Type Here to Get Search Results !

Thế nào là Đại trượng phu?

Nam tử Hán, Kẻ sĩ, Quân tử, Đại trượng phu, Hiền nhân,... là những từ nói lên cốt cách và khí khái của bất kỳ ai, không phân biệt nam hay nữ, hay tầng lớp cũng như học vị. 

Tại sao tìm hiểu về Đại trượng phu?

Đại trượng phu hay những tên gọi trên đều là cái đích làm người. Làm người thì ai ai cũng hướng đến cái Chân - Thiện - Mỹ. Lấy Chân - Thiện - Mỹ để suy xét và làm chuẩn mực cho suy nghĩ và hành động. Một số người nâng tầm quan trọng của việc đó trở thành "Đạo" - và tôn thờ chữ "Đạo" đó với các chuẩn mực, tuỳ theo trường phái.

Chữ nghĩa trong thiên hạ thì phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phức tạp về hàm ý. Thế nên, việc tìm hiểu là cần thiết. 
I ) Kẻ sĩ

Kẻ sĩ, thời nhà Chu, chính là mẫu người cho Quân Tử và Đại Trượng Phu sau này.
Kẻ sĩ là người có chí khí, có khí tiết, dám liều chết để lập công danh sự nghiệp và để đền ơn tri ngộ. Câu nói khảng khái thời Đông Chu :
Kẻ sĩ vì tri kỷ dẫu chết cũng đành !
Kẻ sĩ, từ đời Hán trở đi, chỉ là kẻ theo học Nho Giáo.

II ) Quân Tử

Quân Tử là mẫu người lý tưởng, mà Khổng Tử đã hệ thống hóa, theo những khuôn đạo đức của Kẻ Sĩ,.

Quân Tử là người có năm đức :Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nhân là cái lý "trời đất và vạn vật đồng một thể".
Nghĩa là Trạng Thái của Tâm và hành động , lời nói hợp với Nhân.
Lễ là hành động , lời nói hợp với Nhân, Nghĩa.
Trí là hiểu biết Nhân, Nghĩa, Lễ.
Tín là việc làm đúng như lời nói.
Tín nằm trong Lễ, năm đức của người Quân Tử sự thực chỉ có 4, là nhân, nghĩa, lễ, trí. Nhưng vì người ở thế giới Ta Bà này gian xảo, lật lọng quá nhiều, nên Thánh Nhân mới thêm Tín vào các đức của người Quân Tử. 

III ) Đại Trượng Phu

Đại Trượng Phu là mẫu người lý tưởng, mà Mạnh Tử đã đề cử ra, theo những khuôn đạo đức của Kẻ Sĩ.

Mạnh Tử định nghĩa thế nào là Đại Trượng Phu :
Cư thiên hạ chi quảng cưLập thiên hạ chi chính vịHành thiên hạ chi đại đạoĐắc chí dữ dân do chiBất đắc chí độc hành kỳ đạoPhú quý bất năng dâmBần tiện bất năng diUy vũ bất năng khuấtThử chi vị Đại Trượng Phu
( Sống ở chỗ rộng rãi trong thiên hạĐứng ở vị trí chân chính trong thiên hạĐi trên con đường lớn trong thiên hạĐạt được chí mình thì cùng người người hành đạoChẳng đạt được chí mình thì riêng mình hành đạoGiàu sang chẳng dâm dậtNghèo hèn chẳng đổi lòngCường quyền không làm khuất phụcNgười như vậy là bậc Đại Trượng Phu.)
Ngoài ra, Mạnh Tử cũng nói tính cách bậc Đại Trượng Phu như sau :
Cùng tắc độc thiện kỳ thân,Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ( Cùng thì tự tốt lấy ta,   Đạt thì đem lại hạnh phúc cho thiên hạ)
Đặc biệt là hai câu này đã trở thành phương ngôn của Tàu !


IV ) Quân Tử, nam nữ Đại Trượng Phu, Hiền Nhân . . .

