Type Here to Get Search Results !

Biến Cà phê thành sự nghiệp của bạn

Ngày nay, mở một quán cà phê có thể coi là một hình thức dễ dàng chọn lựa để khởi nghiệp. Tuy nhiên, mở một quán như một hình thức kinh doanh thay vì chọn một hình thức khác lại khác biệt với một người vì yêu cà phê mà quyết định biến nó thành sự nghiệp của mình.

Tôi cũng thích cà phê, bởi xứ sở tôi đang cư trú chính là thủ phủ của cà phê Việt Nam, Buôn Mê Thuột. Mở một quán cà phê có thể được xem là một ước vọng của tôi bấy lâu. Vì một tình yêu mãnh liệt và sự gắn bó khi được lớn lên cùng với những gốc cà phê. Đó cũng là lý do vì sao tôi lại tạo và thỉnh thoảng lại viết cho chuyên mục Cafe Guide - nơi tôi cung cấp các thông tin thiết thực nhất về ngành cafe.

Có nhiều cách tham gia vào ngành cà phê, như trở thành một người trồng và chở đi bán phần nông sản thu được, hoặc trở thành một chuyên gia chế biến, một doanh nghiệp cung cấp hạt cà phê, hay trở thành một chủ một quán cà phê. Chúng ta vẫn biết đôi khi nghề chọn chúng ta, nhưng hơn hết là chúng ta chọn nghề làm sự nghiệp với sự yêu thích và tình yêu đặc biệt cho ngành đó. Biến cà phê thành sự nghiệp cũng tương tự như vậy.


Với kinh nghiệm nhiều năm là một kỹ thuật chuyên rang xay, chế biến cà phê, cùng một tuổi thơ lớn lên cùng cây cà phê, và giờ là kinh doanh một quán cà phê, đây là những gì tôi học được sau nhiều ngày tháng tích góp được để biến tình yêu với cà phê trở thành sự nghiệp của bạn.

Thế mạnh của bạn là gì?

Biết mình có những gì, khả năng đến đâu là điều quan trọng. Bạn có thể bỡ ngỡ và khởi nghiệp khi chưa xem đó là niềm đam mê. Vì với tôi, đam mê là một lý do tức cười để bắt đầu một thứ gì đó. Ý tôi là bạn phải thực tế trước đã. Thứ nhất, nghề bạn chọn trước hết nó phải đảm bảo bạn sống được với nó. Nếu điều cơ bản đó cũng không thể thì bạn có thể chọn những cách phù hợp hơn.

Bạn có thực sự muốn thay đổi? - Bạn đang làm ở một công ty tốt, với mức lương chấp nhận được, có những đồng nghiệp thân thiện, cuộc sống bạn cũng không đến mức phải kiếm nhiều tiền hơn,... nói chung là điều kiện hiện tại của bạn cũng không đến nỗi. Nhưng nếu bạn quyết đinh làm một cuộc cách mạng để chuyển đổi từ một nhân viên sang làm một ông chủ, điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải làm quen, thậm chí phải bắt đầu từ đầu với rất nhiều thứ. Vì thay vì tới tháng chờ lãnh tiền lương, bạn gần như không có lương trong suốt sự nghiệp. Bạn sẽ nghĩ đến việc thuê một ai đó, vì bạn không thể nào làm hết mọi việc và đảm đương trong mọi trách nhiệm. Đầu óc bạn sẽ bớt rảnh đi rất nhiều mà dành nó cho sự nghiệp chính của mình. Nói thật là điều đó chẳng dễ chịu chút nào.

Sẽ là một lợi thế nếu bạn có xuất phát điểm là người trong nghề, biết ngành và đủ biết để giải thích với một ai đó về cà phê.

Nhưng hơn hết, dù trong ngành nào, khi bạn tham gia, đó sẽ là một trải nghiệm thú vị, cơ hội để trao đổi và học hỏi được rất nhiều thứ giá trị có thể vượt xa những hiểu biết vốn có của bạn trong hiện tại. Vậy thì tại sao lại không làm chủ một quán cà phê với những ý niệm sẵn có của bạn. Nhưng trước hết, đừng quên cân nhắc "điều kiện" của mình trước khi bắt đầu.

