Cách mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đón mừng thời khắc quan trọng nhất của năm này phần nào cho chúng ta thấy được văn hóa, lối sống và những tập tục thú vị riêng của họ…
Người Nga dự Tết bằng cây thông lớn
Ở đất nước Nga rộng lớn, người dân rất coi trọng không khí đầm ấm, vui vẻ, ấm áp tình thân trong thời khắc năm mới đến. Đặc biệt, gia đình nào cũng có một cây thông lớn trong nhà dịp năm mới. Cây thông càng lớn, được trang hoàng càng rực rỡ, đẹp mắt thì gia đình đó càng có nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới. Trang hoàng cây thông là công việc yêu thích của nhiều gia đình Nga, thường cha mẹ muốn dành bất ngờ cho con cái, nên âm thầm trang trí cây thông vào lúc chúng đi ngủ. Đặc biệt, họ rất chú trọng tặng quà cho con cái trong dịp này. Trẻ em Nga cũng rất thích nhận được quà từ ông già Tuyết và bà chúa Tuyết trong dịp năm mới đến.
Người Mỹ thích yên tĩnh
Năm mới, người Mỹ thường đi thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè hoặc tổ chức ăn uống... Tuy nhiên, ngày đầu tiên của năm mới luôn là một ngày khá tĩnh lặng với nhiều người Mỹ. Họ thường ở nhà bên người thân suốt cả ngày. Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ, họ ôm hôn nhau, nhảy múa theo những điệu nhạc vui vẻ và cụng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Người Anh đón Tết bằng bữa ăn thịnh soạn
Theo truyền thống ở Anh, mọi người đều ăn một bữa rất thịch soạn vào giao thừa. Người Anh cho rằng nếu như bữa ăn cuối năm không thừa rượu, thịt thì năm sau sẽ nghèo túng. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và Năm Mới cũng là lúc bắt đầu nghi lễ chúc mừng Năm Mới như mở toang các cửa nhà và chuẩn bị những chiếc bánh mỳ đen cho khách đến xông nhà. Người đến xông đất không cần gõ cửa mà cứ thế đi thẳng vào trong nhà. Người Anh quan niệm rằng để mang lại sự may mắn và an lành cho gia chủ thì người đầu tiên bước vào nhà khi Năm Mới đến phải là người đàn ông trẻ trung, khỏe mạnh và ưa nhìn.
Người đàn ông đó phải có mái tóc đen và khi đến nhà phải mang theo một viên than đá nhỏ, tiền, bánh mỳ và muối. Những thứ đó đều tượng trưng cho sự giàu có và sung túc. Ngược lại, người Anh kỵ người đến xông nhà là cô gái có mái tóc vàng nhạt, hoặc là người nghèo túng, vì họ cho rằng những người đó sẽ mang lại vận xui, khó khăn và vận hạn cho gia chủ trong cả năm đó.
Người Tây Ban Nha quấn quýt bên nhau
Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu thời khắc chuyển qua Năm Mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Người nào có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ thì người đó sẽ gặp may mắn cả năm, làm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn. Ví dụ, quả nho thứ nhất là "cầu bình an", quả thứ năm "hòa thuận", quả thứ sáu "loại bỏ khó khăn", quả thứ bảy "loại bỏ bệnh tật"… Một số nơi ở Tây Ban Nha còn có tục lệ trước Năm Mới không được cười trong 5 ngày. Qua 5 ngày đó phải luôn cười to đón Năm Mới để cầu mong sự an khang thịnh vượng.
Người Brazil nhộn nhịp trên phố
Vào đêm Giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng. Đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Người Brazil thường mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới. Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, pháo hoa bắt đầu bừng lên. Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khỏe.
Người Ấn Độ cấm nổi giận
Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 31/10, ngày thứ tư được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Vào dịp Tết, không ai được phép giận dỗi và nổi cáu. ở một số vùng ở Ấn Độ, buổi sáng đầu tiên của năm mới ai cũng nước mắt lưng tròng để đón mừng năm mới. Một số nơi khác thì lại có tục nhịn ăn một ngày, một đêm. Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc tụng nhau, dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn như ý. Thanh niên đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân.
Người Phần Lan thích cùng nhau đoán trước tương lai
Nếu như người Đức rót chì đã được nung chảy vào bát nước lạnh và đoán biết tương lai của người rót trong năm mới qua những hình dáng của khối chì được tạo thành sau khi chì gặp nước, thì ở Phần Lan người ta lại thả mẩu sắt đang nóng chảy vào một thùng nước lạnh. Cũng giống như người Đức, miếng sắt sau khi đông cứng là hình trái tim hay chiếc nhẫn thì năm tới hẳn sẽ có đám cưới. Nếu miếng sắt có hình dáng giống một chiếc thuyền thì năm mới sẽ có những chuyến du lịch khắp nơi, hay hình con lợn là tượng trưng cho sự sung túc, no đủ...
Người Ghana dựng mô hình ngôi nhà bằng lá dừa
Đi trên đường phố Ghana những ngày này, bạn có thể bắt gặp rất nhiều những mô hình "ngôi nhà" dựng bằng lá dừa, trong những căn nhà đó, người ta tụ tập hát hò, ăn uống vui vẻ. Món ăn ngày Tết được yêu thích của người Ghana là món gà trống rán thơm ngon. Một tập tục rất kì lạ trong năm mới ở quốc gia Tây Phi này là vào đúng thời điểm giao thừa, phải hét lên thật to, càng to càng tốt, bởi họ quan niệm, la hét như thế sẽ giúp trút bỏ những muộn phiền của năm cũ và đón mừng những may mắn, niềm vui của năm mới sắp đến.
Người Nhật Bản sum họp gia đình
Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa. Người Nhật chuẩn bị Tết từ trước đó khá lâu. Họ có thú vui mua sắm Tết và tặng quà nhau. Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm. Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau. Tới ngày mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá "lộc xuân" đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng. Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới cũng vào ngày 1/1 Tây lịch và kéo dài tới 2 tuần.
Người Hàn Quốc tưởng nhớ tổ tiên
Năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks, một loại trang phục cổ truyền. Vào buổi sáng của năm mới, họ thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook - một loại súp làm bằng gạo. Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, mọi người thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.
Người Ácmênia tặng quà cho người thân
Người Ácmênia xưa đã từng tổ chức đón Năm Mới vào ngày 21/3. Ngày này không chỉ là ngày đầu tiên của mùa xuân mà còn là ngày sinh của thần Vahangu. Nhưng đến thế kỷ 18, người ácmênia đã coi ngày 1/1 là ngày đầu tiên của Năm Mới. Khi Năm Mới đến, người Ácmênia có phong tục cho trẻ em tập trung thành nhiều nhóm đi vòng quanh làng và hát vang những bài hát chúc mừng Năm Mới tới những người hàng xóm. Và thường thì trẻ nhỏ nhận được rất nhiều hoa quả như là những món quà mừng tuổi.
Trong dịp Năm Mới, người ácmênia còn có phong tục là các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau, song điều đặc biệt là người vợ không bao giờ được nhận quà từ chồng, bởi họ quan niệm rằng nhận quà từ chồng có nghĩa là người vợ bị ghét bỏ. Đối với con cái, người con út sẽ đi theo người anh hay chị cả để đến chỗ người cha đang giấu những món quà bên trong chiếc áo choàng. Chúng hôn lên bàn tay của cha và nhận được những món quà từ cha mình.
Theo Người đưa tin
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.