1) nam nữ Đại Trượng Phu

Người nào có tính cách :
Cùng tắc độc thiện kỳ thân,Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ( Cùng thì tự tốt lấy ta,   Đạt thì đem lại hạnh phúc cho thiên hạ)
thì là Đại Trượng Phu !

Người nữ có tư cách đó thì gọi là ‘nữ trung Trượng Phu’, cũng có người gọi họ là Nữ Trượng Phu !

2) Quân Tử và  Đại Trượng Phu

Quân Tử và  Đại Trượng Phu đều là mẫu người lý tưởng của Nho Giáo ; nên đồng nghĩa.
(Mạnh Tử là học trò của Tử Tư, Tử Tư là học trò của Tăng Tử , Tăng  Tử là học trò của Khổng Tử. Tử Tư, tên là Khổng Cấp,  là cháu đích tôn của Khổng Tử .)
Hai mẫu người lý tưởng này có khác nhau một chút :  Quân Tử chủ ở nề nếp, khuôn vàng thước ngọc của Nho Giáo ;  còn  Đại Trượng Phu thiên về khí phách, nghĩa khí của kẻ sĩ  thời nhà Chu. 

3) Hiền Nhân

Tương đương với Quân Tử.
( Hiền đây không có nghĩa là hiền lành, hiền như cục bột ; hiền có nghĩa là có đức : hiền nhân là ngưới có đức)
Quân Tử là của Nho Giáo. Hiền Nhân là nói chung.
Nói cách khác, Quân Tử  là Hiền Nhân  của Nho Giáo.

V ) Đại Trượng Phu , Anh Hùng và Hiệp Khách

1) Anh Hùng

Anh là vua loài hoa, Hùng là vua loài thú. Anh Hùng là kẻ có tài đức siêu quần !
Các nhà đạo học loại chữ ‘Tài’ ra khỏi câu định nghĩa của Anh Hùng . Như Vương Thông, bậc nho gia lỗi lạc đời Tùy, đã định nghĩa Anh Hùng như sau :
Tự biết mình là Anh ; tự thắng mình là Hùng !
2) Đại Trượng Phu và Anh Hùng

Đại Trượng Phu và Anh Hùng đồng nghĩa.
Hai mẫu người lý tưởng này có khác nhau một chút :  Đại Trượng Phu, như đã nói ở trên, thiên về khí phách, nghĩa khí của kẻ sĩ  thời nhà Chu ,  còn Anh Hùng thường dùng để chỉ kẻ Đại Trượng Phu gây được sự nghiệp lớn lao, có công lớn với quốc gia.
Ví dụ :
_Người là bậc Anh Hùng dân tộc_Vua Lê Thái Tổ là bậc Đại Anh Hùng của dân tộc !
Và ai cũng biết câu ca dao :
             Ở đời muôn sự của chung,       Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi !
Chú thích : có vài nơi  dùng chữ Anh Hùng SAI đi. Như cuốn Thuyết Đường dùng võ công để định Anh Hùng ; như vậy nào phải là Anh Hùng ! giỏi lắm chỉ có thể tạm gọi là  Hùng mà thôi ( vua loài thú ), còn thiếu Anh ( là vua loài hoa ) !
Ba mươi , 35 năm về trước , ở nước ta có từ ngữ thường dùng, đó là Người Hùng. Do vì thiên hạ không dám tự xưng, không dám gọi người là Anh Hùng [ như vậy là rất đúng , rất phải ! ] , nên có từ ngữ này. Xưng là Người Hùng , thì tạm có thể chấp nhận được . Còn Anh Hùng, thì phải chờ lịch sử phê phán đã . . .
3) Hiệp Khách

Hiệp Khách luyện võ công để cứu khổn phò nguy.
Trong Long Hổ Phong Vân, Cổ Long dùng nhân vật Hồ Thiết Hoa để nói :
       Đại Trượng Phu sinh ra ở dòng đời, có những việc nên làm và những việc không nên làm . Những việc nên làm, dẫu biết không thành công vẫn làm như thường !
Không thành công khi thật sự tỉ thí với ác nhân cao thủ, thường là . . . chết !
Đây là anh hùng xả thân vì đạo nghĩa. Chân chánh Hiệp Khách !

