Type Here to Get Search Results !

'Buồn cười' thạc sĩ 1 năm

[Thanh tra] - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành văn bản quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ. Theo đó, thời gian đào tạo thạc sĩ tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên.

Nhiều chuyên gia giáo dục cảm thấy "buồn cười" bởi chúng ta đang loay hoay với câu hỏi: Tại sao có tới 72.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp, thì nỗi lo phổ cập thạc sỹ đã không còn xa xôi…

Dân thì hoang mang, có người thì thầm mừng, còn các nhà giáo dục "xịn" thì e ngại. Hãy nghe PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT nói: Nguyên nhân của tình trạng học, đào tạo thạc sĩ tràn lan là do tâm lý sính bằng cấp của một bộ phận, bên cạnh đó chính các cơ quan Nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp (chứ không mấy khi đề cao thực hành). Quy chế mới chỉ cần 1 năm đào tạo thạc sĩ thì tôi không hiểu nổi câu chuyện này sẽ đi tới đâu?

Còn PGS Văn Như Cương bày tỏ sự ngạc nhiên: "Tôi thấy buồn cười, khó hiểu. Hiện nay, học thạc sỹ đã rất dễ rồi. Cử nhân thất nghiệp chỉ cần bỏ tiền ra là đi học thạc sỹ. Các trường đại học mở ra ồ ạt, cứ "gom" cho đủ người là đào tạo cho ra lò. Phải chăng 2 năm nhiều quá nên giảm xuống thời gian 1 năm cho đỡ… mất thời gian?

Ở một góc độ khác, GS. TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội chia sẻ: Có nhiều người nhầm lẫn, cứ tưởng đào tạo chuyên nghiệp cũng như giáo dục phổ thông: Học xong phổ thông phải cố vào đại học cũng như hết tiểu học thì học tiếp THCS; có bằng cử nhân rồi thì lại cố học tiếp cao học, cũng như tốt nghiệp THCS thì học lên THPT… Họ không biết hoặc không cần biết đào tạo đại học, sau đại học cần cho ai và dành cho ai.

Có những người thì háo danh, sĩ hão. Bằng cấp như "cá vàng, cây cảnh" cho đẹp căn phòng, chứ người ta không quan tâm đến thực chất và hiệu quả. Có những người thì toan tính, mượn tấm bằng để lên chức nọ, chức kia… Đối với những người này thì tấm bằng quan trọng hơn kiến thức. Vấn đề là lấy bằng chứ không phải lấy kiến thức. Bởi thế, nên mới có chuyện học thuê, thi thuê, viết luận án thuê, mua điểm, mua bằng, đạo văn…

Như vậy, nhu cầu thực là bằng, nhu cầu giả là kiến thức.

Nhà nước tạo ra những con đường vô cùng rộng rãi cho những ai muốn học thực, học lên (chuyên tu, tại chức, mở rộng, bằng hai, liên thông, liên kết, hệ ban ngày, hệ ban đêm, hệ cử tuyển…). Hàng loạt trường đại học được thành lập mới hoặc được chuyển từ cao đẳng lên. Gần như tỉnh nào cũng có một vài trường đại học.

Cũng chính vì vậy, những người học giả cũng dễ bước vào hệ thống đào tạo bậc cao. Đáp ứng một nhu cầu học giả thì lấy gì thúc đẩy và cần gì cung có chất lượng, chưa nói đến chất lượng cao? Thế là tình trạng cung chất lượng thấp, cung giả xuất hiện. Đây là một trong những yếu tố để "bong bóng đại học" phình to.

Có thể nói bệnh thành tích và sự nôn nóng đã thực sự ăn mòn vào nếp nghĩ của không chỉ ngành giáo dục mà xuất phát từ xã hội bằng cấp. Với việc hạ thời gian đào tạo thạc sỹ xuống 1 năm, sự lo ngại ồ ạt thạc sỹ, tiến sỹ, khi mà số lượng không song hành cùng chất lượng là điều hoàn toàn có cơ sở.

Cứ cái đã này thạc sĩ sẽ còn nhiều hơn cả lợn con, nhưng lại chẳng đóng góp được gì cho nền khoa học lẫn cho sự phát triển bền vững của nước nhà.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.