Chiếc áo cà-sa và Thiền học Zen
Sau đây lại xin kể tiếp các chuyện khác về chiếc áo cà-sa trong Thiền tông, đặc biệt là Thiền phái Zen của người Nhật. Người Nhật gọi chiếc áo cà-sa là okesa hay kesa, chữ này cũng có gốc từ chữ Phạn kesaya. Chữ okesa trong tiếng Nhật có nghĩa là miếng vải thừa vứt bỏ, dính bẩn hay hư hoại. Người Nhật tu Thiền còn gọi chiếc áo kesa là "Fukuden-e", chiếc áo của Phúc hạnh, hoặc "Mu soo", chiếc áo "Vô tướng" hay "Không hình tướng", tức chiếc áo của một người "Vô ngã", tự tay khâu lấy cho mình và mặc lên một thân xác "không mang một dấu hiệu gì cả". Người tu Thiền có ba chiếc áo kesa, một chín mảnh, một bẩy mảnh và một năm mảnh. Chiếc áo năm mảnh được biến dạng và trở thành một vật tượng trưng gọi là rakusu dành cho người xuất gia và cho cả hàng cư sĩ, tức những người tu tại gia.
Đại khái tùy theo học phái, rakusu gồm năm mảnh vải màu nâu hay màu lam, khâu ráp vào nhau, có viền vải chung quanh thành hình vuông hay chữ nhật, sau cùng lại khâu thêm một quai bằng vải. Vì thế, rakusu giống như một cái túi khá rộng, quai dùng để đeo vào cổ, tấm rakusu giấu vào bên trong áo hoặc để ra trước ngực, tượng trưng cho chiếc áo cà-sa. Mặt sau của tấm rakusu có lót thêm một lớp lụa màu trắng hay màu ngà. Vị Thầy của người xin quy y ghi pháp danh của người này lên mặt lụa, viết thêm một câu thơ hay một công án, tất cả đều bằng chữ Hán, rồi ký tên và đóng triện lên đó.
Điều đáng nêu lên là người xin quy y trong Thiền tông Zen phải tự may tấm rakusu cho mình, giống như người tỳ kheo Nam tông phải tự may chiếc áo cà-sa để mặc. Tục lệ này cũng được bảo tồn và tôn trọng trong các tu viện Thiền học tại các nước Tây phương. Nếu người đọc có dịp chứng kiến cảnh tượng những người Tây phương, trong số này có những giáo sư Đại học, những nhà Khoa học lừng danh, các Bác sĩ nổi tiếng ghi tên vào những khoá thực tập để may tấm rakusu trước khi xin quy y, thì có thể quý vị ấy sẽ cảm động lắm. Họ chăm chỉ may từng mũi kim, ráp từng mảnh vải. Khâu hỏng, đường chỉ không thẳng… họ lại tháo ra để may lại. Đó cũng là cách tập chú tâm trong Thiền học, nhưng điều đáng nêu lên chính là sự hiển lộ của Đạo Pháp trong từng cử chỉ, hành vi và trong quyết tâm của họ.
Người cư sĩ, không có cái may mắn của một người xuất gia, đành an phận với tấm rakusu, đeo vào cổ hoặc dấu trong ngực áo để nhắc nhở họ phải giữ giới và để che chở cho tâm thức họ. Trước khi đeo vào cổ thì họ phải đặt tấm rakusu lên đầu và đọc một câu kinh. Khi cởi ra, tấm rakusu phải được gấp lại thật cẩn thận, cất trong một túi vải nhỏ, hay gói trong một miếng vải sạch và đặt lên bàn thờ Phật. Đạo Nguyên (Dogen) nói rằng :
"Áo mặc của kẻ thế tục làm gia tăng dục vọng – nhưng tấm áo của Phật, tấm áo của một sinh linh Giác Ngộ, sẽ nhổ bỏ tận rễ tất cả những dục vọng đó".
Để tiếp tục nêu lên ý nghĩa của chiếc áo cà-sa trong Thiền học, thiển nghĩ chúng ta cũng nên trích dẫn thêm những câu khác của Đạo Nguyên (1200-1253), một đại thiền sư và cũng là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nước Nhật. Ông sang Trung Quốc tầm Đạo năm 1223, thọ giáo với thiền sư Trường Ông Như Tịnh (Tiantong Rujing,1163-1228) thuộc tông phái Tào động. Ông ngộ được Thiền, trở về Nhật năm 1227 và phát triển dòng Tào động trên quê hương của ông. Trong tập luận nổi tiếng của ông là Chính Pháp nhãn tạng (tiếng Nhật : Shobogenzo), Đạo Nguyên đã phát biểu về chiếc áo cà-sa như sau:
"Những ai đã Giác Ngộ đều tôn kính chiếc áo cà-sa, tin tưởng nơi chiếc áo đó. Họ xem đó là chiếc áo của giải thoát, một cánh đồng của phúc hạnh, một mảnh áo vô tướng, mảnh áo của Như Lai, mảnh áo của Anuttarak Samnyak Sambodhi (hoàn toàn Giác Ngộ, hoàn hảo và không có gì so sánh được)".
