Type Here to Get Search Results !

Điều gì mới thực sự quan trọng trong hôn nhân?

Điều gì mới thực sự quan trọng trong hôn nhân? - Tình yêu ư? Tôi e đó không phải câu trả lời thỏa đáng.

Đời sống hôn nhân của chúng ta, ở các bạn trẻ ngày nay hay thời nào cũng luôn tồn tại những mối trăn trở nhức nhối chẳng hạn như: chuyện tiền bạc, chuyện ngoại tình, chuyện ghen tương, chuyện con cái, chuyện họ hàng nội - ngoại đôi bên, chuyện giáo dục con cái, chuyện sinh hoạt vợ chồng,... Tất cả đều đáng lo, đáng để bận tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta lấy gì làm nền tảng để có thể cùng người bạn đời vượt qua tất cả những chông gai đó, hay phải ngậm ngùi bước tiếp lối đi của riêng mình.

Tình yêu

Đây có lẽ là nền tảng đầu tiên, lớn nhất mà bất kỳ ai không cần đắn đo cũng trả lời ngay được. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta ngày ngày đi tham dự lễ thành hôn của rất nhiều bạn, nhưng 1-2 năm sau lại nghe nói họ đã đường ai nấy đi. Họ kết thúc với quyết định đến từ tòa án. Họ có yêu nhau không? Chắc chắn là có. Họ thề nguyện rằng sẽ yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời đó chứ. Nhưng vấn đề ở chỗ, họ yêu nhưng dần dần mất đi sự tôn trọng nhau.

Tôi nhận thấy có rất nhiều bạn quan tâm đến chuyện hôn nhân của mình. Họ đọc và tìm hiểu được không ít, trong đó luôn có những tư vấn đại loại như thế này:

  1. Điều lớn nhất về người mà bạn sẽ kết hôn là gì?
  2. Khi nào bạn biết rằng người này là một trong những bạn muốn kết hôn?
  3. Cuộc hôn nhân có ý nghĩa gì với bạn? Tại sao bạn muốn trở thành một người có gia đình?
  4. Điều gì sẽ thay đổi về mối quan hệ của bạn một khi bạn đã kết hôn? Điều gì sẽ ở lại? Hai điều ấy có giống nhau không?
  5. Kỉ niệm bạn yêu thích nhất về người bạn đời là gì?
  6. Khi bạn còn nhỏ, bạn có mơ ước trong ngày cưới của bạn: về người vợ/ chồng tương lai?

Tiền bạc

Là một người thông minh và sáng suốt, chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng: Tiền bạc không phải là nền tảng đáng tin cậy để trở nên điều quan trọng nhất của hôn nhân. Bởi có rất nhiều đôi bạn xuất thân bần hàn, nhưng biết biến những khó khăn thành động lực để dìu dắt, động viên, thương yêu nhau hơn để đi đến cuộc sống hôn nhân ngày càng tốt đẹp hơn. Trong khi nhiều đôi bạn con ông cháu cha, xuất thân danh gia vọng tộc nhưng lại có kết cuộc buồn là sự tan vỡ trong hôn nhân.

Trách nhiệm, phục vụ

Nếu cuộc hôn nhân mà những thành viên của cuộc phối ngẫu đó xác định và lấy làm tôn chỉ để sống đời sống hôn nhân thì không nên. "Cái khó nó bó cái khôn", làm thế nào chúng ta có thể nghĩ đến những gì tốt đẹp hơn khi trong thâm tâm luôn văng vẳng những lời nhắc nhở phải "có trách nhiệm", phải "phục vụ" chồng, con,... Vì yêu mà đến với nhau, vì thương mà ở lại gắn bó với nhau và làm người bạn đời đồng hành cùng nhau; thế thì đâu cần phải gán cho nó những gì trách nhiệm, là phục vụ cho thêm "gánh nặng", làm gia tăng căng thẳng, phức tạp thêm tình hình. Tại sao chúng ta không đổi lại cách nghĩ, như những gì vốn có khi 2 con người đến với hôn nhân; vì yêu mà nhẫn nhịn, vì thương mà thêm chút "hy sinh", vì yêu mà thứ tha,...

