Type Here to Get Search Results !

Đưa yếu tố văn hóa Việt vào sách giáo khoa Tiếng Anh phổ thông - Tại sao không?

Thiếu một chiến lược đưa các giá trị văn hóa, truyền thống vào sách giáo khoa tiếng Anh có thể làm mất cơ hội quảng bá về quê hương, đất nước, con người.

Bao năm qua, tôi nghĩ ngành giáo dục đã "thiếu sót" vô cùng khi "quên" những điều này. Khi mà, văn hóa Tây phương có vẻ quá xa lạ với văn hóa Á Đông, càng khó tiếp cận đối với học sinh - những thế hệ tiếp nối và còn mai sau nữa.

Đưa yếu tố văn hóa Việt vào sách giáo khoa Tiếng Anh phổ thông - Tại sao không?

Còn gần hai tháng nữa năm học 2020-2021 mới bắt đầu; tuy nhiên, là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) nên từ cuối năm học 2019-2020, chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, đặc biệt là môn tiếng Anh, được nhiều người quan tâm.

Bộ GD&ĐT đã thẩm định và cấp phép cho 7 đầu SGK tiếng Anh được sử dụng theo CTGDPT mới. 2 trong 7 đầu sách này do người Việt biên soạn, còn lại 5 đầu sách là nhượng quyền của các nhà xuất bản (NXB) nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn rằng nên cho học sinh tiếp cận với phông văn hóa nào khi học tiếng Anh? Liệu học tiếng Anh để Tây hóa hay các em vẫn chỉ là người Việt Nam nói tiếng Anh?

Trên các diễn đàn, có chuyên gia cho rằng học tiếng Anh nên chỉ tập trung vào kiến thức ngôn ngữ và kiến thức thế giới để mở rộng tầm mắt cho học sinh; còn các yếu tố văn hóa Việt Nam thì học sinh đã được học ở những bộ môn khác. Quan điểm này có vẻ không được nhiều nhà sư phạm ủng hộ vì những lý do sau.

Thứ nhất, văn hóa là một khía cạnh không thể tách rời với ngôn ngữ. Khi sử dụng một ngoại ngữ nào đó với mục đích giao tiếp nhưng các giá trị biểu đạt trong đó là của chủ thể, thể hiện năng lực, phẩm chất, đặc điểm, phông văn hóa của chính người đó. Do đó, nếu cho rằng dạy học tiếng Anh không cần liên hệ các giá trị văn hóa của ngôn ngữ gốc (tiếng Việt) là một quan điểm phiến diện.

Nhiều bạn trẻ được sinh sống và học tập ở nước ngoài từ nhỏ có năng lực tiếng Anh như người bản ngữ. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, các em lại bỡ ngỡ với những điều tưởng như rất đơn giản trong cuộc sống của người Việt. Nhiều em không phân biệt được củ hành với củ tỏi, củ gừng với củ nghệ, con ngan với con vịt….

Thâm chí ngay ở Việt Nam, nếu SGK không đề cập những khái niệm này thì chắc chắc học sinh sẽ không diễn đạt được bằng tiếng Anh vì các em không có vốn từ vựng. Nên chăng, SGK tiếng Anh cần có chủ đề giới thiệu những điều gần gũi, thân thiết trong cuộc sống hàng ngày của học sinh.

Thứ hai, ngoài mục đích sử dụng dạy học, SGK có thể còn là một kênh tham khảo hữu ích cho nhiều học giả, chuyên gia nước ngoài khi nghiên cứu ở nước sở tại. Theo họ, SGK là nguồn cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đáng tin cậy.

Thứ ba, việc lồng ghép các giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử… có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của người học, để rồi từ đó xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc… cho người học.

Nếu chúng ta thiếu chiến lược đem các giá trị văn hóa, truyền thống vào SGK tiếng Anh có thể làm mất cơ hội quảng bá về quê hương, đất nước, con người.

Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa trong dạy học tiếng Anh cần được các NXB quan tâm trong biên soạn chương trình SGK tiếng Anh mới, nhất là đối với các lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bên cạnh lồng ghép những yếu tố tích cực trong văn hóa Việt vào SGK tiếng Anh, chúng ta cũng cần phải định hướng cho học sinh hạn chế sử dụng những yếu tố tiêu cực của thói quen, văn hóa địa phương trong giao tiếp với người nước ngoài. Ví dụ như tính tò mò, hiếu kỳ của người Việt (hỏi tuổi tác, hỏi về thu nhập….) nhằm giúp cho học sinh tự tin, chững chạc hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.

Mỗi dân tộc đều có các giá trị văn hóa, truyền thống riêng. Tiếng Anh là phương tiện giúp chúng ta đem các giá trị văn hóa, truyền thống của mình hòa nhập với cộng đồng quốc tế chứ không hòa tan, không đánh mất mình trong dòng chảy của toàn cầu hóa.

Vì vậy, bên cạnh học tiếng Anh và văn hóa của các nước nói tiếng Anh nói chung, chúng ta nên trang bị cho học sinh các giá trị văn hóa Việt Nam để qua tiếng Anh, học sinh Việt Nam có thể trở thành các đại sứ văn hóa giới thiệu với bạn bè thế giới về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Không chỉ văn hóa có thế, yếu tố "xã hội" cũng là ý tưởng đáng để xem xét

Hỏi, có yếu tố "xã hội" trong sách giáo khoa bao năm qua có hay không? - Chắc chắn là có, nhưng chưa đủ, thậm chí còn nhiều "sạn".

Việc đưa chủ đề thời sự vào sách giáo khoa về nghiên cứu xã hội nhằm tăng cường tư duy phản biện của học sinh.

Trước đây, các vấn đề “nóng” trong giới truyền thông Singapore hiếm khi được đưa vào các sách giáo khoa về nghiên cứu xã hội. Thế nhưng, hiện nay, bài viết trên trang Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long - trong đó chia sẻ quan điểm về sự tương tác với người nước ngoài, hay cuộc thảo luận liệu có nên đưa ra một chuẩn nghèo đói hay không, đã được đưa vào nội dung sách giáo khoa nghiên cứu xã hội mới của Singapore.

Bà Marilyn Lim, người phụ trách bộ phận phát triển và chương trình giảng dạy trực thuộc Bộ Giáo dục Singapore cho biết: Bài kiểm tra và sách giáo khoa về xã hội cấp phổ thông trung học đã được sửa đổi, nhằm chú trọng hơn vào việc thúc đẩy tư duy phê phán cho học sinh.

Với giáo trình mới, học sinh được khuyến khích "phát triển cách phản ứng với các vấn đề xã hội hơn là chỉ tiếp nhận thụ động về chúng", một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục nói với The Straits Times. Phiên bản sách giáo khoa mới có nhiều chủ đề mang tính thời sự và các câu hỏi hướng dẫn để khuyến khích học sinh tư duy phản biện.

Chẳng hạn, đối với vấn đề "khám phá công dân và quản trị", câu hỏi gợi ý là:

"Trở thành một công dân có ý nghĩa gì đối với tôi?" và "Chúng tôi làm thế nào để ra quyết định hữu ích cho xã hội?".

Một sự khác biệt quan trọng là các giáo trình sửa đổi cũng có cách nhìn mới về sự đa dạng –chẳng hạn như con người mang quốc tịch và địa vị kinh tế - xã hội khác nhau thay vì chỉ tập trung vào sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, việc đưa các vấn đề gây tranh cãi trong những năm gần đây vào lớp học là để khuyến khích học sinh xem xét và đánh giá các quan điểm trong giới báo chí hay truyền thông xã hội, thay vì chỉ "là những người đọc một cách bị động và lười suy nghĩ".

Tuy nhiên, học sinh vẫn cần phải có thông tin về bối cảnh lịch sử để hiểu những vấn đề mới. "Họ cần phải có cơ hội để đánh giá quá khứ và tìm hiểu những bài học mà lịch sử để lại", ông Tan Ern Ser nhấn mạnh.

