Trong một cuộc phỏng vấn Giám đốc điều hành của Netflix về các chương trình phát trực tuyến của các đối thủ cạnh tranh, ông Reed Hastings cho biết: "Bạn biết đấy, hãy nghĩ về điều đó, khi bạn xem một chương trình từ Netflix, rất có thể bạn sẽ bị nghiện nó, và bạn thức khuya dậy sớm. Chúng tôi đang cạnh tranh với giấc ngủ, đó là một khoảng thời gian rất lớn".
Cảm ơn sự trung thực tàn bạo của ông, ông Hastings! Nói thực là từ lúc tôi xem cuộc phỏng vấn đó cho đến khi tôi ngồi đây và viết bài này, tôi vẫn cảm thấy buồn cười biết mấy. Cả giấc ngủ người ta ông cũng không tha, là sao?
Tôi không phủ nhận việc truyền thông xã hội tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, những mảnh đời sống ảo và rất nhiều nền kinh tế, và rất nhiều những trào lưu. Nền kinh tế chia sẻ đã, đang và còn thịnh hành hơn nữa trong tương lai. Nhưng ngoài mặt tích cực, nó cũng làm tê liệt và ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian thực và cả sức khỏe của mỗi chúng ta.
Trong loạt phim Black Mirror , hầu hết các tập phim đều nói về công nghệ hiện tại có thể xảy ra trong tương lai gần. Cụ thể, một tập phim đình đám, đặc biệt, là Tập 1 của Phần 3, mang tên "Nosesive".
Nếu bạn xem nó, bạn có thể băn khoăn: liệu đó có phải là tương lai của phương tiện truyền thông xã hội? và tương lai của chính chúng ta?
Xã hội ngoài tầm kiểm soát
Điều gì sẽ xảy ra khi truyền thông xã hội vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, của các chính phủ. Bài học về phát minh ra chất nổ và những quả bom nhãn tiền còn đó. Tôi cho truyền thông xã hội đến một lúc nào đó cũng như vậy. Những gì chúng ta ao ước, chính là những gì chúng ta hướng đến, khao khát tột cùng để thỏa mãn hơn nữa những tiện nghi.Trong tập phim, mọi người có thể đánh giá người khác về cơ bản bất kỳ tương tác xã hội nào. Nó giống như Yelp trên Steroid.
Mọi người trở nên ám ảnh với điểm tín nhiệm xã hội của họ, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến địa vị xã hội của họ. Vì vậy, mỗi người có thể đánh giá người khác dựa trên các tương tác nhỏ, chẳng hạn như mua một tách cà phê. Tại quán cà phê, một khách hàng có thể ngay lập tức sử dụng điện thoại của mình để đánh giá Barista, nhưng Barista cũng có thể đánh giá khách hàng. Sau đó, xếp hạng của một người (1-5 sao) có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như nơi người ta có thể sống, phương tiện người ta có thể dùng và nơi người ta muốn đến.
Ví dụ: nếu một người không có xếp hạng cao hơn 4.3, họ sẽ không được phép sống trong một căn hộ trong một khu vực độc quyền. Hoặc, họ sẽ không được xuất cảnh, không được chào đón ở những nơi chỉ định, và thậm chí không được cho vay tín dụng tại các ngân hàng.
Nếu đây là một tương lai có thể của truyền thông xã hội, thì chúng ta đang gặp rắc rối lớn rồi!