Sau đây là một câu khác của ông trong tập Chính Pháp nhãn tạng, dùng để nhắc nhở những người quy y :
"Tư tưởng của con người không bao giờ ngưng đọng, vì những tư tưởng ấy sinh ra và chết đi trong từng khoảnh khắc ; thân xác con người cũng thế, sinh ra rồi biến đi trong từng giây phút một".
Chiếc áo cà-sa không phải là một sáng chế của con người, nó cũng chẳng phải không phải là một sáng chế của con người ; nó không đứng lại ở một nơi nào cả, nhưng chẳng có một nơi nào mà nó không dừng lại, và Sự Thực tuyệt đối của chiếc áo cà-sa chỉ có chư Phật mới hiểu được mà thôi. Tuy nhiên, đối với những người tu tập trên đường Đạo Pháp, những gì xứng đáng do chiếc áo cà-sa mang đến cho họ thì vô tận, không bao giờ khô cạn (...).
Trong thế giới này chiếc áo cà-sa luôn luôn hiện đại và cập nhật hoá. Sự hiện thực trong một giây phút cũng là sự hiện thực của vô biên. Trong giây phút này, chúng ta đang có cơ duyên tuyệt vời không những được nghe nói về Đạo Pháp, nhưng hơn thế nữa ta còn được trông thấy, xem xét và tiếp nhận chiếc áo cà-sa này.
Cơ duyên ấy cũng giống như ta được nhìn thấy Đức Phật tận mắt, nghe được chính Tiếng nói của Đức Phật. Cơ duyên ấy chính thực là sự truyền thụ của Tâm thức Phật, tiếp nhận được thân xác và cốt tủy của Phật".
Sau đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa.
Lạm bàn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
Như chúng ta vừa nhận xét trên đây về những biến đổi từ hình thức cho đến ý nghĩa của chiếc áo cà-sa qua thời gian, không gian, nhưng những biến đổi đó vẫn luôn luôn giữ được truyền thống và phong cách từ hàng ngàn năm suốt trong lịch sử Phật giáo, từ những tục lệ của Nam tông cho đến những hình thức mang tính cách tượng trưng trong Thiền tông. Tất cả đều không đi ra ngoài Đạo Pháp.
Thật vậy, người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà-sa để giúp họ tự giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám víu… Chiếc áo ấy mang lại an lạc cho họ, giúp họ phát lộ lòng Từ bi, gia tăng thêm tinh tấn, sức mạnh và Trí tuệ.
Tuy nhiên phần đông chúng ta là những kẻ thế tục, những cư sĩ tại gia, chúng ta không có cái may mắn, cái cơ duyên tốt lành của một người xuất gia, hãnh diện được khoác lên người chiếc áo cao quý của Đạo Pháp. Chúng ta trần trụi và hở hang như những con sâu, phơi bày thân xác trước phong ba và bão táp, làm mồi cho những hiểm nguy của cõi dục giới và luân hồi. Như vậy thì chúng ta phải làm sao bây giờ ?
Không được mặc lên người, nhưng chúng ta hãy cố gắng khoác lên tâm thức mình một chiếc áo cà-sa, một manh áo bạc màu, một manh áo mà ta tự khâu lấy bằng những mảnh vải vụn vứt bỏ mà ta mót nhặt từ những cảnh nghèo nàn và khổ đau chung quanh ta. Một manh áo tuy khiêm tốn, nhưng chúng ta hãy xem đó là manh áo của Đạo Pháp, ngay thật và tinh khiết, rạng ngời và cao cả. Dù bước ra đường với một chiếc áo thật hợp thời trang, đắt tiền và thật đẹp, nhưng ta vẫn không hãnh diện bằng chiếc áo bạc màu mà ta khoác lên tâm thức. Hoặc nếu kém may mắn hơn, khi phải bước ra đường với một chiếc áo vá nghèo nàn trên thân xác, ta cũng không nên xấu hổ mà vẫn ngẩng đầu cao, vì bên trong ta, chiếc áo cà-sa trong tâm thức thật là rạng rỡ.
