Yếu tố tạo thành tên họ người Việt
Ðặt tên cho con hoặc để gọi một người nào, người Việt vẫn dùng một họ đơn hoặc kép, một chữ lót hoặc tên đệm biểu chỉ tính giống hoặc chữ lót chung và một tên (gọi) đơn hoặc kép. Cách dùng này có từ thời lập quốc, ít ra là từ khi có sách sử và thư tịch. Tuy nhiên ngày xưa và nhất là ở một số tỉnh miền Trung, người đàn ông thường có tên họ đơn giản chỉ gồm hai thành tố mà thôi, tên và họ: Trần Ðiền, Bùi Kỷ, Nguyễn Du, Võ Hồng, ... Ở phần trước chúng tôi đã trình bày về lai lịch và các loại họ đơn và kép. Trong phần này chúng tôi nói đến các yếu tố chính gồm tên lót và tên gọi cũng như những loại tên khác người Việt vẫn dùng để cá nhân hoặc độc đáo hoá chính mình.
1. Chữ lót
"Chữ lót" hay "tên đệm" trong tiếng Anh thường gọi là "middle name" nhưng đúng ra phải là "padding/qualifying name". Tiếng Pháp có thể là "nom interme'diaire" hay "mot intercalaire". Chữ lót đã được sử dụng từ thời lập quốc xa xưa: ngư phủ Chử Cù Vân trong huyền thoại Chử Ðồng Tử và công chúa Tiên Dung thời vua Hùng (2 tới 3 ngàn năm trước Công nguyên), anh bà Triệu Ẩu (248) tên gọi là Triệu Quốc Ðạt.
Chữ lót hoặc tên đệm thường được sử dụng nhất là "văn" và "thị" phân biệt phái nam với phái nữ. "Văn" nghĩa là "người có học", "nhà nho". "Thị" có nghĩa là "đàn bà". Có thuyết lịch sử cho rằng "thị" phát sinh ra gốc họ hàng (thị tộc), có ý ám chỉ nhờ người đàn bà mà tộc họ được tồn tại và kéo dài. Theo một số nhà ngữ học, "văn" và "thị" có nghĩa là "con trai của...", "con gái của..." và là dấu vết ảnh hưởng văn hóa Mã Lai. Cách phân biệt nam nữ tiện lợi và dễ hiểu này không còn được người thời nay yêu chuộng lắm, vì người ta cho là thiếu cá tính. Do đó người Việt nay có khuynh hướng chọn những chữ lót khác, hay, đẹp và được chủ quan xem là thích hợp hơn với từng cá nhân.
Sự thay đổi này có thể có nhiều mục đích: làm rõ nghĩa tên gọi, tạo một âm hưởng dễ nghe, hoặc tạo dây liên lạc họ hàng. Ngoài "văn" và "thị", những tên lót chung thường thấy dùng là: phúc, đình, ngọc, bá, thúc, cao, công, huy, như, tường, anh, đức, sĩ, viết, quang, ...
Một loại chữ lót thứ ba dùng để chỉ thứ tự con cái cùng một gia đình và chỉ dùng cho con trai: "Mạnh" cho con cả, "Trọng" cho thứ nam và "Quý" cho con trai thứ ba trở đi. Mạnh, Trọng, Quý vốn gốc chỉ ba tháng của một mùa theo âm lịch. Cách dùng này đã thành thông thường dù nguyên gốc, "Mạnh" dùng cho con cả dòng thứ trong khi "Bá" mới là con cả dòng trưởng. Tuy nhiên Bá, Trọng, Quý còn có những nghĩa khác tùy tên gọi đi sau chứ không nhất thiết thuộc vào ý nói trên. Thí dụ Bá Tòng, Trọng Kiều (cầu nặng), Quý Châu. "Giáp" và "Nguyên" cũng thuộc loại chữ lót này, dùng để chỉ con trai đầu lòng, thí dụ: Lê Giáp Hải, Vũ Nguyên Khang.