4) Đại Trượng Phu và Hiệp Khách

Đại Trượng Phu và Hiệp Khách đồng nghĩa ; như trong ví dụ trên, Hiệp Khách Hồ Thiết Hoa đã tự xưng là kẻ Đại Trượng Phu ! (Hồ Thiết Hoa có quyền tự xưng là kẻ Đại Trượng Phu vì vừa chiến bại, sắp chết và trả lời kẻ chiến thắng tại sao biết trước sẽ thua mà vẫn đánh như thường ! )

Nói cách khác, Hiệp Khách là kẻ Đại Trượng Phu đã chọn "nghề" làm Hiệp Khách !

Do vì Anh Hùng thường dùng để chỉ kẻ gây được sự nghiệp lớn lao, có công lớn với quốc gia, hoặc kẻ đã hi sinh vì tổ quốc ; nên  trong văn chương lịch sử, Anh Hùng cao cả hơn Đại Trượng Phu ( Nhắc lại ví dụ : Vua Lê Thái Tổ là bậc Anh Hùng ! ) .
Nhưng  trong Phật Pháp thì khác . . .

VI ) Mặc Tử và Mạnh Tử, Đại Hiền

Kiêm thiện thiên hạ

Chủ trương ‘Kiêm thiện thiên hạ’ là chủ trương của Thánh Nhân Nhập Thế (Khổng Giáo và Mặc Giáo).

Mạnh Tử : ‘Cùng thì tự tốt lấy ta, đạt thì đem lại hạnh phúc cho thiên hạ (Kiêm thiện thiên hạ) ’ 
Mặc Tử cũng chủ trương ‘Kiêm thiện thiên hạ’. Thuyết của Mặc Tử là kiêm ái. Mặc Tử và các môn đồ vất vả ngược xuôi để cứu khổn phò nguy, giúp đỡ từ cá nhân hoạn nạn cho đến cứu trợ nhửng thành trì bị đánh phá.

Mặc Tử ‘Kiêm thiện thiên hạ’ nhiều hơn Mạnh Tử, tận tâm tận lực cứu khổn phò nguy hơn  Mạnh Tử nhiều. Học thuyết của Mặc Tử cũng rõ ràng vì nhân loại : Mặc Tử mạnh dạn tuyên bố rằng những việc đánh thành chiếm đất của vua chúa chỉ là những vụ ‘ăn cắp lớn’, ‘ăn cướp lớn’ ; rằng  ‘ăn cắp nhỏ’, ‘ăn cướp nhỏ’ thì bị trừng trị, còn ‘ăn cắp lớn’, ‘ăn cướp lớn’ thì được ca tụng là những hành vi anh hùng hào kiệt !

Mặc Giáo nêu cao Đại Tình : tình yêu lớn với quốc gia, dân tộc, nhân loại.
Người đạt đạo của Mặc Giáo, tuy thế , là Á Thánh chẳng phải là Thánh Nhân : vì chưa đạt được ’Không’ ! 
Đại Hiền

Đại Hiền đạt đạo ở trình độ trên Hiền Nhân  và dưới Thánh Nhân .
Đại Hiền còn được gọi là Á Thánh.
Mặc Tử và Mạnh Tử là bậc Đại Hiền !

VII ) Đại Trượng Phu trong Phật Pháp

Trong Phật Pháp , Đại Trượng Phu là Bồ Tát, còn được gọi là Đại Sĩ, Thượng Sĩ.

Ở quả vị Bồ Tát ( trên quả A La Hán), thì không còn phân biệt nam nữ. Như hầu hết mọi người đều biết, Quán Thế Âm Bồ Tát là đàn ông, nhưng thường thị hiện là người nữ !

