Type Here to Get Search Results !

Biết mình


Khám phá đời sống nội tâm luôn là đề tài hấp dẫn, mang lại những hiểu biết và thách đố con người biến đổi hành vi của mình để trở nên trọn hảo hơn, bắt đầu từ nhận thức.

“Dò sông, dò biển dễ dò. Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Xem chừng câu ca dao của tiền nhân như lời nhắc nhở rằng thật khó để hiểu được lòng người, vì lòng người thường hạn hẹp và tình người thường đổi thay, còn lòng mình thì làm sao mà không biết được. Tuy nhiên, con người thường có cái nhìn khoan dung, nhân nhượng về bản thân, đồng thời mang đôi kính hà khắc khi nhìn người khác, nên chắc gì sự hiểu biết về lòng mình là đúng. Vì thế để biết mình, con người cần phải soi gương!


Tại sao cần biết mình?

Không hiểu biết về nội tâm của mình, người ta luôn cảm thấy bất ổn, không thoải mái bên trong và dễ bị tổn thương trước những gì xảy ra bên ngoài. Không biết mình, người ta cảm thấy thật khó khăn để nói ra điều mình nghĩ, nhận thức điều mình muốn, gọi tên được những vấn nạn mình có. Không biết mình thì mối quan hệ với người khác trở thành một gánh nặng.

Tuy nhiên, biết mình thật không dễ dàng vì chúng ta thường phóng túng trong những suy nghĩ chủ quan, thường có đủ mọi lý lẽ để biện hộ cho những hành động sai trái, biện minh cho hình ảnh thiêng liêng về bản thân mình như là người không hề biết căm thù, không đố kỵ, không tham lam, không lười biếng… Biết mình là biết cảm nhận, ước muốn, nhu cầu… và cả những ý nghĩ, lối nhìn, để rồi từ đó mới có thể vươn đến sự trưởng thành, sự hài hoà giữa cảm xúc và nhận thức.

Biết mình đòi hỏi lòng can đảm và sự trung thực, để có thể chịu đựng được cảm giác bị lột trần, bị nhìn thấu và nhất là bị hụt hẫng khi niềm tin và lòng tự hào bản thân hằng có lâu nay, bị xô đổ. Đây là tiến trình lâu dài, cần thời gian.

Biết mình không phải là bức tranh, để đóng khung những khái niệm bất biến về bản thân trong đó. Sống giữa lòng xã hội, va vấp, đụng chạm với những tình huống thực tế và cụ thể, đôi khi ta cay đắng rơi nước mắt và thất vọng, vì dường như có một “người lạ hoắc” nào đó vẫn ẩn hiện trong nhận thức và cách cư xử của mình. Biết mình là một tiến trình liên lỉ, nó không dừng lại cho đến khi nào chúng ta nhắm mắt, xuôi tay, rời bỏ cuộc đời này.

Biết mình là một cuộc chiến cam go mỗi ngày, đòi hỏi lòng kiên nhẫn, sự cương quyết và chủ động. Đây là một tiến trình tất yếu và thiết yếu để có thể trưởng thành tâm cảm, đạt tới niềm hạnh phúc nội tâm đích thực và sung mãn.

Khi nào?

Người ta thường có xu hướng hành xử theo thói quen, thích thả xuôi dòng hơn phải gắng sức lội ngược dòng. Lại lắm lúc chiều chuộng bản ngã, vuốt ve tự ái, nên con người mãi đắm chìm trong những thang giá trị ảo của đời mình, và dầu đã mấy chục tuổi đời có khi cho đến chết, vẫn có cái nhìn mù mờ, mơ hồ hay phóng đại về bản thân. Tất cả những điều này đưa đến một đáp số chung: thể lực và trí lực bị bào mòn, những xung đột trong tâm hồn luôn tiếp diễn và chồng chéo nhau; xa lạ, gây hấn trong chính ngôi nhà nội tâm của mình và đem lại những phiền toái, đổ vỡ, đắng cay trong các mối tương quan. 

Một người có lẽ chẳng bao giờ học được cách kiềm chế những hành động tiêu cực của mình, nếu không hiểu được người khác cảm thấy như thế nào. Và dường như chỉ khi nào người ta rơi xuống tận cùng vực sâu của khổ đau, của thất vọng ê chề, nội tâm mới thét lên được tiếng kêu đau thương: “bao nhiêu khổ đau đó đã đủ rồi!”. Khi đó, cũng là lúc người ta mới có thể có ý muốn thay đổi nhận thức, tự chế cảm xúc, giới hạn nhu cầu, tái lựa chọn khung giá trị bản thân và tôi luyện ý chí cho cứng rắn, ngõ hầu kiếm tìm sự bình an sâu xa và hạnh phúc viên mãn, qua việc làm chủ hành vi và các mối tương quan.

