Sài Gòn là mảnh đất tụ họp của dân tứ xứ, chính bởi vậy nếp sống, văn hóa của người sài Gòn là sự tổng hợp của rất nhiều vùng miền khác nhau từ Bắc vào Nam. Uống cafe là thói quen của rất nhiều Sài Gòn, và văn hoa cafe nơi đây cũng thật muôn hình muôn vẻ.
Phong cách cafe tại Sài Gòn
Cà phê hẻm
Ngày lại qua ngày, bị cuốn theo nhịp sống hối hả của một Sài Gòn năng động, đã bao giờ bạn gạt qua những bươn chải, lo toan tách mình khỏi dòng người vội vả để dừng chân bên 1 quán cafe hẻm (hay cafe lề đường, cafe cóc tuỳ cách mỗi người gọi). Có thể cafe hẻm bình dân, chỉ là 1-2 cái bàn nhỏ cùng vài cái ghế con con, không có “ghế nệm êm êm”, không có “điệu nhạc trầm mềm”; có thể “đa phần cafe hẻm làm gì hy vọng được là cafe nguyên chất hay 50-50 là cafe, 9 phần bắp, 1/2 phần nước màu và 1/2 phần còn lại mới là cafe.”
Nhưng cà phê hẻm vẫn rất ngon vì … ngon đôi khi không hẳn là vị giác. Đó là “vị ngon” của tiếng chim ríu rít mỗi sớm mai, là “vị ngon” khi từng chiếc lá me nhẹ nhàng rơi lên tóc, là “vị ngon” của hương hoa, của gió, của hơi sương, hay chỉ đơn giản là cảm giác được dừng chân nghỉ ngơi ngắm nhìn dòng đời tấp nập. Cafe hẻm thì rất nhiều và mỗi nơi phong cách mỗi khác, nhưng tất cả đều có chung 1 đặc điểm: giá khá mềm 4000-6000/ ly.
Có thể cafe hẻm không sang trọng, không "xứng tầm" với 1 số người tự cho mình là "sành điệu" nhưng với tôi đó là nơi có thể trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống. Hãy thử 1 lần dừng chân và thưởng thức.
Hẻm - Một cõi đi về - Hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, tp HCM.
Nhắc tới café hẻm không thể không nhắc tới cái hẻm khá nổi tiếng ấy, đơn giản chỉ vì nơi đó ngày xưa có nhà của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Con hẻm rất mát. Vỉa hè bên phải có gốc cây trang cổ thụ. Thường những cây bông trang cao cỡ 1m, hoa màu đỏ. Cây này hoa trắng và cao phải đến 5m, thân to như cây xoài lão. Nhìn lên tán lá xanh, thấy từng chùm hoa li ti trắng xoá, chợt thấy lòng thanh thản lạ. Ngồi đây thỉnh thoảng bạn sẽ gặp Trịnh Vĩnh Trâm hay Trịnh Vĩnh Trinh đi về.
Cà phê sách
Nếu có nhã hứng với cà phê một mình nhưng lại không muốn đắm chìm vào suy tư thì cà phê sách sẽ là một chọn lựa thích hợp. Luôn có không gian ấm cúng với ánh đèn vàng ấm áp, nhạc nhẹ vừa đủ nghe và những góc ngồi riêng biệt. Khách đến quán cũng không ồn ào náo nhiệt mà lặng lẽ, chuyện trò nhỏ giọng hay thả hồn theo trang sách. Tuỳ vào gout của chủ quá hay đối tượng khách quán nhắm đến mà bạn có thể tìm thấy các loại sách khác nhau trong quán. Nếu Goody Plus nổi tiếng với hàng tủ hàng tủ truyện tranh dành cho tuổi teens thì Rùm Beng lại khiêm tốn với một kệ sách nhỏ, nhưng đầy bất ngờ với những quyển sách cũ xưa, có lẽ còn xưa hơn cả tuổi đời của chủ quán.
Ciao – 40 Ngô Đức Kế, quận 1, tp HCM.
Cùng nằm trong hệ thống Ciao nhưng điểm nhấn ở đây là sách. Cũng vẫn những mảng tường nâu trầm điểm xuyết hoa văn đơn giản, được trang trí với các bức tranh thần Cupic xinh xắn hay nàng Marilyn Monroe quyến rũ, vẫn những chiếc ghế sofa êm ái nhưng dọc tường là những kệ đầy ăm ắp sách.
