Type Here to Get Search Results !

Những nguyên tắc "ngầm" trong thế giới Blog

Cũng giống như bao trò chơi khác, thế giới blog cũng có những "luật chơi" của nó. Một khi bạn mắc sai lầm, những rủi ro sẽ có lúc gõ cửa nhà của bạn. Điều đó không tốt lành gì khi những nỗ lực của bạn bị phủ nhận chỉ vì thiếu hiểu biết về những quy tắc trong thế giới blog. Những quy tắc tôi liệt kê dưới đây không chỉ áp dụng cho bản thân, mà còn áp dụng cho mọi blogger nói riêng và các nhà văn nói chung.

Khi bạn không tuân thủ các quy tắc này, bạn sẽ cảm thấy mất mặt khi ai đó nói thẳng với bạn rằng, bạn chơi không đẹp và mọi người cần phải "tẩy chay blog của bạn. Đó là nhẹ, nặng hơn thì blog của bạn trở thành đề tài để phê phán. Tệ hơn nữa là bạn phải đi tranh tụng về mặt pháp lý.

Những quy tắc tôi đang nói đến bao gồm: bản quyền, sở hữu trí tuệ, sao chép, đạo văn, xác nhận phải trả tiền và quyền riêng tư. Thế giới blog xem ra cũng không khác gì so với những gì thực tế cần phải giữ trong đời sống hàng ngày. Rằng trộm cắp, sao chép, xâm phạm quyền riêng tư là hành vi đáng để lên án và xấu xa.

Cho dù người khác không hoặc chưa ai đụng chạm đến bạn, nhưng tự bản thân bạn phải xác định và tốt nhất là không nên phạm phải. Vì nó chẳng có ích lợi gì cho bạn, mà nó gieo vào tâm trí bạn nỗi sợ hãi, lo âu vì sợ một ngày nào đó bị phát hiện và bạn phải trả giá cho những gì mình đã làm.


Tự do sao chép

Hãy nói không với điều này. Kinh nghiệm nói với tôi rằng, điều này chẳng có gì hay ho và đáng tự hào. Cho dù thông tin đó được rất nhiều người đọc và đánh giá cao tại blog của bạn đi chăng nữa, nó vẫn không bao giờ là của bạn.

Thêm vào đó, khi bạn sao chép được lần 1, sẽ có lần thứ hai, thứ 3 và khi nó trở thành thường xuyên bạn sẽ đánh mất giá trị của bạn. Rằng sự hiện hữu của bạn, blog của bạn chỉ là để cho người khác biết, bạn chỉ là một blogger sao chép.

Đây là nguyên tắc và cũng là điều bạn nên nhất quán với bản thân khi viết blog, đặc biệt khi bạn muốn viết blog kiếm tiền.

