Type Here to Get Search Results !

Covid-19 | Nam phi công người Anh là “biểu tượng cuộc chiến chống virus của Việt Nam”

Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ vừa gửi thư chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công cho bệnh nhân thứ 91.

Nam phi công là “biểu tượng cuộc chiến chống virus của Việt Nam”

Sáng 12/7, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, vào ngày 11/7, đại diện của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bác sĩ Drew Posey đã gửi thư điện tử đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để chúc mừng sự thành công của bệnh viện trong việc điều trị cho bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) nhiễm Covid-19.

Trong thư, đại diện CDC Hoa Kỳ chia sẻ:

“Kính gửi các bác sĩ đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi xin chúc mừng Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công cho bệnh nhân thứ 91, phi công người Anh bị nhiễm coronavirus vào tháng 2. Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy”.

Đại diện CDC Hoa Kỳ cũng gửi kèm đường dẫn của bài báo đăng trên tờ Reuters (Anh) trong ngày bệnh nhân thứ 91 rời Bệnh viện Chợ Rẫy, có tựa đề: “Một phi công người Anh trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống virus của Việt Nam được xuất viện”.

Bệnh nhân thứ 91 là ca nhiễm SARS-CoV-2 nặng nhất Việt Nam khi đã trải qua 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Sáng 11/7, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiễn bệnh nhân thứ 91 ra viện về nước.

Trải qua 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công người Anh đã khỏe mạnh để trở về quê hương trên chính chiếc máy bay mình từng cầm lái.

Trước đó, Bộ Y tế đã tổ chức hội chẩn lần cuối, kết luận bệnh nhân phi công Anh đã hết SARS-CoV-2, đủ điều kiện sức khỏe, xuất viện và hồi hương trong ngày.

Tờ Reuters đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc khắc phục Covid-19. Đây là quốc gia duy nhất không báo cáo ca tử vong do Covid-19 và không có ca bệnh trong cộng đồng từ giữa tháng 4 đến nay.

Kỳ tích cứu sống phi công người Anh: Ca bệnh nổi tiếng thế giới

Cuối tháng 5, khi bệnh nhân người Anh còn nguy kịch, tờ Scottish Daily Mail đã có bài báo lớn với nhan đề: “Các bác sĩ hàng đầu Việt Nam đang chiến đấu để giữ tính mạng cho phi công Scotland, 43 tuổi”. Trả lời phỏng vấn của Scottish Daily Mail, một người bạn của bệnh nhân 91 chia sẻ anh S.C đã có một vài công việc ở Anh nhưng quyết định chuyển đến Việt Nam từ tháng 3-2020 vì thích sống ở đây và được đề nghị mức lương cao hơn.

“Anh ấy có căn hộ riêng, ở một mình, không có bạn đời hay con cái. Chúng tôi từng nói chuyện khi S.C còn tỉnh. Anh ấy hầu như mất ngủ trong 6 ngày và bắt đầu bị ảo giác – đó là khi anh ấy được đặt nội khí quản…” – người này cho hay.

Rất tiếc, sau chuyến bay đầu tiên cho Vietnam Airlines, anh đã mắc bệnh và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy gần 100 ngày. Bài báo kể về tình trạng tồi tệ của anh lúc đó cũng như sự nỗ lực của cả đất nước Việt Nam để giành lấy sự sống. Scottish Daily Mail không quên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Các chuyên gia và bác sĩ giỏi nhất sẽ cố gắng cứu ông C.”; đồng thời trân trọng nhắc đến việc nhiều người Việt Nam đã đề nghị hiến phổi cứu viên phi công, trong đó có một cựu quân nhân đã 70 tuổi.

Nhiều tờ báo Anh khác như Daily Mail, Scottish Daily Mail, Mothewell Times… cũng cập nhật tin tức về bệnh nhân đặc biệt này.

Theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), béo phì làm tăng 40% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, trong đó “cơn bão Cytokine” thường xảy ra ở những bệnh nhân béo phì. “Cơn bão Cytokine” là một phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài, làm cho bệnh tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. “Cơn bão Cytokine” tử thần đã tấn công vào hầu hết các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân nặng nhất Việt Nam. May mắn, anh đã được tiếp cận nhanh chóng với các kỹ thuật đỉnh cao, nổi trội nhất là kỹ thuật lọc máu và ECMO. Có sự chuẩn bị chu đáo, dựa trên các hiểu biết về những căn bệnh tương tự trước đó đã giúp Việt Nam thành công.

Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, đầu tháng 5, Đại học Y khoa Georgia ở Augusta (Mỹ) mới công bố một nghiên cứu cho thấy dùng thiết bị lọc máu thay cho lọc thận thông thường sẽ giúp làm dịu “cơn bão Cytokine” ở bệnh nhân Covid-19. Còn hệ thống ôxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO, khi nhắc về bệnh nhân số 91, các báo nước ngoài luôn phải kèm theo một đoạn giải thích dài. Bởi lẽ, đó vẫn là một kỹ thuật cao, không phải bệnh viện lớn nào cũng làm được, ngay cả các nền y học được coi là tiên tiến hơn Việt Nam.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, bệnh nhân 91 còn được hưởng lợi từ hệ thống cách ly kiểm dịch chặt chẽ của Việt Nam: Hạn chế được số ca, tức hạn chế được số bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt. Như vậy, Việt Nam mới có thể dốc toàn lực để cố gắng cứu các bệnh nhân nặng.

Ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam này đã được nhiều hãng tin và tờ báo quốc tế chú ý, nhất là khi Bộ Y tế quyết định dùng cả phương án ghép phổi để cứu bệnh nhân. Reuters còn nhấn mạnh việc Việt Nam đã cách ly hơn 4.000 người liên quan đến ổ dịch có bệnh nhân 91, phát hiện thêm 17 bệnh nhân khác và giúp họ hồi phục. Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM – ông Ian Gibbons – đã viết thư cảm ơn các cơ quan y tế Việt Nam vì tận tình chăm sóc viên phi công.

Các bài viết về bệnh nhân 91 trên báo chí quốc tế nhận được khá nhiều bình luận, đa phần là những lời cảm ơn và bày tỏ sự kinh ngạc khi công dân Anh được tận tình cứu chữa ở một quốc gia xa xôi. “Câu chuyện đáng kinh ngạc về Việt Nam, một quốc gia có dân số hơn 90 triệu người, chung đường biên giới với Trung Quốc, và cách họ ngăn chặn virus thực sự gây sốc! “Zero” tử vong! Đây là bệnh nhân nguy kịch nhất của họ. Họ đã dừng nó ở biên giới” – bạn đọc có nickname m4rky4tes (thành phố Reading, Anh), bình luận.

Công tác đưa phi công người Anh về nước được chuẩn bị thế nào?

Sáng 11/7, BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 và Tiểu ban Điều trị đã tổ chức cuộc hội chẩn toàn quốc xác định bệnh nhân 91 hoàn toàn đủ sức khỏe để về nước.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết: "Trong buổi làm việc, chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ các phương án nhằm đưa bệnh nhân 91 về nước thuận lợi. Từ việc đi máy bay loại nào, tư thế bệnh nhân ra sao, làm thế nào để đảm bảo oxy của bệnh nhân với áp lực trong máy bay khi vận chuyển cho đến kế hoạch để bệnh nhân nghỉ ngơi trong thời gian chờ ở Nội Bài. Sau khi quá cảnh ở Frankfurt, bệnh nhân sẽ được chăm sóc y tế như thế nào trước khi trở về Anh".

Theo bác sĩ, toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên đã tính toán cho từng giai đoạn. Đồng thời, mỗi giai đoạn, ê-kíp đều phải dự đoán trường hợp nặng nhất có thể xảy ra. Nếu buộc phải cấp cứu trong quá trình vận chuyển, bệnh nhân sẽ được đưa đến cơ sở gần nhất cũng như việc bác sĩ tại đó sẽ chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân ra sao.

"Bên cạnh đó, chúng tôi đã liên hệ và làm việc trước với đội ngũ ở các nước khác phòng tình huống bất khả kháng", bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.

Đánh giá về lý do điều trị thành công ca bệnh này, bác sĩ Thức cho rằng đó là công lao của toàn xã hội, hệ thống chính trị cũng như ngành y tế, không phải của riêng Bệnh viện Chợ Rẫy.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Chúng tôi chỉ góp một phần công sức. Điều mấu chốt quyết định cho sự thành công trong việc điều trị bệnh nhân 91 cũng như các trường hợp nặng trong dịch COVID-19 là Bộ Y tế và Tiểu ban Điều trị đã tổ chức hội chẩn cấp quốc gia rất nhiều lần. Chúng ta đã sử dụng được trí tuệ của tất cả thầy cô, giáo sư, các bạn điều dưỡng và thậm chí là nhân viên chăm sóc để đưa ra kế hoạch hoàn hảo nhất".

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cũng nhấn mạnh mục tiêu duy nhất của những người trong ngành y tế là cứu sống bệnh nhân, đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Tất cả vấn đề khác bên cạnh sức khỏe và sinh mạng của bệnh nhân đều không phải yếu tố được đặt lên hàng đầu.