thấy. Nay tôi lại hỏi ông? Ông cùng Như Lai ngồi trong Kỳ Đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời, mặt trăng, các thứ hình tượng sai khác, nhất định không có cái thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật này cái gì chẳng phải là cái thấy?”

Tiết 2 - Đáp không cái gì chẳng phải cái thấy.

Anan thưa: “Con thật xem khắp khu rừng Kỳ Đà này chẳng biết trong ấy cái gì chẳng phải là thấy. Vì sao? Nếu cây chẳng phải cái thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây là cái thấy thì sao gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy thì sao gọi là hư không? Con lại suy nghĩ, trong muôn vật đây chín chắn phát minh, không có cái gì chẳng phải cái thấy”.
Phật nói: “Đúng thế! Đúng thế”.

* Đoạn trước, ngài Anan chấp tính thấy ở ngoài thân thể ngài, Đức Phật đã phản bác. Nay Đức Phật lại hỏi có cái gì không có tính thấy trong muôn vật ở trước mặt. Ngài Anan ngộ ra rằng: Tính thấy có trong muôn vật, kể cả hư không. Bởi vì tính thấy phải bao trùm vạn vật, có trong vạn vật: Nhỏ như vi trần, lớn như thiên hà thì các phương tiện mới thấy được (Phương tiện bao gồm cả ánh sáng...). Nếu tính thấy không bao trùm tất cả thì mọi sự tương tác có thuộc tính... vật chất đều vô nghĩa. Đây cũng là điều đã được nhắc tới trong Kinh Dịch: “ Dịch lớn thay! Rộng thay! ở xa thì đến tận cùng vũ trụ. ở gần thì tĩnh mà chính. Trong khoảng trời đất thì bao trùm tất cả”.


Đoạn IV
Ngài Văn Thù thỉnh Phật phát minh hai nghĩa.

Tiết 1- Đại chúng lo sợ.

Khi ấy trong đại chúng những vị chưa chứng quả vô học nghe Phật nói lời này đều mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy trước sau thế nào, nên đều lo sợ mất chỗ bình thường.

* Sở dĩ mọi người sợ hãi chính vì chưa chứng quả vô học. Nói theo ngôn ngữ hiện đại tức là không có tinh thần khoa học thực sự. Chưa thực sự ngộ ra rằng những điều ta biết rất nhỏ bé trong biển trí mênh mông, cho nên gặp một cái khác thường với tư duy cố hữu thì hoang mang sợ hãi. Điều này giống như người phát minh ra trái đất tròn thì bị phản đối. Bởi vì trái đất vuông đã trở thành nếp nghĩ cố hữu. Nếp nghĩ này nó cân đối với tri thức hạn hẹp, nhưng phổ biến thời bấy giờ. Nay trái đất tròn thì người ở phía dưới rơi đi mất thì sao? Nhưng thực tại trái đất tròn trong điều kiện kiến thức thời đại trái Đất vuông – có cái hợp lý với chính nó là lực hút của trái Đất và lực hấp dẫn của các thiên thể – mà người thời đó không nhận ra được. Cái không nhận ra được những tính chất hợp lý liên quan mà chỉ thấy hiện tượng khác biệt với tư duy cố hữu, chính là quả vô học. Đức Như Lai đã dạy: “Những điều ta nói chỉ như nắm lá trên bàn tay của ta. Nhưng tri kiến như lá cây trong rừng”.

Tiết 2 - Phật nói lời thật để an ủi

Đức Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên sinh lòng thương xót, liền an ủi ông Anan và cả chúng rằng: “Các Thiên nam tử ! Đấng Vô Thượng Pháp Vương nói lời chân thật, như tánh Chân Như mà nói, đều chẳng hư dối, chẳng phải như bọn Mạt Già Lê dùng bốn thứ luận nghị “kiểu loạn bất từ”. Ông nên chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng thương mến của tôi!”.