Trong văn chương lịch sử, Anh Hùng cao cả hơn Đại Trượng Phu ( Nhắc lại ví dụ : Vua Lê Thái Tổ là bậc Anh Hùng ! ) ; nhưng  trong Phật Pháp, Đại Trượng Phu là Bồ Tát, nên hơn bậc Anh Hùng  và Đại Anh Hùng !

VIII ) Cư sĩ đã Kiến Tánh, Đại Sĩ , Thượng Sĩ

Trong thực tế, xưa nay ta và Tàu có 3 cư sĩ đã Kiến Tánh, lại được gọi là Đại Sĩ, Thượng Sĩ ( tức Bồ Tát) ; đó là
_Hàn San Đại Sĩ_cư sĩ Bàng Long Uẩn : Tương Dương Bàng Đại Sĩ_cư sĩ Trần Quốc Tung : Tuệ Trung Thượng Sĩ
Hàn San được gọi là Đại Sĩ, thì phải rồi vì là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù.
Còn Bàng Long Uẩn và Trần Quốc Tung thì chắc chắn không phải là Bồ Tát, Tuệ Trung từng có câu thơ :
_Bồ tát nói pháp, ta nói thiệt !
Vậy Đại Trượng Phu còn được dùng để chỉ cư sĩ đã Kiến Tánh ( dù dùng SAI !)

IX ) Lý do của tôn hiệu Đại Trượng Phu

Có lỳ do tại sao người đời gán danh hiệu này (Đại Sĩ, Thượng Sĩ ) cho những cư sĩ đã Kiến Tánh (và được kính trọng) ; đó là, cư sĩ đã Kiến Tánh không có danh xưng :
a) Kiến Tánh thì là Tổ ; nhưng cũng ít khi gọi những cư sĩ đã Kiến Tánh là Tổ !b) đúng luật người đã Kiến Tánh thì là Thiền Sư, nhưng vì Sư thường để chỉ kẻ xuất gia, nên người đời cũng ít khi gọi những cư sĩ đã Kiến Tánh là Thiền Sư !c) Kiến Tánh Thành Phật , nhưng người Kiến Tánh lại chẳng tự xưng là Phật !Xem bài viết:_Kiến Tánh Thành Phật
Do đó, người đời phải gán danh hiệu nào, ở duới Phật, mà trên tất cả !Nên có Danh xưng Đại Trượng Phu !   ( tức là Bồ Tát ) 
d) Điều này khá rõ, nếu ta để ý rằng : còn với nhà sư thì họ gán danh hiệu Đại Sư !(Đại Sư  đối với Đại Sĩ, dùng cho cư sĩ)
e) Sự thực, đây là một tôn hiệu ; bởi vì ta cũng gọi Quán Thế Âm Bồ Tát và Bồ Tát Văn Thù là Đại Sĩ !( Hai vị Bồ Tát này  đã Kiến Tánh.Người đã Kiến Tánh dẫu cao siêu cách mấy cũng chẳng dám so bì với hai vị Bồ Tát này  )( Kinh Đại Bát Niết Bàn : Bồ Tát thấy Tánh mà không rõ ràng.Thấy Tánh mà không rõ ràng tức là Bồ Tát vẫn chưa Kiến Tánh.Nhưng Quán Thế Âm Bồ Tát và Bồ Tát Văn Thù thì đã Kiến Tánh. )
X ) Người tráng sĩ Thiền Tông

Tôi cũng có ý gọi người đã Kiến Tánh là Đại Trượng Phu , do đó tôi có viết bài thơ Trượng Phu Ngâm :
             Cầu Bát Nhã, Tánh trong như lọc,  (1)