Loại chữ lót thứ tư dùng để phân biệt các ngành cùng một gia đình gốc mà ra. "Bá", "Thúc" thường được dùng trong loại này. "Bá" dùng đặt cho con nhà bác hoặc dòng trưởng, "Thúc" con nhà chú hoặc dòng thứ. Ngoài ra, cũng cùng một mục đích kể trên, một số gia đình dùng những chữ lót khác như "Vi, Thời", "Xuân, Vũ": Ngô Vi Thụ, Ngô Thời Nhậm và Ðặng Xuân Quang, Ðặng Vũ Biền.
Một số gia đình khác, thường thuộc giới quan cách, sáng chế chữ lót để phân biệt thế hệ: tất cả con cái một thế hệ sẽ mang cùng một chữ lót. Chế độ đặt tên này rất bành trướng bên Trung-Hoa trong giới quan lại, bắt chước người Mãn Châu tức nhà Thanh lúc bấy giờ. Một ông tổ dụng công đặt chữ lót cho nhiều đời nối tiếp, theo nguyên tắc "hệ thi" chúng tôi đã trình bày ở phần trên, khiến con cháu dù tẩu tán lập nghiệp phương xa cứ nhìn chữ lót là nhận được họ hàng và biết thuộc thế hệ thứ mấy để tiện bề xưng hô. Thường những chữ lót định trước này được ghi trong gia phả để con cháu đời sau biết mà theo, dưới hình thức những câu thơ 4 hoặc 5, 7 chữ. Theo thứ tự, những chữ này trở nên tên đệm. Và đến thế hệ cuối cùng, phải nghĩ ra những tên đệm khác !
Ở Việt Nam có họ Dương Khuê (Hà Ðông) đã phỏng theo cách này. Ông đã đặt một bài hệ thi gồm 16 chữ, mỗi thế hệ cứ dựa vào đó mà đặt tên lót: Dương Tự Quán, Dương Tự Ðề > Dương Thiệu Tống, Dương Thiệu Tước > Dương Hồng Tuân, Dương Hồng Phong > Dương Vân Hán, v.v.
Về phần phái nữ, ngoài chữ lót thông dụng "thị" còn thấy dùng những tên lót khác như "Nữ" và "Diệu", chữ lót sau thường dùng ở Huế: Lê thị Diệu Trang, ... Ở thời hiện đại, tên phụ nữ thường mất hẳn chữ lót "thị" và nhiều chữ lót khác được dùng như: ngọc, thanh, mỹ, thu, tuyết, v.v… dù các chữ lót này không hẳn chỉ dùng cho phái nữ. Nữ có thể là Vũ Ngọc Lan, Trương Thu Thủy, Nguyễn Mỹ Dung, ... trong khi Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thành Công, ... rõ là nam giới !
2. Tên Gọi (Danh)
Tên gọi còn được gọi là "tên đẻ", đặt khi mới sinh và "tên bộ", tên ghi ở sổ Bộ. Tên, người Pháp gọi là "prénom" và người Anh, Mỹ gọi là "first name" (hay "personal name") vì đặt trước họ, trong khi người Việt cũng như nhiều dân tộc Á đông khác, tên được đặt sau họ. Một lý do là truyền thống tôn kính gia tộc họ hàng trên trước cá nhân.
Tên thường được chọn một cách tự do hơn. Một cách tổng quát, người nhà quê và bình dân chỉ lựa một tên (đơn, tức độc văn danh), người giàu hoặc có học hoặc tự cho sang trọng hoặc học làm sang, thì có khuynh hướng đặt tên kép (song văn thanh). Ý nghĩa tên gọi trong trường hợp sau cùng này nằm trong cả hai hoặc ba yếu tố tạo nên tên gọi. Tên gọi kép thường dễ tìm thấy trong các từ điển, thí dụ: Hào-Kiệt, Tuấn-Kiệt, Anh-Hùng, Anh-Dũng, Bạt-Tu.y, Kỷ-Cương, An-Khang, Chi-Lan, Diễm-Kiều, Ðoan-Trang, Tinh-Hoa, v.v.. Cùng trường hợp với một số chữ lót như "ngọc, thanh, ...", nhiều tên gọi có thể dùng cho cả nam lẫn nữ vì nói chung toàn bộ tên họ của một người thường mới cho biết người đó là nam hay nữ: Hiền, Tuyền, Kim, Hoàng, Nhân, v.v.
