Type Here to Get Search Results !

Sân toà có nắng


Ly hôn là tất yếu đối với quan hệ hôn nhân đã thật sự tan vỡ. Tuy nhiên những năm tháng ngồi ghế thẩm phán, tôi thấy có những chuyện ly hôn trớ trêu cười ra nước mắt của nhân sinh thế sự.

Có người chỉ vì chạy theo ảo ảnh mà tự tay bằm nát hạnh phúc gia đình bằng tờ đơn ly hôn lạnh lùng, tàn nhẫn, hoặc những vụ ly hôn nhưng trong sâu thẳm tận đáy lòng, các đương sự vẫn còn thương yêu nhau, để rồi sự việc lỡ dở lại hối tiếc...

1. Khi ly hôn là giải pháp

Người chồng 37 tuổi, có dáng dấp một thương nhân thành đạt. Người vợ trẻ ở tuổi 25, khuôn mặt khá xinh nhưng lộ nét mệt mỏi, thờ ơ. Sau khi tòa sơ thẩm xử ly hôn, người chồng làm đơn kháng cáo về chuyện chia tài sản. Theo đơn, toàn bộ khối tài sản là do anh kinh doanh vất vả mới có, còn vợ chỉ ở nhà lo chuyện cơm nước, tiền đâu mà sắm sửa.

Chuyện ly hôn do người vợ đưa ra nên toàn bộ tài sản đó hiển nhiên là riêng của anh, chứ không lý nào chia 5/5 như thế. Trước tòa, người chồng cho rằng mặc dù ngôi nhà được xây dựng sau khi cưới nhưng thực chất đó là số tiền của mình và hiện giờ anh vẫn còn giữ hóa đơn mua vật liệu. Riêng đồ trang sức trong ngày cưới, anh kể ra đến chi li, cặp nhẫn cưới 2,2 chỉ; sợi dây chuyền 5,2 chỉ…, đến cả những vật dụng như tủ, bàn giá bao nhiêu.

Từ ghế thẩm phán, nhìn thấy mặt người đàn ông đỏ tía, quai hàm bạnh ra, tủn mủn kể về mớ vật chất khiến tôi bỗng hiểu vì sao người phụ nữ không chịu sống trong ngôi biệt thự nguy nga mà phải đưa đơn ly hôn. Đến phiên người phụ nữ trình bày, giọng chị hơi buồn, thật bất ngờ khi chị nói rằng những gì người chồng nói đều là sự thật. Và cũng không muốn lấy bất kỳ thứ gì của chồng, nếu tòa xử cho được phần, chị cũng trả lại.

Sau lần đó, tình cờ đi công tác ở huyện, tôi gặp lại người thiếu phụ ấy. Khuôn mặt ngập tràn hạnh phúc đối nghịch hoàn toàn với hai năm trước. Có lẽ phiên tòa hôm ấy là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời nên chị nhận ra tôi ngồi ghế thẩm phán. Chị kể khi còn học đại học có quen với người bạn cùng trường, nhưng đến năm cuối thì

chia tay. Trong nỗi buồn phiền và mệt mỏi, chị đã gật đầu đồng ý với người lớn hơn mình cả con giáp nhưng khá giàu có. Người chồng thương yêu vợ theo cách của mình, không cho vợ đi dạy. Suốt ngày chị chỉ biết dán mắt vào chiếc tivi, ngồi đợi chồng về. Rồi mỗi khi đi chợ hoặc cần mua sắm gì phải báo cáo chi li với chồng. Gần một năm sau ngày cưới chị đã thấy sự chọn lựa vội vàng của mình là sai lầm cho cả hai.

Sợ tiếng đời thị phi, chị không dám chia tay, nhưng riết rồi chịu hết nổi sự keo bẩn của ông chồng, chị đi tới quyết định. Sau đó, chị bắt đầu lại từ đầu, đi dạy, tuy đồng lương không cao nhưng chị cảm thấy cuộc sống thật hạnh phúc và ý nghĩa. Và tất cả niềm vui như được nhân lên khi chị thật sự tìm được một nửa của mình. Tôi mừng cho chị đã biết “buông” đúng lúc, để còn kịp “nắm” lấy cơ hội mới của mình.

2. Hạnh phúc ảo, hạnh phúc thật

Tuy nhiên không phải lúc nào ly hôn cũng là giải pháp để những thành viên trong gia đình thoát khỏi xung đột, mâu thuẫn bế tắc trong cuộc sống chung. Nhiều lúc cuộc sống vợ chồng vẫn bình thường, nhưng khi có một người mới xuất hiện liền quên mất nghĩa tào khang, dứt khoát đưa đơn ra tòa, cho dù người bạn đời của mình không sai quấy gì cả.

Hầu như những trường hợp “Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Bậu ra bậu lấy quan ba…” này đều nhằm lấy những “quan ba” Đài Loan, Hàn Quốc, chẳng hạn như vụ án này. Tòa sơ thẩm xử ly hôn, người chồng kháng cáo với lý do còn yêu thương vợ, và sợ đứa con lên 4 không đủ đầy cha mẹ sẽ thiệt thòi. Tôi đọc kỹ hồ sơ và những gì diễn biến tại tòa, biết được người vợ làm vậy để lấy chồng Đài Loan.

Phần lớn vụ án dạng này khi tới tòa phúc thẩm, khó có chuyện hàn gắn lại. Dẫu biết thế tôi vẫn cố đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục, nhưng người vợ khăng khăng: “Vợ chồng không hợp, nếu tòa không xử ly hôn, tôi cũng bỏ về nhà mẹ ruột ở”. Nhìn người chồng nông dân dáng vẻ chất phác, cố níu từng mảnh hạnh phúc tan vỡ, nào là kinh tế gia đình đủ sống, cưng chiều vợ đủ điều… khiến tôi bỗng buồn lạ.

