Dường như trong tâm trí người Tây nguyên xưa nay chỉ biết đến cây Mai trong ngày tết. Tuy vậy, đã có sự dịch chuyển nhẹ của thời tiết đã mang sắc Đào vào cái tết của người miền cao.
Lâu lắm, tôi chẳng nhớ đã bao lâu mình chưa đi dạo phố để xem những nhánh mai, cành đào. Năm nay thì có chút đổi thay, và mọi thứ phát xuất từ những nụ đào màu trắng.
Vườn đào chỉ cách TP. Buôn Mê Thuột khoảng 30km, cách Thị xã Buôn Hồ khoảng 5 - 7 km. Khi tôi đến thăm vựa mai của cô X, tôi hỏi ngay đến cây đào màu trắng. Sau khi cô nói, tôi mới biết người ta gọi những cây đào mày trắng là Bạch Đào - một giống đào sắc nước hương trời, thuộc hàng "hiếm". Điều trước đó tôi biết về những cây Bạch đào là giống này chỉ còn mọc rải rác ở một số vùng núi phía Bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La). Hoa đào bạch rất quý và hiếm do khó trồng nên ngày xưa chỉ các nhà vương giả hoặc quan lại mới có thể chơi được. Tuy nhiên, vài năm gần đây hoa đào trắng xuất hiện lác đác ở một số hội chợ hoa Tết. Người chơi khó có thể mua được loại hoa quý hiếm này.
Tìm hiểu thêm tôi mới biết, không chỉ người yêu hoa mà bất cứ ai từng được chiêm ngưỡng bạch đào đều thích thú. Nghe kể, nhìn ảnh thôi chưa đủ, tận mắt thấy hoa đào trắng tinh khiết hẳn nhiều người sẽ mê mẩn vì vẻ đẹp của nó. Đặc biệt, trong khi các loại hoa đào khác không có mùi thơm thì hoa bạch đào lại có mùi thơm phảng phất về đêm giống như mùi phấn rôm trẻ em.
Trong y học, Bạch đào tên khoa học là Flos salicina, ngoài trồng để làm cảnh, hoa bạch đào được dùng chữa nhiều bệnh, trị được những chứng đau ở vùng ngực, bụng, hói tóc, rụng tóc, lợi đại tiểu tiện, trị những chứng tích tụ, phù thũng, thông tiểu trị đau nhức ống chân, trị đau xương thắt lưng. Đặc biệt là bài thuốc trị da mặt sần sùi, làm da mặt sáng sủa.
Nhìn cái cách mà người dân đến và chọn về cho mình những cành đào, tôi mới thực sự thấu hiểu cái cảm giác mỗi dịp Xuân về, mọi người lại tất bật ngược xuôi để mua sắm, đích thân đến vựa để chọn cho mình những gốc đào ưng ý về trưng trong nhà.
Không chỉ những đóa hoa Bạch đào làm tôi say mê, khi nhìn quanh tôi thấy vô số các bạn Hồng đào cũng vươn mình khoe sắc đẹp mỹ miều trong từng đường nét. Chưa bao giờ, chưa một lần tôi lại được đứng trong không gian với nhiều hoa đào đến thế. Tôi yêu hoa, tôi thích hoa, hoa càng bé lại càng lôi cuốn tôi hơn. Trong không gian đẹp đẽ đó, lòng tôi mở rộng và mời gọi sắc xuân đến gõ cửa nhà, cùng những trải nghiệm thú vị đầy đam mê.
Có vẻ như những người chủ vựa đào cũng chuyên nghiệp hơn. Chỉ cần khách lựa chọn gốc đào ưng ý, sau khi thỏa thuận giá sẽ có người giúp đào những gốc đào lên, rồi đưa ra khu vực đóng gói, khách hàng chỉ việc trả tiền và lên xe chở đào về nhà.
Giá của những gốc đào ở đây cũng hợp lý. Tùy tán nhiều hay ít, đẹp nhiều hay ít mà mức giá dao động từ 250 - 2 triệu đồng. Tuy vậy, phần lớn gốc đào ở đây có giá từ 350 - 500.000 VNĐ. Khách có thể chọn gốc mình thích và đặt cọc nếu chưa tiện chở về.
Thậm chí có khách thích tự trải nghiệm, họ đi khắp vườn để lựa chọn, mượn dụng cụ để đào gốc, sau đó đưa ra khu đóng gói, tìm nhặt những dây nilong vương vãi, chắp nối lại và quấn từng vòng xung quanh cho gọn trước khi nhờ ai đó giúp mình đưa cây đào lên xe chở về. Trong cái nắng, cái gió và cái lạnh buốt, nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán của họ, tôi mới hiểu được cái ý nghĩa đích thực về trải nghiệm những mùa xuân của họ, qua đó tôi cũng tự nhủ lòng bằng cách nào đó cũng phải đón từng cái tết cho đúng nghĩa.
Ngẫm lại, đời người có mấy mùa xuân, bao mùa xuân qua đi nhưng mấy ai hiểu hết những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại mang đến những xúc cảm khó tả, về sau trở thành những câu chuyện "thao thao bất tuyệt" kể lại cho con cháu.
Xã hội nói chung và ngày tết quê tôi nói riêng, mỗi năm lại có rất nhiều những xu hướng, phong trào mới. Có năm sắm vật liệu trang trí gỗ đắt tiền, năm thì đua nhau trưng mai, năm lại hoa cúc, vài năm trở lại đây với việc xuất hiện nhiều hơn những cây đào trong nhà người dân quê tôi. Mỗi thứ mới mẻ đều mang đến những trải nghiệm thú vị, cho mọi người có nhiều hơn những lựa chọn để đón đến. Và mỗi nhà mỗi cảnh, họ tự biết họ cần gì để đón một mùa xuân.
Trong tâm trí tôi, quê tôi vốn đã trù phú, nơi "đất lành chim đậu" của rất nhiều người, trong đó có người đến từ phía Bắc - những người đã dày công nghiên cứu để đưa những cây đào vốn quen thổ nhưỡng phía bắc đến gần hơn với người Tây Nguyên. Tôi đã không quên nói lời: "Cảm ơn!" như là sự tri ấn và đánh giá cao những nỗ lực mang sắc đào vào cái tết của con người xứ sở này.
Và cũng chính tại vựa đào, tôi đã may mắn gặp được "người mẫu nhí" rất dễ thương, đang hồn nhiên bên những gốc đào.
Ban đầu khi tôi nhìn cô bé, tôi ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi điều đó khơi gợi rất nhiều điều cảm hứng trong tôi. Và những bức hình trong bài viết này bạn thấy chính là thành quả đầu tiên của nguồn cảm hứng ấy. (Điều mà tôi chưa từng làm trong nhiều năm qua).
Tôi say sưa với những gốc đào. Tôi cũng cố gắng tìm cho mình một gốc đào ưng ý. Tôi cũng cố gắng lưu lại những gì tôi đã và đang thấy hôm nay. Sắc đào thật tuyệt! và tôi có thêm một say mê mới thay vì luôn dành trọn đam mê cho những đóa hoa mai như mọi năm.
Và thay cho lời kết bài viết, xin gửi tặng bạn đọc thành quả của những gì tôi ghi nhận hôm nay:
Đẹp tuyệt vời! Ở gần tớ xin một cây bạch đào luôn! 😜
Trả lờiXóaNó quý, nó hiếm thế mà về nhà mẹ phán một câu chưng hửng luôn: "ai mà trưng đào trắng, phải đào đỏ mới hên"... Oh my god!
Xóahì ...phải rồi! Ai đời Tết chưng đào trắng! hì hì!
Trả lờiXóa