Type Here to Get Search Results !

Uống rượu ngày tết xưa và nay của người Việt


Ngày xưa, người Việt ta có cái quốc hồn quốc túy được sử dụng trong ngày Tết là rượu. Ngoài bánh chưng, hành muối, gạo nếp, gà quê… thì rượu như là một phần không thể thiếu được với mỗi gia đình dịp Tết cổ truyền. Đã từ lâu, trên mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết, kể cả những ngày giỗ chạp trong năm, người ta thấy có rượu trắng trong đồ cúng.


Từ bao đời, ở vùng Bắc Bộ, trước Tết vài tháng, nhiều gia đình đã chọn gạo nếp, loại nếp cái hoa vàng, giống thuần chủng để nấu rượu. Cái thứ nước cất từ hỗn hợp của loại gạo này ủ với men ta tạo ra một loại đồ uống thơm lừng mùi của men, của lúa, của tinh hoa ngũ cốc từ đồng ruộng. Loại này uống rất vào, nhưng say mềm lúc nào chẳng hay.

Rượu Tết chẳng phải để uống một mình. Nó được đóng chai, nút lá chuối khô theo phương cách cổ truyền, đợi ngày tụ họp gia đình, mở nút, thơm lừng, vậy là anh em xa gần cùng tề tựu về nhà bác trưởng họ hay ông bà cùng thưởng thức và bàn luận. Rượu quê được dùng nhắm với các thực phẩm cũng rất quê như cá đồng rán, cỗ lòng lợn… Mùi thơm của rượu, cùng các thứ gia vị như rau húng, rau mùi, hành, giò, chả trong mâm cơm được ám khói củi rạ tạo ra một hương vị rất đặc trưng, đó là mùi Tết - cái mùi mà có lẽ nhiều người xa quê lâu lâu mới được cảm nhận lại. Tất cả tạo ra một bầu không khí đầm ấm, vui vẻ vừa mang tính gia đình, dòng họ.

Rượu vào lời ra, tiếng cười tiếng nói rôm rả, dáng đi liêu xiêu túy lúy, lâng lâng, bay bổng, tuy mệt mà thấy vui. Cái dư vị của rượu Tết như khắc sâu trong ký ức nhiều người. Ai ai cũng nhớ chén rượu quê ngày Tết chẳng phải vì thèm rượu, mà quan trọng nó gợi lại ký ức, đôi khi là bóng hình tuổi thơ, là người thân, là anh em, gia đình, bè bạn...

Việc dùng chén rượu Tết tại bữa cơm quê đã là một giá trị văn hóa khắc ghi trong lòng nhiều người. Rượu như là một chất men kết dính, kích hoạt không khí vui vẻ của đại gia đình. Tuy nhiên, ngày nay việc uống rượu không còn được như xưa nữa. Rượu được lạm dụng để làm quà biếu cho nên theo nhu cầu biếu xén của nhiều người, những thứ rượu giả ra đời, từ vài chục nghìn cho đến vài trăm triệu một chai rượu. Hơn nữa, ngày nay rượu cũng được cho là một món đồ uống để gây kích thích, lấy tinh thần “chém gió” trong các bữa tiệc của đại đa số người dân. Giá trị của những chén rượu quê dần bị mất đi, biến tướng. Ngày xưa, tổ tiên ta chủ yếu là uống trà và uống rượu, và đều được nâng lên thành thú ẩm thực chứ không chỉ đơn giản là đồ uống. Ngày xưa, cha ông ta luôn cố gắng biến sự uống thành văn hóa, như thưởng trà, thưởng rượu chứ không như ngày nay, rượu là để vui tới bến trong những ngày kỷ niệm, tổng kết, liên hoan…

Sách cổ có “xếp loại” khi uống rượu là Tiên tửu, Phật tửu, Cuồng tửu, Tục tửu hoặc Ti tửu. Rượu uống với người tri âm, tri kỉ, thổ lộ được với nhau những nỗi niềm tâm sự mà ngay cả người thân trong gia đình cũng không nói được. Lúc này càng uống càng tỉnh. Đó là Tiên tửu. Rượu uống say rồi ngủ khì, đó là Phật tửu. Rượu vào lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô tục, gây gổ đánh nhau, đó làTục tửu. Mượn chén rượu để khích bác, nói xấu nhau một cách vô liêm sỉ, đó là Ti tửu.

Bởi thế, ngày xưa hay ngày nay, rượu xưa hay rượu nay cũng đều phải uống “có văn hóa” thì mới là Tiên tửu. Người uống rượu ngày nay lại còn cần thêm một “văn hóa uống” nữa là phải biết phân biệt rượu đảm bảo an toàn, tức là rượu rõ nguồn gốc, rượu tự làm… chứ đừng ham những thứ đắt đỏ xa hoa mà lại phải ăn tết trong bệnh viện.
Tags

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.