Những "ô cửa sách" xinh xinh, trắng ngà và vuông vức như một tổ ong, bên dưới mỗi ô là ghi chú về thể loại sách. Có thể tìm thấy Tự lực văn đoàn chen lẫn cùng Sơn Nam hay Chu Lai. Sách tư liệu hình ảnh về Sài Gòn xưa và nay nằm cạnh sách nghiên cứu kinh tế, du lịch, tạp chí nước ngoài hay tiểu thuyết Kim Dung đều được tìm thấy. Bước vào quán, gọi cho mình 1 Frapuchino đậm rồi đắm mình vào trang sách khi ngoài trời mưa rả rích, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng đi một chút.
Cà phê rock
Sài Gòn là nơi tập trung đủ tất cả mọi thứ, từ thượng vàng đến hạ cám, từ nhạc vàng, nhạc sến, nhạc đỏ, nhạc trẻ, pop, country, jazz… và đương nhiên không thể thiếu rock. Chính vì lẽ đó mà những quán cà phê nhạc rock dù không đạt lợi nhuận cao nhưng vẫn tồn tại như một “thánh đường” hội tụ những người yêu nhạc rock. RFC, Trúc Mai, Dạ Nguyệt, Tùng, HardRock, X là những quán cà phê rock nổi bật hiện nay. Mỗi quán đều có cái hay, cái riêng biệt và đương nhiên cũng sẽ có những giới hạn riêng nhưng chung quy tất cả đều bắt nguồn từ niềm đam mê rock.
Tùng – kênh Nhiêu Lộc, quận 3, tp HCM.
Giữa cái lạnh của cơn mưa tháng mười một tuôn xối xả ngoài đường thì bốn bức tường gạch mộc với ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn gốm trên tường của cà phê Tùng sẽ là một không gian ấm áp cho một buổi tối hòa mình với rock. Quán có những góc cạnh riêng tư để bạn có thể bó gối trên ghế để âm thanh bao trùm lấy mình mặc cho mưa gió ngoài kia đang gào thét. Góc ngồi nào cũng được chăm chút để nhạc có thể đến với người nghe một cách tốt nhất, đây là quán cà phê rock được đầu tư chu đáo có thể nói là nhất nhì Sài Gòn. Và cũng như bao quán khác, Tùng cũng có “giờ” mở nhạc, đầu tiên sẽ là những bản ballad nhẹ nhàng lãng mạn, sau đó sẽ là metal và “nặng” dần lên theo mức độ của đêm và giác quan của bạn sẽ dần dần thu hẹp lại chỉ còn lại thính giác phát huy hết mức để “thấm” nhuần tiếng guitar, tiếng trống và vocal. Tay chỉnh nhạc sẽ chọn những bài “hắn” thích hoặc “hắn” nghĩ rằng “người ta” thích trong hàng trăm CD nhạc trên kệ để mở, để cùng gật, cùng lắc, cùng ngả nghiêng người theo những đoạn cao trào của âm nhạc với bạn.
Cà phê Trịnh
Giữa những bộn bề của cuộc sống, đôi lúc người ta cũng cần phải dừng lại, lắng lòng, cân bằng suy nghĩ bản thân để rồi lại tiếp tục tiến bước trên đường đời tấp nập. Những lúc như thế, một ly cà phê thơm nồng, một khúc nhạc Trịnh mênh mang và một không gian êm ả là nơi thật sự lý tưởng để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua và những gì cần phải thực hiện trong tương lai sắp đến. Sài Gòn là nơi ồn ã của phố thị hào hoa với nếp sống tất bật, hối hả nhưng Sài Gòn cũng không thiếu nơi để một người mệt nhoài với công việc, với những lo toan đời thường ngả lưng tự thưởng lấy những giờ phút cho riêng mình. Vô Thường, Về Cội, Thềm Xưa, Du Miên,… là những quán cà phê với cây xanh, thác nước, với những giọt cà phê chầm chậm nhỏ và với những “Một cõi đi về”, “Như cánh vạc bay”, “Diễm xưa” … của Trịnh sẽ là nơi bạn có thể tạm gác bỏ mọi phiền muộn để mở lòng ra với đời, với người, để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều để yêu và để nhớ.
Ký Ức – 14 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, tp HCM.
