Tất cả những ai có tìm hiểu về Kinh Dịch và các phương pháp bói toán Đông Phương đều biết rằng Cổ thư Hán ghi nhận: Căn nguyên của Tiên Thiên Bát quái do vua Phục Hy tìm khoảng 3500 trước CN là Hà Đồ. Hà Đồ được nhắc tới từ rất sớm trong những cổ thư và được coi là vào thời Xuân thu Chiến quốc. Trong kinh Dịch, sự tồn tại của Hà đồ được căn cứ vào câu “Hà xuất đồ Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi”; nhưng đồ hình Hà đồ chỉ được công bố chính thức vào đời Tống. Điều kỳ lạ là lúc này – hơn 4000 năm sau khi Hà đồ được coi là của vua Phục Hy phát hiện – Ngũ hành tương sinh lại là nội dung chính của Hà Đồ? Đây là điều trong kinh văn của Kinh Dịch từ hơn 3000 năm trước (Tính từ thời Chu) lại không hề có đoạn nào nhắc tới Ngũ hành. Lịch sử thuyết Âm Dương và Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán là một vấn đề quan trọng, liên quan đến việc chứng minh đến giả thuyết được trình bày. Bởi vậy, không thể không giới thiệu với các bạn lịch sử của thuyết Âm Dương và Ngũ hành theo cổ thư chữ Hán và cái nhìn của các nhà nghiên cứu hiện đại về học thuyết này.
Những vấn đề lịch sử của thuyết âm dương ngữ hành
Khi nghiên cứu về thuyết Âm Dương Ngũ hành, hầu hết các nhà lý học hiện đại đều cho rằng: Âm Dương và Ngũ hành là hai học thuyết riêng biệt không liên quan với nhau được phát hiện ở hai thời kỳ khác nhau. Sở dĩ có hiện tượng này bởi trong cổ thư chữ Hán chưa hề có một văn bản nào được coi là xuất hiện trước thời Tần, Hán thể hiện một cách hoàn chỉnh phương pháp ứng dụng của thuyết Âm Dương Ngũ hành, mà chỉ là sự phát hiện rời rạc từng mảng của học thuyết đó, ngoại trừ cuốn Hoàng Đế Nội Kinh tố vấn mà nội dung của nó ghi nhận có xuất xứ từ thời Hoàng Đế (khoảng 3000 năm trước CN).
Quan niệm về lịch sử hình thành thuyết Âm Dương và Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán cũng được các học giả hiện đại nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong đó quan niệm phổ biến cho rằng: thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ hành là hai học thuyết riêng biệt, được chứng tỏ trong đoạn trích dẫn sau đây trong sách Chu Dịch Vũ trụ quan (Giáo sư Lê Văn Quán, Nxb Giáo dục Hà Nội 1995):
“Ngũ hành là chỉ năm loại vật chất: mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ. Theo hệ thống phân loại sắp xếp của vũ trụ quan truyền thống, thì đây là năm nguyên tố cơ bản cấu tạo thành muôn vật. Nhưng vận dụng quan niệm về Ngũ hành lại đặt chúng ở mối quan hệ giữa năm nguyên tố. Đó là mối quan hệ tương sinh tương thắng (khắc). Vì vậy, người xưa lấy mối quan hệ này làm cơ sở giải thích những hiện tượng biến đổi trong vũ trụ: tự nhiên, nhân sinh, xã hội, chính trị...
Qua các tài liệu “Tả truyện”, “Quốc ngữ”, ở thời đại Xuân Thu, Ngũ hành chỉ năm loại vật chất không thể thiếu trong sinh hoạt. Tư tưởng Ngũ hành đầu tiên lưu hành ở hai nơi Yên, Tề miền phía đông Trung Quốc, thời đại nảy sinh sớm nhất không trước Trâu Diễn một thế kỷ, vào thế kỷ thứ V trước CN. Thời đại sinh của Trâu Diễn khoảng 350 đến 270 trước CN. Nếu ông ta không phải là người duy nhất khai sáng ra thuyết Ngũ hành, thì ít nhất cũng là người hệ thống hoá và cố định thêm những tư tưởng có liên quan đến loại này.
Trong sách Thượng Thư, thiên Hồng Phạm cũng đề cập đến Ngũ hành, nhưng không thể ra đời sớm hơn thời đại Trâu Diễn. Sách “Thượng Thư”, thiên Hồng Phạm viết: “Ngũ hành: nhất viết hoả, nhị viết thuỷ, tam viết mộc, tứ viết kim, ngũ viết thổ. Thuỷ viết nhuận hạ, hoả viết viêm thượng, mộc viết khúc trực, kim viết tòng cách, thổ viên giá sắc. Nhuận hạ tắc hàm, viên thượng tác khổ, khúc trực tác toan, tòng cách tác tân, giá sắc tác cam”.
“Ngũ hành: một là nước, hai là lửa, ba là gỗ, bốn là kim loại, năm là đất. (nói về tính) nước thấm xuống dưới, lửa bốc lên trên, gỗ có cong có thẳng, đồ kim khí tuỳ tay người thợ mà đổi hình, đất để cấy lúa và gặt lúa . Nước thấm xuống dưới làm vị mặn, lửa bốc lên trên là vị đắng, gỗ cong hay thẳng là vị chua, đồ kim khí tuỳ tay người thợ đổi hình: vị cay, lúa cấy gặt vị ngọt”.
