Type Here to Get Search Results !

Văn hoá xếp hàng


Đôi khi, có những điều rất nhỏ nhặt nhưng gây bức xúc to lớn trong lòng mọi người. Điều tôi muốn nói đến đây là văn hóa xếp hàng…
Vấn đề này tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã tiêu tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Tuy nhiên, nét văn hóa này vẫn chưa thể trở thành thói quen hay tạo được ý thức nơi người dân. Thật buồn khi phải thừa nhận rằng: ý thức người dân Việt đa phần còn rất kém và có lẽ 50 năm nữa… đâu đó có một người dân bức xúc cũng đang ngồi “lọc cọc” để viết tiếp về vấn đề này.

Văn hóa xếp hàng là gì?

Văn hóa xếp hàng là gì? Đơn giản nó chỉ là cách giữ trật tự theo hàng, lối có người trước, kẻ sau một cách tuần tự…

Mục đích của việc xếp hàng là gì?

  • Văn hóa xếp hàng được tạo ra nhằm hướng mọi người trật tự, từ đó mọi thứ được thực hiện một cách nhanh chóng, trơn tru, tiết kiệm thời gian.
  • Văn hóa xếp hàng tạo ra nếp sống văn minh, có trật tự và sự bình đẳng giữa con người với con người.
  • Xếp hàng cũng thể hiện nét văn hóa của cộng đồng dân cư của nước sở tại trong cái nhìn của bạn bè quốc tế.

Tại sao phải xếp hàng

  • Chúng ta phải xếp hàng khi có nhiều người cùng làm một việc gì đó nhưng chỉ có một chỗ để ra hoặc vào... cần phải theo thứ tự.
  • Chúng ta phải xếp hàng để thể hiện sự bình đẳng và công bằng trong xã hội. Không phân biệt giàu-nghèo, chức quyền, danh vọng, hay lớn nhỏ.
  • Chúng ta phải xếp hàng vì chúng ta là những con người được giáo dục, không phải như những loài động vật vô tri khác.
  • Chúng ta phải xếp hàng vì chúng ta là người có văn hóa, không vì sự ích kỷ của bản thân mà ảnh hưởng đến người khác.

Phải làm gì khi xếp hàng?

Khi xếp thẳng hàng, không chen lấn, xô đẩy, không nói chuyện, giữ trật tự, xếp đúng vị trí quy định, xếp sau những người đến trước, nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai và em nhỏ…

Có từ thời bao cấp

Với thập niên 60,70,80 thậm chí là 90, chuyện phải xếp hàng không phải điều gì to tát hay lạ lẫm. Thời bao cấp mọi thứ được phân phối qua tem phiếu, đến tất cả mọi cửa hàng, mọi khu chợ, đều diễn ra cảnh người người xếp hàng “rồng rắn lên mây” để chờ mua mọi thứ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đời sống. Và, thói quen xếp hàng, kiên trì xếp hàng, nhẫn nại xếp hàng, bền bỉ xếp hàng diễn ra mờ mịt suốt ngày dài tới đêm sâu.

Thời gian ấy, chỉ những người thuộc gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng là có thẻ ưu tiên (còn gọi vui là “thẻ chen ngang”) được vào mua trước, không phải xếp hàng. Nhưng rồi người có thẻ thương binh, liệt sĩ khá nhiều nên họ cũng phải xếp hàng. Chỉ có những gia đình cán bộ cấp trên có sổ mua ưu tiên ở các cửa hàng cung cấp đặc biệt như Tôn Đản là ít khi phải xếp hàng.

Chính lối "tắt" ấy đã vô tình tạo nên một thông lệ xấu cho con trẻ thời ấy, và con cháu sau này. Tệ hơn là khi có trong tay quyền, mối quan hệ và tiền thì mọi thứ đều được "ưu tiên hơn".

Vấn nạn xã hội

Dường như nơi nào đông đúc, nơi đó thể hiện rõ sự văn minh hay lối mòn ý thức kém cỏi. Khi viết những lời này, tôi không hàm ý chỉ trích mà chỉ thấy buồn khi chứng kiến thực tế hết sức phũ phàng đang xảy ra trước mắt tôi. Festival biển – nơi người dân Việt Nam tự hào giới thiệu vẻ đẹp thiên niên đất nước và nét đẹp văn hóa đến du khách từ khắp nơi trên thế giới… Vậy mà giữa một “biển” người đến tham dự, tôi chỉ thấy những con người cố gắng bon chen lên phía trước để được hưởng lợi.

Những con người với khuôn mặt hớn hở chen ngang lên phía trước giữa dòng người dài dằng dặc đang chờ đợi dưới cái nắng, bất chấp cái nhìn bực dọc của người đang ở phía trước phải tụt xuống hàng phía sau. Đó là những con người không ngần ngại dạy con cái mình rằng: “Con nhớ nhé, luồn qua tay những người này để lên hàng đầu, càng luồn lách lên phía trên càng tốt” mà không biết được nó đã “nhấn chìm” văn hóa cư xử của cả một thế hệ trẻ trong tương lai.