Men muối của hôn nhân

Hôn nhân cũng giống như bữa ăn trong mỗi gia đình. Bữa ăn đó có mặn chút, có thiếu thốn hay trễ một chút nhưng được đong đầy bởi công người vợ, lời khen của chồng và nụ cười từ con chẳng phải đã đủ ấm áp, là nguồn yêu thương hơn cả sao? Dẫu cho có lúc ốm đau hay "tai bay vạ gió" thì chịu chút thiệt thòi nhưng đổi lại sự quan tâm, hiếu thảo từ con cháu chẳng phải là điều đẹp đẽ, ý nghĩa hơn sao?.

Cuộc hôn nhân nào cũng vậy, không sớm thì muộn, không trước thì sau cũng trải qua ngần ấy cung bậc cảm xúc, từng ấy vấn đề. Mỗi khó khăn, thử thách chỉ để thêm hiểu nhau, yêu thương nhau hơn mà thôi. Men muối của hôn nhân là sự tôn trọng, yêu thương, hy sinh, nhẫn nhịn, tha thứ và thêm chút nụ cười lẫn nước mắt. Nếu hôn nhân chẳng phải là nơi biến thử thách thành sự quý trọng nhau thì tất yếu sẽ đi đến sự bế tắc và tan vỡ; vì nơi ấy luôn được ngự trị bởi hoài nghi, ghen tương, cãi vã, giận hờn, thờ ơ và im lặng.


Thế hệ của những người nhanh quên và thiếu trách nhiệm với lời nói của mình

Dù có tôn giáo hay không, chúng ta thử xem lại nghi thức hôn phối của đạo Công giáo làm ví dụ để thấy được những yêu cầu, trách nhiệm và ràng buộc trong đó:
Lạy Chúa, Chúa dùng bí tích cao trọng

thánh hóa tình nghĩa vợ chồng,

để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh.

Xin cho các tín hữu Chúa đây là anh (ông) T. và chị (bà) T., biết thực hiện trong cả đời sống ý nghĩa sâu xa của bí tích hôn nhân họ sắp cử hành.

Chúng con cầu xin vì Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con

Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa

hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Nghi thức Hôn Phối

Trong thánh lễ, sau Phúc Âm và bài giảng, chủ tế đứng trước mặt đôi tân hôn để cử hành nghi thức hôn phối:

Các con (anh chị) thân mến, các con (anh chị) đến nhà thờ để tình yêu các con (anh chị) được Thiên Chúa đóng ấn trước mặt đại diện Hội Thánh và cộng đồng dân Chúa. Thức vậy, Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc tình yêu này, và Chúa dùng bí tích đặc biệt làm cho các con (anh chị) luôn luôn trung tín với nhau, và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân, cũng như chính Người đã dùng phép Thánh Tẩy để thánh hiến các con (anh chị). Bởi đó, trước mặt Hội Thánh, cha hỏi ý kiến các con (anh chị):

T... và T... các con (anh chị) có tự do và thực lòng đến đây, chứ không bị ép buộc, để kết hôn với nhau không?

Ðôi Tân Hôn đáp:

- Thưa có!

Chủ tế hỏi:

Khi chọn đời sống hôn nhân, các con (anh chị) có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?

Ðôi Tân Hôn đáp:

- Thưa có!

Chủ tế hỏi:

Các con (anh chị) có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?

Ðôi Tân Hôn đáp:

- Thưa có!

Chủ tế đọc:

Vậy bởi vì các con (anh chị) đã quyết định kết hôn với nhau, các con (anh chị) hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con (anh chị) trwóc mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người.

Ðôi tân hôn bắt tay nhau hoặc cầm tay nhau, rồi bên nam nói:

Tôi T... nhận em T... làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.

Bên nữ đáp lại:

Tôi T... nhận em T... làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời tôi.

Nhưng vì một lý do gì, chủ tế có thể hỏi đôi tân hôn theo cách dưới đây:

Chủ tế hỏi bên nam:

T... nhận em T... làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với vợ, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng vợ mọi ngày suốt đời không?

