Type Here to Get Search Results !

Tiêu điểm thế giới ngày 15/7: Nga 'oanh tạc' Syria để trả thù, Biển Đông dậy sóng quan hệ Mỹ-Trung, Anh 'dứt tình' với Huawei

Nga không kích Syria, căng thẳng Anh-Trung Quốc liên quan đến Huawei, vấn đề Hong Kong, Biển Đông, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, tình hình Libya và đại dịch Covid-19 là các sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tình hình Syria | Nga không kích trả đũa phiến quân sau vụ đội tuần tra trúng mìn

Ngày 14/7, truyền thông quốc tế dẫn lời người dân địa phương cho biết, Nga đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa phiến quân ở Tây Bắc Syria sau khi một đội tuần tra của quân đội Nga bị trúng mìn. Các cuộc không kích của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) được thực hiện tại tỉnh Latakia.

Sáng 14/7, các binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã bị thương trong một vụ nổ mìn trên đường đi tuần tra. Vụ nổ xảy ra giữa một xe bọc thép của lực lượng vũ trang Nga và một xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

3 quân nhân Nga bị thương và được đưa đến căn cứ không quân Hmeimim. Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị thương. Theo Nga, thiết bị nổ tự tạo đã được các chiến binh đặt trên đường xe bọc thép đi qua.

Cùng ngày, quân đội Syria đã bắt giữ 3 chiến binh của tổ chức cực đoan Magavir al-Saura và đưa đến thành phố Tadmor, nằm gần Palmyra. Những người bị bắt giữ thuộc một nhóm vũ trang bị sa vào bãi mìn khiến một số thành viên nhóm này thiệt mạng. (Jerusalem Post)

Mỹ-Trung Quốc | Vấn đề Hong Kong: Mỹ mạnh tay, Trung Quốc dọa phản đòn

Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Hong Kong, đồng thời ký ban hành Đạo luật Hong Kong, theo đó cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức Trung Quốc liên quan đến luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt cho Hong Kong, bao gồm trừng phạt các ngân hàng giao dịch với những quan chức này.

Ngày 15/7, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc "phản đối mạnh mẽ và kịch liệt lên án" Đạo luật Hong Kong, nhấn mạnh Đạo luật này "vu khống một cách hiểm độc" luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt ra với thành phố này.

Bộ này khẳng định: "Trung Quốc sẽ có những phản ứng cần thiết để bảo vệ những lợi ích chính đáng của nước này và áp đặt các lệnh trừng phạt với các cá nhân và thực thể Mỹ liên quan".(AFP, THX)

Vấn đề Biển Đông | Mỹ không loại trừ trừng phạt, Trung Quốc 'lên gân'

Ngày 14/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á David Stilwell cho rằng, "không có gì là không thể đưa ra bàn thảo", khi ông trả lời câu hỏi của một nhóm chuyên gia cố vấn về khả năng có biện pháp đáp trả sự hăm dọa của Trung Quốc ở Biển Đông.

David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ở khu vực Đông Á. Ảnh: Reuters
Ông Stilwell cho biết, Mỹ có thể trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới các hành động hăm dọa ở Biển Đông.

Quan chức ngoại giao Mỹ đã đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Mỹ bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông, coi đây là hành động hoàn toàn bất hợp pháp - một lập trường mà Bắc Kinh cho rằng đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Phản ứng với cảnh báo của ông Stilwell, ngày 15/7, Trung Quốc cáo buộc Washington gây rối và làm bất ổn ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố không sợ bất cứ lệnh trừng phạt nào mà Mỹ có thể áp đặt. (Reuters)

Anh-Trung Quốc | Vụ Huawei: Anh dứt tình, ông Trump muốn "chịu trách nhiệm", Trung Quốc đòi lợi ích

Hôm 14/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Công ty công nghệ Huawei khỏi mạng 5G của Anh trước cuối năm 2027, động thái có nguy cơ chọc giận Trung Quốc bằng cách gửi tín hiệu rằng, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới không được chào đón ở phương Tây.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Công ty công nghệ Huawei khỏi mạng 5G của Anh trước cuối năm 2027

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, rằng ông chịu trách nhiệm về quyết định của Thủ tướng Johnson, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi đã thuyết phục rất nhiều quốc gia không sử dụng thiết bị của Huawei. Bản thân tôi đã tự làm điều đó vì chúng tôi nhận thấy việc sử dụng thiết bị Huawei là nguy cơ bất ổn đối với an ninh. Đó là một rủi ro an ninh rất lớn".

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố phản đối mạnh mẽ quyết định của Anh và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời cho rằng, quyết định về các vấn đề thương mại và công nghệ này bị thúc đẩy bởi sự chính trị hóa chứ không phải vì lý do an ninh quốc gia. (Reuters)

Anh dùng tàu sân bay 5,6 tỷ USD gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc?