Bạn cứ tưởng tượng mà xem, bạn đang ở vị trí thứ 15 trong hàng người dài và sung sướng vì sắp sửa tới lượt mình. Thế nhưng… hàng người trở nên chật chội hơn với một nhóm người chen ngang vào ngay trước mắt bạn với câu nói suông: “Người nhà, đi chung mà” và đẩy bạn xuống vị trí thứ 27. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Một cảm giác bất bình khó tả… Thật sự tôi không muốn so sánh chút nào nhưng rõ ràng đã có một hình ảnh hết sức khập khiễng khi tôi có dịp đến Singapore. Văn hóa xếp hàng được thể hiện rất rõ, ngay cả khi chờ đợi trong toilet tại các trung tâm thương mại trong giờ cao điểm tan tầm về làm. Điều đó thực sự khiến tôi bất ngờ bởi vì đất nước họ không thể có bề dày lịch sử và văn hóa như nước ta nhưng họ đã tạo nên một ý thức hệ cao và văn minh khi cùng nhau xây dựng đất nước của họ.

Càng không thể hiểu nổi vì sao chúng ta có một khán đài hết sức sạch sẽ và hoành tráng với những hàng ghế thuận tiện cho khán giả xem biểu diễn nhạc nước nhưng người dân đến xem thể hiện thái độ thế nào? Mọi người đến sớm sẽ được an tọa tại 6, 7 hàng ghế đầu. Với những người đến sau, họ ngồi tràn lên những khoảng trống của bờ rào ngăn khán đài và hàng ghế đầu. Những người đến tiếp theo… thì ngồi lấp đầy trên bờ tường rào. Những người tiếp theo nữa… ngồi lấp đầy cầu thang giữa những lối lên xuống giữa các hàng ghế. Và một số người thì ngồi tràn xuống dưới sân, gần sân khấu biểu diễn… Thật hết sức kinh ngạc khi quan sát tổng thể khán đài.

Thực chất khán đài được xây dựng từ thấp tới cao và người ngồi trước không thể che khuất hình ảnh từ phía sân khấu đối với người phía sau. Thế nhưng, mọi người luôn muốn có cái nhìn cận cảnh, có cái “view” đẹp nhất, gần nhất sân khấu đến mức tạo nên một biểu hiện văn hóa không giống ai hay có thể nói là kém văn hóa. Chưa hết nhé! Chương trình diễn ra được 1/3 chặng đường, vài người nhòm ngó xung quanh và nhận thấy rằng với số lượng khán giả đang có mặt tại đây mà ào ra cùng một lúc cuối chương trình sẽ dẫn đến tắc nghẽn và phải chờ đợi. Thế là từng dòng người lũ lượt kéo nhau ra về.

Để lấp đầy những vị trí gọi là đắc địa, có “view” đẹp… dòng người từ phía trên lại ào ào kéo xuống để thế chỗ… Cứ vậy cho đến cuối chương trình. Mắt tôi liên tục bị che khuất bởi chân người này nối chân người kia và âm thanh ồn ào, cảnh tượng mất trật tự, hỗn loạn khi đang cố gắng thưởng thức và cảm nhận bản hòa tấu bất hủ của Paul Mauriat hay giai điệu sôi nổi trong tiếng trống Samba…

Người Nhật dạy xếp hàng từ bé

Ở Nhật Bản từ người già cho đến trẻ nhỏ, cho dù đi đến nơi đâu, muốn mua những gì hay phải đợi chờ một điều gì, người Nhật đều luôn nghiêm túc xếp hàng, họ giữ trật tự và không làm ồn ào xung quanh.

Trong những giờ phút đau thương nhất, người Nhật vẫn bình tĩnh xếp hàng nhận đồ cứu trợ của chính phủ mà không phải chen lấn xô đẩy. Dường như, văn hóa xếp hàng của người Nhật đã ngấm vào máu của họ, nó không phải là tâm lý theo số đông mà là ý thức cá nhân. Xếp hàng là một nội dung quan trọng trong giáo dục Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản được dạy rằng xếp hàng đó là một quy định và là đạo đức công cộng cần tuân thủ.

Họ cho rằng những gì mà phải xếp hàng đều rất quý và có giá trị. Vì vậy, chưa cần biết đó là thứ gì mà có nhiều người xếp hàng, rất nhiều người Nhật sẽ ngay lập tức đứng vào hàng để giải quyết nhu cầu hiếu kì của mình.

Trong trận động đất kinh hoàng ngày 31/3/2011 ở Tokyo, gần 2 triệu người vì không có phương tiện đi lại mà bị mắc kẹt tại trung tâm thành phố. Vì vậy, rất nhiều người phải xếp hàng để chờ đợi chiếc xe buýt không biết có đến được hay không.

Một cậu bé 9 tuổi – là nạn nhân trong trận thiên tai, đang đứng xếp hàng chờ phát thực phẩm, trên người chỉ có một chiếc áo thun và quần cọc trong khi trời rất lạnh. Cậu bé được một thành viên trong đoàn cứu trợ cho một phần lương khô và đề nghị ăn trước cho đỡ đói vì bé xếp cuối hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được phần lương khô thì cậu bé đã cho vào giỏ của những người đang phát thực phẩm và tiếp tục quay lại hàng để chờ.

Khi được hỏi lý do, câu trả lời của cậu bé thực sự đã gây xúc động cho rất nhiều người: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
[info title="Một bạn du học sinh Nhật Bản chia sẻ:" icon="info-circle"]
“Tại Nhật bạn có thể ngẫu nhiên nhìn thấy hình ảnh xếp hàng của người Nhật, từ ngã tư sang đường, trạm chờ xe bus, ga tàu điện ngầm, cửa hàng, xếp hàng chờ cơm… người Nhật thậm chí “yêu thích” việc xếp hàng đến mức có thể xếp hàng bất cứ đâu. Nhưng tuyệt nhiên không thấy một người Nhật nào cảm thấy khó chịu khi phải xếp hàng chờ đợi.”
[/info]

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.