Một số phụ huynh đã rất vui mừng khi biết được sự đổi mới sách giáo khoa và cách làm bài thi này. Nhân viên kinh doanh bất động sản Charlotte Chng - có con học cấp 3, cho biết:

"Con trai tôi không phải là người thích vùi đầu trong sách vở và ghi nhớ các dữ liệu, vì vậy tôi nghĩ rằng các dạng bài thi được sửa đổi sẽ có lợi cho nó. Tôi có thói quen thảo luận về các tin tức với con, theo tôi, đây là cách gián tiếp dạy cho nó những kỹ năng cần thiết"
.

GS Nguyễn Lân Dũng: Đến lúc ngành giáo dục cần nghe phản biện

"Tôi rất tiếc khi thấy ta không học mô hình giáo dục của Mỹ hay một số nước phát triển khác mà lại lấy mô hình các lớp ghép ở miền núi Colombia - một nước nhỏ và nghèo ở Nam Mỹ".

Có nhiều người sẵn sàng đổ đống tiền để con du học, bởi chưa có cái nhìn đúng mực với việc du học. Giáo sư có đồng tình với ý kiến cho rằng “phải cho con đi du học vì học ở Việt Nam quá vất vả?”.

Học ở Việt Nam quá vất vả thì đúng rồi, nhưng đi du học sớm cũng là bất lợi cho trẻ. Trẻ em chưa trưởng thành cần gắn bó với cha mẹ, anh chị. Đặc biệt, với các em có vốn ngoại ngữ chưa vững, xa gia đình, sống trong một xã hội quá khác biệt sẽ khiến các em khá vất vả.

Tốt hơn hết là ta nên học hỏi kinh nghiệm giáo dục của các nước phát triển để trẻ Việt Nam không bị quá vất vả trong quãng đời trẻ tuổi.

Một nữ nhà văn Mỹ gốc Việt từng nói:
“Người Mỹ nghĩ rằng một đứa trẻ từ bé cần được dạy và cho cơ hội thực hành việc ra quyết định độc lập. Để lớn lên một chút thôi, bắt đầu vào cấp hai là trẻ đã ý thức được nó muốn trở thành gì, như thế nào thì sẽ hạnh phúc nhất. Thường trong cái hạnh phúc đó sẽ bao hàm việc đứa trẻ được làm việc theo đúng sở trường. Sinh viên Mỹ biết rõ họ muốn làm gì và họ làm chủ việc học của họ… Sinh viên Việt Nam nghĩ quá nhiều về người khác và nghĩ hộ người khác trong việc học của chính mình, cho nên hay tránh cái nọ, né cái kia, học những thứ không thực sự có ích trực tiếp gì cho mình, người khác bảo học gì thì học nấy”.

Tôi rất tiếc khi thấy ta không học mô hình giáo dục của Mỹ hay một số nước phát triển khác mà lại lấy mô hình các lớp ghép ở miền núi Colombia - một nước nhỏ và nghèo ở Nam Mỹ. Phải chăng chỉ vì nguồn tài trợ cho dự án này lớn tới 84,6 triệu USD (từ Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về Giáo dục của Liên hợp quốc)?

Chúng ta đã triển khai từ năm học 2012-2013 trên 54 tỉnh, thành phố với 2.365 trường tiểu học và trên 1.000 trường Trung học cơ sở. Có nghĩa là mấy vạn học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đang bị buộc làm “chuột thí nghiệm”. Đã đến lúc nhất thiết cần nghe phản biện của các hiệu trưởng, các thầy cô giáo, các phụ huynh và đông đảo học sinh.

Chuyện xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa là chuyện hết sức hệ trọng. Theo tôi cần có những cuộc hội thảo quốc gia để định hướng biên soạn chương trình và sách giáo khoa, sau đó phân cho các hội chuyên ngành chọn chuyên gia (cả giáo viên phổ thông) biên soạn chương trình dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cần có một hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín để xét duyệt chương trình chuẩn. Sau đó theo quyết định của Quốc hội là có nhiều bộ sách giáo khoa để các nhóm chuyên gia đăng ký biên soạn sách giáo khoa theo từng môn học, chứ không phải có nhóm đăng ký cả bộ sách giáo khoa.