Bạn đã sẵn sàng

Bạn có cảm thấy hầu như các quán cà phê hiện nay đều gần như nhau, chúng chỉ khác nhau vị trí, còn những quán cà phê đặc thù có tính đặc biệt thì rất ít. Nhưng phần lớn chúng liệu có phải được mở ra bởi những Barista thực thụ hay họ chỉ khác biệt bởi nguồn vốn họ bỏ vào đó để xây dựng một quán cà phê thực sự khác biệt.

Theo tôi thấy thì 99% các quán cà phê ở nước ta đều như vậy. Cực kỳ hiếm những quán được mở ra bởi một người yêu và am hiểu cà phê thực sự. Viễn cảnh đó cho chúng ta một kinh nghiệm, đôi khi khởi nghiệp không nhất thiết phải là một người am hiểu về cà phê. Mà điều quyết định chính là những gì bạn mang đến cho khách hàng của mình những trải nghiệm khi đến với quán của bạn.

Lời khuyên ở đây là hãy mang đến cho khách hàng của bạn những gì tốt nhất, theo cách có ý nghĩa nhất. Ngành cà phê nói chung và những hạt cà phê đến với công thức pha chế của bạn đều được tạo ra bởi những con người say mê và mong muốn biết hạt cà phê mình chế biến trở nên thơm ngon nhất. Bạn có thể yên tâm về chất lượng, và khách hàng cũng cần được biết điều đó. Theo tôi thấy thì chẳng có mấy ai nói với tôi điều đó, họ bán thứ họ có, và nếu tôi muốn điều gì đó đặc biệt hơn ở họ thì đó là điều vô vọng. Có lẽ, thói quen đó được tạo nên từ sự dễ tính của những người đi uống cà phê.

Mỗi một ngày qua đi, có rất nhiều quán được mở ra, dân cư tại một khu đô thị lại không thể tăng lên nhanh như thế. Vì thế, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Nếu quán của bạn mở ra ở thời điểm này mà không có gì đặc biệt, thu hút hơn các quán tương tự thì liệu bạn có cách nào để cạnh tranh với họ?

Học hỏi

Khi bạn mở một quán cà phê, bạn sẽ phải dành cho nó rất nhiều thời gian, thậm chí là toàn nỗ lực và sự tập trung của bạn. Cơ hội học hỏi của bạn liệu có khả thi? Tôi chỉ có thể nói điều đó tùy thuộc vào bạn thôi. Những điều bạn biết thì hữu hạn, và những gì bạn chưa biết, cần trau dồi thì còn nhiều lắm. Chúng chẳng xa lạ với bạn đâu, xung quanh bạn.

Thứ nhất là từ cửa hàng của bạn. Học cách quản lý các nguồn đầu vào, cất trữ và bảo quản. Bạn cũng học cách để pha chế sao cho những cốc cà phê có chất lượng tương đồng với nhau. Bạn cũng học cách quản lý nhân viên. Học cách quản lý tài chính. Học cách trình bày, trang trí quán theo mùa, theo lễ hội trong năm,... Rất nhiều thứ phải học phải không nào?

Thứ hai là từ khách hàng của bạn. Khách hàng có lẽ là những gì bạn cần học nhất. Tìm hiểu khách hàng là cách bạn biết phải làm thế nào để làm cho những người đó hài lòng khi đến với quán của bạn. Hãy "bán cái khách hàng cần, chứ đừng bán cái bạn có", câu đó trong đa số trường hợp đều đúng, nhưng không hẳn. Trong điều kiện cho phép của mình, hãy cung cấp những gì tốt nhất. Và điều này làm cho bạn trở nên khác biệt hơn.

Thứ 3, từ những chuyên gia. Mọi người luôn thích chia sẻ, thậm chí là bí quyết nghề nghiệp nếu bạn biết cách học hỏi. Đừng mong họ chỉ cho bạn như việc chỉ cho bạn giải một bài toán, hãy lắng nghe và tự đúc kết. Tin tôi đi, khi bạn khám phá ra, không gì làm bạn thấy vui và hạnh phúc hơn. Những người giỏi nhất luôn có cách hướng dẫn bạn độc đáo, việc còn lại là phải xem khả năng "lĩnh ngộ" của bạn thế nào.

Thứ 4, Khả năng tự trau dồi, học hỏi. Chẳng hạn như theo dõi các tạp chí liên quan, theo dõi và nhận tin từ những blogger uy tín và bạn cho là có thể tin tưởng.