Tiết 3- Ngài Văn Thù thỉnh Phật phát minh

Khi ấy, Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử thương xót bốn chúng, ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật chấp tay cung kính bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Đại chúng đây không nhận được chỗ Đức Như Lai phát minh hai nghĩa “phải và chẳng phải”, (thị phi thị) nơi hai thứ “cái thấy” và “sắc không”.
Bạch Thế Tôn! Các hiện tượng sắc không....nơi tiền cảnh, nếu là cái thấy thì đáng lẽ có chổ chỉ ra được, nếu chẳng phải là cái thấy thì đáng lẽ không thể thấy. Mà nay chẳng biết nghĩa này về đâu nên mới có lo sợ, chứ chẳng phải vì trước đây căn lành mỏng ít. Cúi mong Đức Như Lai mở lòng đại từ chỉ rõ các vật hiện tượng này và cái thấy nguyên là vật gì mà trong ấy không có cái “phải” và “chẳng phải”.

Đoạn V: Chỉnh chỉ cái thấy không có cái “phải “ và “chẳng phải”.

Tiết 1 - Hội chung kiến và tương nguyên là bồ đề.

Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi và cả đại chúng: “Mười phương
Như Lai và Đại Bồ Tát khi tự trụ trong chánh điện kia, cái thấy và cảnh bị thấy cùng với các tướng tưởng đều như hoa đốm giữa hư không vốn không thật có. Cái thấy và cảnh bị thấy này (duyên), nguyên là thể giác ngộ nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt. Cớ sao trong ấy lại có cái nghĩa “phải” và “chẳng phải”.

Tiết 2- Phật dạy ngài Văn Thù để tiêu biểu không hai tướng

Đức Phật hỏi: “Này Văn Thù!Nay tôi hỏi ông! Như ông là Văn Thù, lại có Văn Thù phải chăng Văn Thù hay không Văn Thù?”.
“Đúng như thế, bạch Thế Tôn! Con nay thật là Văn Thù, không có phải là Văn Thù. Vì sao? Vì nếu có phải là Văn Thù thì có hai Văn Thù. Song con hiện nay chẳng phải là không Văn Thù, trong ấy thật không có hai tướng “phải” hay “chẳng phải”.

* Qua đoạn trích trên, Ngài Văn Thù Sư Lợi đã chỉ ra tính biểu kiến, qui ước của thế nhân quán xét tiền trần, thực tại đang hiện hữu trong nhận thức của con người. Nếu ngài Văn Thù không phải là Văn Thù thì còn ai vào đây? Cũng như tôi thì đúng là tôi không thể là ông hàng xóm. Nhưng đấy chỉ là tính quy ước, biểu kiến trong quán xét của thế nhân. Cái “tôi” đích thực với tất cả sự minh triết của nó không thể chỉ ra được, mà chỉ là sự tổng hợp những cái của tôi do nguyên nhân giả hợp tác thành (Kể cả tư duy...) Bởi vậy, nếu khẳng định “Văn Thù là Văn Thù” thì chỉ mang tính qui ước, biểu kiến cho một thực tế hiện hữu. Chính ngài Văn Thù qui ước, biểu kiến trên một thực tại xác thân đó với tính thấy trong ngài sẽ nhận ra ngài. Bởi vậy, xét về ý nghĩa minh triết: Nếu khẳng định Văn Thù thì sẽ có hai Văn Thù: Một Văn Thù thân xác qui ước/ biểu kiến và một Văn Thù (tính thấy thông qua phương tiện nhận biết trong cấu trúc thân xác của ngài Văn Thù) nhận ra Văn Thù kia. Nếu bảo |KHÔNG PHẢI| Văn Thù thì không đúng - so với tính qui ước/ biểu kiến thành thói quen của thế nhân với một thực tại đang hiện hữu. Nhưng nếu bảo |PHẢI| thì sẽ không đúng với tính minh triết của nhận thức và tính phát triển của nó. Đó chính là lý do thứ nhất – có tính khách quan – từ một sự quán xét bên ngoài, mà đối tác của sự quán xét đó chính là ngài Văn Thù. Từ đó: ngài Văn Thù nói: “Trong ấy, thật không có hai tướng phải hay chẳng phải”.