Xem thêm: Những điều bạn phải biết và tránh khi viết blog kiếm tiền

Trích dẫn nguồn

Nhiều bài viết có thể chỉ dẫn bạn nên làm điều này khi "vay-mượn" nội dung từ ai đó. Còn tôi, tôi chân thành khuyên bạn nên bỏ hẳn ý định "vay mượn đó luôn. Đây là lý do:
  1. Bạn hoàn toàn có thể diễn giải nội dung đó theo cách của bạn chứ không nhất thiết phải sao chép y nguyên. Ngoại trừ việc bạn trích dẫn những phát ngôn, danh ngôn, tục ngữ, hay các số liệu thống kê.
  2. Khi bạn kiếm sống bằng cách đi "vay mượn" thì lối sống đó không bền vững. Sự bền vững đảm bảo cho bạn phải là tự bạn sáng tạo từ chính bạn.
    Ví dụ, bạn có thích nói chuyện với một người mà những gì họ nói lại luôn trích dẫn người này nói, người kia phát biểu thế này hay thế kia không? - Tôi thì dị ứng với điều đó. Vì tôi cho rằng người đó không có lập trường. Họ hoàn toàn không có gì là của riêng họ. Cũng có nghĩa là điều mà họ nói chỉ là những lý thuyết suông chứ không phải những gì tinh túy được rút ra từ những sai lầm, trải nghiệm và cuộc sống của họ. Nếu phải nói chuyện với một đối tượng như vậy, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn để đọc và tìm hiểu.
  3. Bạn nên biết, những cái gọi là khái niệm, định nghĩa xét ở mặt nào đó có thể nó đúng trong một giai đoạn thời gian nào đó, chúng không phải là bất biến. Vì lẽ đó, hãy tự tin với những gì bạn nói, vì rất có thể hôm nay nó chưa hoàn toàn thuyết phục, nhưng một lúc nào đó thiên hạ sẽ xem xét và đánh giá lại những gì bạn cho là đúng trong hôm nay. Có thể hôm nay bạn chẳng là ai nên những điều bạn nói có thể vô giá trị. Nhưng khi bạn thành công, người khác sẽ phải trích dẫn lại từ, câu hay bài viết của bạn.
Vì thế, thay vì có thói quen trích dẫn điều người khác nói, hãy tự tin với những gì bạn muốn biểu đạt.

Trong trường hợp buộc phải trích dẫn, lời khuyên của tôi là nên trích nó ngay từ đầu bao gồm các thông tin (Tác giả, tên blog/web và đính các liên kết kèm theo).

Ví dụ: Theo thông tin của tác giả Alius từ M21love, đăng ngày 9/9/2019, bài viết phản ánh abcd...

Công khai thông báo các thông tin có trả tiền

Bạn không thích sự mập mờ hay lừa gạt, người khác cũng vậy. Thực sự là tôi không thích các trang download cho lắm. Bởi nó dẫn chúng ta đến quá nhiều những trang mập mờ, đầy dẫy những đường link đính kèm (bao gồm cả nguy cơ các đường link có kèm mã độc). Nhất là khi bạn không biết tiếng Anh, bạn rất dễ bấm nhầm vào các link quảng cáo trước khi click đúng vào chỉ dẫn để đến với tài liệu cần tải về.

Trong quá trình duyệt web, đặc biệt là các blog tiếng Việt, chuyện spam quảng cáo chẳng có gì làm lạ. Nhưng đó là chuyện của họ. Tôi không thích thì tôi không tin và không bén mảng tới thêm lần nào nữa là được.

Còn lời khuyên của tôi cho việc công khai thông báo các thông tin phải trả tiền nói riêng, và các khoản phí nói chung là việc đáng để làm. Là một blogger hay với danh nghĩa blog của bạn, sự cởi mở và trung thực là cần phải có. Nếu bạn được trả tiền từ việc người khác click vào quảng cáo thì cũng nên để lời nhắn tử tế và khuyến khích người ta ủng hộ bạn bằng việc click vào hơn là, bạn cứ đính kèm các link theo cách spam. Cụ thể:
  1. Đối với quảng cáo - Bạn nên làm sao để người truy cập biết chắc đó là nội dung quảng cáo. Đừng cố mập mờ. Trong vô vàn trang web, trang của bạn chưa chắc là trang có nội dung tốt nhất. Khi bạn đánh mất một khách truy cập, nó cũng đồng nghĩa với bạn mất đi rất nhiều lợi ích kèm theo.
  2. Đối với các link dẫn ra bên ngoài blog - Theo tôi cách tốt nhất là bạn nên tạo một bảng chỉ dẫn rõ ràng họ nên làm gì, bấm vào đâu, và nếu muốn họ có thể bấm vào các quảng cáo ở trang đó để ủng hộ/tài trợ cho bạn.
Tạo một chỉ dẫn đối với một blogger không khó, cũng chẳng tiêu tốn nhiều thời gian của bạn. Nhưng chắc chắn nó cung cấp một sự minh bạch và trung thực của bạn, sự tôn trọng của bạn đối với khách. Và những nỗ lực đó sẽ được đánh giá cao, sẽ được đáp đền theo cách bạn không sao ngờ tới.