Trên lý thuyết, mỗi người có một tên gọi khác nhau. Khác, vì tùy theo tín ngưỡng hoặc tư tưởng người ta muốn gán cho tên gọi, hoặc tùy theo tính tình và trí tưởng tượng của người đặt tên. Mỗi người có thể đặt tên cho con cháu hoặc đổi tên mình theo ý muốn, cả những tên kỳ dị hay đặc thù không giống ai. Tên đơn giản thường thấy ở giới bình dân hoặc ở thôn quê như: Ổi, Mít, Tèo, Bướm, Tí, Hĩm, Cu, ... Nhà nào sanh con khó nuôi hoặc hay bị bệnh tật sài đẹn thường đặt cho con những tên xấu xí để "quỷ thần" tha như Vẹo, Ðủi, Ðen, ... Có người không dám đặt tên con quá hay sợ bị quở hay chê cười. Thời xưa, các cụ còn phải tham khảo các bậc túc nho hoặc biết chữ và tỏ ra thận trọng trong việc đặt tên cho con cháu.
Tuy nhiên, theo thói tục, việc đặt tên thường được căn cứ theo truyền thống và tín ngưỡng, nhất là trên nguồn gốc và quyền lực có thể có của tên gọi. Tên gọi còn có thể diễn tả những ước ao hoặc lý tưởng đặt cho đứa trẻ mới chào đời như một thông điệp nhờ đứa trẻ tinh khiết làm người đưa tin hoặc báo tin cho đời. Từ khi hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi chẳng hạn, nhiều người đặt tên cho con là Nam Quân, Phục Quốc, Hồi Hương,... cũng trong ý nghĩa đó. Nhà nhân chủng học Claude Le'vi-Strauss trong La pensée sauvage (1962) đã đề cao tầm quan trọng của ý nghĩa tiềm ẩn của tên gọi (4).
Ở hải ngoại, người Việt khi đổi quốc tịch có khuynh hướng đổi tên hoặc thêm tên gọi tiếng bản xứ, đã làm mất hẳn hay giảm đi yếu tố duy nhất và độc đáo của tên gọi. Dĩ nhiên có những tên gọi đẹp và đầy ý nghĩa trong tiếng Việt đã trở nên ... khó nghe khi phát âm theo tiếng bản xứ như Côn, Công, Dung, Dũng, Phúc, Quy, ...
Tóm một chữ, tên gọi có quan hệ đến tương lai của đứa trẻ và mọi người nói chung sẽ cùng mang tên gọi suốt đời.
Một cách cụ thể, tên gọi có thể là tên sông hồ, núi non, hoa quả, cây cỏ (Tùng, Bách, Mai, Trúc, Lan, Hòe, Quế,...), màu sắc, chim chóc hoặc cầm thú (Long, Lân, Quy, Phượng, Loan, Yến,...), bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Ðông), tháng, năm (Tí, Sửu, Dần, Mão, Mẹo, Thìn, Tỵ,...), ngọc quý (Pha, Châu, Ngọc, Quỳnh,...), tên thuộc về loại kim (Cương, Chung, Liệu,...), loại đá (Thạch, Bích, Thạc, Nha, Sa, ...), phúc đức, phẩm hạnh hoặc hình dung tốt đẹp (Phúc, Lộc, Khang, Ninh, Thạnh, Vĩnh, Trường, ...). Nhiều người thông hiểu chữ Hán có khuynh hướng lấy từ kinh sách, châm ngôn, điển tích hoặc đặt tên theo bộ chữ Hán. Học giả Phạm Quỳnh, tên Quỳnh thuộc bộ Ngọc, nên đã đặt tên con theo cùng bộ Ngọc: Khuê, Dao, ... Người ta cũng lấy địa danh, chỗ ở, nơi sanh quán hay nguyên quán hoặc tên các nhân vật tiểu thuyết (nhưng tránh lấy tên các nhân vật lịch sử). Cũng vì lý do tôn trọng tổ tiên, mọi người đều tránh lấy tên ông bà cha mẹ đặt cho con cháu, khác với người Tây phương. Cuốn gia phả là cẩm nang để con cháu tránh đặt trùng tên gọi với ông bà tổ tiên.
