Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không?(3)


Số phận con người và kiếp sống của nó thật mong manh. Thiên tai, chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật luôn rình rập thân phận con người. Đức Phật đã nói trong sự xót thương: “Nước mắt thế nhân bao đời kiếp đã chảy thành bể khổ. Mọi kiếp người trầm luân trong đó. Ngay cả những người cho là sung sướng cũng chỉ lênh đênh trên mặt bể khổ mà thôi”.

Chính vì thân kiếp mong manh đó mà con người có khát vọng tiên tri. Bởi vì con người muốn thoát khỏi cảnh khổ trần gian mà họ sẽ phải gặp trong thân kiếp làm người. Chỉ có những sinh vật cao cấp mới có khả năng tiên tri vì sự phát triển của tư duy logic. Đây là tính tất yếu của sự tiến hoá. Những sinh vật bậc thấp không có khả năng này. Bởi vậy, khát vọng tiên tri chính là một nhu cầu rất nhân bản và là đặc thù của xã hội loài người mơ ước tới tương lai phát triển và tốt đẹp.

Do đó, nếu định mệnh không có thật, vấn đề sẽ không đơn giản chỉ vì nó là mê tín dị đoan, chỉ vì con người không tin vào định mệnh. Và điều này phi lý trước khát vọng tiên tri của con người, vốn là một thực tế tồn tại. Nhưng những lời tiên tri với những phương pháp của nó sẽ cho biết điều đó và định mệnh lại tiếp tục an bài?

Như vậy, phải chăng con người cứ loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn cho chính khát vọng tiên tri của mình? Còn nếu như con người không còn khát vọng biết trước tương lai thì ngay cả luận đề này sẽ không thể hiện hữu trong ý tưởng của người viết vì nó vô nghĩa. Chính những lời tiên tri với những phương pháp dự báo có hiệu quả của nó, thỏa mãn khát vọng biết trước tương lai của con người, là căn nguyên để hình thành ý niệm về “định mệnh”. Vì vậy, vấn đề tiếp tục được đặt ra ở đây là: Những lời tiên tri và những phương pháp của nó bắt đầu từ đâu?

Bói toán

Từ lâu, cũng đã có ý kiến cho rằng:
Trong cuộc sống đầy bất trắc và đau khổ của con người, hoặc vì những ước mơ và khát vọng không thành đạt. Con người đã bất lực, họ đi tìm cứu cánh cuộc đời ở những khả năng siêu nhiên, thần quyền. Đây là nguyên nhân để nảy sinh những hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng thần quyền mê hoặc con người. Bói toán được cho là sản phẩm của sự mê tín vào những thế lực siêu nhiên, dựa trên những sự bịa đặt không có căn cứ khoa học.
Hình ảnh những người hành nghề bói toán quanh quẩn ở đình đền, chùa miếu như củng cố thêm tính hiện thực của giả thuyết này.
Nhưng sự lý giải ấy lại không phải là một minh chứng, nên không đủ sức thuyết phục. Bởi vì, bói toán vốn không phải là một hiện tượng riêng lẻ, mà là một thực tế đã hiện hữu bao trùm cả không gian và thời gian lịch sử nhân loại. Với lập luận này không giải thích được những phương pháp bói toán có hệ thống, qui tắc và chuẩn mực rõ ràng và có phương pháp luận thể hiện tính khách quan trong cách luận đoán. Không những vậy, hiệu quả của những phương pháp bói toán có tính thuyết phục, đã tồn tại hàng thiên niên kỷ trong xã hội loài người. Nếu quả thực, bói toán chỉ là sự bịa đặt, lợi dụng mê tín dị đoan thì sẽ chỉ là những hiện tượng riêng lẻ và không có cơ sở để tồn tại trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại.

Để tìm về một thực tế là nguyên nhân của các phương pháp bói toán Đông phương, một giả thuyết khác được đặt ra từ những hiện tượng và vấn đề sau đây:

* Hầu hết các phương pháp bói toán phổ biến thuộc văn minh Đông phương đều có một cơ sở phương pháp luận là thuyết Âm Dương Ngũ hành (Phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành tồn tại trên thực tế. Nhưng về mặt lý thuyết thì các nhà nghiên cứu chưa hề chứng minh được sự thống nhất của học thuyết này). Sự ứng dụng của các phương pháp này có tính quy luật tính hệ thống, tính khách quan và khả năng tiên tri. Những yếu tố này cũng là tiêu chuẩn để thẩm định một luận thuyết khoa học.

* Trên tinh thần của tiêu chí khoa học là:
“Một giả thuyết khoa học được coi là đúng, phải có khả năng lý giải hầu hết những vấn đề liên quan đến nó và phải có khả năng tiên tri” (dân gian gọi là “bói toán”).
Như vậy, sự bói toán của nền văn minh Đông phương phải chăng chính là khả năng tiên tri của một học thuyết khoa học đã hoàn chỉnh và tồn tại trong văn minh nhân loại. Nhưng nền văn minh này đã bị huỷ diệt, nên hệ thống lý thuyết của nó bị sai lệch và thất truyền?

* Các nhà khoa học đang mơ ước:
“Một siêu lý thuyết có khả năng thống nhất tất cả các định luật vũ trụ. Có thể lý giải từ sự hình thành các thiên thể cho đến mọi vấn đề liên quan đến con người”.
Phải chăng thuyết Âm Dương Ngũ hành tồn tại trong nền văn minh Đông phương là một học thuyết vũ trụ quan thống nhất và hoàn chỉnh và những quẻ Dịch chính là những ký hiệu siêu công thức của học thuyết này (Tìm về cội nguồn Kinh Dịch. Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Nxb Văn Hóa Thông Tin tái bản 2002).

Căn cứ vào những hiện tượng và vấn đề trên, giả thuyết này cho rằng:
Những phương pháp bói toán đang tồn tại trong văn minh Đông phương là hệ quả của một lý thuyết thống nhất vũ trụ, tổng hợp tất cả các định luật vũ trụ, giải thích từ sự hình thành vũ trụ cho đến hầu hết những vấn đề liên quan đến con người. Khả năng bói toán (Tính tiên tri, một điều kiện cần của một lý thuyết khoa học) chính là kết quả ứng dụng và cũng là sự chứng tỏ tính khoa học của siêu lý thuyết này.
Với giả thuyết này, sự chứng minh sẽ cực kỳ khó khăn. Vì ngay bây giờ khoa học hiện đại vẫn còn đang mơ ước đạt tới một siêu lý thuyết vũ trụ quan. Hay nói một cách khác: Sự chứng minh cho giả thuyết này phải vượt qua cái ngưỡng mà chính nền khoa học hiện đại chưa đạt tới. Bạn có thể nhận thấy điều này qua sự mỉm cười của Thượng đế cho những cố gắng của con người tìm về cội nguồn của mình, trong cuốn sách nổi tiếng “Thượng Đế và Khoa học”.