Đó là một nơi rất yên tĩnh, thoáng mát, vòm cổng làng bằng gạch nung uốn cong sẽ đưa bạn rời khỏi những đua chen của cuộc sống. Đường vào quán là con đường làng quê Việt Nam thu nhỏ với một hàng tre xanh mát, đi qua một chiếc cầu bắc ngang dòng suối trong veo. Bên trong quán là một không gian đầm ấm với những ngọn đèn vàng tỏa ánh sáng dìu dịu. Khúc nhạc Trịnh quen thuộc được thể hiện qua giọng hát Khánh Ly, Quang Dũng, … sẽ khiến bạn cảm thấy tách cà phê sao mà ngọt ngào và nồng đượm đến thế. Hoặc nếu đến với Ký Ức vào những đêm thứ 3,5,7, bạn sẽ có dịp thả hồn mình với những tình khúc vang bóng một thời. Một góc tĩnh lặng, êm đềm giữa lòng phố thị - ngày mai sẽ là một ngày mới!
Cà phê Sành Điệu
Khi nhắc đến cà phê SG người ta nghĩ ngay đến những quán cà phê to lớn, sang trọng, hoành tráng vì chủ nhân của chúng đã chi hàng tỷ đồng để xây dựng và trang trí. Đừng nghĩ là họ chơi ngông bởi có cầu mới có cung và chắc chắn việc kinh doanh có lời nên chi nhánh sau nối chi nhánh trước ra đời. Như sau Chợt Nhớ thì có Chợt Nhớ 2, sau Windows Hồ Con Rùa thì có Window’s Garden rồi Window’s Grand. Những quán này không ngày nào là vắng khách và khách hàng chủ yếu là những người trẻ với quần áo moden, điện thoại di động đời mới nhất cùng những chiếc xe máy trị giá bằng cả gia tài đối với những người có thu nhập trung bình. Lúc này cà phê ngon, nhạc hay, khung cảnh ấm cúng… không còn là tiêu chí lựa chọn bởi theo nhận thức một số người chỉ bước chân vào những quán cà phê như thế mới chứng tỏ được đẳng cấp và mới là sành điệu
MGM - 172C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, tp HCM.
Với sức chứa lên tới 1.000 người, MGM từng được coi là một trong những quán cà phê hoành tráng nhất của Sài Gòn. Cái tên MGM là viết tắt của Maximum Greatest Music. Chủ quán bỏ công đầu tư rất nhiều cho quán như những cây thốt nốt được đem về từ Campuchia, như chiếc đèn chùm có giá hơn 200 triệu đồng, như những chiếc ghế với kiểu dáng thật độc đáo và ấn tượng. Sau vụ lôi thôi vì chứa rượu lậu thì nay MGM ko còn vẻ tấp nập như xưa nhưng vẫn còn đó hào nhoáng một thời.
Cà phê Nghệ Thuật
Saigon có hàng trăm quán café, mỗi quán là một không gian và mỗi không gian là một thế giới của những giấc mơ. Đôi khi rất dễ để có thể biết đâu là một quán café sang trọng nhưng thiếu tinh tế hay là một quán café tầm tầm nhưng cố khoác lên mình một vỏ bọc bằng những cái tên mĩ miều. Khẩu vị thụ hưởng của người tiêu dùng ngày càng cao, uống café không đơn giản chỉ là tụ tập hay thả hồn theo những suy nghĩ riêng. Người ta đến quán café vì nhiều tiêu chí hơn. Café Arch ra đời nhằm thoả mãn những cái nhìn khắc nghiệt và tinh tế hơn của người tiêu dùng.
Café Arch thường là sự kết hợp giữa một quán café sang trọng và một loại hình nghệ thuật. Có thể đó là tranh, có thể bản thân quán đã là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc. Thoả mãn cái nhìn, cái cảm, cái phán xét đôi khi khắc nghiệt, café arch là một thử thách mà người chủ quán muốn đương đầu trong những khó khăn của nghìn năm bia miệng.
Pergola - 28A Trần Cao Vân, quận Phú Nhuận, tp HCM
Arch Tran vốn là một biệt thự nằm lẩn khuất giữa Saigon và được biết đến là một café arch sang trọng Pergola. Đó là một sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và lãng mạn nhờ vào các mảng sáng tối đuợc phân bổ một cách có chủ ý. Từ cửa sổ có chiếc bàn gỗ chỏng chơ cho đến chiếc ghế dài dưới ngọn đèn tù mù màu đỏ, ta đều thấy được hình như đâu đó những lời thì thầm của các cặp tình nhân âu yếm. Không lẫn vào đâu được lại là hương của những ổ bánh mì thơm lừng được xếp bên cạnh một giá rượu đầy hơi hướm cũ kĩ.