Về cách đặt tên trong một gia đình, có người đặt tên con cái theo vần hoặc lấy cùng một chữ cái, hoặc tất cả tên gọi các con tạo thành một ý hoặc dùng tất cả tên một loại mà đặt cho con: thí dụ tên bốn mùa, tên các phẩm hạnh (Hạnh, Nhân, Trí, Tín,..; Phước, Lộc Thọ,..) tên ngũ hành hay ngũ tinh (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), ngũ phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh), tứ duy (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ), tứ đức (Hiếu, Ðễ, Trung, Tín cho con trai; Công, Dung, Ngôn, Hạnh cho con gái), tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng). Trở ngại là khi con sanh ra nhiều hay ít hơn bộ chữ. Và cách đặt tên này chỉ dễ dàng trong xã hội xưa "tam thê bảy thiếp" và sanh con còn là "bổn phận" của phụ nữ như ghi trong luật Hồng Ðức và Gia Long cũng như đàn ông tuyệt tự còn là lỗi lớn với ông bà tổ tiên. Ðời nay, người phụ nữ bình quyền, ly dị đã thành thói thường, tình gia tộc ngày càng suy yếu thì cách đặt tên này ngày càng khó thực hiện.
Một khuynh hướng đặt tên khác cũng nên ghi nhận dù không thật sự phổ biến, đó là cách đặt một tên gọi cho tất cả con trai hoặc gái, chữ lót sẽ làm phần việc phân biệt mỗi đứa con. Con gái: Hồng Ly, Mai Ly, Trúc Ly; con trai: Anh Khoa, Tuấn Khoa, v.v.
Ngoài tên bộ là tên gọi chính thức trên giấy tờ hộ tịch, người ta có thể có thêm tên tục (vulgar name), tên cúng cơm, tên thân mật, tên lịch sự, do chính mình hoặc do người ngoài đặt cho mình. Trước khi có tên bộ thường đã có tên tục (domestic name) để gọi trong nhà; nhất là thời xưa chỉ khi đến tuổi đi học, cha mẹ mới làm giấy tờ hộ tịch cho con, lúc đó mới chọn tên đẹp đẽ cho con - đứa trẻ lúc đó sẽ có hai tên gọi, tên tục đã có và tên gọi ở trường (name at school). Các tên tục thường nghe: Cu Tí, Cu Nhớn, Cu Tẹo, Ðĩ Lớn, Ðĩ Con, Ðĩ Út,... Trong Nam người ta còn gọi con theo thứ tự: Hai, Ba, Tư,.. Tên bộ có thể thay đổi. Cụ Nguyễn Khuyến vốn tên Nguyễn Thắng vì rớt thi Hội năm 1865 đã xin đổi thành Khuyến. Nhà thơ sông Vị Trần Tế Xương từng đổi hai lần nhưng chỉ đổi tên lót, từ Cao thành Tế và cuối cùng là Kế.
3. Các tên khác :
Ngoài tên ra, người Việt có bút hiệu, bí danh khi cần và theo truyền thống Nho giáo và Trung-Hoa, ta còn có tên tự, tên hiệu, tên tước, tên thụy và tên đạo..
Tên tự là tên chữ, thường phải đi đôi với tên gọi (Danh) và theo kinh sách, thường là một câu chữ Nho có ý hay nghĩa lạ, như Tố-Như Nguyễn Du, Sĩ-Tải Trương Vĩnh Ký, Lệ-Thần Trần Trọng Kim, Ưu-Thiên Bùi Kỷ, Sở-Cuồng Lê Dư, Ứng-Hoè Nguyễn Văn Tố, Quán-Chi Ðào Trinh Nhất, ...