Bên nam trả lời:

Thưa con nhận.

Chủ tế hỏi bên nữ:

T... nhận em T... làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với chồng, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng chồng mọi ngày suốt đời không?

Bên nữ trả lời:

Thưa con nhận.

Chủ tế đọc:

Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà chúng con (anh chị) đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin Người đổ tràn đầy ơn phúc cho chúng con (anh chị).

Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly. Amen.

Chúng ta thử nghiêm túc xét mình xem mấy khi những gì ta tuyên ngôn khi ấy lại hiện thực hóa chúng trong đời sống hôn nhân; hay vì đồng tiền, miếng cơm manh áo hoặc vì mục tiêu phù phiếm nào đó mà quên đi lời hứa, lời thề nguyện khi ấy.

Ai bảo đàn bà nói nhiều thì nên xem lại. Có chăng cái "nhiều" đó chỉ là số chữ/ký tự từ miệng của người phát ngôn. Tâm điểm của đàn ông hay phụ nữ có gia đình trong các câu chuyện phần lớn là than phiền về vợ con, với phụ nữ thì về chồng con. Trên bàn nhậu, chuyện phù phiếm đến đâu cũng chất chứa trong lòng lòng vòng chuyện gia đình. Tôi hiểu lý do để người ta than phiền, nhưng tôi không ủng hộ việc than phiền khi thiếu vắng đối tượng được nói đến. Nếu một người ngay cả khi tâm tính bình thường, tỉnh táo nhất lại chẳng thể nói điều mình muốn thì liệu khi mượn chút men thì có ích gì? Sự hèn nhát đến thế là cùng.

Xin đừng quên hai chữ "Tôn trọng"

Dù bạn là ai, làm gì hay địa vị thế nào thì xin đừng quên bạn cũng chỉ là một con người. Một cá thể có phẩm giá và cần được tôn trọng. Điều đó cũng có nghĩa là khi bạn đối diện với một "con người" bất kỳ dù chỉ là một đứa trẻ, bạn cũng cần tôn trọng họ như là đối tượng ngang hàng về phẩm giá. Trong đời sống hôn nhân, "quy tắc tôn trọng" luôn đúng. Không phải là của nhau rồi thì có quyền muốn làm gì thì làm. Nếu các ông chồng tự cho bản thân có cái quyền bỏ tiền cưới vợ để được cái quyền hạch xách, hách dịch thì tốt nhất các ông nên đi mua nô lệ chứ đừng cưới vợ. Hôn nhân có thể không vì yêu thương, nhưng tuyệt đối cần có sự tôn trọng. Nói cách khác, không có tình yêu chúng ta vẫn tồn tại, nhưng nếu xã hội không có sự tôn trọng thì chúng ta khó mà sống được. Tựa như mệnh đề "cần" và "đủ", "cần" sự tôn trọng để gắn bó với nhau, và "đủ tình yêu" để làm cho đời sống thăng hoa hơn, đẹp đẽ hơn.

Nhìn ra xung quanh

Cuộc sống ngày nay, ngay cả với xã hội được cho là kém phát triển như đất nước chúng ta cũng đang có chiều hướng tốt đẹp hơn. Chúng ta được thừa hưởng rất nhiều thành quả từ khoa học kỹ thuật, giáo dục và kết nối. Khi cái ăn cái mặc được đảm bảo hơn, chúng ta hướng đến làm đẹp, thụ hưởng nhiều giá trị hơn. Tuy vậy, chúng ta vẫn có 1/2 cuộc đời để sống cuộc sống hôn nhân, phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phát sinh từ cuộc hôn phối bản thân đã chọn. Hôn nhân không phải là trò chơi. Nếu chỉ dừng lại ở nhận thức rằng đó là trò chơi, không vừa ý thì chúng ta chọn chơi lại cho đến khi thắng. Đó là suy nghĩ sai lầm. Liệu bạn có bao nhiêu ngày tháng để "chơi"? Cứ phải bắt đầu lại thử hỏi có thấy mệt không? Thế nên, cái chúng ta cần là xác định đúng đắn việc hôn nhân, việc "chung thân đại sự" của chính mình.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.