Từng góc của quán là một phong cách khác nhau nhưng không thể tách rời nhau. Đó là một khối tổng thể tham lam nhưng lại rất nhẹ nhàng và đậm chất quí tộc. Sự sành điệu không thể hiện bằng một góc nhìn, nó phải thể hiện được bằng cái không khí mà quán tạo nên được. Đến với quán cùng nhóm bạn hay là với người kia thì ta đều cảm thấy một chút nhẹ nhàng dễ vỡ. Café Arch không hầm hố, không ồn ào, không được quá nhiều người biết đến nhưng vẫn tồn tại như một đẳng cấp để thể hiện và hưởng thụ.
Cà phê “take-away”
Nhịp sống Sài Gòn tất bật, vội vã cuốn con người ta theo nó. Nhanh, gọn, lẹ đôi khi là những tiêu chí hàng đầu và những tiêu chí này cũng được áp dụng cả vào phong cách ăn uống. Không hẳn lúc nào người Sài Gòn cũng có thời gian ngồi quán nhâm nhi cà phê, những lúc như thế ai đơn giản sẽ chọn loại cà phê hòa tan, ai kén chọn cà phê phải có vị cà phê thì chọn giải pháp “take-away” – mua rồi đi ngay. Phong cách “take-away” dĩ nhiên bắt nguồn từ nước ngoài, nơi nhịp sống công nghiệp khiến con người ta lúc nào cũng vội vã. Nhắc đến cà phê “take-away” có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến những quán có tên “Tây” và mang phong cách “Tây”. Tuy nhiên, hãy thử ghé bất kỳ quán cóc lề đường nào và bảo là mua mang đi là chủ quán sẽ cho cà phê của bạn vào cái ly nhựa có nắp đậy kèm ống hút, đấy chẳng là “take-away” sao.
Passio – Cà phê không mua chỗ ngồi - Nguyễn Thị Minh Khai
Sáu thành viên sáng lập, tuổi tác có phần chênh lệch. Người trẻ nhất mới quá 20, người lớn nhất xấp xỉ 40. Lệch tuổi, khác ngành nghề, nhưng họ cùng chung mong ước là cung cấp cho thị trường một loại cà phê tươi đúng nghĩa với một phong cách phục vụ khác biệt hoàn toàn. Đánh vào phân khúc trung và cao cấp, với đối tượng khách hàng mục tiêu là khách nước ngoài và giới văn phòng, công sở không có nhiều thời gian thưởng thức một ly cà phê pha phin truyền thống. Decord và design của quán đơn giản nhưng thể hiện nét trẻ trung, nổi bật, cá tính và khác biệt qua màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây (Passio – đam mê). Danh mục sản phẩm cung cấp: cà phê pha phin truyền thống, cafe cappuccino, bánh mì, trà kem, mức giá trung bình: 8.000 – 25.000.
Hệ thống cà phê nước ngoài
Đất nước đang trên đà hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội phát triển kinh doanh sang thị trường nước ngoài, hàng xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn chủng loại thì ngược lại lượng nhập khẩu cũng không kém. Thương hiệu và phong cách cà phê cũng có thể coi là một món hàng và loại hàng hóa này ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Highland tiên phong với quán lề đường đầu tiên ở tòa nhà Metropolitan 235 Đồng Khởi thì nay sau khoảng 4 năm đã nắm trong tay hơn chục chi nhánh ở những vị trí đắc địa. Phong cách không quá sang trọng nhưng cũng chẳng phải bình dân, lịch sự nhưng ấn tượng. Sau Highland thì một loạt các thương hiệu nổi tiếng khác nối gót như illy, Gloria Jeans và nghe đâu sắp tới sẽ là Starbuck.
Gloria Jeans Coffee
Cũng là loại thức uống quen thuộc như Cappuchino hay Frapuchino với cream on top and caramel. Cũng là phong cách tự phục vụ, nhưng ở Gloria Jeans, những nét riêng luôn làm con người ta cảm thấy ngạc nhiên. Những gam màu vàng nhẹ nhàng, ấm cúng như một ngọn nến sáng trong đêm mưa. Những chiếc ghế bành được bố trí trong quán kết hợp với mảng màu nóng đặc trưng tạo cảm giác dễ chịu đến lạ thường.
