Ngày xưa, " Công - Dung - Ngôn - Hạnh" là một mô hình văn hoá của Nho giáo . Ảnh: internet
Ngày xưa, "Công - Dung - Ngôn - Hạnh" là một mô hình văn hoá của Nho giáo và là một trong những chuẩn mực của người phụ nữ trong gia đình - thời mà thế giới quan của người phụ nữ chỉ gói gọn trong gia đình. Tuy trong phạm vi hạn hẹp ấy, người phụ nữ như người nữ tướng xông pha trên trận mạc của mình để giữ vững nề nếp gia phong của một gia đình và tăng thêm sức mạnh cho tướng công - là người chồng của mình, ngoài xã hội.
"Công", luôn bị đặt dưới cái nhìn phán xét của công luận, người phụ nữ phải biết quán xuyến mọi việc bao quát tất cả mọi mặt lợi ích gia đình, từ việc bếp núc thêu thùa, đến việc quản lý gia nhân, tay hòm chìa khoá đến cách ứng xử thế nào với người trên, kẻ dưới, phù hợp với tư cách và đạo hạnh của người phụ nữ. Đó là công việc chuẩn bị chu đáo của xã hội dành cho chữ Công trong bản lĩnh của người phụ nữ.
Việc bếp núc chế biến các món ăn, nay gọi là văn hoá ẩm thực, ngày xưa đó cũng có gọi một chữ Công. Để nắm vững bếp ăn và dinh dưỡng của gia đình, người phụ nữ phải nắm vững tình hình ngôi chợ quê nơi thường đi mua sắm. Mùa nào thức ăn ấy để từ đó chế biến đúng cách những món ăn vừa bổ dưỡng vừa ngon miệng. Một trong những hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ chủ gia đình là nấp sau màn để được nghe khen " Nấu ăn ngon" về những món ăn mà mình đã nấu. Nấu ăn ngon là một cách "lưu danh thiên cổ" của người phụ nữ. Đối với họ, bếp ăn là một hoạ thất, chẳng thế mà người ta nói: "ăn bằng mắt trước khi ăn bằng miệng", dụng cụ nấu ăn được xem là "hoạ cụ" và đồ gia vị được gọi là "đồ màu". Đấy là "cái dụng" của chữ Công trong nghệ thuật sống hạnh phúc của gia đình. Người phụ nữ ngày nay, chữ "Công" được họ đẩy lên một bậc cao hơn, họ không chỉ người phụ nữ đảm đương tốt việc nhà mà còn thể hiện chữ "Công" rất tài tình ngoài xã hội. Họ không còn giới hạn môi trường hoạt động bởi những tố chất sẵn có trong con người luôn thúc đẩy họ hướng đến cái cao đẹp, cái hiện đại theo sự tiến hoá không ngừng của cuộc sống, của nhân loại. Giờ đây họ là những phụ nữ của thời đại mới "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Người phụ nữ phải nắm vững tình hình ngôi chợ quê nơi thường đi mua sắm. Ảnh: internet
Chữ "Dung", tạo hoá đã tạo ra người phụ nữ để gắn tên họ cho nhan sắc, đó chính là phái đẹp. Vẻ đẹp không chỉ toát lên từ nét đẹp hình thể mà tâm hồn và sự duyên dáng, chín chắn của người phụ nữ đã thổi hồn vào cái "Dung" ấy. Văn hoá luôn nhắc nhở người phụ nữ rằng mình thuộc về phái đẹp, và xem ý thức " tự hát" ấy như là một biểu hiện của lòng tự trọng.
Chứ "Dung" ngăn ngừa phụ nữ xa rời thói ỷ lại vào cái vẻ thiếu nhan sắc của mình để quen với nếp sống buông tuồng, điều mà người phụ nữ xưa đã được giáo dục phải biết che dấu sự già nua của mình một cách tế nhị, không để cho hoàn cảnh "Sinh, lão, bệnh, tử" bày ra trước mặt mọi người. " Dung" không chỉ mang nghĩa sắc đẹp, nó còn được xem là vẻ hình thức bên ngoài thể hiện qua sự khéo léo trong trang phục.
Người ta thường nói rằng: "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần". Vì thế người phụ nữ Việt Nam xưa để lòng kính trọng khách, luôn vắt sẳn chiếc áo dàỉ ở cửa, dù trong lúc làm lụng. Để choàng lên vai đón tiếp khách cho kịp.
Lời nói vốn là công cụ giao lưu bằng ngôn từ giữa một người với mọi người xung quanh. Vì thế chữ "Ngôn" là cả một nghệ thuật sống. Quả là thiếu sót nghiêm trọng nếu người phụ nữ có tất cả "Công, Dung, Hạnh" mà xao lãng chữ " Ngôn".
Lời nói của người phụ nữ không cầu kỳ hoa mỹ mà phải rõ nghĩa và xuất phát từ sự chân thành. Lời nói không chỉ đơn thuần là sự rung của thanh quản khi ta phát âm đánh vần một từ ngữ nào đó, mà nó phải xuất phát từ sâu thẳm trong tâm hồn từ những rung động, những cảm xúc tận đấy lòng thốt lên bằng từ ngữ, lời nói.
Còn lại là những nhung gấm của lời nói cốt sao cho thuận tai người nghe: "Lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Nhưng nghệ thuật của chữ "Ngôn" cũng yêu cầu mặt thứ hai của nó. Chữ Ngôn, khi thì ấm áp như khí dương, có khi lại hà khắc như khí âm để đạt đến chân lý.
Tuy nhiên, người phụ nữ cũng cần phải biết sử dụng chữ "Ngôn" một cách mềm dẻo, hợp tình, hợp lý và đúng lúc, đúng nơi, không phải lúc nào cũng buộc người ta phải chịu lép một bề, mà đôi khi còn phải tả lung hữu đột như một mũi giáo.
"Hạnh" là phần đức thứ tư trong đạo đức Tứ đức, là phần hướng thiện của một tính cách; là sự phân biệt thiện, ác ở con người. Hạnh không chỉ phép lịch sự trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử hay cách ăn mặc nơi người phụ nữ , mà còn mầm mống từ trong ý thức đạo đức con người. Nó chỉ là phép tu dưỡng đạo đức của một đời người.
Xem lại bốn điều Công - Dung - Ngôn - Hạnh ở người phụ nữ xưa, người ta dễ nhận thấy mọi yếu tố đều chứa những mặt tích cực vẫn còn có tác dụng đến ngày nay. Một nàng dâu có đủ Công - Dung - Ngôn- Hạnh được đánh giá cao, được nể phục và luôn giữ vững được lòng tin của mọi người vào bản lĩnh của mình giữa dòng xoáy của quan niệm người phụ nữ trong gia đình thời nay.
Mặt khác, Công - Dung - Ngôn - Hạnh ngày nay bản thân nó là những khái niệm mở, nghĩa là có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Còn nếu hiểu là "lòng chung thuỷ" thì lại là viên ngọc sáng trong tính cách muôn đời của người phụ nữ Việt Nam; đặc biệt là trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam qua các cuộc chiến tranh. Không thể khước bỏ một mô hình văn hoá khi chưa có một mô hình mới để thay thế mà không làm đảo lộn nền móng của xã hội.
Theo Yeunhacvang