Type Here to Get Search Results !

[Bài hát hay Việt Nam] Đêm Đông - Nguyễn Văn Thương

Mùa đông với tôi là thứ gì đó nghe đến là nổi da gà. Tôi không ngại Đông tiết, nhưng cái thể trạng nhỏ bé của tôi thì lại quá nhạy cảm, cứ đổi từ nóng sang lạnh là lăn ra bệnh, dường như sự thay đổi quá đột ngột khiến nhịp sinh học của tôi không thể theo kịp. Ấy thế mà bài hát Đêm đông lại đi vào lòng tôi lại êm đềm như những dòng sông êm ả, mải miết trôi cùng năm tháng.

Gió nghiêng chiều say - Gió lay ngàn cây - Gió nâng thuyền mây - Gió gieo sầu miên - Gió đau niềm riêng - Gió than triền miên...Những ca từ đẹp man mác ấy đã và mãi còn lay động tâm hồn bao người yêu nhạc và nhạc phẩm Đêm đông. Tác giả của Đêm đông - người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Thương vừa ra đi tròn một năm (5-12 - 2002 đến 5-12-2003).

Nhắc đến cố NS Nguyễn Văn Thương, ngoài Đêm đông, người yêu nhạc cũng không thể nào quên Bướm hoa...Hai nhạc phẩm này đã làm nên tên tuổi ông.

Phần ca từ của Đêm đông được viết chung với Kim Minh. (Kim Minh là tên của một người theo học đàn guitar với NS Nguyễn Văn Thương đã qua đời năm 1946, có thể gọi Kim Minh là học trò của ông). Và để được công bằng, khi nói đến nhạc Đoàn Chuẩn thì phải kèm theo Từ Linh, riêng Đêm đông phải nhắc đến Kim Minh để không phụ lòng người quá cố!

Có một chi tiết cần phải nói rõ hơn về giai điệu của Đêm đông. Theo lời cố NS Nguyễn Văn Thương thì thời ra đời của Đêm đông và Sơn nữ ca (Trần Hoàn), chỉ mới có các nhịp điệu Fox trot, Valse, Tango, Boston... mãi sau năm 1950 mới có slow rock, và Đêm đông mang giai điệu tango từ lúc ban đầu. Chính ca sĩ Bạch Yến đã đổi Đêm đông từ tango sang slow rock.

Người nghe hầu như đã thuộc lòng Đêm đông, và nếu nói về thời tiết thì không phải mùa đông nào cũng có nhiều gió, nhưng trong Đêm đông có rất nhiều gió và chính gió đã làm nhạc phẩm Đêm đông bất hủ với thời gian: Gió và gió được "thổi" vào những nốt nhạc "móc đôi" tưởng chừng như không thể tách rời nhau...

Những người ở thành phố hối hả này yêu mùa đông. Vì sao vậy? Rồi, tôi cũng lớn dần, đủ trưởng thành để tìm được câu trả lời. Câu trả lời có từ rất nhiều điểm chung của những người tôi gặp, của thế giới xung quanh tôi, và của cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Đêm đông.

Trong cái hối hả của thành phố này, mỗi ngày, đa phần thời gian người ta vội vã cuốn theo nhịp của công việc, phải như thế để tồn tại, phải như thế để khẳng định mình, phải như thế để cống hiến được tuổi trẻ của mình cho đời, nhưng cũng phải như thế để cảm nhận những giây phút sâu lắng của tâm hồn mình. Người ta hay trở về với chính mình vào những đêm mùa đông.

Mùa đông, thời gian dường như trôi chậm hơn. Bởi cái lạnh đánh thức da thịt khiến người ta không thể hoàn toàn chìm đắm vào công việc mà buộc phải cảm nhận và hướng mình ra thế giới bên ngoài nhiều hơn. Để biết rằng thời gian đang trôi, chiều chưa đi nhưng đêm cũng đang xuống dần. Đâu đó tiếng chuông chùa vẳng lại. Cái tiếng chuông chùa giữa phố thị như là thanh âm của sự tĩnh lặng, nhưng cũng là thanh âm của sự nhắc nhớ, của thời gian ngày xưa và một không gian nào đó xa lắm nơi người ta thực sự thuộc về. Có cánh chim nào cũng đang rã rời mỏi mệt tìm về chốn nghỉ. Có làn mây xám nào cũng đang chầm chậm trôi ngang lưng trời. Đều là những sự vận động, nhưng là những vận động trong mệt mỏi, đó là cái vận động của cuối ngày, vận động để đi dần về phía tĩnh lặng.

