Type Here to Get Search Results !

Khi Quyền riêng tư của mỗi người là điều đáng lo ngại

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (gọi chung là bí mật đời tư) là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người được Hiến pháp năm 2013 Việt Nam ghi nhận.

Theo đó, Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn,bí mật và bất khả xâm phạm.

Trong thời đại trực tuyến ngày càng phát triển của chúng ta, mọi người vẫn phải chịu trách nhiệm cho những gì họ nói và hành động. Những từ ngữ khắc nghiệt sẽ trở nên một vũ khí tàn bạo và có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho những người chúng ta thậm chí chưa biết đến. Khi bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể xuất bản tin tức trên các tài khoản truyền thông xã hội của mình, chúng ta phải lưu tâm đến vấn đề đạo đức. Bởi vì, không một ai trong chúng ta có thể lường trước được những hậu quả mà việc làm đó gây ra. Thông tin một ai đó đưa ra có thể mở ra rất nhiều cơ hội và thu nhập cho người đó, nhưng đổi lại, nó lấy đi bình yên, hạnh phúc của ai đó, hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người.


Câu chuyện của cô gái tên là Chen, là một trong những nạn nhân vụ tai nạn rơi máy bay của hãng hàng không Ethiopia ngày 10/3/2019 đã làm gia tăng các cuộc tranh luận về quyền đời tư của con người trong thời đại ngày nay. Mạng Sina Weibo đã phải ẩn và khóa một số người dùng để tránh bị lạm dung với dòng trạng thái: "Xin hãy tôn trọng người quá cố và thảo luận về vụ tai nạn cách phù hợp".

Trong vài giờ sau khi cô qua đời, thông tin cá nhân của người phụ nữ tỉnh Chiết Giang này đã được đăng tải, rằng cô chuẩn bị tốt nghiệp đại học năm nay, cô đang đi du lịch để gặp bạn trai của mình, một sinh viên ở Mỹ, và có kế hoạch đi xem hươu cao cổ ở Châu Phi.

Sự việc trở nên phức tạp khi Tài khoản Sina Weibo cá nhân của Chen đã được chia sẻ rộng rãi và ngày càng nhiều cư dân mạng để lại bình luận trên trang chủ của cô. Hầu hết cư dân mạng bày tỏ sự hối tiếc về sự mất mát của Chen khi bình luận trên tài khoản Sina Weibo của cô.

- "Tôi hy vọng rằng bạn sẽ nhìn thấy những cảnh đẹp nhất trên thiên đàng", Yang Xiaozhi nói.

- "Tôi rất tiếc khi biết bạn qua cách này và tôi thực sự hy vọng rằng bạn có thể yên nghỉ" Hai Zhige nói thêm.

Tuy nhiên, trong số đó cũng không ít có những nhận xét khiếm nhã về ngoại hình, lối sống, bạn bè và gia đình của Chen, với các từ ngữ thô tục.

Nhiều người hay tin cho rằng, chúng ta không nên sử dụng truyền thông xã hội để nói quá nhiều về cuộc sống riêng tư của người đã khuất. Nó không cho thấy chúng ta cần phải tôn trọng người chết, thậm chí còn lấy họ làm đề tài để bàn tán, mưu lợi.

Cũng không ít người đứng lên kêu gọi các mạng xã hội cần phải nhanh chóng dọn dẹp các tài khoản của mọi người khi họ mất, để họ có thể được yên nghỉ.

Tôi không có ý một lần nữa khơi gợi câu chuyện của cô, nhưng hiện nay, xung quanh chúng ta có quá nhiều câu chuyện tương tự. Chúng ta tự hỏi, đâu là giới hạn quyền riêng tư của một con người, thậm chí ngay cả khi họ đã khuất?

Nếu bạn thường xuyên duyệt web, thì phần lớn các trang bạn ghé đều có một hộp thông báo cuối màn hình nói với bạn rằng "chúng tôi theo dõi và thu thập thông tin của bạn. Khi bạn bấm vào đồng ý nghĩa là bạn đồng ý với điều khoản và chấp nhận chính sách của chúng tôi". Thực tế, dù bạn có bấm hay không thì họ vẫn thu thập và theo dõi bạn. Họ tạo ra thông báo đó để nói cách trực tiếp với bạn, dù muốn hay không, họ vẫn thu thập thông tin của bạn cách này hay cách khác.

Liệu có mấy ai chịu bỏ thời gian mà đọc cho hết các Chính sách bảo mật của các trang web? Trên điện thoại cũng tương tự, thậm chí đó là chìa khóa đầu tiên bạn phải mở ra để có thể cài đặt một App bất kỳ. Hệ quả của nó là hàng loạt những quảng cáo, spam, các pop-up,...

Như việc 'đổ thêm dầu vào lửa", các webmaster - quản trị viên các trang web lại vô tư áp dụng tính năng đó trên web của mình, cho dù cả trang web/blog đó thậm chí còn chưa có một bản công bố cụ thể về quyền bảo mật và riêng tư.

Trong thế giới web, có lẽ google và các công cụ tìm kiếm là những người hiểu bạn, có khi hơn cả bản thân bạn. Bạn thích xem gì thì Youtube sẽ cung cấp các đề xuất liên quan đó, có khi còn ngoài cả sự mong đợi của bạn. Bạn thích đọc gì, tìm kiếm gì, hay ghé vào trang nào thì Google cũng đưa ra các kết quả tìm kiếm dựa trên lịch sử tìm kiếm, lịch sử ghé xem,... của bạn. Điều đó tưởng chừng là vô cùng hữu ích. Nhưng nó cũng gián tiếp cho bạn thấy, những cỗ máy được lập trình và xử lý kinh khủng như thế nào, sẽ thế nào nếu cuộc sống chúng ta bị chi phối và được quản lý bởi những cỗ máy thông minh như vậy.

Quyền riêng tư ư? Bao lâu bạn còn gắn bó với truyền thông xã hội, internet thì bạn còn mất đi quyền riêng tư. Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang tiến hành quản lý người dân thông qua hệ thống chấm điểm công dân. Hệ thống ấy ra đời với những lý do hết sức tốt đẹp. Nhưng mặt sau của hệ thống đó, quyền tự do - quyền cao nhất của con người gần như không còn.

Và tôi nhận ra, tiến bộ khoa học đến một mức độ nào đó, thì con người cũng không khác gì máy móc, thậm chí còn bị lệ thuộc và quản lý bởi máy móc.

Khi đó, quyền riêng tư của một người chỉ còn là một huyền thoại.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.