Nhưng có lẽ điều mọi người đắng lòng là ở đứa con khi người chồng xin được quyền nuôi con, người vợ liền gật đầu cái rụp, tạo cảm tưởng có lẽ đối với người mẹ đó, đứa con sẽ là gánh nặng khi dứt áo đi tìm hạnh phúc nơi xứ người. Khi hội đồng xét xử tuyên ly hôn, người đàn ông lủi thủi dắt đứa con 4 tuổi ra về. Còn người phụ nữ hớn hở, cười nói bên cạnh người thân. Tôi bỗng cảm thấy ngao ngán cho nhân tình thế thái. Năm năm tình nghĩa phu thê, ít ra cũng còn sót lại chút hương lửa ấm nồng. Đằng này…

Không biết có phải vòng xoay nhân quả khiến ba năm sau tôi gặp lại người phụ nữ ấy cũng ly hôn với lý do “vợ chồng không hợp”, chỉ khác chăng phiên tòa này vắng mặt người chồng nước ngoài. Ba năm mà nhan sắc tàn tạ đến không ngờ, trạng thái hân hoan ngày xưa biến thành sự ủ rũ, lo lắng, thất thần, phấn son cố lòe loẹt cũng không che được những nếp nhăn buồn phiền, ưu tư già nua trước tuổi 28 của mình.

Phiên tòa chấm dứt, hình ảnh người phụ nữ cô quạnh bước đi mệt mỏi, bơ phờ, không có người thân bên cạnh khiến tôi liên tưởng đến dáng người chồng thất thểu ở phiên tòa năm xưa... Và điều đau lòng là chuyện đổi hạnh phúc thật lấy hạnh phúc ảo như trên không phải ít. Đến khi đương sự chịu hiểu ra thì đã lỡ dở cả, chẳng những tự chuốc lấy bi kịch cho mình mà còn để lại nỗi đau khổ cho những người thân, những người lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc...

3. Giận mất khôn

Nhưng nếu chốn pháp đình chỉ có sự chia ly, hơn thua, cạn tình dứt nghĩa…, chắc các vị hội thẩm, thư ký, kiểm sát viên, luật sư, thẩm phán chúng tôi sẽ gục mất. May thay có những cuộc hôn nhân được cứu vãn với sự cố gắng của hội đồng xét xử và của chính người trong cuộc. Rất nhiều trường hợp chỉ vì hiểu lầm, tự ái, nóng giận... rồi đùng đùng đưa nhau ra tòa chứ trong thâm tâm hai bên vẫn còn rất thương yêu nhau. Vì thế đối với bất kỳ vụ án ly hôn nào, khi xét xử tôi phải xem quan hệ vợ chồng của họ đúng là có mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung quả thật không thể kéo dài?

Tôi nhớ lần xét xử đó, giận vì chồng đã hứa nhiều lần nhưng vẫn không cùng về thăm cha mẹ ruột, người vợ liền làm đơn ly dị. Người chồng năn nỉ nhưng người vợ vẫn thu dọn quần áo, ẵm con về nhà mẹ. Sẵn đang buồn bực chuyện cơ quan, người chồng không thèm giảng hòa, đón vợ con về. Rồi sau đó đúng ra hai bên cha mẹ phải khuyên lơn nhưng đằng này ai cũng vì tự ái đặt không đúng chỗ, châm dầu vào lửa.

Bên vợ bàn ra thôi phứt đi cho rồi, đàn ông gì không có bản lĩnh, không biết giữ hạnh phúc gia đình, ở với hạng đó chỉ khổ cả đời. Còn cha mẹ bên chồng bảo cứ ly hôn, khối người để cưới, tiếc gì hạng phụ nữ ấy. Tòa sơ thẩm xử ly hôn, đứa con giao cho người vợ nuôi. Người chồng kháng cáo, giành quyền nuôi con. Và chính trong thời gian chờ ra tòa lần thứ hai này, đứa con lại là cứu tinh của cha mẹ. Đứa trẻ cứ khóc ngằn ngặt đòi cha. Sự qua lại thăm nom khiến họ hiểu rằng mình không thể sống thiếu nhau.

Tại tòa phúc thẩm, “nhuệ khí” buổi đầu của họ dần tiêu tan, cả hai đều cảm thấy mình đang quá trớn nhưng cũng vì sĩ diện, không ai chịu làm lành trước. Với kinh nghiệm xét xử, hội đồng xét xử chúng tôi thấy được, “châm cứu đúng vào huyệt”: “Các anh chị có nghĩ rằng tội nghiệp đứa con. Lớn lên đứa trẻ sẽ thiệt thòi khi phải sống trong gia đình không đủ cha đủ mẹ. Đó là chưa kể đến việc liệu sau này anh, chị có gặp người mới được như người hiện giờ…”.

Tôi nghĩ có lẽ những gì hội đồng xét xử nói trùng khớp với điều họ nghĩ nên cả hai đều nhận phần lỗi về mình. Cái nắm tay nối kết lại tình nghĩa phu thê của hai vợ chồng khiến lòng tôi ấm áp. Nhìn ra sân tòa, nắng đang lung linh nhảy nhót, cuộc đời quả thật đáng yêu nếu mỗi người đều nói chuyện với nhau bằng trái tim.

Theo tuoitre


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.