Đây thực sự là kinh nghiệm xương máu của tôi, cả về phương diện bản thân, thực trạng của M21love và cái nhìn từ tất cả các blog mà tôi biết. Bạn biết đấy, ngồi nghĩ ra một đề tài để viết và chịu khó để ngồi "gõ" chẳng phải là chuyện đơn giản. Đó là công sức và sự nghiêm túc chứ chẳng phải chơi, viết cho xong, viết cho có bài. Vì thế, mỗi bài viết của một ai đó thực sự là đáng nể và đáng được tôn trọng.
Bản thân tôi, m21love cũng chẳng ít bài copy. Cái thuở ấy mới tập tành, thấy gì cũng ham, cũng thích gom về "nhà" mình làm tài liệu nghiên cứu. Nói thế cho nó sang, chứ copy về rồi có mấy khi đọc lại đâu, mặc ai đọc thì đọc, miến là mình có đăng cho có thứ người ta vào đọc.
Đó thực sự là vấn đề cho đến khi tôi nhận ra. Tôi nghỉ chơi và Up bài trong một khoảng thời gian dài, khoảng 2 năm. Lý do là tôi muốn cân nhắc thật kỹ về vấn đề kiếm tiền với việc viết Blog. Dù trước đó, tôi chưa hề nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ Blog, nhưng là người viết Blog, tôi muốn được thử cái cảm giác nhận "thù lao" cho công sức và tâm huyết của mình. Tôi bắt đầu thay đổi, từ nửa copy nửa viết sang tự viết hoàn toàn. Và cũng từ đó, tôi biết được nhiều câu chuyện và vấn đề của một người thực sự muốn kiếm tiền với việc viết Blog. Điều mà bạn có thể tham khảo ở từ khóa Blog, nơi tôi chia sẻ tất cả những hiểu biết của mình về cách kiếm tiền từ Blog. Thật vui nếu những điều bạn đọc dưới đây, và những gì bạn tham khảo từ những bài viết của tôi giúp ích cho bạn.
Bây giờ thì chúng ta đi vào vấn đề tôi đưa ra ngày hôm nay. Đúng như tiêu đề, những gì bạn nên biết và phải tránh đó là việc copy bài. Tại sao?
Đó là hành vi xấu.
Không ai thích bị gọi là kẻ ăn cắp, kẻ đạo văn hay gì gì đó đồng nghĩa với "chôm chỉa". Trong thế giới Web/blog nói chung và ông thần Google nói riêng, khi bạn sao chép nghĩa là bạn dễ bị bỏ qua việc lập chỉ mục với công cụ tìm kiếm.Bạn nên biết cái thằng robot tìm kiếm của Google đến nay nó thông minh lắm luôn rồi. Bạn thích gì, bạn làm gì, thời gian bao lâu nó đều thu thập và lập cho bạn một ngăn hồ sơ về các hoạt động của bạn. Nó chẳng giấu giếm bạn điều gì, thậm chí nó còn gửi cho bạn nghiên cứu chơi. Thấy nó chịu chơi và ngầu chưa? Đó là điều đương nhiên, vì có quá nhiều thông tin trùng lặp, và tại sao nó phải bận tâm với các trường hợp tương tự khi nó có thể bỏ qua.
Điều đó đúng với việc sao chép. Google luôn đánh giá cao các bài viết "đầu tay", đầu tay nghĩa là nó chẳng trùng lặp với ai, nó khác biệt và nguyên bản. Chính vì thế, việc lập chỉ mục của robot tìm kiếm cũng căn cứ vào đó. Mới nó cho dô liền, sao chép nó ừ à tí cho qua rồi nhét vào đâu đó, vui thì xuất ra, buồn thì kệ.
Bạn có để ý thấy các kết quả tìm kiếm thì thường trang Wikipedia nó luôn đứng trong Top 10 không. Hiếm khi thấy nó ở các trang khác. Lý do là cái cỗ máy tìm kiếm nó mặc định thế. Trong thế giới Blog, các trang như MyBloggerTricks, Helpblogger,... luôn được điều hướng và show ra trong hàng triệu kết quả tìm kiếm. Lý do là vì các trang đó được SEO tốt và nội dung gần như là đầu tay.
Đó là lý do để từ chối đăng kí Adsense.
Mỗi blogger có ý định viết blog để kiếm tiền thì Adsense là bước đầu tiên phải vượt qua. Tất nhiên, không phải là nhất định nhưng nên thử. Việc dó mang lại nhiều ý nghĩa. Trước hết là sự thẩm định của Google cho những nỗ lực của chủ blog trong việc thiết kế và sáng tạo nội dung. Tiếp theo là sự kiên nhẫn với trong việc duy trì nội dung của blog. Kế đến là các yêu cầu cần đáp ứng để đặt quảng cáo, mà muốn làm được điều này, ít nhiều người viết blog phải am hiểu chút code, thiết kế và chỉnh sửa trong việc thiết lập các không gian để đặt quảng cáo. Một vấn đề mới, thách thức mới nhưng không gì là không thể. Vì Blogger nào cũng ham tìm hiểu và tài nguyên hướng dẫn thì luôn sẵn có.Vì là hầu hết các Blogger chuyên nghiệp đều dành ưu tiên cho việc kiếm tiền với Adsense nên Adsense nó có cái khó của nó trong việc phê duyệt trước khi gửi quyết định từ chối hoặc chấp thuận yêu cầu.
