Type Here to Get Search Results !

Bài hát Hoa Trinh Nữ


Sáng tác: Trần Thiện Thanh (Nhật Trường)
Trình bày: Hải Yến

Hoa trinh nữ là một bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nội dung kể về một người lính khi thấy cành hoa trinh nữ thì lòng nhớ về người yêu ở xa. Tác phẩm Hoa Trinh Nữ được sáng tác năm 1967.

Nếu ai hỏi tôi, "Hoa nào đẹp nhất? Tôi sẽ nhắc đến một loài hoa không hương vẫn thường sống trên vùng khô cằn sỏi đá: HOA TRINH NỮ"
- Trần Thiện Thanh -

Ẩn tình “Hoa trinh nữ”

Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tên thật của ông) SN 1941, quê quán Phan Thiết, xuất thân là giáo viên, ông vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1960, đi hát với nghệ danh Nhật Trường và sáng tác nhạc với tên thật là Trần Thiện Thanh. Vì phục vụ trong quân đội Sài Gòn nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là “chuyên gia” sáng tác toàn những ca khúc về lính. Nào là: tình thư của lính, Tâm sự người lính trẻ,rừng lá thấp, Khi người yêu tôi khóc, Trên đỉnh mùa đông, Chiều trên phá Tam Giang, chuyện tình Mộng Thường, Không bao giờ ngăn cách, Chuyến đi về sáng, Bảy ngày đợi mong, Tuyết trắng, Người yêu của lính, Tạ từ trong đêm, Từ đó em buồn, góa phụ thơ ngây, Người ở lại Charlie, đám cưới đầu xuân, Biển mặn, Anh không chết đâu anh, Phút giao mùa, Đồn vắng chiều xuân, Hoa biển, Đám cưới đầu xuân, Anh về với em, Tình có như không, Hoa trinh nữ… Nói chung trong số lượng bài hát khổng lồ chủ đề về “lính”, ca ngợi “lính Việt Nam Công Hòa”, Trần Thiện Thanh họa hoằn lắm mới không đề cập tới “lính”, đó là bài “Hàn Mặc Tử” sáng tác trước giải phóng và bài “chiếc áo Bà Ba” sáng tác sau năm 1975 mang âm điệu dân ca và tình tự quê hương, dân tộc.

Riêng bài “Hoa trinh nữ” thì theo giới nghệ sĩ lúc bấy giờ Trần Thiện Thanh sáng tác nhằm có ý “than thân trách phận”, vì mình chỉ là một người bình thường, là “lính” nên mộng ước cũng thật bình thường không thể sánh được với “vua”, nên “em” tức giai nhân trong bài hát mới phụ tình, đi lấy người giàu sang, quyền quý, ám chỉ “vua”.

Trần thiện Thanh đã mượn sự tích “Hoa trinh nữ” tức “Hoa mắc cỡ”, một loài hoa dại mọc hoang bên đường, không hương thơm mà sắc thì nhạc phai, hèn mọn để lấy chuyện hoa mà nói chuyện mình. Ngụ ý của bài hát thì quá rõ, nhưng nhưng vật “vua” và “giai nhân” là ai? Nhiều người không hiểu chuyện thầm kín bên trong sẽ tưởng đó chỉ là “sự tích Hoa trinh nữ” mà nhạc sĩ cảm khái sáng tác thành bài hát. Còn một số người phong phanh nghe lời đồn đoán thì sẽ rất thắc mắc, khó giải nếu không biết được ẩn tình.

“Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa

Không ngọc ngà, không kiệu hoa, không nệm gấm, không cung son

Tôi chỉ là người lính xa nhà

Thấy hoa nhớ người yêu rất xa…

Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành trinh nữ thôi…”

Đây là một đoạn trong bài hát “Hoa trinh nữ” của Trần Thiện Thanh. Giai nhân trong bài hát được nhắc đến chính là ca sỹ Minh Hiếu. Cô và Trần Thiện Thanh từng có thời gian đi hát chung và qua hệ tình cảm. Thông tin cho rằng bài hát "Không bao giờ ngăn cách" là nhạc sỹ sáng tác cho cô. Từng có thừoi gian ca sỹ Minh Hiếu hát độc quyền bài hát này.

"Vua" trong "Hoa trinh nữ" được cho là Trung tướng Vĩnh Lộc tư lệnh quân đoàn 2. Tướng Vình Lộc là anh em họ của Vua Bảo Đại (vình Thụy). Tại Pleiku, Tướng Vĩnh Lộc đã ký quyết định cho ca sỹ Minh Hiếu làm hạ sĩ qua danh dự. Sau này ca sĩ Minh Hiếu trở thành vợ tướng và bài hát "Hoa trinh nữ" được cho rằng sáng tác trong hoàn cảnh đó.