Lý do thứ hai – mang tính chủ quan – Khi ngài Văn Thù tự quán xét mình thì không thể trả lời ta chính là ta hay không phải ta. Ngài Văn Thù lúc này là duy nhất đối với chính ngài Văn Thù. 
Bởi vậy, khi TÍNH THẤY là duy nhất và bao trùm tất cả không gian, thời gian là một thực tại riêng có tự tính, là cái nhận biết tất cả mọi sự vận động và tương tác của vật chất: Từ những siêu hạt nhỏ nhất mà loài người đã và sẽ tìm ra, từ vô cơ đến hữu cơ, từ sinh vật bậc thấp đến sinh vật bậc cao, cho đến những thiên hà khổng lồ và cả sự vận động của vũ trụ bao la thì ở trong đó không thể chỉ ra cái |PHẢI| hay |KHÔNG PHẢI| chính nó. Tương tự như ngài Văn Thù không tự chỉ ra |PHẢI| hay |KHÔNG PHẢI| Văn Thù.

Tiết 3- Chính phát minh tánh thấy đã chỉ ra nghĩa “Phải” hay “chẳng phải”.

Phật dạy: “Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt này, cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy. Vốn là chân tâm giác ngộ vô thương thanh tịnh tròn sáng nhiệm mầu, mà vọng làm ra sắc, không và thấy nghe. Ví như (người dụi mắt thấy) mặt trăng thứ hai thì cái nào phải mặt trăng, cái nào không phải mặt trăng? Nầy Văn Thù, chỉ có một mặt trăng thật, trong ấy không có phải mặt trăng hay không phải mặt trăng.

Thế nên hiện nay ông xem cái thấy và trần cảnh, các thứ phát minh đều gọi là vọng tưởng, Không thể ở trong ấy chỉ ra nghĩa |PHẢI| VÀ |CHẲNG PHẢI|. Tánh Giác sáng suốt nhiệm mầu ấy, hay khiến cho ông ra ngoài nghĩa “chỉ ra được hay chẳng chỉ ra được”.

Đoạn trích dẫn trên cho thấy: Khi cái CÓ ra đời thì mới có sự đối đãi với cái KHÔNG. Nhưng trước cái có thì không thể bảo là KHÔNG. Nếu trước cái CÓ là cái KHÔNG thì làm sao CÓ. Đó chính là cái lý “Thái Cực sinh lưỡng nghi”, Âm Dương trong Dịch vậy. Khi Thái Cực – Cái tuyệt đối (|0|) chưa phân Âm Dương (Giây 0 trước Bigbang) thì không thể lấy cái CÓ/KHÔNG để phân biệt. Tức là “Không thể ở trong ấy chỉ ra nghĩa phải và chẳng phải”. Đây chính là ý nghĩa “Mẹ tròn/ Con vuông” trong Minh Triết Lạc Việt, được biểu tượng trong chiếc bánh chưng, bánh dầy. Mẹ tròn là cái có trước nên gọi là Mẹ, thuộc Dương–khi phân Âm Dương–sinh con vuông thuộc Âm cái có sau. Do đó, trong nguyên lý Âm dương thì Âm phải Động và Dương phải tịnh, khác hẳn quan niệm cố hữu từ hàng ngàn năm nay trong cổ thư chữ Hán cho rằng: Dương động/Âm tịnh. Thế giới/ Vũ trụ chúng ta đang sống là cái có sau kể từ khởi nguyên vũ trụ (Thái cực là cái có trước) nó đang vận động chính là một minh chứng cho Âm Động. Nếu từ nguyên lý Âm tịnh trong cổ thư chữ Hán thì thế giới không hình thành theo thuyết: “Thái Cực sinh lưỡng nghi” Linh diệu thay! Đây chính là sự minh triết của chiếc Bánh chưng, Bánh Dầy với “Mẹ tròn con vuông” thuộc về nền văn minh Lạc Việt: Nguyên lý của một lý thuyết thống nhất vũ trụ mà những nhà khoa học hàng đầu đang mơ ước.