Thi nhân cũng dần đi vào chính lòng mình. Cái tĩnh lặng mỏi mệt của không gian khiến thời gian trong tâm hồn thi nhân, dường như cũng dừng lại và tê tái. Cái tê tái đến đây đã là cái lạnh của lòng, của chiều sâu. Và cái tê tái đó càng tái tê hơn khi lữ khách trở về với thế giới mặt đất gần hơn xung quanh mình: cây trút lá, mưa giăng mắc, sương thướt tha, và tất cả cứ tiêu điều, đìu hiu quá. Tiếng ca Thanh Lam vốn lạnh, nhập với lời ca này sao cái tái tê lạnh buốt cứ ngấm dần, ngấm dần và ngấm rất sâu vào hồn người nghe…

Và lúc này, lữ khách bắt đầu dành cho tâm hồn mình một sự lắng nghe để biết mình khát khao điều gì trong cái chiều-đêm mùa đông ấy:

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng

Không nói trực tiếp tiếng lòng mình, nhưng lữ khách nghe trong đêm đông tiếng lòng chinh phu buồn xa quê, tiếng lòng chinh phụ dựa song ngóng chồng, tiếng thi nhân buồn tương tư, tiếng ca nhi soi gương và ôm nỗi sầu riêng chỉ một mình mình hiểu. Chinh phu-chinh phụ, thi nhân-ca nhi, chinh phu khát chinh phụ, ca nhi khát thi nhân, những cặp đôi tình nhân vốn luôn khát khao gần gặn, nhưng cũng luôn gặp cảnh cách xa. Nỗi day dứt vì cách xa chẳng phải đêm đông mới có, nhưng lại cứ cồn lên vào mỗi đêm mùa đông lạnh lẽo. Mùa đông, người ta cần nhau, cần chia sẻ, cần sự gần gũi bằng xương thịt để cảm nhận cái ấm nồng về tâm hồn. Nhưng mùa đông lạnh chỉ nhắc rằng nỗi khát khao đó là không thể. Khát khao càng mạnh thì nỗi sầu lạnh chỉ càng lớn dần thôi.

Gió nghiêng, chiều say
Gió lay ngàn cây,
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên

Thế nên, tất cả như nhòa đi trong lòng lữ khách. Và lúc này, lữ khách chỉ còn cảm nhận thấy trong không gian tiếng bước chân của gió, con gió vĩnh cửu. Đến đây, tiếng hát Lê Dung cùng với tiếng nhạc dồn lên vừa khát vọng, vừa xa xót. Và cuối cùng thì con gió ấy cũng say hơn, nghiêng hơn, sầu hơn và tiếng than thở của gió cũng triền miên như nỗi sầu triền miên của kiếp người.

Đi qua những triền miên của kiếp người, rồi lòng lữ khách cũng trở về với cảnh ngộ của chính mình với nỗi cô đơn khắc khỏai:

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung
Đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà?

Lúc này, đêm đông, đó là nỗi nhớ nhung, đêm đông, đó là giấc mơ gia đình, giấc mơ một tình yêu, giấc mơ về hơi ấm tình người. Nhưng đêm đông, đó lại cũng là hiện thực, hiện thực với đường về còn xa lắm, với bước chân phong trần còn lê trên đường đời dù mỏi mệt, là hiện thực với cái tê lạnh của tâm hồn một kẻ cô lữ không nhà. Bài hát kết thúc bằng một câu hỏi. Câu hỏi chầm chậm cất lên: “Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà?”. Vậy là, trong đêm đông bây giờ, không có một ngôi nhà, không có một người tri kỷ, chỉ có một lữ khách, một lạnh lẽo và một nỗi cô đơn.

Nhưng vẫn còn may mắn lắm, vì đó là một câu hỏi! Câu hỏi dù không cần câu trả lời, nhưng đó vẫn cứ là một câu hỏi, một sự tìm kiếm, và một nỗi khát khao. Không phải là một sự chấm hết. Chấm hết thì cô đơn quá! Cuộc đời này, giữa phồn hoa phố thị này, dù người ta có cảm thấy cô đơn thế nào, thì hãy đừng ngưng kiếm tìm một hơi ấm tình người…Để Đêm đông bớt lạnh.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. :))))))))))))))) Thỉnh thoảng cô đơn cho nó thấm bạn à !

    Trả lờiXóa