Quan niệm về Ngũ hành mà sách Hồng Phạm đề cập không thuần tuý dừng lại ở năm loại vật chất cơ bản. Nó đặc biệt chú ý đến mối quan hệ và các thuộc tính của Ngũ hành. Ngay ở thiên “Hồng phạm” cũng đã phản ánh thuộc tính liên quan với ngũ hành: “Thuỷ, nhuận hạ tác hàm; hoả, viêm thượng tác khổ; mộc, khúc trực tác toàn; kim, tòng cách tân; thổ, giá sắc tác cam”. (Nước thấm xuống dưới làm vị mặn, lửa bốc lên trên là vị đắng, gỗ cong hay thẳng là vị chua, đồ kim khí tuỳ tay người thợ đổi hình: vị cay, lúa cấy gặt vị ngọt).
Thuyết Âm dương Ngũ hành dung hoà.
Thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ hành phát triển đến thời Tần Hán đã có sự phân biệt khá rõ rệt: tuy thuyết Âm Dương thiên về nguyên lý sinh thành vũ trụ. Thuyết Ngũ hành thiên về phân loại hiện tượng sự vật trong vũ trụ và hệ thống quan hệ giữa những thuộc tính. Hai cái đó hoà vào nhau và trở thành hệ thống giải thích hiện tượng sinh thành vũ trụ, cuối cùng hoàn thành từng bước ở đời Hán.
Thuyết Âm Dương Ngũ hành ở thời lưỡng Hán kế thừa tư tưởng thời Tiền Tần, dung hoà và phát triển rộng tạo thành hệ thống giải thích vũ trụ hoàn chỉnh. Các trước tác viết về tư tưởng này rất nhiều, lưu lại đến ngày nay tương đối đầy đủ và có giá trị như: Lễ Ký, Hoài Nam Tử, Xuân Thu phồn lộ....
Qua đoạn trích dẫn trên, xin các bạn lưu ý: thiên Hồng phạm trong sách Thượng thư được giáo sư Lê Văn Quán nhắc tới ở trên, chính là nói đến Hồng phạm cửu trù mà Khổng An Quốc nói tới. Xin độc giả tiếp tục xem đoạn trích dẫn dưới đây từ trong sách Đại Cương triết học Trung Quốc (Phùng Hữu Lan. Nhà nghiên cứu triết học/lịch sử hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc. Nxb Thanh Niên 1999, người dịch Nguyễn Văn Dương):
“Tại Trung Quốc xưa có hai luồng tư tưởng đã cố giải thích cấu tạo và nguồn gốc vũ trụ. Một luồng tư tưởng dựa trên những trứ tác của Âm dương gia và luồng tư tưởng kia dựa trên vài phần trong “Dịch truyện” do các nhà nho khuyết danh đưa phụ vào bản kinh Dịch nguyên thuỷ. Hình như hai luồng tư tưởng ấy đã tiến triển độc lập, không liên quan với nhau. Trong thiên “Hồng Phạm” và “thiên Nguyệt lệnh” mà ta sẽ xét, Ngũ hành được đề cập mà thấy không nói tới Âm Dương, trong “Dịch truyện” trái lại, chỉ thấy nói tới Âm Dương mà không nói tới Ngũ hành. Nhưng về sau, hai luồng tư tưởng ấy hợp làm một. Sự hợp nhất ấy đã thấy vào thời Tư Mã Đàm (chết năm 110 tr.C.N), khiến cho ông đã gom lại trong bộ Sử ký, dưới tên Âm Dương gia.
Âm dương gia và vũ trụ luận nguyên thuỷ tại Trung Quốc
Trong chương III sách này, tôi có nói rằng Âm dương gia vốn gốc ở những nhà thuật số. Những thuật số gia này ngày xưa được biết đến dưới tên “phương sĩ”. Trong phần “Nghệ văn chí” (quyển 30) của sách Tiền Hán thư, được lập theo bộ Thất lược của Lưu Hâm, những ngành thuật số ấy được gom vào 6 loại.
Sáu ngành thuật số
Ngành thứ nhất là thiên văn. “Thiên Văn”, theo “Hán thư Nghệ văn chí”, là sắp thứ tự hai mươi tám sao, ghi chép sự vận chuyển của năm hành tinh, của mặt trời mặt trăng để ghi những hiện tượng lành dữ.”
Ngành thứ hai là lịch phổ. “Lịch phổ”, theo thiên ấy, là xếp đặt vị trí bốn mùa, chia đúng các tiết, hiểu giờ của mặt trời mặt trăng của năm hành tinh, để khoả sát lạnh nóng, sống chết... Nhờ luật này. Điều lo về tai ách, điều vui vẻ tốt lành đều biết được rõ ràng.
Ngành thứ ba là về Ngũ hành. “Phép đó, theo “Nghệ văn chí”, cũng bắt đầu từ sự vận chuyển của ngũ đức (năm nguyên tố), suy cho cùng cực thì không có gì là không thấu.”
Ngành thứ tư là bói bằng cỏ thi và mai rùa, xương bò. Đó là những phép bói chính ở Trung Quốc xưa. Về cách bói sau, thì những thầy bói đục lỗ ở trong vỏ rùa hay trong miếng xương phẳng, rồi đem hơ vào lửa nóng, trên chiếc đũa bằng kim loại, để làm thành những đường nứt phát ra chung quanh lỗ. Thầy bói giải thích những đường nứt ấy theo hình trạng chúng, để trả lời câu hỏi nêu ra. Theo phép thứ nhất, thì thầy bói trộn các nhánh cỏ thi làm thành những tổ hợp về số để có thể giải thích theo Kinh Dịch. Mục đích của phần kinh nguyên thuỷ của sách này là để giải thích như vừa nói.
Ngành thứ năm là ngành tạp chiêm và ngành thứ sáu là hình pháp. Ngành sau này được căn cứ vào khái niệm con người là sản vật của vũ trụ. Do đó, nhà cửa hay mồ mả phải được bài trí theo cách nào cho hợp với những lực thiên nhiên, nghĩa là với “gió nước”.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.