Yêu cầu sự cho phép

Đây là một nguyên tắc cần thiết và phải nhất quán tuân theo. Việc sử dụng trích dẫn, hình ảnh, audio, video, tài liệu trên blog của bạn cũng cần phải được sự cho phép và chấp thuận của chủ sở hữu. Nó làm bạn mất nhiều công sức, nhưng đáng để làm.

Xây dựng Chính sách bảo mật/ Quyền riêng tư trên blog của bạn

Đừng đánh giá thấp điều này, khi mà quyền riêng tư đang trở nên là mối quan tâm của hầu hết người dùng internet đương thời. Bằng cách xây dựng và công khai nó, bạn tạo ra những quy định cho mình và cho người dùng trên blog của bạn. Điêu này gián tiếp xác nhận những gì trên blog thuộc về quyền sở hữu của bạn. Khi ai đó có ý định xâm phạm, ít nhất bạn cho họ biết giới hạn mà bạn cho họ.

Hơn nữa, bằng việc xây dựng chính sách cụ thể áp dụng trên blog của mình, blog của bạn trông có vẻ chuyên nghiệp hơn. Khách truy cập cũng đánh giá sự chuyên nghiệp của bạn hơn về tính minh bạch, rõ ràng và cụ thể.

Xây dựng một blog văn minh

Có thể blog của bạn được tạo nên dựa trên những nền tảng miễn phí, và nó được tạo ra bởi chính bạn, nó thuộc về bạn, nhưng không có nghĩa là bạn hoàn toàn có quyền tự do viết bất cứ điều gì bạn muốn mà không phải chịu trách nhiệm nào về nó. Bạn nên nhớ, các nhà cung cấp nền tảng cũng chịu sự chi phối của pháp luật của nước sở tại. Và những gì được cho là xấu, là hành vi bôi nhọ, xúc phạm, vi phạm các nguyên tắc cộng đồng thì bạn và blog của bạn cũng phải trả giá cho những hành vi thiếu văn minh đó.

Khi bạn viết blog kiếm tiền thì điều quan trọng là nó phải công khai và sẵn có cho thế giới xem. Khi 2 điều đó mất đi thì sự nghiệp viết blog của bạn coi như chấm dứt. Kế hoạch kiếm tiền xem như phá sản.

Sau cùng, khi bạn chấp nhận mở tính năng bình luận trên blog của bạn, bạn phải có trách nhiệm với nó. Trách nhiệm của bạn là phải quản lý được các phản hồi và trả lời cách chu đáo nhất. Bạn cũng đừng cố tranh cãi với khách của mình trong khi bạn có thể phản biện bằng bài viết phản biện được đăng sau đó.

Việc xây dựng một blog văn minh nói thì dễ, nhưng để nó luôn nhất quán thì không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi ở chủ blog sự tận tâm và chu đáo.

Sửa lỗi

Những bài viết lâu ngày sẽ bị ảnh hưởng bởi các thay đổi thiết kế. Hoặc các link liên kết không còn hoạt động. Bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định xóa nó hay chỉnh sửa.

Khi bạn tiến hành sửa lỗi thì cũng nên để lại lời giải thích cụ thể. Điều đó thể hiện sự chuyên nghiệp của một blogger.

Trên đây là một vài nguyên tắc trong thế giới blog mà tôi rút tỉa ra được sau nhiều năm trải nghiệm với blog của mình. Có những điều sớm được nhận ra, nhưng cũng có điều gần đây mới thực sự thông suốt. Đã gọi là nguyên tắc thì đã được nhất quán thông qua và cứ theo những chuẩn mực đó mà nghiêm túc thực hiện. Không thỏa hiệp vì bất cứ lý do gì.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.