             Cõi Ta Bà, Dục mọc như non-  

             Biệt Vọng Ngã, há thảm buồn,
             Bộ khôn bằng Định, thủy khôn bằng Thiền !
             Nước có chảy, não phiền biệt giã,
             Cỏ có thơm, lòng dạ ngất ngây-
             Nhủ rồi, dứt áo khoát tay,
             Bước đi một bước, một dây thoát vòng !
             Lòng Ta tựa trăng vừng theo dõi,
             Lòng Đạo chừng vượt cõi non tiên,
             Quán tâm . . . thà vất Ỷ Thiên,    (2)
             Vung lòe Tuệ Kiếm, một thiền thoát ly !
             Đành tâm . . . vất cán Long Tuyền,   
             Vung lòe Tuệ Kiếm lái thuyền thoát ly !
             Luyện Kim Cang, theo vì Ngũ Tổ,    (3)
             Tới Thiếu Lâm, bàn Ngộ Đạt Ma !
              Hùng Tâm . . . rực rệt ráng pha,
              Tánh Ta tĩnh sáng như là nguyệt in !     (4)
Chú thích :

Bài thơ này họa lại đoạn   ‘Lúc Tiễn Biệt ‘ trong Chinh Phụ Ngâm
Xem Trượng Phu Ngâm
(1) Tánh ( viết hoa)  : tức là "Tự Tánh", tức Phật Tánh(2) Ỷ Thiên = Ỷ Thiên Trường KiếmỶ Thiên Trường Kiếm là thanh kiếm rất nổi tiếng từ 40 năm nay, ở nước ta và một phần của Tàu, nhờ vào . . .bộ truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký .Thanh Kiếm Ỷ Thiên có thật. Xem bài ‘Luận Kiếm’.(3) Kim Cang : Kinh Kim CangKinh Kim Cang là kinh Thiền Tông  từ đời Ngũ Tổ : ngài dạy rằng thọ trì Kinh Kim Cang có thể Kiến Tánh.(4)Tánh Ta ( viết hoa)  : dịch chữ Hán Việt "Tự Tánh", tức Phật TánhTrăng tượng trưng cho Phật Tánh : vì chúng sinh sống trong đêm dài u tối, trăng hiện ra tượng trưng cho Phật Tánh hiển lộ.
Bài thơ này nói lên Hùng Tâm Tráng Chí của người tráng sĩ Thiền Tông, đem thân thế mình ra đánh một canh bạc lớn : được ăn cả (Kiến Tánh), ngã về không !

Một khi đã gọi người tu Thiền Tông là Trượng Phu, thì người đã Kiến Tánh dĩ nhiên là Đại Trượng Phu !

XI ) Đại Trượng Phu , Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu

Mười danh hiệu của Phật, thường được nhắc đến trong những bài kinh, luận:
1. Như Lai là Người đã đến như thế, là nghĩa Như của các pháp;
2. Ứng Cúng, Người đáng được cúng dường
3. Chính Biến Tri, dịch theo âm là Tam-miệu-tam-phật-đà, là Người hiểu biết đúng tất cả các pháp
4. Minh Hạnh Túc , nghĩa là Người có đủ trí huệ và đức hạnh
5. Thiện Thệ là Người đã đi trên con đường thiện
6. Thế Gian Giải là người đã thấu hiểu thế gian
7. Vô Thượng Sĩ , đấng tối cao, không ai vượt qua
8. Điều Ngự Trượng Phu , nghĩa là người đã điều chế được mình và nhân loại
9. Thiên Nhân Sư  là Bậc thầy của cõi người và cõi trời
10. Phật Thế Tôn , Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính.
Trong mười danh hiệu này, có hai  danh hiệu  liên hệ với Đại Trượng Phu đó là :  Vô Thượng Sĩ , Điều Ngự Trượng Phu.

Trong Phật Pháp , Đại Trượng Phu là Bồ Tát, còn được gọi là Đại Sĩ, Thượng Sĩ.

Bồ Tát là Đại Sĩ , Thượng Sĩ.
Phật cao cả hơn hết nên là Vô Thượng Sĩ !

Bồ Tát là Đại Trượng Phu.
Phật vĩ đại hơn hết nên là Điều Ngự Trượng Phu !

* Lê Anh Chí *.