Mục IV:
Bác thuyết nhân duyên, tự nhiên để hiện bày nhận thấy thật tướng của tánh thấy

Đoạn I: Nghi tánh giác đồng với tự nhiên như thần ngã

Ông Anan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, thật như Đấng Pháp Vương đã nói, tánh Giác duyên khắp mười phương cõi nước vắng lặng thường trụ, tánh Giác ấy chẳng sanh chẳng diệt.

(Điều ấy) so với thuyết của Phạm Chí Ta Tỳ Ca La ngày xưa nói về Minh Đế, hay các thuyết ngoại đạo như Đầu hôi.... nói có chơn ngã đầy khắp cả mười phương có gì sai khác? Ở núi Lăng Già, Thế Tôn cũng từng vì ngài Đai Huệ..v.v.. giảng rộng nghĩa nầy: bọn ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn tôi (Phật) nói nhân duyên chẳng phải cảnh giới của ngoại đạo kia.

Nay con xét kỹ tánh giác này tự nhiên, chẳng sanh, chẳng diệt, xa lìa tất cả hư vọng, điên đảo, in tuồng chẳng phải nhân duyên mà cùng với thuyết tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Thế Tôn chỉ dạy thế nào để chúng con khỏi rơi vào các tà kiến được Tâm Tánh Chân Thật Giác Ngộ trong sạch nhiệm mầu sáng suốt”.

Đoạn II Chỉ ra chẳng phải tự nhiên

Phật bảo Anan: “ Nay tôi dùng phương tiện chỉ dạy như thế, chân thật bảo ông mà ông còn chưa ngộ, là cho là tự nhiên. Anan, nếu nhất định là tự nhiên, thì ông phải xét rõ cái thế tự nhiên.

Anan! Ông hãy xét trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy cái gì làm tự thể? Hay lấy tối làm tự thể? Lấy hư không làm tự thể hay lấy ngăn bít làm tự thể? Anan! Nếu lấy sáng làm tự thể thì đáng lẽ (khi tối đến) chẳng thấy tối. Nếu lại lấy hư không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối không làm tự thể, thì khi sáng Tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy sáng?”.

Khi Thái Cực (Tính Thấy/ Tính nhận biết/ Mẹ tròn/ Bánh Dầy – cái có trước). Vì Tuyệt đối nên sinh cái tương đối (So với nó). Vì chí Tịnh nên Động. Tịnh/Động phân biệt nên Thái Cực / Tính Thấy/ Mẹ tròn – Cái tuyệt đối/ Cái có trước, đối đãi thành Âm/ Dương. Thái Cực vốn KHÔNG PHẢI KHÔNG/ KHÔNG PHẢI CÓ, KHÔNG ĐỘNG/ TỊNH trở thành Dương khi cái có đối đãi với nó, tức là khi có cái Động Âm ra đời, Con Vuông- bánh chưng. Khi Đông/ Tịnh – Âm / Dương phân biệt tương tác/ đối đãi thành vũ trụ như hiện nay. Bởi vậy tất cả những cái gì chúng ta đã thấy hoặc sẽ thấy đều chỉ nằm trong thế giới tự nhiên đối đãi/ tương đối này. Do đó, nếu chúng ta lấy bất cứ một thực thể nào làm tự thể (Cái thấy/ Tính thấy) sẽ là sự phủ định cái đối đãi với nó.

Đoạn III: Nghi nhân duyên.

Ông Anan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu này chắc chẳng phải là tự nhiên. Nay con xét thấy là nhân duyên sinh, nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy thế nào cho hợp với tánh nhân duyên?”

Đoạn IV: Chỉ ra tánh thấy không phải nhân duyên và kết luận tánh thấy rời khỏi danh tướng.

Phật bảo: “Ông nói nhân duyên, tôi lại hỏi ông: Nay ông nhân thấy, Tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy này nhân nơi sáng mà có thấy, hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy, hay nhân nơi bít lấp mà có thấy? Này Anan, nếu nhân nơi sáng mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Như nhân nơi tối mà có, đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít cũng đồng như sáng và tối. 