Bị cô lập trong những mối quan hệ hời hợt
Trong "Nosesive", mọi người vẫn được thúc đẩy để tìm kiếm các mối quan hệ, nhưng họ làm như vậy để đạt được thứ hạng cao, sự đánh giá tích cực và để hoàn thành mục tiêu nào đó. Họ chỉ tìm kiếm "thích" để được lên "Top" thịnh hành, thứ hạng cao trong danh sách của tổ chức xếp hạng nào đó. Họ muốn xếp hạng cao để sau đó họ có thể có quyền truy cập vào các đặc quyền mà nếu không, họ sẽ không nhận được. Hãy nhìn qua danh sách thịnh hành của Youtube, đó chẳng phải là những gì con trẻ chúng ta đã, đang hướng đến sao? Ok, đương nhiên là chúng ta có nhiều thứ để xem hơn, nhưng không có nghĩa những sản phẩm của chúng đều đáng để xem và có giá trị. Điều đáng buồn là đi đầu và cổ võ cho trao lưu đó chính là giới nghệ sĩ và giới truyền thông. Lời của ông giám đốc điều hành Nexflix cũng có thể đồng nghĩa với phát ngôn của giới truyền thông đương đại, rằng họ cạnh tranh với nhau chưa thỏa, còn đi cạnh tranh với cả giờ ăn, thậm chí là cả giấc ngủ của chúng ta. Thật dã man!Tôi luôn bị xem là lập dị khi tránh xa và không dùng các mạng xã hội để có thể kết nối với người thân và bạn bè. Ừ thì cho là đúng đi, nhưng vì cớ gì khi tôi phải dành sự chú ý cho ai đó và phải share thế này, like thế kia trong khi đối với tôi những việc đó là vô nghĩa. Tôi cũng nhận thấy được là từ ngày có truyền thông xã hội, mối quan hệ của tôi với những người bạn ngày một hời hợt hơn. Thay vì như trước kia, khi nhớ đến tôi có thể gọi điện hỏi thăm, rảnh rỗi thì qua nhà xì xàm với vài lon bia, cốc rượu; bây giờ thì sinh nhật cũng chỉ bấm một phát rồi "kệ mẹ", đi làm việc khác. Rôi tối về mở điện thoại lên thì một đống tin nhắn comment, thông báo,... Nếu cứ cắm đầu vào duyệt mấy thứ đó chắc tôi sẽ chẳng bao giờ cầm được cái chổi đi quét nhà hay phụ vợ chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình.
Khi chúng ta bị cuốn vào trò chơi "like", "share" và trông chờ vào những đánh giá của nó, điều đó cũng giống như chúng ta tham gia vào một trò chơi không có hồi kết, mà cứ liên tục, liên tục thôi thúc chúng ta phải "làm gì đó" để thu hút cái nhìn và đánh giá của người khác. Khi bạn bấm "like" hay "share", có bao giờ bạn nghĩ hay quan tâm cho người đó, dù cho người đó là con cái, là người thân hay bè bạn. Nếu chúng ta không gọi đó là những mối quan hệ hời hợt thì phải gọi là gì?
Đi cà phê cả đám với nhau, ngồi kêu được ly nước là đứa nào đứa đó cắm mặt vào vuốt vuốt, trượt trượt cái điện thoại. Trong thời gian thực chúng ta còn đối với nhau như thế thì khuất mặt nhau còn tới cỡ nào.
Mỗi chúng ta cần phải phản tỉnh và cảnh giác hơn khi tham gia vào trò chơi này. Chúng ta đang làm méo mó đi bản chất của các mối quan hệ và xây dựng các mối quan hệ dựa trên những nền tảng "ảo". Và khi sống trên những cái ảo quá lâu, chúng ta trở thành công dân của thế giới ảo lúc nào chẳng hay. Chúng ta cần một thế giới riêng để thể hiện và khẳng định mình, sống thật với bản chất của mình hay để che đậy và tạm quên đi cuộc sống thực khó khăn mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày; nhưng không có nghĩa là chúng ta cho phép nó chi phối quá nhiều đến cuộc sống, quyền lợi và sự an-vui, hạnh phúc của chúng ta. Cho dù là vì lý do gì thì chúng ta đều phải biết, trong cái thế giới ảo, chẳng có gì là thật, đừng nói chi đến tình người. Trong cái thế giới ấy, mỗi người đều có những toan tính, sự giả tạo và hời hợt.
Truyền thông xã hội bây giờ?
