Type Here to Get Search Results !

1 tỷ đô la cho ý tưởng bán dao cạo râu

Ai cũng nghĩ thị trường dao cạo râu đã bão hòa, người mới không dễ gì chen chân vào.

Thế nhưng có hai anh chàng Mark Levine và Michael Dubin lại nghĩ khác. Và chính cách hai anh này khởi nghiệp xây dựng công ty bán dao cạo râu (tuần trước Unilever mới bỏ ra 1 tỉ đô la Mỹ để mua lại) chứng tỏ mọi loại hình doanh nghiệp đã tồn tại trên thương trường cũng đều phải tìm cách “tái khởi nghiệp” nếu không muốn bị “ăn tươi nuốt sống” bởi làn sóng khởi nghiệp theo mô hình kinh doanh mới.



Dubin và Levine lập nên Dollar Shave Club vào năm 2011, ý tưởng cũng khá đơn giản. Giới mày râu mỗi tháng tiêu chừng 10-20 đô la mua dao cạo râu ở tiệm - nay ai muốn đơn giản lại tiết kiệm thì vào trang web của Dollar Shave Club, đăng ký mua dao cạo râu, có loại chỉ 1 đô la, có loại 6 đô la mỗi tháng. Đăng ký xong, cứ yên tâm hàng tháng dao cạo sẽ tự động được gửi đến nhà.

Quảng cáo thì hai anh sử dụng kênh quảng cáo miễn phí trên YouTube và nhờ Dubin biết dàn dựng một video clip vui nhộn, cái quảng cáo kêu gọi mọi người đừng tiêu tốn 20 đô la mỗi tháng mà lại phải nhớ vào tiệm để mua, cứ bỏ ra 1 đô la (cộng thêm 2 đô la tiền vận chuyển) là có dao xài thoải mái được trên 23 triệu lượt người xem cho đến nay.

Theo tường thuật trên tờThe New York Times, chỉ trong vòng 24 giờ, cái “câu lạc bộ” này nhận được 12.000 đơn đặt hàng và chỉ trong vòng vài năm giúp hai anh chiếm đến 8% thị phần dao cạo râu, doanh số đạt 240 triệu đô la. Còn theoFinancial Timesthì thị phần của Dollar Shave Club trong loại dao cạo thay phần lưỡi lên đến 15% và hơn 50% thị phần dao cạo râu bán qua mạng.

Hiện Dollar Shave Club có hơn 3 triệu khách hàng đăng ký mua hàng thường xuyên nhưng toàn công ty chỉ có 190 nhân viên. Bởi dao thì hai anh thuê hãng Dorco ở Hàn Quốc sản xuất; phân phối lúc đầu tự làm nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã “outsource”cho một công ty khác ở Kentucky. Dollar Shave Club làm gì? - thiết kế, tiếp thị, dịch vụ khách hàng và nghĩ ra các món hàng khác phục vụ quý ông tận nhà như dao cạo râu.

Nay Unilever mua lại Dollar Shave Club giá 1 tỉ đô la, hai anh Mark Levine và Michael Dubin sau năm năm khởi nghiệp trở thành triệu phú.

Ngày trước hai anh làm chuyện đó được không? Ắt là khó bởi ngày trước tự mình xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ thông suốt 3 triệu khách hàng qua mạng Internet là chuyện khó cho một công ty khởi nghiệp.

Nay thì câu lạc bộ này thuê Amazon Web Services. Ngày trước rao bán dao cạo râu mà không có một mảnh đất làm nhà máy, ắt sẽ bị coi là lập dị hay thậm chí lừa đảo. Nay Dorco mà không thỏa mãn điều kiện hai anh đặt ra, họ có thể bỏ đi nơi khác thuê hãng khác gia công dễ dàng.