Tất cả điều đó chỉ để nói lên rằng, hãy trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của bạn, không cần phải là giỏi nhất, nhưng có cá tính.

Giải quyết khó khăn

Điều này luôn là cần thiết và đòi hỏi bạn phải sãn sàng trong mọi lĩnh vực, sự nghiệp của bạn cũng không ngoại lệ. Những khó khăn, thách thức luôn sẵn có để bạn phải giải quyết. Nếu không có cách giải quyết thấu đáo, những khó khăn có thể tạm được dẹp yên, nhưng mầm mống hậu họa từ đó bạn sẽ không thể nào ngờ đến được.

Có câu "nghề dạy nghề" là điều bạn có thể lấy làm an ủi. Theo kinh nghiệm của mình, không gì là không thể giải quyết được. Trừ khi bạn đầu hàng. Không ai muốn mình thua cuộc, nhưng trong một số trường hợp, hy sinh là điều cần phải làm để tiến lên một nấc cao hơn.

Chẳng có gì là bất biến, kể cả những gì bạn đọc ở đây. Có thể những gì tôi trình bày có thể đúng trong thời điểm này, nhưng 3 hoặc 5 năm sau nó lại không còn đúng trong bối cảnh xã hội khác. Tôi sẽ phải làm gì, chắc chắn không xóa nó, nhưng sẽ phải chỉnh sửa nó để nó phù hợp hơn với hơi thở của thời cuộc. Bạn cũng phải như vậy, phải học cách thích nghi và chuyển mình nhưng không được làm mất cái riêng, là những giá trị cốt lõi khi bạn đưa ra từ đầu, điều thúc đẩy bạn sinh ra nó.

Dám khẳng định

Điều đáng sợ nhất không phải là thất bại, mà là khi bạn đánh mất niềm tin. Khi niềm tin của bạn không được khẳng định, chia sẻ và hun đúc, chắc chắn nó sẽ dễ bị lung lay và bị dập tắt.

Dám khẳng định chính là niềm xác tín của bạn dành cho những gì bạn cho là đúng, tốt và hợp lý nhất, tất nhiên là theo ý chí của bạn. Làm thế nào để truyền tải điều bạn tin tưởng đó đến với nhân viên, khách hàng là nhiệm vụ của bạn phải định ra, xây dựng nó trở thành văn hóa của riêng bạn. Đừng ngừng lại trong bất kỳ thời điểm nào.

Tôi biết có nhiều bạn sáng lập ra các quán cà phê với những thông điệp hết sức ấn tượng. Nhưng sau một thời gian, ngoài việc những gì để lại trên tường, họ không có chút động thái nào truyền đạt hay cho cho khách hàng của mình biết đến. Tôi nghĩ, họ chỉ vẽ lên cho thu hút chứ thực tâm họ quan tâm đến cái khác nhiều hơn, chẳng hạn như doanh thu. Thật dễ dàng nhận ra điều đó.

Bạn đừng nghĩ thiết kế ra một bảng hiệu ấn tượng, logo và slogan hấp dẫn, trang phục bắt mắt nghĩa là bạn đang truyền tải những thông điệp của bạn. Điều đó chỉ khoảng 3 phần thôi, 7 phần còn lại là những gì bạn hàng ngày chăm chỉ chăm sóc và tận tâm với khách hàng của mình. Yêu một người không phải cứ nói tôi yêu em, tôi quan tâm, lo lắng cho em thôi là đủ, mà nó được ghi nhận bởi sự nhiệt thành và toàn tâm toàn ý của bạn qua từng cử chỉ, nụ cười và ánh mắt thân thiện. Yêu là phải nói cho người ta biết, nói rồi thì những gì cam kết thì nhất định phải trung thành và làm cho bằng được. Đó là điều khác biệt nhất mà tôi nhận ra từ các quán cà phê.

Trên đây là những gì người viết tâm huyết để đưa ra cho bạn cân nhắc khi muốn biến cà phê thành sự nghiệp của mình, mà cụ thể ở đây là mở một quán cà phê. Nếu bạn có thắc mắc hay cần thông tin nào khác, hãy để lại comment bên dưới hoặc liên hệ với tôi qua alivaut@gmail.com.

Chúc bạn thành công!

Tags

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.