Cũng cần nói rõ, quyền lựa chọn sách giáo khoa nào phải giống như các nước, là tuỳ từng giáo viên, từng học sinh. Tất cả đều đã theo đúng cùng một chương trình chuẩn, chỉ với các cách trình bày khác nhau mà thôi. Không có chuyện trao quyền lựa chọn cho Sở hay trường để dẫn tới vô vàn chuyện tiêu cực.

Một vấn đề rất lớn đang gây phân tâm trong xã hội, đó là quan niệm thế nào là tích hợp? Không ai phản đối tích hợp, nhưng tích hợp thế nào cho hợp lý thì lại là chuyện khác. Ví dụ Pháp không dạy sinh học mà dạy khoa học về sự sống và về trái đất. Họ không dạy thực vật, động vật, người, vi sinh vật... mà dạy từng chức năng sống từ virus đến người, liên quan đến môi trường sống, đến vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Tích hợp chính là sự kết hợp giữa lý thuyết với cuộc sống, với sức khoẻ, với thiên nhiên, với tiến bộ khoa học & công nghệ, với biến đổi khí hậu, với trách nhiệm công dân...

Giáo sư đánh giá thế nào về một học sinh giỏi?

Học sinh giỏi là một học sinh phát triển toàn diện, hiếu học, hiếu thảo, có khả năng tiếp thu kiến thức do thầy cô truyền đạt, có năng lực tự phát triển tri thức thông qua sách vở, báo chí trong và ngoài nước (do đó các em cần sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp THPT).

Học sinh giỏi có thể trở thành sinh viên, rồi thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng cũng rất có thể trở thành một công nhân có tay nghề cao, có khả năng thăng tiến trong nghề nghiệp không thua kém gì người thăng tiến theo con đường đại học và sau ại học.

Về điều này, cần biết hiện tại chúng ta có tới trên 320.000 thanh niên tốt nghiệp đại học và cao đẳng không tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Học sinh giỏi là học sinh chọn đúng được chuyên ngành mình ưa thích. Các em đủ khả năng tự tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thông qua việc tìm kiếm trên internet những thông tin từ các bằng phát minh đã hết thời gian bảo hộ. Từ đó các em có thể khởi nghiệp thành công với sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng và với sự cộng tác của bè bạn.

So với các nước trên thế giới, có phải trẻ em ở Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về học tập, thành tích hơn không thưa Giáo sư?

Tôi nghĩ chả cần phải ra nước ngoài, chỉ cần quan sát học sinh đang học tại các trường quốc tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì rõ. Đành rằng đấy là những trường đòi hỏi học phí cao, không dành cho học sinh của mọi gia đình. Nhưng sao bọn trẻ học trong các trường này nhàn hạ thế, hào hứng thế, trong khi kiến thức lại rất toàn diện và ít nhất cũng thông thạo một ngoại ngữ từ đầu cấp hai, thành thạo hai ngoại ngữ ở cuối cấp ba.

Một số trường ở Việt Nam tuy bị ràng buộc bởi việc phải sử dụng chung chương trình, sách giáo khoa, theo kế hoạch và chỉ đạo chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, nhưng nhờ có những sáng kiến riêng, có đội ngũ giáo viên giỏi nên họ đã tạo nên những thương hiệu nổi tiếng.

Có thể kể đến các trường chuyên, lớp chuyên trực thuộc một số trường đại học, trường phổ thông liên cấp Olympia, trường phổ thông Hà Nội - Amsterdam, trường Lương Thế Vinh, trường Marie Curie, trường Đoàn Thị Điểm...

Đơn cử như trường phổ thông liên cấp Olympia ở Hà Nội. Đấy là trường thường được gọi là “Trường Việt Nam chất lượng Hoa Kỳ”. Đúng là học phí có cao so với mặt bằng chung, tuy vẫn dạy theo chương trình của cả nước nhưng học sinh được phát triển toàn diện văn, thể, mỹ, đức. Các em giỏi tiếng Anh và thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng với điểm số cao, đặc biệt là sau đó phần lớn học sinh đủ điều kiện nhận học bổng du học.

Sao ta không rút kinh nghiệm từ ngay các trường này mà phải sang tận Colombia để du nhập mô hình “trường học mới” về nước ta?

Nguồn Tổng hợp