"Bài Hoa trinh nữ không dễ thể hiện, nhiều người gọi là “bài hát tử thần” của tôi. Sau này khi đi chấm thi, nghe các em cover lại bài này, tôi đã rất khó tính. Ngoài việc bắt buộc phải hát đúng từng chữ trong văn bản gốc, tôi đều khuyên họ hiểu rõ ngữ nghĩa ca từ để cảm nội dung bài hát. Hoa trinh nữ thấy dễ vậy mà không dễ đâu. Ngày trước, anh Trần Thiện Thanh cũng khó khăn, kỹ lưỡng với tôi lắm nên nhờ vậy mà tôi hát những ca khúc của anh thành công, được khán giả khắp nơi yêu mến”, nữ nghệ sĩ Phương Dung nói.

Cảm nhận bài hát


Hoa trinh nữ - một bài hát được rất nhiều bạn trẻ hiện nay biết đến qua giọng hát vượt trội của "thí sinh Hải Yến" qua chương trình Thần tượng Bolero.

Khi "bí ẩn Hoa trinh nữ" được hé lộ, cũng là lúc mọi người yêu mến ca khúc này hơn. Riêng tôi, bài hát Hoa trinh nữ lại có một "sắc màu" khác, có thể đó là cảm nhận của một chàng trai trẻ đang yêu, và bị cuốn theo dòng chảy của Bolero.

Nói đến Hoa mắc cỡ (Hoa trinh nữ) thì ít ai không biết đến, thậm chí cũng một thời chịu những vết dằm đến mưng mủ khi vô tình dẫm phải gai của loài hoa này. Điều thú vị chính là khi chạm nhẹ vào lá thì những cánh lá nhỏ bé nhanh chong khép lại. Tại sao lại như thế? rất nhiều người đã hỏi như vậy và cũng ít ai đi tìm hiểu nguyên do. Lớn lên rồi, thỉnh thoảng "chạm" phải cũng là khi bao hồi tưởng về tuổi thơ lại vọng về.

Nghe Hoa trinh nữ nay cũng khác xưa nhiều. Tôi đã nghe rất nhiều lần trước khi biết đến giọng hát của bạn Hải Yến từ các ca sĩ khác. Nhưng Hải Yến đặc biệt để lại ấn tượng với tôi bởi phong thái và diễn đạt. Với chất giọng khỏe, vang cùng cách phát âm rõ từng ca từ đã phô diễn tất cả những gì đẹp nhất của giọng hát Hải Yến. Có thể tôi bây giờ cũng khác xưa khi nghe bài hát này. Ngày ấy tôi chẳng hiểu biết nhiều như bây giờ. Ngày ấy tôi cũng không có phương tiện để có thể nghe và ngay sau đó có thể ngồi lại mà viết những cảm nhận. Ngày ấy mọi thứ qua đi thật nhẹ nhàng như những cơn gió thoang thoảng bên tai; và ca khúc Hoa trinh nữ ngày ấy cũng đến và đi với tôi cũng thoảng qua như vậy.

Điều hơn cả để tôi đánh giá cao ở giọng ca Hải Yến đó là tôi cảm nhận được cái "chất" của Hoa trinh nữ ở con người nữ thí sinh này. Thật khó để diễn tả thành lời. Nhưng đại loại là hoa trinh nữ có gai góc thế nào thì khi nghe, tôi cảm thấy điều tương đồng ở giọng ca Hải Yến. Tôi thích cái phong thái biểu diễn của bạn ấy, nhất là mái tóc. Nhìn vào mà cảm tưởng đến những nhị hoa mong manh trong gió. Điều đó càng làm tôi cuốn hút hơn khi trải nghiệm với bài hát này. Tuy Hải Yến không nhấn nhá như các bề anh chị đi trước, nhưng đã kể cho mọi người câu chuyện theo cách riêng của mình bằng sự mượt mà nhưng không kém phần kiêu sa, góc cạnh.

Nghe Hoa trinh nữ mà thấy lòng xao động, thấy thích và yêu Bolero nhiều hơn. Trần Thiện Thanh có không ít bài hay, nhưng Hoa trinh nữ có lẽ là một trong những bài tuyệt nhất của người ca-nhạc sĩ đa tài này. Và tôi lại có thêm cơ hội để trải lòng cùng loài hoa "đáng yêu hơn đáng giận" này.

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Phấn của nhụy hoa trinh nữ ( mắc cơ) tuyệt vời nhất mà Pon Ali!

    Trả lờiXóa