Type Here to Get Search Results !

Suy niệm mỗi ngày - Lev Tolstoy

"Hãy cố sống cuộc đời bạn sao cho mà, nhỡ ra nếu nó kết thúc sớm, thì thời gian còn lại, sẽ là một món quà bất ngờ" - trích "Suy niệm mỗi ngày" của Lev Tolstoy.

Đại văn hào Nga đã dành tám năm cuối đời hoàn thành tác phẩm "Suy niệm mỗi ngày" - cuốn sách được xem là đóng góp có giá trị lâu dài nhất của ông cho nhân loại.

Tên sách: Suy niệm mỗi ngày
Tác giả: Lev Tolstoy
Dịch giả: Đỗ Tư Nghĩa
Nhà xuất bản Hồng Đức

Cuốn sách Suy niệm mỗi ngày của Lev Tolstoy (1828-1910) vừa được phát hành ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sách được giới thiệu đến bạn đọc qua bản dịch của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa.

Lev Tolstoy vốn nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, trong đó có hai bộ đại tiểu thuyết là Chiến tranh và hòa bình và Anna Keranin. Nhưng Suy niệm mỗi ngày mới là cuốn sách ông yêu mến hơn tất cả những tác phẩm khác của mình. Tolstoy xem cuốn sách này là đóng góp quan trọng nhất của ông cho nhân loại.

Là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhưng khi bước vào tuổi già, Tolstoy không còn đánh giá cao những bộ tiểu thuyết vĩ đại của chính mình. Thay vào đó, đại văn hào tin rằng điều quan trọng hơn hết trong công việc viết lách là mang đến những tác phẩm hướng dẫn con người về đạo đức và tâm linh.

Ông bày tỏ quan điểm: "Sáng tác một cuốn sách dành cho đám đông, cho hàng triệu người thì lợi ích và tầm quan trọng không gì sánh nổi so với việc viết ra một cuốn tiểu thuyết chỉ cho một bộ phận người thuộc tầng lớp thượng lưu tiêu khiển trong khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi thì sau đó bị lãng quên mãi mãi".

Theo Tolstoy, hành trình để mỗi con người tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt trong nhân cách và đạo đức là hành trình đòi hỏi sự suy niệm, kiên trì và tu tập không ngừng nghỉ. Để biên soạn công trình 8 năm cuối đời, đại văn hào Nga chắt lọc, thu góp tài liệu từ nhiều nguồn: những thánh điển, tôn giáo chủ chốt, hệ thống triết học lớn và những tác phẩm văn học của hơn ba trăm trong số những tác giả ưa thích của ông...

Trong sách, Tolstoy trình bày minh triết tâm linh của nhiều dân tộc, nền văn hóa và giai đoạn lịch sử dưới dạng bộ sưu tập tư tưởng kiểu "nhật tụng". Sách có 30 chủ đề - ngụ ý về 30 ngày trong tháng. Mỗi chủ đề này được giảng giải, phân tích dưới dạng những đoạn văn ngắn.

Các chủ đề được lặp đi lặp lại theo chu kỳ - tương tự như các tháng lặp lại trong một năm. Đây được xem như một cuốn lịch về sự minh triết. Mỗi ngày, độc giả có thể lần giở từng trang để cùng Tolstoy suy ngẫm về từng chủ đề - vốn được sắp xếp theo trình tự logic, thuận tiện cho việc theo dõi. Đó là các chủ đề về: Đức Tin, Linh hồn, Thượng đế, Tình yêu đại đồng, Lòng kiêu mạn, Tự phụ và danh vọng, Tham lam và của cải, Phán xét và trừng phạt, Bạo động và chiến tranh, Khoa học sai lầm, Giận và thù, Nỗ lực, Lòng hy sinh, Hạnh phúc, Lao động và sự nhàn rỗi... Mỗi trang sách là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng Đông - Tây, như: tư tưởng Lão Tử, triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson, Pscal, The Talmud (được xem như "Kinh thánh" của người Do Thái), tục ngữ Trung Hoa, tục ngữ Ba Tư, minh triết Phật giáo...

"Hãy cố sống cuộc đời bạn sao cho mà, nhỡ ra nếu nó kết thúc sớm, thì thời gian còn lại, sẽ là một món quà bất ngờ" - trích "Suy niệm mỗi ngày" của Lev Tolstoy.

Dù đề cập đến đề tài triết học, tâm linh hoặc đơn thuần là những cảm xúc thường nhật ở mỗi con người, Tolstoy đều dẫn giải chúng với giọng văn cô đọng, giản dị, dễ hiểu và lôi cuốn. Trong bản dịch, dịch Đỗ Tư Nghĩa còn đan xen những cước chú của chính ông về các quan điểm của Tolstoy. Điều này khiến cho việc đọc sách như là một cuộc luận đàm thú vị giữa ba bên: độc giả - tác giả và dịch giả.

Trước khi ông qua đời vào năm 1910, cuốn sách được phát triển dần qua nhiều lần hiệu đính. Ban đầu, sách ra đời với tên The Thoughts of Wise Men (tạm dịch: Minh triết của Hiền nhân, 1903). Sau đó, sách được hiệu đính, đặt lại tên là A Circle of Reading (Tạm dịch: Một chu kỳ đọc, 1906). Cuối cùng, tác phẩm được biết đến với tên như Wise Thoughts for Every Day, hay For Every Day (Tạm dịch: Minh triết cho mỗi ngày, hay Cho mỗi ngày, 1909). Tuy vậy, đến năm 1995, sách mới được phát hành ở Nga và mau chóng trở thành sách best seller. Năm 1997, Peter Sekirin dịch cuốn sách sang tiếng Anh và xuất bản với tên A Calendar of Wisdom (Lịch minh triết).
Tags

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.