Kinh sách tham khảo

Kinh : 
Kinh Đại Bát Niết Bàn, dịch giả Thích Trí Tịnh       Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận       
Cuộc đời Đức Phật (Trích dẫn Kinh), dịch giả Thích Trung Quán       Kinh Kim Cang       Kinh Lăng Nghiêm,  dịch giả   Trí Độ và Tuệ Quang      Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG, dịch giả  Nhẫn Tế       
Kinh Trường A Hàm,  dịch giả   Thích Thiện Siêu       
Kinh Vô Ngã Tướng,  dịch giả Phạm Kim Khánh 
Ngữ Lục (đến đời Lục Tổ):       
Sáu cửa Thiếu Thất, Đạt Ma Sư Tổ, dịch giả Trúc Thiên       Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ, dịch giả Thích Minh Trực       Chứng Đạo Ca, Huyền Giác,  dịch giả Trúc Thiên
Ngữ Lục (sau đời Lục Tổ):       
Bá Trượng Ngữ Lục, dịch giả Thích Duy Lực       
Truyền Tâm Pháp Yếu, Hoàng Bá, dịch giả Thích Duy Lực       
Cội nguồn truyền thừa và phương pháp tu trì của thiền tông, Nguyệt Khê, dịch giả Mai Phúc Hiền       
Chơn tâm trực thuyết, Phổ Chiếu       
Lâm Tế Ngữ Lục       
Thiền Đốn Ngộ, nhiều tác giả : Huyền Giác, Huệ Hải, Thạch Thành Kim, Oánh Sơn,  Hư Vân; dịch giả Thích Thanh Từ       
Tọa Thiền Luận, Đại Giác, dịch giả Như Hạnh       
Tu tâm quyết, Phổ Chiếu
Từ Điển :       
Phật Quang Đại Từ Điển       
Phật Học Từ Điển, Đoàn Trung Còn       
Từ Điển Phật Học, Chân Nguyên _ Nguyễn Tường Bách 
Sách :       
Nam Hoa Kinh, Trang Tử, dịch giả Ngô Tất Tố       
Nam Hoa Kinh, Trang Tử, dịch giả Nguyễn Hiến Lê       
Tứ Diệu Đế, Thích Thiện Hoa,  Mặc Tử,  Nguyễn Hiến Lê       
Cuộc đời Thánh Tăng Đại Ca Diếp, Nguyễn Điều,       
Cuộc đời Tôn Giả Xá Lợi Phất, Nguyễn Điều,       
Cuộc đời Tôn Giả Mục Kiền Liên, Nguyễn Điều,       
Đường Mây Trên Đất Hoa, Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong       
Phật Giáo Khái Luận, Thích Chơn Thiện,       
Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ       
Tổ Thiền Tông, Thích Thanh Từ       
Thiền Đạo Tu Tập, Trương Trừng Cơ, dịch giả Như Hạnh       
Triết Học Trần Thái Tông, Nguyễn Đăng Thục       
Thiền Luận, D.T Suzuki, Trúc Thiên dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn 1973       Cổ Học Tinh Hoa, Nguyễn văn Ngọc và Trần Lê Nhân       
Nho Giáo, Trần Trọng Kim       
Việt Nam Phật Giáo sử luận,  Nguyễn Lang, NXB Văn Học, Hà Nội 1994       
Cao Tăng Dị Truyện, Hạnh Huệ biên dịch       Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Sử quan đời Trần và Lê       
Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim      
Đông Châu Liệt Quốc       
Hán Sở Tranh Hùng       
Sử Ký , Tư Mã Thiên       
Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, La Quán Trung, dịch giả Tử Vi Lang       Anh Hùng Xạ Điêu, Kim Dung       
Thần Điêu Hiệp Lữ, Kim Dung       
Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Kim Dung       Tiểu Lý Phi Đao, Cổ Long       
Huyết Tâm Lệnh, Cổ Long       
Long Hổ Phong Vân, Cổ Long
Nguồn bài viết Kientanh.com

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.