Lại nữa Anan! Cái thấy này lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi hư không mà có thấy, hay duyên nơi bít lấp mà có thấy? Anan! nếu duyên nơi hư không mà có, đáng lẽ chẳng thấy chỗ bít lấp. Nếu duyên chỗ bít lấp mà có, đáng lẽ chẳng thấy hư không. Như thế, cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối cũng đồng như hư không và bít lấp. Phải biết tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt này chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, cũng chẳng phải tự nhiên, chẳng phải chẳng tự nhiên, không có cái chẳng phải (phi) và chẳng chẳng phải (bất phi), không có cái phải (thị) và không phải (phi thị), rời tất cả các tướng, tức tất cả pháp (sự vật). Nay ông làm sao ở trong ấy lầm đem các danh tướng lý luận thế gian mà dùng tâm phân biệt được? Như lấy tay chụp bắt hư không chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để cho ông nắm bắt!”

Đoạn V: Lại nghi nhân duyên

Ông Anan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, Tánh Giác nhiệm mầu này nhất định chẳng phải nhân, chẳng phải duyên. Tại sao Đức Thế Tôn thường chỉ dạy các thầy Kỳ Kheo: Tánh Thấy có đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân hư không, nhân ánh sáng, nhân tâm, nhân mắt. Nghĩa ấy thế nào?

Đoạn VI: Phật lại bác nhân duyên tự nhiên để nêu ra tánh thấy rời cả bốn tướng.

Phật bảo: “ Anan! Tôi nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chứ chẳng phải nghĩa đệ nhất.
Anan! Nay tôi lại hỏi ông, các người trong thế gian nói “Tôi hay thấy”, thế nào gọi là thấy? thế nào là chẳng thấy?”

Anan thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Người trong thế gian có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy các tướng, gọi là thấy. Nếu lại không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy”.

“Này Anan! Nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì đáng lẽ không thấy tối. Nếu thấy tối thì chỉ là không có ánh sáng, sao gọi là không thấy? Anan, nếu khi tối vì không thấy sáng mà gọi là không thấy, vậy nay trong lúc sáng không thấy tướng tối, lại cũng phải gọi là không thấy. Nếu hai tướng sáng tối tự lấn át nhau , thì tánh thấy của ông ở trong ấy không phải tạm không. Như thế, ắt biết cả hai đều gọi là thấy, tại sao nói là không thấy?

- Thế nên! Anan! Nay ông phải biết: Khi thấy cái sáng (Thì) cái
thấy không phải là sáng, khi thấy tối (thì) cái thấy không phải là tối, khi thấy hư không cái thấy không phải hư không, khi thấy bít lấp cái thấy không phải bít lấp.

Đoạn VII: Chỉ thẳng thấy được thật tướng của tính thấy

Bốn nghĩa đó thành tựu, ông lại nên biết khi nhận thấy tánh thấy thì tánh thấy chẳng phải là cái thấy. Tánh thấy còn rời cái thấy và cái thấy còn không đến nơi cái thấy được.

Đoạn kinh văn trên lời dịch hơi trúc trắc thành khó hiểu. Có thể diễn đạt nội dung trên theo một lẽ khác như sau:

Bốn nghĩa đó (Hư không, ánh sáng, tâm, mắt) kết hợp thì tạo nên sự nhận biết. Nhưng Tính Thấy không phải sự nhận biết (Cái Thấy). Từ sự nhận biết đến chứng ngộ được Tính Thấy còn là một khoảng cách lớn lao (Người viết).

Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hoà hợp. Các ông là hàng Thanh Văn hẹp hòi không biết, chẳng thể nào thông đạt được tướng thanh tịnh. Nay tôi dạy bảo, ông phải khéo suy nghĩ, không nên trễ nải trên đường giác ngộ nhiệm mầu.