Các Blogger kiếm được nhiều tiền nhất với việc viết blog đều có thu nhập chủ yếu từ Adsense. Cách kiếm thu nhập từ Adsense có thể hình dung là, khách truy cập blog của bạn càng nhiều thì xác suất người đọc nhấp vào quảng cáo càng cao và họ càng nhấp, bạn càng kiếm được nhiều tiền . Với một blog với 10.000 lượt xem mỗi ngày và may mắn được 100 lần nhấp vào quảng cáo/ ngày - bạn sẽ thấy trong một tháng, chủ sở hữu nhận được hơn một nghìn đô la.
Blogger và Adsense quan hệ với nhau khá chặt chẽ. Khi Adsense phát hiện blog của bạn đầy dẫy những gì được sao chép, nó sẽ không ngần ngại từ chối bạn. Nếu blog của bạn may mắn được thông qua thì cũng nên xem xét lại và điều chỉnh lại cho đúng hướng trước khi bị phát hiện và các thông báo không may đến từ Adsense xuất hiện trong hòm thư của bạn.
Lượng truy cập của blog thấp
Thật tồi tệ nếu sự chăm chỉ của bạn chỉ để mình bạn xem. Khi mà mọi nỗ lực của bạn đều vì 2 lý do chính: một là ngày càng có nhiều người xem hơn và thứ hai là làm thế nào để được trả nhiều tiền hơn. Thực tế là các blog đi sao chép sẽ ngày càng có ít lượt truy cập hơn. Nó không giảm trong vài ngày, nó giảm từ từ và đến khi bạn nhận ra thì quá muộn cho những nỗ lực cứu vãn. Vì sao? Bạn muốn hiểu và biết lý do thì bạn phải đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn khác là, vì sao người ta lại đọc các blog hơn là các trang báo chính thống, hoặc các tin từ các công ty truyền thông chuyên nghiệp?Có thể bạn may mắn khi gặp ai đó đưa ra đáp án cho bạn, nhưng quan trọng hơn hết chính là bạn phải tự tìm ra câu trả lời, và hiểu được điều cốt lõi để giải quyết triệt để vấn đề. Khi đó, bạn sẽ hiểu được vì sao người viết bài viết này lại dùng những tính từ mạnh mẽ để khuyên ai đó nên dừng lại việc sao chép.
Thêm vào đó, chính sách báo cáo và các nguyên tắc cộng đồng của Blogger và Google rất nghiêm khắc. Google thà đóng cửa G+ còn hơn để cho nó dễ dãi với đủ thứ nội dung như Facebook. Điều đó nhắc nhở những blogger sao chép rằng, hãy cẩn thận vì trước khi Google tìm đến bạn, ai đó là chủ nhân của sản phẩm sẽ Report bạn, và khi Google chứng thực, nhẹ thì bạn phải xóa đi các bài sao chép, nặng thì tài khoản của bạn lẫn Blog của bạn bị khai tử. Đó là điều chẳng ai thích và mong muốn đến với mình. Đặc biệt là với một người thật thà và đầy lương thiện như bạn. Và những hệ lụy của các rắc rối đó sẽ kéo theo lượng người xem đến với blog của bạn ngày càng giảm dần và ít đi. Việc kiếm tiền trở thành "dã tràng se cát". Khi đó, bạn đối diện với nguy cơ phải từ bỏ niềm đam mê, kể cả phương tiện kiếm thu nhập của mình.
Mất dần đam mê
Khi tạo ra một blog, chắc hẳn chủ nhân của nó đang ấp ủ rất nhiều dự định và ra sức đầu tư cho nó. Nhưng công việc đi copy là quá dễ dàng thay vì phải ngồi cắm mặt mà nghĩ và nặn ra chữ để thành một bài đăng. Không phải lập dàn ý, không phải lên ý tưởng, không phải chỉnh sửa hay chăm chút bố cực sao cho đẹp mắt, cuốn hút,... mà chỉ là vài thao tác, click chuột phải > chọn Copy > và Paste > Lưu lại/Xuất bản. Thế là xong.Nó quá dễ dàng, ai cũng làm được. Nhưng dần dần sự dễ dãi đó khiến blogger quên đi chí hướng tốt đẹp của mình. Nó kéo các blogger ra những khoảng trời mới và khi đó niềm đam mê sẽ bị méo mó, giảm dần và mất đi để nhường chỗ cho việc đỡ mất thời gian kia.