Chiếc áo cà-sa khoác lên tâm thức sẽ che chở cho ta trong cuộc sống bon chen, đầy tham vọng, lừa đảo, hận thù và hung bạo. Nó ngăn chận không cho ta hung dữ và hận thù. Trong lúc bước chân ra đường, khi hòa mình với xã hội, thông thường ta chỉ xét đoán con người qua hình dạng và phong cách bên ngoài, qua phấn son, quần áo, chức vị, cử chỉ, ngôn từ…, phản ảnh một phần nào tâm thức của họ. Nhưng ta không thấy được những gì sâu kín trong tâm hồn họ. Có những người ăn mặc sang trọng, chải chuốt, phấn son loè loẹt, nhưng tâm hồn họ trần truồng, dơ bẩn, đầy lo âu và hổ thẹn. Có những người nghèo khó, cực khổ, nhưng tâm hồn họ thật an vui, kín đáo, sạch sẽ và nhân từ.
Trên đây chỉ là hai trường hợp cực đoan và tiêu biểu mà thôi. Thế gian này thật phức tạp vì có đủ mọi hạng người, pha trộn rất nhiều đức tính và những sai lầm u mê khác nhau. Thế giới ta bà hay luân hồi gồm có ba cõi : dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Tất cả chúng sinh còn vướng mắc trong luân hồi đều sống chung đụng bên cạnh nhau trong ba cõi ấy : từ súc sinh, quỷ đói, con người, cho đến thánh nhân và thiên nhân. Do vậy ta hãy quyết lòng khoác lên tâm thức ta một chiếc áo cà-sa thật tinh khiết để nhìn thấy những thánh nhân và thiên nhân chung quanh ta và để được đến gần với họ. Họ sẽ tập cho ta cởi chiếc áo cà-sa trong tâm thức để khoác lên thân xác những ai đang trần truồng và hổ thẹn, để lau nước mắt cho những người đang khổ đau và băng bó vết thương cho những sinh linh bị hành hạ. Tất cả chúng sinh ấy đang hiện diện chung quanh ta, những cũng may mắn thay, thánh nhân cũng đang ở bên cạnh ta để nhắc nhở ta những việc phải làm.
Tóm lại, chiếc áo cà sa trong tâm thức, trước hết cũng không khác gì một bức rào ngăn chận những hành vi mê lầm và phạm giới của ta, và sau đó lại trở thành một bức tường thành kiên cố mang lại sự an lạc cho ta. Thế nhưng ta cũng phải biết cởi chiếc áo cà-sa ấy từ tâm thức để khoác lên thân xác của những ai cần đến, biết dựng lên cho kẻ khác một bức rào ngăn chận những hành vi phạm giới của họ và xây lên một bức tường thành để bảo vệ sự an vui cho họ.
Nhưng tu tập có phải là dừng ở đấy hay không ? Giữ giới và phát lộ lòng Từ bi, tuy cực kỳ quan trọng và cần thiết nhưng thật ra chỉ là giai đoạn đầu. Từ bi phải đưa đến Trí tuệ, Trí tuệ đưa đến Giác ngộ và Giác ngộ sẽ đưa đến Giải thoát. Con đường còn dài và thật dài. Ta hãy thử tiếp tục lạm bàn xa hơn về chiếc áo cà-sa.
Lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
Để mở đầu phân đoạn này, xin trích dịch bốn câu thơ của thiền sư người Nhật là Suzuki Shosan (1579-1655) như sau :
Cùng nhau đi trong mưa Như Lai,
Cà-sa ướt sũng cả đôi vai.
Ô kìa, trên những tàu lá sen,
Chẳng có một giọt nào đọng lại.
Cũng xin trích thêm ra đây một vài câu thơ của Thiền sư Ryokan (1758-1831). Thiền sư Ryokan là một nhà thơ, một thiền sư ngoại lệ, một con người có tâm hồn dịu dàng, thanh thoát, sống trong đơn sơ và hoàn toàn ẩn dật. Ngày nay, các bảo tàng viện ở Nhật cũng như trên thế giới đã cố tìm mua với bất cứ giá nào những tờ giấy viết chữ thảo của ông còn lưu lại. Năm 1790, thầy của ông là Kokunen rút lui và giao phó cho ông trọng trách hướng dẫn Tăng đoàn. Thế nhưng một năm sau khi thầy của ông qua đời, ông cũng rời bỏ Tăng đoàn, xa lìa thế tục để vào rừng ẩn cư. Ta hãy đọc qua một bài thơ của ông, thoát dịch như sau :
Trong cánh rừng xanh mướt,
Là chiếc am cỏ của tôi.