Tàu sân bay mới trị giá 3 tỷ Bảng (khoảng 5,6 tỷ USD) của Hải quân Hoàng gia Anh, có tên là HMS Queen Elizabeth, sẽ được triển khai đến Viễn Đông để tham gia tập trận quân sự với Hải quân Mỹ và Nhật Bản.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh. (Ảnh: Quân đội Anh)

Khi được triển khai tới Viễn Đông, HMS Queen Elizabeth sẽ được hộ tống bởi nhiều tàu chiến khác, trong đó có 2 tàu khu trục lớp Type-45 và 2 khinh hạm, trong khi lực lượng trên không của tàu sẽ bao gồm 2 phi đội F-35B Lightning II.

Tàu có khả năng mang theo 36 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 thuộc phiên bản có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Tàu HMS Queen Elizabeth có thủy thủ đoàn khoảng 800 người, không tính phi công, so sánh với thủy thủ đoàn 2.600 người của tàu sân bay Mỹ.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa London và Bắc Kinh liên quan đến việc Chính phủ Anh chỉ thị cho các nhà cung cấp viễn thông nước này không mua thiết bị mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G) từ tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc kể từ đầu năm 2021, vấn đề Hong Kong và nguồn gốc virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đang gây ra đại dịch với gần 13,5 triệu người nhiễm bệnh trên toàn cầu.

The Times dẫn một nguồn tin cho biết, tàu sân bay này sẽ được đưa tới những khu vực được xem là tuyến giao thương chính của Anh và nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trong các khu vực trên. (National Interest, The Times)

Tình hình Libya | Được bật đèn xanh, Ai Cập khẳng định sẵn sàng bảo vệ Libya

Ngày 14/7, truyền thông Ai Cập dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội nước này Soliman Wahdan khẳng định, các nghị sĩ Ai Cập đánh giá cao quyết định của cơ quan lập pháp chính quyền miền Đông Libya nhằm "bật đèn xanh" để Cairo can thiệp quân sự, nếu điều này là cần thiết để bảo vệ điều gọi là "an ninh quốc gia" của cả hai bên.

Theo ông Wahdan, đây là quyết định lịch sử nhằm cho phép các lực lượng vũ trang Ai Cập chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nghị sĩ Quốc hội Ai Cập cam kết, giới lãnh đạo và nhân dân Ai Cập sẵn sàng bảo vệ Libya và sẽ không bao giờ để những người anh em Libya cảm thấy thất vọng.

Trước đó, cơ quan lập pháp chính quyền miền Đông Libya, có trụ sở tại thành phố Tobruk, đã nhất trí cho phép các lực lượng vũ trang Ai Cập can thiệp với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập nếu họ nhận thấy mối đe dọa với cả hai bên.

Tháng trước, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng lên tiếng cảnh báo nước này có thể cử binh sĩ đến Libya sau khi GNA đẩy lùi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar khỏi các khu vực xung quanh Thủ đô Tripoli. (THX)

Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ 'phối hợp chặt chẽ' về tình hình Libya

Ngày 14/7, truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump “đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn với tư cách là đồng minh… nhằm thúc đẩy sự ổn định lâu dài ở Libya”.

Về vấn đề Libya, Ankara công khai ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho GNA để chống lại lực lượng miền Đông dưới sự chỉ huy của Tướng Khalifa Haftar.

Trong khi đó, Washington cũng đã chính thức ủng hộ GNA trong khi các đồng minh của Mỹ là Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại hậu thuẫn cho ông Haftar. Trước đó, Ankara cho rằng Mỹ cần đóng vai trò chủ động hơn ở Libya.

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ở Libya sẽ khó có hồi kết khi tiếp tục có sự can dự của các cường quốc trong khu vực khi các bên ủng hộ các phe đối địch tại quốc gia Bắc Phi này. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài chỉ làm cho tình hình ở Libya thêm phức tạp và rối ren hơn. (Reuters)

Dịch Covid-19 | Thủ đô Tokyo báo động cấp độ cao nhất về nguy cơ lây lan Covid-19


Ngày 15/7, Thị trưởng Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) Yuriko Koike đã đưa ra cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi các chuyên gia nhấn mạnh số ca nhiễm gia tăng rõ ràng là "dấu hiệu nguy hiểm".

Một người con gái Shinto đeo mặt nạ bảo vệ đi bộ tại một ngôi đền giữa các bệnh gây (covid-19) bùng phát, tại Tokyo, Nhật bản vào ngày 15 tháng 7. (REUTERS Photo)
Theo các chuyên gia, số người trẻ tuổi nhiễm Covid-19 đang gia tăng tại Tokyo, với các ca nhiễm được ghi nhận tại các khu vui chơi giải trí vào ban đêm, tại nơi làm việc hoặc trong gia đình.

Tuy nhiên, cảnh báo ở cấp độ cao nhất này không có nghĩa là chính quyền thành phố sẽ yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh hoặc hoãn tổ chức các sự kiện.

Cùng ngày, chính quyền tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản, thông báo có thêm 36 ca nhiễm mới tại doanh trại Hansen, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại các căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh này lên 136 ca. Như vậy, đến thời điểm này, doanh trại Hansen có tổng cộng 58 ca nhiễm, căn cứ không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ có 71 ca nhiễm, căn cứ không quân Kadena có 5 ca nhiễm và doanh trại McTureous và Kinser mỗi nơi có 1 ca nhiễm.

Tính đến nay, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận 13.486.823 người nhiễm Covid-19, trong đó có 581.965 ca tử vong.