Gloria Jeans ở Saigon đang cố đưa mình vào thành phố này như một điểm dừng chân nhỏ. Nếu Gloria Jeans ở Đồng Khởi giữ nguyên vẻ tao nhã ấm cúng thì ở Pasteur lại là một thứ mùi vị sành điệu với những chiếc xe hơi bóng lộn đắt tiền. Với Gloria Jeans không đơn giản là một cà phê mà cũng không quá phức tạp để có thể hiểu rằng chậm lại một chút cuộc sống ơi!!!
Cà phê “đen”
Phong cách café Sài Gòn muôn màu, muôn vẻ: café sách, café Trịnh, café rock, café lề đường … mỗi phong cách, mỗi quán café là một sự đầu tư tâm huyết. Khi đặt chân vào quán bạn tìm được sự thoải mái, thư giản với những niềm vui nho nhỏ: 1 cuốn sách hay, 1 giai điệu trữ tình, những mẫu chuyện vui của bạn bè, hay tìm được 1 chút lặng trong tâm hồn … Nhưng, phía sau những ánh đèn rực rỡ là mảng tối chập chờn : café đen Thanh Đa. Bất chấp sự phản ứng gay gắt của dư luận và sự kiểm tra của chính quyền, cà phê cafe “đen” - café tình nhân Thanh Đa vẫn là 1 góc tối của café Sài Gòn hoa lệ. Không đủ “dũng cảm” đi thực tế, tôi chỉ có thể “mượn” 1 đoạn trên báo
SGGP để giới thiệu đến các bạn “góc tối” Thanh Đa
Cà phê du ký
“Cô nhân viên quán Kitty rọi đèn pin xuống đất và dẫn chúng tôi đi sâu vào trong quán, rồi mở một cái cửa và… đi ngược lên trên, vào khu vực cà phê máy lạnh. Qua ánh đèn pin của cô gái dẫn đường, chúng tôi nhìn thấy những ô vuông dọc lối đi đã được giăng vải che kín mít. Chủ quán đã hết sức “tôn trọng sự riêng tư” của những người đến uống cà phê, nên không những phòng không đèn, luôn đóng kín cửa mà hai chiếc ghế dựa nào cũng được quây vải che ba mặt, chỉ trừ một mặt là… tường! Đặt 2 lon nước yến lên chiếc bàn chỉ lớn hơn bàn tay tại góc “chuồng”, lấy 40.000 đồng, cô nhân viên nhanh tay phủ mùng. Đã được kể nhưng chúng tôi vẫn hơi bất ngờ. Ngồi trong mùng, chúng tôi cảm nhận các tấm vải mùng phía trước, phía sau
đều đang… lay động. Lẫn trong tiếng nhạc của quán là những tiếng động không lành mạnh...” (Theo SGGP)
Cà phê Lặng - kết thúc loạt bài
Và để kết lại bài viết này, xin giới thiệu một nốt lặng của Sài Gòn. Dẫu không phải là một phong cách cà phê nhưng nó như một điểm son của thành phố, đến để biết được quanh ta vẫn còn có những tấm lòng
Cà phê Lặng - với những nhân viên phục vụ có đôi tay biết múa và đôi mắt biết nói, bù lại một phần mất mát. Đúng như tên của nó, quán nằm lặng lẽ khiêm nhường trên một con phố ồn ào tấp nập. Nếu vội vã lướt qua chắc chẳng ai để ý tới. Từng chiếc bàn, ghế tre đơn giản được trang trí bằng bảng hướng dẫn ngôn ngữ bằng tay, nhưng viên bi tròn xinh xắn nằm gọn trong cốc thuỷ tinh và những cánh hạc xanh cắm trên cọc giấy, những mảnh giấy con con cũng màu xanh đang chờ các vị khách nhắn gửi thông điệp. Dọc tường là những bức tranh dạng poster mang hồn dân tộc Việt.
Đã có nhiều chương trình từ thiện khởi đầu từ Lặng như "Giáng sinh hạnh phúc", "Ấm áp mùa xuân" của hội Những người Bạn gửi đến những mảnh đời bất hạnh một chút san sẻ, một chút ấm áp. Sài gòn hoa lệ, Sài Gòn tất bật, vội vã, nhưng ẩn sâu trong lòng Sài Gòn vẫn còn đó những đốm lửa của niềm tin và tình yêu con người.
Theo http://vietnamfood.com.vn