Chỉ có những người đi lạc đường
Mới tìm ra được nó.
Chẳng có một tiếng ồn ào của thế tục,
Hoạ chăng thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng hát của một gã tiều phu.
Một nghìn đỉnh núi cao, một vạn con suối chảy,
Chẳng có một bóng người.
Tuy thế, một hôm sau khi đi tản bộ về, ông thấy túp lều cỏ của ông bị trộm, tên trộm vơ sạch những gì thật nghèo nàn của ông. Ông liền cầm bút viết một câu thơ như sau:
Tên trộm đã bỏ quên
Khuôn trăng
Bên thềm cửa sổ
Thôi thì chúng ta hãy trở lại với chiếc áo cà-sa, với bức rào cản ngăn chận những hành vi phạm giới, với bức tường thành mang lại an vui cho ta. Chiếc áo mầu nhiệm như thế, bức tường thành kiên cố như thế, lớp rào cản hữu hiệu như thế, nhưng có phải đó là Đạo Pháp hay không ? Thưa không, đó chỉ là những phương tiện mà thôi, giống như ngón tay dùng để chỉ mặt trăng, ngón tay không phải là Đạo Pháp. Đức Phật dạy rằng Đạo Pháp giống như một cái bè bằng tre dùng để qua sông. Qua được bờ bên kia thì ta hãy bỏ lại, đừng đội nó lên đầu mà đi. Cũng thế, mặt trăng cũng chỉ là một biểu tượng. Nếu ta bám víu vào chiếc áo cà-sa, vào bức rào cản hay bức tường thành, vào ngón tay, vào mặt trăng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được Giải thoát. Đấy chỉ là những biểu hiện của sự bám víu mà thôi.
Quay trở lại với ý nghĩa trong bốn câu thơ của Suzuki trên đây. Ngay cả những giọt mưa Như Lai, tức Diệu Pháp của Phật cũng không hề đọng lại trên chiếc lá sen, nhưng ô kìa tại sao những chiếc áo cà-sa lại ướt đẫm như thế ? Chúng ta sống trong một thế giới mà tất cả đều là quy ước, đều là những biểu tượng. Quy ước và biểu tượng không phải là hiện thực và cũng không phải là Đạo Pháp, thế nhưng chúng ta nhất định cứ bám víu vào đó. Từ chiếc áo bạc màu, được khâu vá chắp nối bằng những mảnh vải vụn vứt đi cho đến chiếc áo rạng rở may bằng lụa và vải quý của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, tượng trưng cho Đạo Pháp, tất cả cũng chỉ là những biểu tượng. Ta sống trong một thế giới của biểu tượng, của quy uớc và công thức. Tất cả đều là những sáng tạo, những biến chế, những tạo dựng của tâm thức con người. Ngôn ngữ cũng là quy ước, vì thế mà Đức Phật đã cầm cánh hoa đưa lên nhưng không thốt ra một lời nào cả.
Tâm thức Bát-nhã, siêu việt và nhất nguyên của Phật đã có sẵn trong tâm thức Giác ngộ của Ma-ha Ca-diếp. Tâm thức Giác ngộ của Ma-ha Ca-diếp cũng đã có sẵn trong tâm thức Bát-nhã, siêu việt và nhất nguyên của Phật. Cánh hoa chỉ là một biểu tượng, cũng như ngôn từ chỉ là những quy ước. Trong tâm thức Từ bi, độ lượng và bao dung của một người tu hành đã có sẵn tâm linh tỉnh thức của một kẻ thế tục, và trong tâm linh tỉnh thức của một kẻ thế tục đã mang sẵn tâm thức Từ bi, độ lượng và bao dung của một người tu hành. Chiếc áo cà-sa chỉ là một biểu tượng làm trung gian giữa họ mà thôi.
Gỗ đã có sẵn trong cái bàn, và trong cái bàn đã có sẵn gỗ. Người thợ mộc lấy gỗ làm ra cái bàn, và cái bàn trở thành một sự sáng tạo của con người. Trong sự sống đã có sẵn cái chết, và trong cái chết đã có sẵn mầm mống của sự sinh. Phân biệt sự sống và cái chết là hậu quả của sự hiểu biết nhị nguyên và đối nghịch. Tương tự như thế, ý nghĩa thêm thắt và đa dạng của chiếc áo cà-sa cũng chỉ là những tạo dựng của tâm thức con người.