Khác với tên tự, tên hiệu và bút hiệu không theo nguyên tắc đi với tên gọi mà tự do lựa chọn, tùy sở thích. Tên hiệu (symbolic name) do chính đương sự hoặc cha mẹ đặt cho, thường có ngụ ý hoài bảo, chí khí như Sào-Nam Phan Bội Châu, Ức-Trai Nguyễn Trãi, Bạch-Vân Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiên-Ðiền Nguyễn Du, Hạo-Nhiên Nghiêm Toản, hoặc nói lên gốc gác, liên hệ như Tản-Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, Lương-Ðường Phạm Quỳnh, ....
Bút hiệu (nom de plume, penname) là tên hiệu của người cầm bút, tự do đặt và có thể thay đổi nhiều lần hoặc dùng nhiều bút hiệu một lúc. Bút hiệu thường gồm hai chữ hoặc hơn và có thể mang hình thức của tên thật như Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung), Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt), Thẩm Thệ Hà (Tạ Thành Kỉnh), Cung Trầm Tưởng (Cung Thúc Cần), Dương Nghiễm Mậu (Phí Ích Nghiễm), Lý Hoàng Phong (Ðoàn Tường), Tô Kiều Ngân (Lê Mộng Ngân), Nguyễn Kiên-Trung (Nguyễn Mạnh Côn), Hà Thượng Nhân (Phạm Xuân Ninh), Mai Trung Tĩnh (Nguyễn Thiệu Hùng), Vương Ðức Lệ (Lê Ðức Vượng), Trần Thy Nhã-Ca (Trần Thị Thu-Vân), Trần Tuệ-Mai (Trần Thị Gia-Minh), Hoàng Hương Trang (Hoàng Thị Diệm Phương), Lê Xuyên (Lê Bình Tăng), Tô Thùy Yên (Ðinh Thành Tiên), Chu Vương Miện (Nguyễn Văn Thưởng), Phạm Thiên Thư (Phạm Kim Long), Trần Dạ Từ (Lê Hà Vĩnh), Võ Phiến (Ðoàn Thế Nhơn), Trần Hoài Thư (Trần Quý Sách), Vũ Hạnh (Nguyễn Ðức Dũng), v.v.. Bút hiệu có thể là tên địa lý như sinh quán, trường hợp của Tô Hoài, Thanh Châu, Sa-Giang Trần Tuấn Kiệt, Kiên Giang Hà Huy Hà, có khi do đảo lộn tên thật như Biển Ngũ Nhy (Nguyễn Bính, thân phụ nhà văn An Khê), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Thế-Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), J. Lebai (Lê Bái), có khi có thể chỉ là tên những người thân yêu như Mai Thảo, Thế Uyên, Thanh Tâm Tuyền, thậm chí có khi do tình cờ như Tam IÙch trước đã hay ký mật hiệu XXX. Nhiều nhà văn không hề dùng bút hiệu như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Mộng Giác. Có nhà ký tên thật nhưng lược tên gọi như Nguyễn Bính (Thuyết), Phạm Duy (Cẩn), hay lược họ như Nguyên Hồng (Nguyễn), Hữu Loan (Nguyễn), Huy Cận (Cù), Xuân Diệu (Ngô), Nhật Tiến (Bùi), Túy Hồng (Nguyễn Thị). Có người lại chỉ nỗi tiếng với tên thật như Hồ Hữu Tường, Võ Hồng, Nguyễn Ngọc Ngạn, v.v.
Riêng "biệt danh" hay "sước hiệu" (surnom, deuxième prénom, sobriquet; nickname) thường do người khác đặt cho, gán cho và thường có ý trêu chọc hoặc miêu tả ác ý diện mạo hoặc tật xấu của người đó. Nhà văn Nguyễn Tuân có sước hiệu là "Tuân mũi to", Phạm Quỳnh "kính trắng tiên sinh", một cựu tổng thống miền Nam "tổng lì", v.v.
