Type Here to Get Search Results !

Những điều thiết yếu bạn nên đầu tư cho mình (P4 - Tính chuyên nghiệp)

Chúng ta trở lại với những gì đang dang dở: Những điều thiết yếu bạn nên đầu tư cho mình. Tôi đã đề xuất với bạn 3 trương mục đầu tư. Bạn còn nhớ chúng là gì chứ? Tôi xin trích lại và đính kèm đường Link để bạn tiện theo dõi.
Hôm nay tôi đề xuất tiếp với bạn trương mục thiết yếu thứ 4: Sự chuyên nghiệp.

PHÁT TRIỂN TÍNH CHUYÊN NGHIỆP



Ai cũng biết đến hai từ "Chuyên nghiệp", nhưng hầu như chúng ta đang định nghĩa hai từ ấy theo những khái niệm chung chung. Chúng ta có thêm một trợ từ để bổ trợ, lý giải cho hai từ ấy, đó là "tính chuyên nghiệp".

Theo từ điển Việt Nam (Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2006) về mặt tính từ, chuyên nghiệp nghĩa là: chuyên là một nghề, lấy một việc, một hoạt động nào đó làm nghề chuyên môn; phân biệt với nghiệp dư. Theo từ điển Anh – Anh – Việt (NXB Văn hóa thông tin, 1999) professional (chuyên nghiệp): doing as a jod sth which others do only as an interest or a hobby (tạm dịch: là một việc gì đó như một công việc mà người khác làm chỉ vì hứng thú hoặc sở thích). 

Như vậy, chuyên nghiệp có thể hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, là chuyên tâm vào nghề nghiệp, công việc. Ai chuyên tâm và tận lực với nghề nghiệp, công việc của mình; chất lượng và hiệu quả làm việc của họ thường rất cao. Tính chuyên nghiệp không chỉ có trong các công việc có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao mà phải thể hiện ngay trong từng công việc nhỏ, hàng ngày. Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy, những điều đó chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất đều phải được thiết lập đồng bộ, nhất quán, hợp lý.[1]

Nói một cách khác, chuyên nghiệp là kỹ năng thực hành chuyên chủ trong một lĩnh vực nhất định. Nó đòi hỏi được đào tạo và kinh nghiệm trong việc tiếp thu, đánh giá và cách giải quyết vấn đề dựa trên các dữ liệu thông tin, sự kiện, bối cảnh.

Một Sử gia chuyên nghiệp khác với những người đam mê, yêu thích nghiên cứu lịch sử. Những người yêu thích thường giỏi thu thập và phân loại thông tin, nhưng có thể không có kỹ năng chuyên môn và kiến thức nền tảng để phân tích và giải thích các nguồn tài liệu.

Sự khác biệt là tương tự như giữa một chuyên viên y tế có trình độ và một người có kiến ​​thức về sơ cứu.

Nếu bạn nghiêm túc về việc có một sự nghiệp phát triển mạnh, bạn phải đầu tư vào tính chuyên nghiệp của mình.


Người hướng dẫn chuyên nghiệp

Kinh nghiệm xương máu nói với tôi rằng, để phấn đấu thành một người chuyên nghiệp thì rất là khó và mất rất nhiều thời gian. Đó không phải là chuyện một sớm một chiều hay quyết tâm thôi là chưa đủ. Bạn không thể chuyên nghiệp cho đến khi bạn gặp một người chuyên nghiệp thực thụ.

Tôi đã học được bài học này khi tôi đăng ký lắp đặt truyền hình số mặt đất An Viên. Khi đó, thay vì đăng ký và đợi chờ nhân viên nhà đài đến lắp đặt thì tôi đã tự ra tiệm và mua những thứ cần thiết về để tự lắp đặt. Tôi mất hai ngày để mày mò, search Google các kiểu, xem hướng dẫn và cố làm đúng theo chỉ dẫn, nhưng bất thành. Cuối cùng, đành phải gọi nhân viên đến lắp đặt và chịu phí 150k.

Cũng cùng dịch vụ, một anh Tây đến thuê nhà. Sau khi tôi đưa số điện thoại cho anh liên hệ. Cũng người thợ lắp đặt ấy, anh bắt đầu đưa ra các yêu cầu và kiên nhẫn dõi theo người thợ lắp đặt. Sau khi anh thợ lắp đặt, anh Tây tỏ vẻ không hài lòng và đưa ra các lý do và buộc anh thợ phải làm lại. Hôm đó, thay vì mất 1h để lắp, anh đã mất cả buổi chiều để lắp đặt cho đến khi anh Tây chủ nhà vừa ý và được trả một mức phí như tôi.

Khi ra anh thợ ra về, tôi có hỏi anh ấy có thấy phiền khi bị yêu cầu và mất thời gian nhiều như vậy không? Anh ta vui vẻ trả lời dù những giọt mồ hôi thấm đẫm chiếc áo anh đang mặc. Anh thợ nói:

- Tây nó không như mình. Nó biết nhưng nó cứ để mình làm. Mình là nhà cung cấp và mình được đào tạo để làm việc đó. Mình lắp không làm họ hài lòng theo đúng hợp đồng thì mình phải chịu thôi. Nhưng vì thế mà mình biết thêm nhiều thứ, tốt cho mình, không sao đâu.