Cho dù đó là Rotten Tomatoes, Amazon, Yelp, Facebook hay Instagram, tất cả chúng ta đều bị cuốn vào việc cung cấp và thu hút các đánh giá. Từ đứa trẻ tiểu học cho đến các bậc làm cha mẹ, thậm chí là cả ông bà. Họ tìm đủ cách để chụp và sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa để tạo ra các bức ảnh đẹp, bắt mắt và sao cho cuốn hút ánh nhìn từ người khác.Trên ghế nhà trường, những đứa trẻ được dạy để mai này lớn lên có ích cho xã hội. Bản thân chúng cũng ước ao lớn lên làm ông này, bà kia. Nhưng thời gian mà chúng đang có, chúng lại tập trung vào việc cố gắng để có thể có được các bức ảnh tự sướng, các video "nhảm" để có cái mà đăng lên truyền thông xã hội. Mặt khác, chúng cũng hy vọng sẽ kiếm được chút tiền từ các hoạt động đó; và khi chúng kiếm được tiền, chúng cho đó là hướng đi đúng đắn, và cho mình cái quyền phản bác lại tất cả những gì ảnh hưởng đến thu nhập, lối sống của chúng.
Tương lai của truyền thông xã hội?
Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng "điểm tín nhiệm xã hội" để thưởng và trừng phạt công dân của mình. Các quốc gia khác cũng đang bắt đầu làm theo? Truyền thông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp lên thời gian thực của chúng ta theo cách như vậy đó. Các chính phủ cũng thuận nước mà đẩy thuyền, dùng các mạng truyền thông xã hội làm công cụ để giám sát, quản lý và đánh giá công dân của mình. Tôi tự hỏi, chúng ta bây giờ và tương lai ở trong xã hội như thế thì khác gì những con thú trong các vườn quốc gia, khi mà chúng ta đeo lên mình những mã số để một nhóm người ở đâu đó trên quả đất này ngồi thưởng thức và tiêu khiển. Trong khi loài người chúng ta lại tìm cách xâu xé, giành giựt để tăng thứ hạng và chú ý. Thật đúng là một "tấn trò đời kiểu mới" của xã hội loài người ngày nay.Chúng ta phải nhớ rằng hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào chất lượng mối quan hệ của chúng ta , chứ không phải chúng ta có bao nhiêu người theo dõi hay "thích". Những thứ đó cho chúng ta một niềm vui ngắn ngủi, nhưng, giống như ăn đồ ăn vặt, những cảm xúc tích cực nhanh chóng tan biến. Và, giống như ăn đồ ăn vặt, có những hậu quả lâu dài về sức khỏe khi bị cuốn vào các phương tiện truyền thông xã hội và có được lượt thích cũng như theo dõi.
Truyền thông xã hội là tốt hay xấu thì vẫn là vấn đề đáng để bàn cãi. Nhưng có những thứ không thể chối cãi là cách mà chúng đang ảnh hưởng lên mỗi chúng ta. Khi mà chúng đang dần lấy đi cái quyền tự do vốn có của một con người, lấy đi thời gian và sức khỏe và biết bao điều tốt đẹp khác đang ở đâu đó chứ không phải thế giới gói gọn trong chiếc màn hình bé xíu kia.
Đã đến lúc chúng ta cần phải ngồi xuống và nghiêm túc hơn với chính mình. Tự hỏi điều chúng ta đang cố gắng liệu có phải là cuộc sống và tương lai chúng ta dành cho thế hệ tiếp nối. Niềm vui và tình yêu có thể chợt đến với những cái like hay share, nhưng tuyệt đối nó không phải là niềm vui đích thực, là thứ hạnh phúc cuộc đời chúng ta theo đuổi.
Điều duy nhất đúng đắn trong cuộc đời mỗi người là nhận biết và thực thi, theo đuổi những gì mang đến niềm vui, sự hài lòng, cùng tình yêu và hạnh phúc cho bản thân và người thân của mình. Đó mới chính là thời gian thực, là cuộc sống thực, là tương lai và là chính chúng ta. Không cần đến những lượt view, like hay share, hay thứ gì đó "thẩm định" tư cách của chúng ta trong ánh nhìn của xã hội và loài người.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.