Type Here to Get Search Results !

Trào ngược dạ dày thực quản, Gastroesophageal Reflux Disease (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến, tỷ lệ ngày càng gia tăng. Bệnh khá thường gặp nhưng nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng. Đây là bệnh mãn tính, vì vậy việc điều trị phải lâu dài, ngay cả khi đã hết triệu chứng.

Hầu hết mọi người có thể kiểm soát sự khó chịu của GERD với thay đổi lối sống và thuốc không kê đơn. Nhưng một số người bị GERD có thể cần dùng thuốc mạnh hơn hoặc phẫu thuật để giảm triệu chứng.

    Trào ngược dạ dày là gì?

    Trào ngược dạ dày thực quản hay Gastroesophageal Reflux Disease (GERD) là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi...) trào ngược lên thực quản.

    Trong điều kiện sinh lý bình thường, mỗi khi chúng ta ăn uống, thức ăn đưa từ miệng xuống thực quản, cơ vòng thực quản dưới mở ra cho phép thức ăn xuống dưới dạ dày, sau đó tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch vị trào ngược trở lại. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch dạ dày trào ngược lên gây tổn thương các cơ quan thực quản, thanh quản, miệng,..

    Triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày

    1. Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng: Người bệnh sẽ ợ hơi thường xuyên để đẩy bớt lượng khí trong dạ dày ra ngoài, giảm khó chịu cho dạ dày. Ợ nóng là do dịch acid dạ dày trào ngược tiếp xúc với niêm mạc thực quản tạo cảm giác nóng rát từ xương ức lan tới cổ họng. Axit dạ dày cũng khiến cho người bệnh có cảm giác chua ở miệng.
    2. Nóng dạ dày: Người bị trào ngược dạ dày sẽ có cảm giác nóng cồn cào trong bụng. Đó là do lượng axit nhiều gây kích ứng niêm mạc dạ dày khiến dạ dày bị tổn thương và sinh sôi nhiều vi khuẩn có hại, sinh ra nhiệt và cảm giác nóng dạ dày rõ rệt.
    3. Đau tức ngực: Trào ngược dạ dày không chỉ làm cho axit mà đôi khi cả thức ăn bị tràn lên thực quản, làm người bệnh cảm thấy căng tức, đau ở ngực và khó chịu.
    4. Khó nuốt: Sự tiếp xúc thường xuyên giữa thực quản và axit dạ dày làm niêm mạc thực quản bị viêm, sưng tấy. Do đó, đường ống dẫn thức ăn sẽ trở nên hẹp hơn làm người bệnh có cảm giác nuốt khó, vướng ở cổ.
    5. Đau họng: Axit dạ dày có thể trào lên tới vùng thanh quản và họng, làm cho vùng họng bị kích ứng dẫn tới hiện tượng viêm họng, đau họng.
    6. Miệng tiết nhiều nước bọt: Khi bị trào ngược dạ dày, cơ thể sinh ra phản ứng tiết nhiều nước bọt để trung hòa lượng axit này. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cơ thể nuốt phải nhiều khí hơn, gây ợ hơi, ợ nóng.
    7. Buồn nôn và nôn: Dịch vị và axit, thức ăn trào ngược vào trong khoang miệng làm miệng tiết nhiều nước bọt trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, dạ dày co thắt liên tục đẩy axit và thức ăn ra ngoài khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn và bị nôn trớ.
    8. Đắng miệng: Trào ngược dạ dày làm cho van môn vị bị đóng mở quá mức. Dịch mật theo đó trào ngược từ tá tràng vào trong dạ dày, theo axit tràn lên thực quản và vào tới khoang miệng gây ra cảm giác đắng miệng. Hiện tượng này thường xảy ra vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy.

    Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày

    Nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản không nằm ngoài hai cơ chế: Sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới và sự dư thừa axit hay sự quá tải bên trong dạ dày. Hiểu một cách đơn giản, ta ví dạ dày như cái thùng, cơ thắt thực quản đóng vai trò như nắp thùng. Trào ngược dạ dày xảy ra khi có hiện tượng “ thùng đầy nắp yếu”.

    Những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của cơ thắt thực quản dưới:

    ● Tác dụng phụ của thuốc Tây: Holecystokinine, glucagon, aspirin, ibuprofen và các loại thuốc huyết áp...
    ● Thói quen sinh hoạt dùng các chất kích thích và gây nghiện như: cafein, rượu, thuốc lá,...
    ● Các bệnh lý: Tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, bệnh lý nhiễm trùng ở thực quản gây xơ, yếu cơ vòng thực quản hoặc các bệnh lý di truyền, thoát vị hoành...

    Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa acid hay sự quá tải bên trong dạ dày

    ● Bệnh lý dạ dày: Rất nhiều bệnh lý dạ dày là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản như viêm dạ dày, loét, trợt niêm mạc dạ dày, ung thư hay hẹp hang môn vị dạ dày...
    ● Thói quen ăn uống: Ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu ( nước có gas, đồ ăn nhanh, trứng, sữa,...)

    Một số nguyên nhân khác dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản

    ● Thừa cân hoặc béo phì gây tăng áp lực lên vùng bụng
    ● Mang thai
    ● Stress...

    Tác hại của bệnh trào ngược dạ dày

    Dạ dày là nơi chứa đựng và tiêu hóa một phần thức ăn. Để làm được nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn dạ dày tiết ra một axit rất mạnh là axit hydrochloric HCl, axit này giúp hoạt hóa enzym pepsin- đóng vai trò chính trong việc tiêu hóa protein. Chính vì vậy mà bản thân dạ dày có một hàng rào rất kiên cố ngăn không cho các axit và các enzyme quay lại “ăn mòn” dạ dày. Tuy nhiên các cơ quan khác lại không có cơ chế bảo vệ này. Chính vì vậy khi tiếp xúc với dịch dạ dày, niêm mạc nhanh chóng bị tổn thương, ăn mòn, sau đó là phù nề, viêm nhiễm, xơ sẹo và dính, nặng hơn là ung thư. Cụ thể:
    • Loét thực quản: Các vết loét có thể chảy máu, gây đau đớn và khó nuốt.
    • Hẹp và sẹo thực quản: khi tổn thương liền lại có thể để lại sẹo gây hẹp thực quản làm tắc nghẽn đường lưu chuyển thức ăn.
    • Thực quản Barrett: là tình trạng mô vảy ở đoạn dưới thực quản bị biến đổi thành mô dạng cột với các tế bào giống như ở ruột (dị sản ruột). Quá trình này là kết quả của sự tổn thương liên tục đến lớp lót của thực quản và nguyên nhân phổ biến nhất là trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào đã bị biến đổi này có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành tế bào ung thư. Do đó, những người bị thực quản Barrett được khuyên nên có nội soi định kỳ để theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sớm về ung thư.
    • Ung thư thực quản: Có 2 loại ung thư thực quản chính: Ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy. Trong đó, một yếu tố nguy cơ chính của ung thư thực quản là thực quản Barrett. Người ta ước tính cứ 10 - 20 người có thực quản Barrett thì có 1 người bị ung thư thực quản sau 10 - 20 năm.
    • Biểu hiện ngoài thực quản: Viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa tái diễn nhiều lần. Tăng nặng bệnh hen suyễn. Ăn mòn răng, axit trào vào phổi có thể gây xơ phổi....

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng như đau ngực hoặc khó thở. Ngoài ra, bạn cũng nên báo cho bác sĩ biết nếu những triệu chứng trên xuất hiện thường xuyên hoặc có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

    Số liệu cảnh báo thực trạng căn bệnh trào ngược dạ dày hiện nay

    • 15% Dân số Việt Nam mắc phải bệnh trào ngược dạ dày
    • Hơn 70% Bệnh nhân trào ngược dạ dày bị lại do chưa có cơ chế điều trị phù hợp, hiệu quả
    • Hơn 40% Bệnh nhân trào ngược gặp phải biến chứng của bệnh do điều trị muộn, sai cách.
    • Theo Thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam hiện có 126.000 ca mới mắc UNG THƯ Dạ dày và 94.000 ca tử vong mỗi năm do biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày.
    Nhận thức về bệnh trào ngược dạ dày chưa được nhìn nhận chính xác, nhiều người bệnh dễ nhầm lẫn triệu chứng trào ngược với 1 số bệnh lý về đường tiêu hóa dẫn đến điều trị sai cách.

    Biến chứng nguy hiểm của bệnh trào ngược dạ dày- thực quản

    Trào ngược dạ dày là một căn bệnh mạn tính, việc điều trị bệnh và kiểm soát bệnh rất khó khăn, Bệnh tiến chiển theo từng mức độ từ nhẹ tới nặng, nếu chúng ta không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ gây lên những biến chứng vô cùng nguy hiểm và khó lường có thể dẫn đến tử vong.
    • 10% Bệnh nhân trào ngược dạ dày bị hẹp thực quản
    • 10% Bệnh nhân trào ngược dạ dày bị viêm loét dạ dày
    • 7% Bệnh nhân trào ngược dạ dày bị barrett thực quản (Giai đoạn tiền ung thư)
    • 5% Bệnh nhân trào ngược dạ dày biến chứng thành ung thư thực quản.

    Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

    Điều trị bệnh TNTQ cần dựa trên cơ sở bệnh sinh. Biểu hiện lâm sàng mỗi người một khác, có người triệu chứng thì rầm rộ nhưng lại không có tổn thương thực thể, có người không có triệu chứng lại có thực quản ngắn Barrett, hoặc hẹp. Thông thường bệnh nhân hay có viêm trợt thực quản ở đoạn nối tâm vị - thực quản. Điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.

    + Điều trị tại nhà bằng cách thay đổi lối sống
    Thay đổi lối sống có thể làm giảm tần suất trào ngược axit dạ dày. Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao giờ cũng phải đi kèm với chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Sau đây là một số mẹo nhỏ chữa trào ngược dạ dày dành cho bạn:
    • Duy trì cân nặng phù hợp: Tình trạng thừa cân gây áp lực lên toàn bộ cơ thể bạn, khiến dạ dày bị đẩy lên và làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
    • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản, dẫn đến axit từ dạ dày trào lên thực quản.
    • Đừng vội nằm sau khi ăn: Không ăn tối quá muộn, tốt nhất là trước 8h tối. Sau khi ăn 2- 3 hãy nằm xuống hoặc đi ngủ.
    • Ăn chậm, nhai kỹ: Cố gắng nhai kỹ và nuốt hết phần ăn trong miệng trước khi bắt đầu lấy thêm một phần ăn khác.
    • Chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no, thức ăn trong dạ dày quá đầy sẽ dễ trào lên thực quản.
    • Tránh các loại đồ ăn thức uống kích thích trào ngược axit: Thực phẩm béo, chiên, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và cafein. Bổ sung trái cây, rau xanh.
    • Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên phần bụng và cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện gây ra trào ngược dạ dày thực quản.
    • Sử dụng thảo dược: Cam thảo và hoa cúc đôi khi được sử dụng để giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, các thảo dược tự nhiên thỉnh thoảng lại có tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến thuốc đang điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ một loại thảo dược nào.
    • Thư giãn, giảm stress: Các bằng chứng cho thấy, giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.
    Trường hợp bệnh trào ngược làm bạn khó chịu nhiều, lâu ngày không khỏi hoặc xuất hiện các dấu hiệu như khó nuốt, nuốt nghẹn, đau âm ỉ, bạn cần đến ngay với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được can thiệp điều trị kịp thời.

    + Điều trị nội khoa
    • Dùng các thuốc ức chế bơm proton (PPI): Hiện nay, xu hướng điều trị ngay từ đầu bằng các thuốc này với liều chuẩn hằng ngày, trong 2 - 4 ngày đầu. Bệnh nhân thường đáp ứng tốt, giảm triệu chứng nhanh, đa số ổn định lâu, liền sẹo loét. Các thuốc trong nhóm này có thể kể đến là:
    • Omeprazole viên 20mg, có tác dụng ức chế tiết acid mạnh, có thể tạo ra vô toan. Các triệu chứng lâm sàng hết ngay từ những ngày đầu khi dùng thuốc. Tuy nhiên omeprazole có thể làm giảm acid kéo dài dẫn đến làm tăng gastrin máu. Mức gastrin sẽ trở về bình thường vài tuần sau khi ngưng thuốc. Các tác dụng phụ thường thấy là tiêu chảy, táo bón, đau đầu.
    • Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai, sau 8 tuần điều trị tỷ lệ liền sẹo loét dạ dày đạt 89 - 92% và diệt vi khuẩn HP 21 - 43%. Tác dụng phụ ít gặp, chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài.
    • Pantoprazole là thuốc được dung nạp tốt giúp liền sẹo nhanh, ít tác dụng phụ.
    • Rabeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid. Tác dụng phụ thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
    • Esomeprazole có tác dụng ức chế tiết acid kéo dài nhờ trong công thức có đồng phân quang học S không bị chuyển hóa bởi hệ men cytochrom P450 trong gan. Thuốc ít tác dụng phụ, chủ yếu là nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.
    • Trường hợp có nhiễm Helicobacter pylori (HP): Có thể diệt HP với phác đồ 3 thuốc ngắn ngày, sau đó tiếp tục điều trị với thuốc ức chế bơm proton dài ngày, tùy sự đáp ứng của người bệnh.
    + Điều trị ngoại khoa
    Những trường hợp điều trị nội khoa không kết quả, có thể xét điều trị phẫu thuật, làm một cái van dạ dày ở quanh phần thực quản thấp. Hiện nhiều nhà phẫu thuật ưa dùng phương pháp “Nissen mềm” qua soi ổ bụng. Kết quả cũng tương tự như phẫu thuật mở, đạt hiệu quả chống trào ngược 80 - 90%. Song phẫu thuật cũng có nguy cơ tử vong và cũng có tới 30% số người sau mổ có triệu chứng nặng nề như chướng hơi, nuốt khó, không ợ được.