Chỉ vì một biểu tượng mà lục tổ Huệ Năng đã suýt chết mấy lần. Mỗi khi có một biểu tượng được tạo dựng là có sự bám víu vào đó. Một chiếc áo tượng trưng cho việc lãnh đạo một Tăng đoàn cũng đủ để sinh ra tham vọng, ganh tị, tranh chấp, huống gì danh vọng, tiền bạc và uy quyền trong thế gian này. Cũng may là ngũ tổ và lục tổ đã ý thức được việc ấy mà bỏ đi tục lệ truyền thụ y bát. Nếu không thì biết đâu ngày nay, Tăng đoàn vẫn còn tiếp tục dòm ngó một chiếc áo, và kẻ thế tục lại có thêm một dịp để tham dự nghi lễ truyền thụ mà quên đi những gì thiết thực trong việc tu tập.
Kết luận
Từ nguyên thủy, chiếc áo cà-sa đã là những mảnh vải vụn, những miếng vải rách bạc màu được khâu lại với nhau để làm áo. Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài dùng chiếc áo ấy để che thân, để đắp và để gấp lại làm tọa cụ. Chiếc áo ấy đã biến dạng để tượng trưng cho những thửa ruộng vuông vắn của phúc hạnh, hoặc để tượng trưng cho sự lãnh đạo một Tăng đoàn. Chiếc áo ấy cũng đã trở thành tấm rakusu của người tu Thiền dùng để đeo lên ngực một cách kính cẩn.
Tất cả những biến dạng và thêm thắt ấy có phải là những điều phù phiếm hay không ? Thưa không, những thêm thắt ấy thật cần thiết cho việc tu tập, và tuy không phải là Đạo Pháp nhưng là những cánh hoa của Đạo Pháp. Ngón tay không phải là Đạo Pháp, nhưng không có ngón tay ấy thì ta cũng không thấy được Đạo Pháp. Từ lòng Từ bi của Đức Phật, từ những lời giảng huấn thiết thực của Đức Phật đã nở ra muôn hoa, vạn sắc, và cũng đã nở ra trăm triệu trang kinh sách. Tuy là một biểu tượng nhưng chiếc ao áo cà-sa thật là cần thiết. Chiếc áo ấy được khoác lên thân xác vô ngã của người xuất gia để làm gương cho chúng ta soi. Chúng ta cũng nên khoác chiếc áo ấy lên tâm thức để ra đường và gấp nó lại để gối đầu trong giấc ngủ. Nó sẽ che chở chúng ta trước những ý tưởng điên rồ, những xúc cảm bấn loạn và những cơn ác mộng giữa đêm đen.
Đức Phật dạy chúng ta đừng bám víu vì Đạo Pháp cũng chỉ là một chiếc bè giúp để qua sông mà thôi. Thiếu chiếc bè thì ta không thể qua sông được, và tương tự như thế, nếu không có Đạo Pháp thì ta cũng khó mà vượt được dòng thác của Vô minh. Đối với chiếc áo cà-sa cũng vậy, khi ta vẫn còn đang lặn ngụp trong dòng thác chảy xiết của Vô minh thì hãy cứ bám víu vào nó. Cuốn trôi theo dòng nước cuồn cuộn, nếu như ta có vớt được một cành tre gai góc to bằng ngón tay thì ta cũng chớ vội tưởng là đã đến được bờ bên kia của Giác ngộ mà vứt bỏ nó đi. Ta hãy bám lấy cành tre, gom góp thêm các cành khác để kết lại làm bè, một chiếc bè thật lớn, vì biết đâu chúng lại có thể giúp những người khác đang lặn ngụp bên cạnh ta mà vẫn chưa vớt được một cành tre nào. Vậy thì ta hãy thu nhặt những mảnh vải vụn trong cõi vô thường này để tự may lấy cho mình một chiếc áo cà-sa.
Xin mượn một lời nguyện cầu của thiền sư Ryokan để chấm dứt bài viết này. Sống trong chốn hiu quạnh nơi rừng núi hoang vu, Ryokan chẳng có gì cả ngoài manh áo cà-sa trên vai và một khuôn trăng bền thềm cửa sổ, nhưng có lẽ tâm thức ông lúc nào cũng muốn dang tay thật rộng để ôm lấy tất cả chúng sinh. Ông nguyện như sau :
"Tôi nguyện cầu chiếc áo cà sa của một người tu hành như tôi sẽ trở nên thật rộng lớn để có thể gom lại và quàng lên tất cả chúng sinh đang đau khổ trong cõi vô thường này…".
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.