Bất cứ khi nào chị Oghenefega Otitifore, một kỹ sư sống tại Okearo-Nigeria muốn rút tiền mặt, chị sẽ đến các cửa hàng bán lẻ gần nhà thay vì ngân hàng hay máy rút tiền tự động (ATM).
Nguyên nhân chính của câu chuyện này là do 2 chiếc máy ATM trong vùng cách khá xa nhà chị cũng như có hàng dài người xếp hàng và thường xuyên báo hết tiền. Đó là chưa kể đến chi nhánh ngân hàng gần nhất cách nhà chị Otitifore đến gần 5km và chị sẽ phải tốn vài giờ để lái xe với chất lượng đường xá ở Nigeria.
Trên thực tế, chính thực trạng yếu kém của cơ sở hạ tầng hệ thống tài chính đã thúc đẩy sự hình thành của ngành kinh doanh tiền tệ mới này ở Nigeria. Ban đầu, chỉ các trạm xăng ở đây thực hiện việc rút tiền mặt, thế rồi nhu cầu lớn của người dân khiến nhiều cửa hàng bán lẻ trong vùng cũng tham gia ngành dịch vụ này.
Các ATM tại Nigeria thường xuyên thông báo hết tiền
Những cửa hàng nhỏ này ban đầu chỉ thay thế các dịch vụ thanh toán trực tuyến của ngân hàng như trả tiền truyền hình cáp hay tiền điện nước. Dần dần, ngay cả những dịch vụ cơ bản như rút tiền cũng được các cửa hàng này phục vụ với chiết khấu 10-15%.
Tại nhiều nước phát triển như Mỹ hay Anh, loại hình cửa hàng thanh toán tiền mặt này đã tồn tại từ lâu dưới dạng nhận séc đổi tiền hay vay nợ tiền mặt qua ngày. Những cửa hàng này chủ yếu phục vụ các khu vực nghèo khó ở những nước phát triển. Tuy nhiên, trong khi những người nghèo ở các quốc gia này vẫn có thể truy cập dịch vụ ngân hàng thì người dân Nigeria lại không có lựa chọn nào khác.
Vào năm 2005, Thống đốc Charles Soludo của ngân hàng trung ương Nigeria (CBN) đã hối thúc một hệ thống phi tiền mặt trên thị trường do chi phí quá lớn từ việc thay thế các đồng tiền mặt mới cũng như tổ chức hệ thống chi nhánh ngân hàng quá tốn kém. Ngoài ra, việc sử dụng tiền mặt quá nhiều khiến chính phủ nước này thất thoát một lượng lớn tiền thuế cũng như khó kiểm soát được dòng tiền.
Chính vì lẽ đó, Nigeria không mấy mặn mà việc gia tăng số lượng ATM hay các chi nhánh ngân hàng. Trớ trêu thay, hệ thống cơ sở hạ tầng và nền kinh tế nước này chưa chuẩn bị đầy đủ. Hệ quả là người dân vẫn khát tiền mặt khiến nhiều cửa hàng bán lẻ giờ kiêm luôn nhiệm vụ rút tiền của ngân hàng.
Theo hãng tin Bloomberg tính đến năm 2014, khoảng 98% lượng giao dịch của nước này vẫn bằng tiền mặt, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 85% của các thị trường mới nổi và 80% tại Nam Phi.
Những thay đổi chậm chạp
Trên thực tế, chính phủ Nigeria đã thúc đẩy thị trường phi tiền mặt từ năm 2005 bằng việc hỗ trợ thành lập các công ty khởi nghiệp như Paga, chuyên về mảng công nghệ thanh toán trực tuyến. Số lượng đầu đọc thẻ thanh toán cũng đã tăng từ 5.000 năm 2012 lên 158.000 năm 2014. Nhiều ngân hàng cũng đã phát triển hệ thống chuyển khoản trực tuyến hay thanh toán online, nhưng nhu cầu với tiền mặt của người dân vẫn rất cao.
Nigeria là một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Phi nhưng 60% đóng góp GDP của nước này đến từ những ngành phi chính thức. Bởi vậy, nhu cầu tiền mặt trong người dân là vô cùng lớn. Hơn nữa, việc chính phủ không muốn tốn thêm tiền điện, chi phí quản lý để mở rộng ATM hay các chi nhánh ngân hàng càng khiến mô hình rút tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ ở đây phát triển mạnh hơn.
Tại nhiều nước phát triển, sự bùng phát của công nghệ khiến thị trường mất rất nhiều lao động nhưng ở Nigeria, sự phát triển của kỹ thuật thanh toán trực tuyến lại thúc đẩy ngày càng nhiều việc làm cho mảng tiền tệ. Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất hạ tầng, đường xá kém, tốc độ Internet chậm… khiến những nghề như xếp hàng rút tiền mặt thuê tại ATM phát triển.
Mặc dù chính phủ nước này đã cố gắng thúc đẩy một thị trường phi tiền mặt nhưng những tiến bộ đạt được chẳng là bao. Trong khi ứng dụng thanh toán trực tuyến M-Pesa thành công rực rỡ ở Kenya, Tanzania và nhiều nước Châu Âu thì chúng lại chẳng gặt hái được mấy ở Nigeria.
Năm 2017, CBN cho biết có khoảng gần 2 nghìn tỷ đồng Naira được lưu hành trên thị trường nước này và mục tiêu của Thống đốc Soludo năm 2005 đến hiện nay vẫn chưa thực hiện được.
Gần đây, Nigeria đã cam kết sẽ cấp phép dịch vụ chuyển tiền cho các hãng di động nếu họ chứng minh được khả năng thúc đẩy thị trường phi tiền mặt tại đây, một động thái cho nỗ lực giảm tiền mặt đang lưu hành.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính phủ nên tăng cường giáo dục cho người dân cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để giải quyết tận gốc vấn đề thay vì chỉ ban hành các giải pháp ngọn như vậy. Ước tính của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy 68% người dân Nigeria vẫn chỉ có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày và họ chắc chắn thích dùng tiền mặt hơn là các loại thẻ.
Nguồn Thời đại
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.