"Tên tước" hay "tước hiệu" thường được phong cho, chỉ thấy ở giới quý tộc, quan lại: Ôn-Như hầu Nguyễn Gia Thiều, Tùng-Thiện vương Miên Thẩm, v.v.
Bí danh thường được những người làm chính trị, cách mạng và cả công an, quân đội sử dụng để bảo mật. Bí danh khác với tên "cách mạng" như của một số đảng viên cộng sản ở Việt Nam, trong thực tế là một cách đổi tên, muốn dâng hiến cho công tác hay chối bỏ quá khứ, gia đình: Lê Ðức Thọ, Mai Chí Thọ, Xuân Thủy, Trường Chinh, v.v.
Trong các tên khác có "tên thụy" tức tên hèm (posthumous name). Khác với "tên cúng cơm" là tên vốn có của một người khi mới sanh hay lúc nhỏ, tên hèm là tên tự chọn khi tuổi già để dùng vào việc cúng giỗ và thờ phượng, ý là người chết sẽ biết tên mà về. Nếu không kịp tự chọn, người nhà tìm đặt cho người vừa chết để con cháu khấn vái, cúng giỗ. Tên thụy còn là tên ghi vào sớ hoặc do nhà vua truy tặng để tưởng nhớ công đức người chết. Tục lệ đặt tên thụy khởi từ đời Tây Chu bên Trung-quốc : đình thần căn cứ vào sự nghiệp hoặc hành vi, đức độ của nhà vua lúc còn sống mà đặt tên thụy cho vua. Lúc đầu thường dùng một trong bốn chữ Văn, Vũ, U và Lệ nhưng về sau chỉ dùng Vũ và Văn là hai chữ để khen. Sau lại đổi thành "miếu hiệu" như vua Gia Long có miếu hiệu Thế-tổ Cao Hoàng-đế, Tự Ðức được tặng là Dực-tôn Anh Hoàng-đế, v.v.
Riêng "tên húy" tức tên phải kiêng tránh, thường là tên thành hoàng của làng xã hoặc tên của vua chúa và hoàng gia cũng như miếu hiệu, hoặc tên của quan lớn sở tại. Người dân giả lỡ trùng tên phải đổi hay đọc trại ra hay lệch đi. Phan Huy Chú vốn tên tục là Hiệu vì kiêng húy đã phải đổi thành Chú. Ðời vua Minh Mạng thứ 13 (1832) còn đặt ra lệ hễ các quan cùng tỉnh trùng tên thì người kém phẩm trật phải đổi tên. Ðó là lý do Cảnh đọc thành Kiểng, Thái thành Thới, Hòa thành Huề, Anh thành Yêng, v.v. Hay tìm tiếng giống nghĩa mà thay vào : Riêu thay Canh, Tập thay Học, v.v. Ngày xưa đi thi mà không biết để tránh tên húy là phạm trường qui, bị hỏng thi đã đành, có khi còn bị tù tội.
Cuối cùng là "tên đạo": nếu theo đạo Phật là "pháp danh" (Buddhist religious name), là những tên đặt khi quy y; nếu theo Thiên Chúa giáo, có "tên thánh" (nom de baptême, patron-saint's name) khi rửa tội, thí dụ Pétrus Ký tức Trương Vĩnh Ký. Có ngộ nhận cho rằng tên thánh là lai căng mất gốc. Thật ra tên thánh là tên chỉ dùng trong phạm vi tôn giáo, cũng như phápđanh của người theo đạo Phật, còn thì người theo đạo Thiên Chúa hay Cơ Ðốc vẫn mang tên họ như bất cứ người theo đạo nào khác. Ngộ nhận này đã dần mất sau biến cố 30-4-1975 khi người Việt vì nhu cầu hội nhập ở nước ngoài, đã lấy cả tên gọi của người bản xứ.
Nguyễn Vy Khanh
Xem chi tiết tại http://www.mevietnam.org
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.