Nếu bạn quyết định bỏ việc chỉ vì một câu nói của sếp hoặc vội vàng chấp nhận một lời mời làm việc mà không suy nghĩ cẩn thận, bạn cần nhớ rằng, những quyết định bốc đồng không có chỗ đứng lâu bền.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao không có được sự tiến triển nhanh chóng trong sự nghiệp, thậm chí thường xuyên bị bỏ qua khi nói đến tăng lương, thăng chức hoặc các dự án quan trọng? Đôi khi, bạn chán nản vì sự lỡ nhịp ấy mà không biết rằng, câu trả lời có thể ở chính bạn, bạn đang tự khiến mình phải "dẫm chân tại chỗ" với những thói quen không nên có.
- Không ai biết việc bạn làm
Công việc của bạn có thể là tuyệt vời, nhưng nếu không ai biết về nó thì bạn không thể phát triển danh tiếng, nâng cao mức lương hay tiếp nhận các cơ hội thăng tiến khác.
Bạn phải chắc chắn rằng người quản lý biết về những thành tích, đóng góp của bản thân cho sự phát triển của công ty, cho dù đó là lời khen ngợi từ một khách hàng khó tính được bạn làm hài lòng hay bất cứ điều gì khác bạn đã làm tốt vượt ra ngoài công việc bình thường được giao...
Ngoài ra, bạn cũng cần cho mọi người biết bạn đang làm những việc gì, công việc đó có tác dụng thế nào đối với công ty. Có như vậy, người ta mới biết mà ghi nhận thành quả lao động của bạn.
- Luôn phòng thủ với mọi người
Nếu bạn luôn tỏ thái độ tự vệ với mọi người khi nhận không nhận được thông tin phản hồi tích cực trong công việc, bạn có thể đã tự đánh một đòn giết chết sự nghiệp của mình.
Nhiều người không thích nói chuyện bạn chỉ vì lý do đơn giản, bạn luôn mang tư thế phòng thủ. Thậm chí, các đồng nghiệp có thể tránh bạn và người quản lý cũng không nói cho bạn biết làm cách nào để bạn có thể tiến bộ. Do đó, bạn phải có thái độ tích cực trong mọi việc ngay cả khi không có được sự hài lòng từ mọi người, nếu không bạn sẽ phá hủy những mối quan hệ bạn cần để thăng tiến trong sự nghiệp và từ chối những thông tin cần thiết để phát triển một cách chuyên nghiệp.
- Đưa ra quyết định theo cảm tính
Nếu bạn quyết định bỏ việc chỉ vì một câu nói của sếp, đồng nghiệp làm một điều gì đó bạn không thích hoặc vội vàng chấp nhận một lời mời làm việc mà không suy nghĩ cẩn thận, bạn cần nhớ rằng, những quyết định bốc đồng, dựa theo cảm tính không có chỗ đứng lâu bền trong sự nghiệp của bạn.
Các quyết định bạn thực hiện trong công việc sẽ có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều so mức thu nhập, danh tiếng và chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn. Vì vậy, đừng vội đưa ra quyết định chỉ dựa theo cảm tính, chủ quan của bản thân mà nên xem xét nhiều yếu tố xung quanh.
- Không dám nói lên chủ ý
Bạn có thể nghĩ rằng chỉ cần làm đúng theo nhiệm vụ được giao là cách tốt nhất để thành công trong sự nghiệp, nhưng nếu bạn thiếu quyết đoán, không dám bày tỏ ý kiến cá nhân thì đó cũng dược xem là một yếu tố kìm hãm con đường phát triển sự nghiệp của bạn.
Nếu bạn tin rằng một quyết định nào đó là sai, một dự án đang tiến tới thảm họa, hoặc bạn xứng đáng được tăng lương, những người quản lý giỏi sẽ muốn bạn lên tiếng, nói rõ quan điểm. Đừng nghĩ rằng như thế là chen vào việc của người khác, thành kẻ tọc mạch. Bạn cần phân biệt giữa tính quyết đoán, thẳng thắn với thói tọc mạch và tính thích thể hiện và phải tin rằng, bày tỏ chính kiến một cách chuyên nghiệp là chìa khóa cho sự thành công.
- Có suy nghĩ tiêu cực
Nếu bạn đang liên tục phàn nàn về các dự án mới, chính sách của công ty, có thể bạn đang tạo ra một môi trường khó chịu cho những người xung quanh.
Ngay cả với những châm biếm hài hước, nếu bạn thường xuyên trêu đùa hài hước về sếp hay một nhân viên mới ngã xuống sảnh, có thể ngay cả khi mọi người đang cười bạn cũng chỉ nhận được những cái nhìn không mấy thiện cảm. Lúc đó, mối quan hệ của bạn trong công việc sẽ có rào cản, kìm hãm sự phát triển của bạn.
- Nói dối
Nếu bạn bị mắc kẹt với một lời nói dối ngay cả khi nó nhỏ nhặt nghĩa là bạn đang phá hủy sự tín nhiệm của mình mà không bao giờ có thể lấy lại được. Cho dù bạn có thể trung thực tuyệt đối trong ba năm tới, bạn vẫn sẽ được nhớ đến như một kẻ nói dối và không được tin cậy hoàn toàn. Đó là rào cản lớn trên con đường phát triển sự nghiệp của bản thân.
Theo Businessinsider/Infonet