Type Here to Get Search Results !

Định mệnh có thật hay không?(4)


Khi nói đến xem “bói”, dễ làm người ta nghĩ ngay đến một thể thức huyền bí, đang cố gắng tìm trong lời phán truyền thiêng liêng những diễn biến của cuộc đời đã được an bài. Sự nhạy cảm của những người có tiếp thu tri thức khoa học, dễ liên hệ đến tính chất mê tín dị đoan và lạc hậu của thể thức này.

Ngày nay, một số phương pháp bói toán đã được đặt vấn đề về tính khoa học của nó. Với “tinh thần khoa học” theo kiểu “thời buổi khoa học thì không có ma”, người ta không gọi là xem bói nữa, mà gọi là môn “dự đoán học”. Như “Dự đoán theo tứ trụ”, “Chu Dịch và dự đoán học”. Thậm chí, môn phong thuỷ, cho đến ngày hôm nay vẫn chưa một nhà khoa học nào chứng minh được nguyên lý của nó để gỡ bỏ bức màn huyền bí, nhưng cũng được gọi bằng một từ rất thời thượng là “khoa học phong thuỷ”. Gọi như vậy cho nó dễ hòa nhập với “tinh thần khoa học”, tránh mặc cảm bị coi là “mê tín dị đoan”. 

Những điều này chỉ chứng tỏ một cách nhìn mới về những hiện tượng đã tồn tại trong xã hội loài người, còn bản chất của hiện tượng chưa hề thay đổi và vẫn còn chìm sâu trong bức màn huyền bí. Nhưng, một cái tựa sách thì phải vậy thôi, chứ không lẽ cứ nôm mà viết tựa là “Bói toán theo tứ trụ” thì nghe cũng lạ tai, không có “tinh thần khoa học”. Thực ra xét về mặt ngữ nghĩa thì từ “bói toán” chính xác và bao hàm hơn “dự đoán” nhiều.

Từ “bói” theo nhà nghiên cứu Lê Gia thì có xuất xứ từ nghĩa Hán Việt của chữ “bối”, có nghĩa là cái lưng. Tìm phía đằng sau lưng là chỗ không nhìn thấy, không biết được. Vậy từ “bói” là từ “bối” mà ra (Tức là có gốc Hán?!), chỉ việc đi tìm cái chưa biết (Dịch học giản yếu, Lê Gia. Nxb VHTT 2000. Trang 621). Nếu theo cụ Lê Gia thì khó có sự liên hệ giữa chữ “bói” với danh từ chỉ chim “bói cá”. Người viết cho rằng: “Bói” là từ thuần Việt, có liên hệ với các từ: bới, bươi, bơi, bái... nghĩa là động tác tìm kiếm những cái bị khuất lấp. “Toán” là phương pháp đi tìm cái bị khuất lấp. Tất nhiên nếu phương pháp đúng và làm toán giỏi thì việc đào bới có hiệu quả, tìm thấy cái cần tìm. Phương pháp sai và làm toán dở thì đào bới cũng không thể tìm thấy. Còn “dự đoán” thì không mang tính khẳng định rõ ràng. Tất nhiên nó còn bao hàm cả tính chủ quan và việc nói phong long!

Để biết trước tương lai, con người có rất nhiều phương pháp bói toán, từ cực kỳ huyền bí cho đến các phương pháp có hẳn một phương pháp luận, có hệ thống và những quy tắc, chuẩn mực rõ ràng. Những phương pháp bói toán huyền bí thường ít được tin tưởng, trừ sự dự báo rất chính xác, được lặp lại nhiều lần trên thực tế. Những trường hợp điển hình của loại bói huyền bí có thể thí dụ như: bà Van Ga ở Bungary, hoặc khả năng tìm mộ xuất hiện trong thập niên gần đây ở Việt Nam. Còn lại là những phương pháp dự báo cần có phương tiện dự báo hoặc có qui tắc, chuẩn mực rõ ràng, như: Bói Dịch, Tử Vi, bói bài Tây, bói Kiều, bói chân gà, bói lá trầu, bói bằng quả cầu thuỷ tinh...

