"Của chồng công vợ"- Là một khái niệm vô cùng trừu tượng. Để hiểu được nó chúng ta cần trang bị không chỉ kiến thức toán học mà còn rất nhiều bộ môn khoa học khác như tâm lý học, xã hội học...phải học cách sống lý tưởng là suy nghĩ, hành xử chín chắn, với tình yêu thương, bao dung, độ lượng và đức hy sinh....
Con người là tổng hoà các mối quan hệ trong xã hội. Trước khi lập gia đình, bạn là người độc lập, tự quyết. Vấn đề chính của bạn là biết phân biệt đúng sai, vui sống và tiến lên để thăng tiến trong sự nghiệp và trong xã hội. Còn sau khi lập gia đình, thì sao..?
Sau tuần "Trăng mật", là thời gian "Vỡ mật"- như mọi người thường nói vui. Tại sao vậy? Bởi vì sau niềm vui và hạnh phúc với sự thay đổi "bước ngoặt cuộc đời" là cuộc sống chung của 2 cá thể khác biệt. Và từ đây bắt đầu các cuộc chiến đấu và các thoả hiệp để xây dựng cái gọi là "gia đình". Từ đó dẫn đến khái niệm "nhà này bố cầm trịch" hay "nhà kia mẹ quyết hết".
Theo truyền thống phong kiến, người vợ phải tuân theo qui định "tam tòng" nên thường bị cô lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài, trong nhà cũng không được nêu ý kiến chính kiến của mình. Vì thế câu "của chồng công vợ" chỉ để an ủi người phụ nữ quên đi những bất công đang phải gánh chịu. Hay nói cách khác đó là câu nói mị dân của giới đàn ông mà thôi.
Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh. Và thực tế cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ ngày nay đã đạt được những kết quả nhất định. Nữ giới hiện nay có thể đi học, đi làm bình đẳng như nam giới trong xã hội. Nhưng trong mỗi tổ ấm, cuộc chiến này vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Vì quan niệm phong kiến trên đã ăn rễ sâu trong suy nghĩ của nam giới nên tuỳ mức độ "gia trưởng" nặng nhẹ khác nhau trong mỗi gia đình, phái nữ đều được giao phần hơn trong các việc nhà và chăm sóc con cái. Trọng trách đó được coi đó là hiển nhiên vì nó được coi là thiên chức của phụ nữ. Người vợ tốt là phải biết sẵn sàng chấp nhận bỏ công việc, bỏ học hành vì gia đình, con cái. Đối với các bà vợ chấp nhận ở nhà làm hậu phương, chưa nói đến sự hy sinh niềm vui trong công việc khi mà một phần các mối quan hệ bị chặt đứt, người vợ ấy còn phải chịu tiếng lười biếng, ăn bám chồng và dẫn tới sự coi thường của chồng và gia đình bên chồng. Còn với những ai đã đạt được sự bình đẳng trong công việc ngoài xã hội, thì việc cộng thêm phần hơn trong việc nhà thường làm chị em bị quá tải. Dẫn đến kết quả công việc của giới nữ thường thấp hơn nam giới, đồng thời gia đình và con cái không được chăm sóc như mong đợi. Điều này làm vị thế của nữ giới trong công việc thường bị hạ thấp. Và nó cũng là một trong các lí lẽ của các đức ông chồng nhằm đạt được thoả thuận thuyết phục vợ bỏ việc để chuyên tâm chăm lo cho con cái và gia đình.
Theo khái niệm toán học, thời gian, sức khoẻ và tâm trí mõi người được chia ra một phần cho công việc, một phần cho gia đình và một phần cho bản thân. Nhưng các phần này thường không được chia đều nhau. Đặc biệt trong gia đình các doanh nhân thường có những phần phân bổ phiến diện. Theo định luật bảo toàn... thì một nửa kia của các doanh nhân sẽ được khoán trắng việc nhà và chăm sóc con cái, kèm theo rất nhiều thiệt thòi trừu tượng như thiếu quan tâm, chăm sóc từ phía nửa kia của mình.
Chưa hết, thế mạnh của phái đẹp là vẻ bề ngoài theo thời gian và cuộc sống dần hao mòn đi. Trong khi đó, thế mạnh của nam giới là sự nghiệp càng ngày càng phát triển và đạt đỉnh cao cùng năm tháng. Đến đây, mâu thuẫn gia đình được đẩy lên đỉnh điểm và rất nhiều cặp đã cần đến sự can thiệp và giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Thực ra không phải không có phụ nữ thắng lợi trong cuộc chiến đấu phân quyền trong gia đình. Họ đạt được thoả thuận đổi vai trò trong tổ ấm của mình và đạt được thành công trong sự nghiệp. Nhưng thử tổng kết xem có bao nhiêu đức ông chồng "happy" với mô hình gia đình "Mẫu hệ" này? Có so sánh mới thấy cái vai trò mà phái yếu đang đảm đương như một lẽ tự nhiên thật là quá sức với phái mạnh.
Tổng kết như vậy để thấy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội vô cùng to lớn, nhưng họ lại không được đánh giá đúng mức và đang phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Chính vì thế tỉ lệ li dị hiện đang ngày càng gia tăng đến mức đáng báo động. Cũng qua đó để thấy rằng: để xây dựng một gia đình bền vữngcần có sự hiểu biết, cảm thông và "chung tay" từ cả hai phía.
Trong xã hội Châu Á chúng ta, gia đình luôn là nền tảng của xã hội. Các đức ông chồng dù có bận rộn đến đâu cũng luôn mong muốn có một tổ ấm thực sự để trở về sau một ngày làm việc (hay sau những cuộc nhậu nhẹt). Gia đình hạnh phúc và những đứa con ngoan ngoãn, thành đạt chính là thành quả lớn lao nhất của những người Vợ, người Mẹ . Vì thế phái nữ chúng ta hãy cố gắng hơn nữa để yên ấm gia đình, để bảo vệ con cái và bản thân phải không ngừng chiến đấu để xây dựng hình ảnh mới của chính mình.