Như thế nào?

Thinh lặng là bước đầu tiên để người ta lắng nghe bản thân, thinh lặng trong chính mình và thinh lặng xung quanh mình. Cô đơn là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của đời người, nó thường đi kèm với lòng khát khao và nhu cầu có những mối quan hệ. Trong nỗi cô đơn, người ta có cơ hội ý thức được một cách đau đớn những gì mình không có, hay những gì mình đã đánh mất. Vượt qua ranh giới mập mờ giữa cô đơn (trạng thái hoang mang, lạc lõng và khó chịu khi không có ai bên mình) và cô độc (trạng thái thoải mái khi ở một mình), người ta mới có thể cảm nếm được trạng thái cô độc tích cực - một tình trạng nội tâm sung mãn. Đây là một cuộc hành trình chông gai, mà người ta phải đi bằng đôi chân trần của mình, trong nước mắt, chán chường và đớn đau. Ai từ chối chặng đường này là người ta đã đẻo ngắn thánh giá đời mình, và vì thế mà khó lòng đến được cánh cửa “bình an” ở cuối cuộc hành trình. Tuy nhiên, không phải ta chỉ đi có một lần là đủ!

Chẳng thể biết mình, nếu chúng ta không đủ can đảm và bản lĩnh đảm nhận lịch sử đời mình. Ai cũng có quá khứ và nó là một phần không thể tách rời hay bôi xoá trong cuộc đời mỗi người. Ai chối bỏ quá khứ của mình, thì làm sao đủ mạnh mẽ để đón nhận tương lai và cảm nhận niềm an lạc trong hiện tại? Con người thường chú ý đến những cái mình đánh mất, hơn là những trải nghiệm quý giá, dù vui dù buồn, mà mình đã kinh qua.

Chúng ta không thể nào thấy rõ con người thật của mình, nếu cứ tiếp tục ngồi lì trong bóng tối của bản ngã, ghì mài trong sự tự ái, ích kỷ, kiêu căng… “Biết mình” là con đường không thể đi một mình. Chúng ta cần có sự trợ giúp, qua việc đối thoại, cởi mở đón nhận sự phê bình xây dựng của người khác.

Để làm gì?

Có lẽ không ít người trong chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn có cảm giác hoang mang, bất lực, căng thẳng, mệt mỏi, mất định hướng. Đây thực sự là một trạng thái làm chúng ta sợ hãi và đau đớn. Đôi khi chúng ta cảm nhận rằng toàn bộ thế giới bên trong của mình như đang đổ sụp. Khi đó chúng ta mất đi cảm giác chấp nhận mình và khả năng chấp nhận người khác. Không hiểu bản thân, chúng ta không thể nào đi xa hơn trong việc hiểu và gắn bó  với người khác - nền tảng của việc thiết lập các mối tương quan lâu dài và ổn định. Khi không biết mình, làm sao chúng  ta có thể tôn trọng, yêu thương và tin cậy người khác một cách thật lòng hay trọn vẹn?

Biết mình để trở nên khiêm tốn, cảm thông với yếu đuối, bất toàn của anh em đồng loại và sẵn lòng đưa đôi bàn tay ra cho người khác nắm lấy, khi họ cần.

Lời kết

Phải biết mình mới có đủ can đảm đón nhận sứ mệnh cuộc đời.

Một khi biết mình và làm chủ bản thân để vươn đến sự hài hoà nội tâm, thì con người sẽ hành xử cách trưởng thành, cởi mở trong các mối tương quan và xây dựng tình thân với mọi người.
“Biết mình” không phải là một phần mềm vi tính, mà chỉ cần được cài đặt một lần là xong. Đây là một quá trình tiệm tiến, là bước đầu tiên trong sáu bước để đạt đến sự trưởng thành tâm cảm. Ý thức về bản thân là yếu tố góp phần quan trọng nhất vào việc hình thành nhận thức: ta đang sống một cuộc đời vừa giống như hàng tỷ cuộc đời khác, vừa lại độc đáo không giống ai.



Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.