Trong phương pháp bói cần phải có phương tiện dự báo, có thể chia làm hai loại: phương pháp dự báo có phương pháp luận và qui tắc, chuẩn mực rõ ràng và không có qui tắc chuẩn mực rõ ràng. Trong mỗi loại lại cần xét đến định lượng của tính chất ngẫu nhiên thuộc từng phương pháp cụ thể. Với sự phân loại này thì phương pháp dự báo có định lượng tính ngẫu nhiên ít nhất, có phương pháp luận rõ ràng, có hệ thống và qui tắc hẳn hoi, phải kể đến môn Thái ất và Tử Vi đẩu số, hoặc các môn bói toán có dữ kiện là ngày, giờ tháng, năm sinh khác. Nhưng đây cũng là những phương pháp ít được các nhà nghiên cứu chú ý. Ngược lại, phương pháp bói Dịch (chứ không phải bản thân kinh Dịch) mang nhiều yếu tố ngẫu nhiên, hay nói một cách khác là gần gũi với tính huyền bí hơn, nhưng lại khá phổ biến và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến, nhắc nhở đến tính khoa học của nó trong các trước tác của mình với một tinh thần khoa học nghiêm túc?!

Thời gian gần đây, có rất nhiều cuốn sách có nội dung trình bầy các phương pháp dự đoán tương lai của nước ngoài được dịch và xuất bản, khá phổ biến ở Việt Nam như: “Dự đoán theo tứ trụ”, “Chu Dịch và dự đoán học” của Thiệu Vĩ Hoa, “Bí ẩn của tướng thuật” của Trần Hưng Nhân và đặc biệt hai bộ kỳ thư nổi tiếng của học thuật cổ Đông phương có khả năng dự báo tương lai là Kinh dịch và Mai hoa dịch số cũng được ấn hành. Đấy là chưa kể hàng trăm đầu sách của những nhà nghiên cứu khắp thế giới. Gần đây nữa là cuốn Thái ất thần kinh, một kỳ thư ngoại hạng, tương truyền của ngài Trạng Trình đã dùng để đoán những sự kiện xảy ra trước và sau 500 năm trong lịch sử, cũng đã được Nxb Văn Hoá Dân Tộc xuất bản. Thậm chí cả Tử Vi đẩu số, một cuốn sách có tham vọng dự đoán cho số phận con người đến từng ngày trong cuộc đời, cũng được giới thiệu phương pháp luận đoán của nó trong cuốn “Kinh Dịch với hệ nhị phân” (Gs Hoàng Tuấn. Nxb VHTT 2002). Chưa kể đến hàng chục đầu sách còn lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác, có tham vọng dự báo cho số phận con người.

Không phải chỉ đến bây giờ, mà hàng thiên niên kỷ đã trôi qua, sự chứng nghiệm của những kỳ thư này đã khiến cho con người phải suy nghĩ về thân phận của mình, về mặt này thì Tử Vi đẩu số, ứng dụng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành, đã đặt ra cho con người sự thách đố lớn nhất của định mệnh ngay từ khi mới chào đời. Môn Tử Vi đẩu số cũng là một phương pháp dự báo có quy tắc, chuẩn mực rõ ràng và ít mang yếu tố ngẫu nhiên nhất so với những phương pháp dự báo khác.

Trước khi trình bầy hiệu quả của các phương pháp dự đoán ở phần tiếp theo, người viết cũng xin được lưu ý các bạn một vấn đề: Trong tất cả các phương pháp dự đoán, hiệu quả của nó còn tuỳ thuộc vào khả năng của người dự đoán. Do đó, trong sự phân tích các phương pháp dự đoán dưới đây, người viết loại trừ tác nhân người dự đoán trong hiệu quả của nó, mà chỉ bàn đến hiệu quả về mặt lý thuyết của nó.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.