Sản xuất, vì thế, không còn mang nghĩa sản xuất như suy nghĩ truyền thống nữa. Sản xuất chỉ là một khâu rất nhỏ và thường là khâu vất vả nhất, ít lợi nhuận nhất.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump thường kêu gào phải bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ chứ không cho làm ở Trung Quốc nữa. Tạp chíMIT Technology Reviewđưa ra hai kịch bản: giả dụ Apple vẫn đặt làm linh kiện iPhone khắp toàn cầu nhưng đem về lắp ráp ở Mỹ, giá một chiếc iPhone 6 Plus có thể sẽ tăng thêm 5%; nếu sản xuất toàn bộ linh kiện ở Mỹ, giá sẽ tăng thêm chừng 100 đô la.

Vấn đề ở chỗ chi phí cho nhân công chỉ chiếm một phần rất nhỏ (chừng 4-10 đô la) còn lại chi phí tăng do năng lực sản xuất của các công ty Mỹ không còn cạnh tranh nổi với các đối thủ khắp thế giới nữa. Và suy cho cùng, Apple vẫn đang hưởng phần lợi lớn nhất chứ không phải 7 nhà máy lắp ráp hay 766 nhà cung ứng linh kiện. Chiếc iPhone 6s Plus giá bán 749 đô la chỉ tốn chừng 230 đô la để sản xuất.

Giờ chúng ta hãy nhìn lại Dollar Shave Club - 1 tỉ đô la mà Unilever bỏ ra mua lại, đâu có xu nào lọt vào tay nhà sản xuất thật sự là Dorco ở Hàn Quốc? Cũng chẳng có xu nào cho nhà phân phối ở Kentucky. Hóa ra quả ngọt của mô hình mới chỉ sẽ chảy vào túi một số ít người có những kỹ năng thích hợp với nền kinh tế số (cũng không nhất thiết là kỹ năng thiết kế - Gillette năm ngoái kiện Dollar Shave Club về cáo buộc ăn cắp kiểu dáng), nó không chảy về túi công nhân, những người lao động tay chân. Bên cạnh người khởi nghiệp, tiền cũng chảy về các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư, thường đã giàu nay càng giàu hơn.

Hiện nay những người lao động này đang sống ở những nước đang phát triển nên dù sao cũng chưa tạo ra hố sâu ngăn cách và bất mãn lớn. Nhưng ở các nước phương Tây sự bất mãn đã hiển hiện và nếu các công ty nghe lời Donald Trump đem sản xuất về lại nước Mỹ, cái khoảng cách thu nhập giữa người có ý tưởng, ngồi vẽ vời ý tưởng và người phải cong lưng hiện thực hóa cái ý tưởng đó ắt sẽ làm dân lao động Mỹ càng bất mãn hơn.

Cái khoản người tiêu dùng tiết kiệm được chính là lấy đi hàng ngàn việc làm ở khâu bán lẻ, phân phối nên mô hình mới càng thành công, việc làm càng bị mất đi.

Quay trở lại với các doanh nghiệp truyền thống, đối đầu với các ý tưởng khởi nghiệp có khả năng xáo động lãnh vực yên bình của họ, tất cả đều phải chuẩn bị một tinh thần “tái khởi nghiệp”, tức nhìn lại cả chu trình hoạt động của mình để tái cơ cấu lại.

Hướng tái cơ cấu là gì? Trước đây các hãng truyền thống gầy dựng cơ ngơi từ từ, chiếm lĩnh thị phần dần dần và vừa kinh doanh vừa tái đầu tư để phát triển. Họ thường phục vụ một thị trường nhất định nào đó và tìm mọi lợi thế để củng cố vị thế trong thị trường này. Ngày nay các công ty kiểu Dollar Shave Club nhắm tới số đông, lãi ít hoặc thậm chí không có lãi nhưng ào ạt chiếm lĩnh trận địa theo kiểu lấy thịt đè người. Họ được hậu thuẫn bởi các dòng tiền khổng lồ đang chạy khắp nơi tìm cơ hội như Dollar Shave Club để rót vào.

Đó là cách các nhân vật như Mark Levine và Michael Dubin nghĩ về “khởi nghiệp” chứ không chung chung như nhiều người đang mơ hồ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.