Bạn nên biết điều gì làm nên thương hiệu một Blog nói riêng và Blogger nói chung không? Đó chính là nội dung và cách mà anh/cô ta trình bày nó. Người ta thích là thích cái cách, cái câu chuyện mà tác giả của nó trình bày. Nó khác biệt và mọi người thích nó, quay trở lại để tìm những câu chuyện khác mà người đó viết. Người đi sao chép sẽ không bao giờ hiểu được cái lý đó. Và, khi một người viết blog được nhiều người xem họ sẽ có thêm nhiều động lực để cố gắng, hoàn thiện hơn. Đến một lúc nào đó, họ tiến lên một đẳng cấp khác mà khó ai có thể theo kịp.
Các blogger giàu nhất, kiếm tiền nhiều nhất, nổi tiếng nhất đều trải qua một quá trình như vậy.
Đam mê có thể là chìa khóa để thành công. Niềm vui và hạnh phúc sẽ đong đầy hơn nếu tâm sức của mình được đáp đền cách xứng đáng. Trước tiên là niềm vui và sự thỏa mãn khi bản thân làm được điều gì đó có ích. Sau là niềm vui được đáp trả với những khoản thu nhập tương xứng. Niềm vui, trải nghiệm, và thành công là những thứ đi liền với nhau. Bạn xem một bộ phim, clip ca nhạc có thể làm bạn vui trong chốc lát nhưng nó cũng chóng tan biến như cách nó đến. Bạn lại loay hoay đi tìm niềm vui mới, trò vui mới. Niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh và hạnh phúc chỉ thực sự bền lâu khi bạn làm việc, lao động với tất cả những gì là của bạn, do chính bạn tạo ra thì mới có thể làm bạn thỏa mãn được. Sao chép tuyệt đối không bao giờ khiến bạn vui, nó chỉ làm tăng thêm những rui ro và lo lắng cho bạn mà thôi.
Mất nguồn tài trợ
Việc sao chép cướp đi rất nhiều sự chấp thuận từ các nguồn: Adsense, người đọc, các nguồn tài trợ. 3 thứ ấy bạn mất đi thì thử hỏi bạn kiếm tiền với việc viết blog bằng niềm tin à? Cũng có thể bạn còn một nguồn thu nhập khác để hy vọng, đó là bán sản phẩm của bạn. Vậy thì, nếu blog có ít lưu lượng người truy cập thì bạn bán kiểu gì? ai sẽ xem và chọn mua những sản phẩm bạn cung cấp?Không ai thích bị sao chép, cũng không ai ưa kẻ đi sao chép. Đó là lý do hợp lý để chối từ mọi lời đề nghị đến từ kẻ sao chép.
Bạn có còn muốn đi sao chép nữa không?
Hãy đặt mình vào vị trí người đi xem tin. Bạn cần tìm nội dung nào đó nhưng khi lên Google search thì mấy trang liền đều có đề mục giống y chang nhau. Bạn có thất vọng, phát cáu về điều đó không?Điều đó nói lên một lẽ, chúng ta đều rất nhạy cảm với những gì lặp đi lặp lại. Khi đó, họ sẽ bỏ qua các kết quả tìm kiếm tương tự để cố tìm một bài viết khác đi với các kết quả "như một" ấy. Khi tôi viết về Anh Tú (hải ngoại) : những khúc hoài niệm cũng gặp điều tương tự. Tôi đã phát cáu vì có quá nhiều kết quả tương tự lặp đi lặp lại, và tôi cố gắng kiếm một kết quả nào khác khác đi, nhưng khó quá. Sau cùng, tôi ngôi viết theo cách mà tôi cảm thấy.
Viết blog là niềm vui. Là một cỗ máy kiếm tiền thụ động. Nơi đây, bạn được trả tiền và tìm thấy niềm vui, trên hết là bạn được làm công việc mình thích và thỏa trí với khả năng khai sáng của mình. Nhưng việc đi sao chép sẽ dần lấy đi tất cả của bạn. Nếu chưa đi sao chép thì tốt nhất là từ bỏ ý định đó đi. Còn nếu bạn đang đi sao chép thì nên cân nhắc và dừng lại, nếu không muốn rủi ro phá đi sự bình yên vốn có. Còn nếu đã sao chép khá nhiều thì cũng nên trả lại sự công bằng trước khi người khác đòi hỏi sự công bằng từ bạn.
Bạn thấy đấy, sao chép ngay từ bản chất nó đã xấu và khó ưa. Thế nên dại gì ta lại giành cái xấu xí và rủi ro tiềm tàng về phần mình.
Hãy cân nhắc!
Bạn thấy đấy, sao chép ngay từ bản chất nó đã xấu và khó ưa. Thế nên dại gì ta lại giành cái xấu xí và rủi ro tiềm tàng về phần mình.
Hãy cân nhắc!
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.