* Đoạn kinh văn này Đức Phật giảng rõ hơn những yếu tố tương thích tác hợp (Nhân Duyên) để dẫn tới sự nhận thức (Cái Thấy) và Tính Thấy. Nhân duyên để có sự nhận biết gồm: Phương tiện nhận biết: Các giác quan và điều kiện nhận biết tương thích với phương tiện nhận biết, mà Đức Phật biểu tượng bằng bốn tướng phổ biến trong cuộc sống của gần 3000 năm trước là: Hư Không – để có sự phân biệt, ánh sáng – điều kiện nhận biết, tâm – Khả năng tư duy và nhận thức, mắt (giác quan) – Phương tiện nhận biết (Thời hiện đại phương tiện nhận biết còn là ĐTDĐ, Ti Vi, ống nhòm...). Tất cả những yếu tố này có thuộc tính vật chất và đối tượng của tính nhận biết (tính thấy). Bởi vậy, Đức Phật khẳng định không phải tính thấy.

Tính Thấy: Là một thực tại có tự tính từ vô thuỷ đến vô chung, không không gian không thời gian, không phải CÓ, không phải KHÔNG, là tính tuyệt đối |0|. Tất cả mọi sự vận động tương tác trong vũ trụ có thể tính đều là đối tượng của Tính Thấy và không phải Tính Thấy.

Nếu một người bay tận Cung Quảng Hàn, nghe thấy tiếng từ vạn dặm, nhìn thấu xuyên không gian thì có thể gọi là Thần, Nhưng không: Đấy chỉ là một phi công vũ trụ với phương tiện nhận biết khác người mà thôi. 

Trong cổ học Đông phương, cụ thể là trong kinh Dịch cũng nói đến hiện tượng khởi nguyên của vũ trụ là Thái Cực. Hoặc trong Đạo Đức Kinh nói đến sự khởi nguyên của vũ trụ là Đạo. Tất cả chỉ là những danh từ khác nhau chỉ một thực tại mà Đức Thích Ca đã minh giảng: Tính thấy. Đấy chính là sự diễn đạt sự khởi nguyên của một LÝ THUYẾT THỐNG NHẤT VŨ TRỤ sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

Như vậy, để kết luận cho phần này, chúng ta từ một vấn đề được đặt ra: Tử Vi và tất cả những khoa dự đoán Đông phương–có phương pháp, có chuẩn mực, hệ thống và qui tắc nói chung–là những hiệu ứng vũ trụ tác động có tính qui luật lên con người và tạo nên khả năng tiên tri cho số phận con người thì điều kiện rất cần và đủ và rất nghiêm túc việc lý giải câu hỏi từ ngàn xưa của con người: “Định mệnh có thật hay không ?” sẽ là:

Những hiệu ứng đó có tác động lên trạng thái ý thức của con người hay không? Chúng ta đã đi tìm bản chất của ý thức trong sự tương tác với hiệu ứng vũ trụ- yếu tố quyết định để mở cánh cửa bí ẩn của Định Mệnh. Và đã tìm thấy trong sự minh giảng của Đức Thích Ca và trong những phát kiến thuộc về khoa học hiện đại: Ý thức có thuộc tính vật chất và tất yếu của nó phải chịu sự tương tác của vũ trụ. Nhưng Đức Thích Ca cũng chỉ ra một cứu cánh: Đó là bản tính Chân Như/ Tính Thấy có trong mỗi con người và vạn vật. 

Vi diệu thay! Một hình tượng tuyệt vời của trí tụê Lạc Việt trong “Truyện Cây Nêu”. Cây Nêu là một biểu tượng độc đáo của nền văn hiến Lạc Việt (Tất cả các nền văn hoá cận Lạc Việt về không/ thời gian lịch sử đều không có cây Nêu). Hình tượng cây Nêu phủ áo cà sa của Đức Phật che bóng khắp thế gian, đó là hình ảnh của lòng nhân ái và trí tuệ. Cây Nêu là một trong những biểu tượng của văn hoá Việt, trong sự che chở của Phật pháp từ bi qua những thăng trầm của lịch sử Lạc Việt.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.