Đó là một trong những bài học về tính chuyên nghiệp đầu tiên tôi học được và khó mà quên. Tôi hiểu rằng, dù mình biết nhưng không phải việc gì mình làm cũng tốt. Mỗi người có cái nghiệp để mưu sinh. Lẽ tất yếu là phải chuyên môn hóa và hoàn thiện sự chuyên nghiệp nếu muốn sống với nghề.

Tôi không có may mắn có một người hướng dẫn chuyên nghiệp. Cũng ít gặp người có tính chuyên nghiệp cao. Điều đó lý giải cho sự chậm tiến về tính chuyên nghiệp của tôi. Khi tôi nhận ra, thì đã đi chậm hơn rất nhiều so với những người có cùng xuất phát điểm với mình. Tuy vậy, điều gì cũng có hai mặt, tôi được trải nghiệm nhiều thứ và từ những trải nghiệm đó tôi hiểu biết rõ từng việc. Và qua từng trải nghiệm, tôi có những câu chuyện thực tế để thể nghiệm và kể lại. Và rất nhiều điều tôi học được, trong đó có việc dám thử thách bản thân và không ngại khó.

Nhưng có người hướng dẫn, sớm rèn luyện tinh thần và tính chuyên nghiệp thì vẫn là tốt hơn cả. Nó giúp bạn đi nhanh hơn, xa hơn thay vì đánh đổi mồ hôi, thời gian và trí tuệ.

Xung quanh bạn có càng nhiều chuyên gia, sự đầu tư của bạn càng có giá trị. Đó là khoản đầu tư thiết yếu mà mỗi người nên sớm đầu tư cho mình.

Gần đây, truyền thông dậy sóng với câu Slogan:"Quan trọng là thần thái". Điều đó rất đúng với sự chuyên nghiệp. Hầu như mọi người có tính chuyên nghiệp tôi biết ở họ đều có một điểm chung, đó là thần thái. Họ khác biệt so với mọi người. Từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ hành động, tư thế tác phong đến chữ "Tín" mà họ tôn thờ đều thể hiện tối đa sự chuyên nghiệp của họ.

Có một vài đặc điểm chung ở người có tính chuyên nghiệp:


  1. Một người chuyên nghiệp thì không có tính "ngồi núi này trông núi nọ". Họ chú tâm và cố gắng làm tốt nhất có thể công việc đó.
  2. Một người chuyên nghiệp luôn tạo cho mình những mục tiêu và động lực thúc đẩy họ đạt cho bằng được những mục tiêu cam kết. Đó chính là lý do vì sao họ trở nên đáng tin bởi họ cho người khác niềm tin là "họ nói được thì làm được".
  3. Một người chuyên nghiệp luôn đảm bảo nền tảng kiến thức vững chắc những thông tin họ biết. Họ biết cách truyền đạt ý chí của mình và kiên nhẫn cho đến khi đối phương thực sự hiểu rõ điều họ muốn nói. Những thứ khác họ có thể khẳng định ngay là không biết, nhưng cái họ biết thì rất rõ ràng.
  4. Một người chuyên nghiệp thì không bao giờ lỗi hẹn. Nếu có, họ cũng đảm bảo là thông báo trước.
  5. Một người chuyên nghiệp thường rất thủy chung. Họ tôn thờ chữ Tín và luôn cố gắng giữ điều đó như chính danh dự của họ. Điều tổn thương tồi tệ nhất với họ chính là mất lòng tin ở người khác. Điều đó không khác gì đẩy họ rơi vào tình trạng mất phương hướng.
  6. Một người chuyên nghiệp là một người có kỹ năng thành thục trong lĩnh vực của mình. Dù tình huống hay sự việc phát sinh đột biến, học luôn biết cách "hóa nguy thành an" ngay sau đó. Nếu họ thiếu kỹ năng và thiếu chuyên nghiệp, họ sẽ không bao giờ dám đưa ra một lời cam kết hay thời gian cụ thể cho việc giải quyết vấn đề phát sinh.
  7. ...

Danh sách ấy còn dài tùy theo mức độ định hình và yêu cầu về sự chuyên nghiệp của mỗi người.

Nếu bạn là người đầy tham vọng và khao khát thành công thì không thể bỏ qua trương mục đầu tư này. Nó là con đường tất yếu bạn phải đi qua và nhất định phải trở thành. Một là tiến lên, tiến tới hoặc là chấp nhận buông xuôi, thụt lùi và bị lãng quên.

Tham khảo

[1] Bàn về tính chuyên nghiệp

Đăng nhận xét

1 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.
  1. Nếu bạn nghiêm túc về việc có một sự nghiệp phát triển mạnh, bạn phải đầu tư vào tính chuyên nghiệp của mình.
    Tớ muốn là BÁC SĨ VẬT LÝ TRỊ LIỆU và HỌC MÃI TỚI 60 TUỔI để nhận tấm bằng công nhận TỚ là NHÀ PHÁT MINH KHOA HỌC bạn ạ! Tất nhiên tớ sẽ học mãi tới lúc tịt đường thở thì thôi ...hì hì

    Trả lờiXóa