Type Here to Get Search Results !

Thời đại của nước

Nước, từ khi nó được phát hiện và đặt tên thì nó đã đóng vai trò không thể thiếu trong các nền văn minh, và nhân loại. Sức mạnh của nước không còn là điều xa lạ hay nghi ngờ gì thêm. Chúng ta ngồi đây và chứng kiến sức mạnh và vai trò ngày càng lớn hơn của nước. Thời đại của nước cũng chỉ là cái tên tôi tạm gọi cho sự ảnh hưởng của nước đến nền văn minh hiện nay. Câu chuyện về nước vẫn còn dài và bút lục về nó vẫn đang được cập nhật mỗi ngày.

Trời mưa, tôi ngồi ở bàn làm việc của mình, trước mặt là máy tính và một cốc nước. Và tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì tôi đang nhìn.

Nước trong ly, ngoài việc tôi chỉ biết nó khoảng 500ml chưa trong chiếc ly kia, tôi chẳng thể định lượng thêm gì khác. Tôi nghĩ nước có nhiều vấn đề hơn thế, nó "sâu" hơn!

Khoảng 490–430 (TCN) theo học thuyết của Empedocles, nước được coi là một trong bốn yếu tố (đất, không khí, lửa và nước) tạo thành vật chất và vũ trụ. Để rồi sau đó không lâu, Plato và Aristotle đã thông qua các yếu tố của Empedocles để khởi xướng chúng phổ biến hơn trong thiên văn học và y học.

Trong triết học cổ Trung Hoa và Ấn Độ, nước là một trong 5 nguyên tố ngũ hành. Nước có vai trò vĩ đại trong đời sống. Theo học thuyết Đông Y, có 5 nguyên tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cấu thành nên Ngũ hành. Ngũ hành không đơn giản là những vật chất được liên hệ đến với cái tên của mỗi thành tố, mà chúng hàm chứa tri thức của cổ nhân khi miêu tả mối liên hệ và tương quan lẫn nhau của vạn vật. Mỗi một thành tố trong Ngũ hành đại diện cho một bộ phận của một quá trình vận động không ngừng nghỉ và những chu kỳ thay đổi.

Vào thời kì thoái trào của lễ giáo cuối thời Xuân Thu, để giữ cho tâm hồn tĩnh lặng, Lão Tử đã rời xa thế tục, gửi gắm tâm tình nơi núi non, cảm nhận cái tinh khiết và mênh mông bát ngát của thiên thiên, trải nghiệm ý nghĩa thực sự của đời người.

Nước là thành tố của mùa đông, vậy nên tiết trời này rất phù hợp để nói về nó. Nước là một trong những thành tố mạnh mẽ nhất. Trong tự nhiên, chúng ta đã chứng kiến sự phẫn nộ dữ dội của nước, bạn còn nhớ cơn sóng thần ở Đông Nam Á? Song, nước cũng kiên nhẫn và từ tốn. Chúng ta đều thấy cách mà nước có thể mài nhẵn mặt đá qua nhiều năm chảy liên tục và bền bỉ.

Từ những điều này, chúng ta hiểu rằng nước đại diện cho sự mềm mại linh hoạt thông suốt, hay khả năng “uốn theo dòng chảy”. Tôi thật sự đánh giá cao điểm này – Nước yên ắng, tĩnh lặng và bền bỉ, nhưng không dễ chùn bước, kiên định và không thể bị chặn lại. Nước có khả năng thích nghi, uốn theo dòng chảy khi cần, cũng có thể quyết đoán mạnh mẽ khi cần, và là ngọn nguồn cho sự sinh trưởng và trù phú của vạn vật.

Sự thức tỉnh của “thủy tính”

Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn”. Kẻ trí thông đạt đạo lý nên yêu thích cái lưu động không ngừng của nước. Người nhân nghĩa thi hành đạo lý nên yêu thích cái vững vàng bất dịch của núi. Lão Tử yêu thích nước, vì nước gần với đạo.

Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”.

Từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ”. Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh.

Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vật, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua. Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”.

Quy luật: Nước luôn chảy xuôi, xuống chỗ thấp

Bản tính của nước là tìm đến sự phẳng lặng, đây chính là lẽ trời tự nhiên. Vì lẽ này, tuân theo tính chất của nước, đi tìm sự công bằng thì tự nhiên sẽ có được hiệu quả tốt.

Ví như sông và biển đều hình thành từ nước, thế nhưng tại sao sông lại chảy ra biển, biển đón lấy nước sông? Lão Tử cho rằng đó là bởi vì biển nằm ở phía dưới các con sông, “vì ở chỗ thấp, nên làm vua trăm thung lũng”.

Nước thúc đẩy vạn vật sinh trưởng, nhưng đối với vạn vật thì nước “sinh ra mà không sở hữu, làm mà không kể công, giúp phát triển mà không đòi làm chủ” đây mới là đức tính cao nhất.

Người trước xem trọng quy luật và linh hoạt trong sự vận động của nước, người sau lại xem trọng sức mạnh không thể xem thường của nước. Cả hai nhà tư tưởng đều tìm ra được lý lẽ sâu sắc từ tính chất tự nhiên của nước, phát huy sự độc đáo đối với triết lý về tính chất của nước

Trị thủy và Sức mạnh của nước

Những trận đại hồng thuỷ luôn là mối đe doạ lớn với an nguy của người dân, hiện hữu trong mọi truyền thuyết lịch sử Trung Hoa từ cổ chí kim. Sử sách ghi nhận người đầu tiên đưa ra giải pháp cho vấn đề này là nhà trị thuỷ tài ba – hoàng đế Hạ Vũ hay còn gọi là Đại Vũ, trong thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Vốn là hoàng thân quốc thích, ông được các hoàng đế huyền thoại Nghiêu, Thuấn giao nhiệm vụ xây một hệ thống kênh mương thủy lợi tiêu thoát nước lũ nhanh chóng. Dự án đã khiến ông nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc được gọi là "Đại Vũ trị thủy". Dự án thành công, ông được lựa chọn trở thành người kế nhiệm của vua Thuấn, thành lập nên triều đại nhà Hạ, được sử sách coi là triều đại đầu tiên của Trung Quốc.

Tư tưởng di dân, dời núi, bố trí lại địa hình để kiểm soát dòng chảy tự nhiên luôn chi phối phương thức trị thuỷ ở Trung Quốc từ xưa đến nay. Có thể thấy rõ điều này trong công trình xây dựng Đại Vận Hà - kênh đào nhân tạo cổ nối liền hệ thống sông Dương Tử đến sông Hoàng Hà, hoàn thiện vào thời nhà Tuỳ, thế kỷ thứ 7. Hay công cuộc lao động trường kỳ, kéo dài nhiều thế kỷ, xây dựng các tuyến đê dài hàng trăm km dọc theo các con sông lớn nỗ lực ngăn chặn lũ lụt. Trong thời gian tại vị, hoàng đế nào để cho những trận lụt lớn xảy ra có cơ phải chịu sự rủi ro đánh mất "mệnh trời", thứ quyền lực tối cao đã ban cho hoàng đế quyền cai trị đất nước.

Hơn 2200 năm trước, một công trình thủy lợi kỳ vĩ đã hiện diện trên dòng Mân Giang và khiến con sông hung hãn, luôn gầm gào dọa dẫm phải cúi đầu khuất phục. Đến nay, kỳ quan trị thủy được coi là lâu đời nhất trên thế giới này vẫn vận hành trơn tru, mang lại mầu xanh trù phú cùng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình cho cả một vùng rộng lớn của tỉnh Tứ Xuyên. Đô Giang Yển là minh chứng cho trí tuệ uyên bác của người Trung Hoa cổ đại và cho tới hôm nay vẫn là hình mẫu đáng học hỏi bởi phương thức quản lý nguồn nước “thuận tự nhiên”, mang đến lợi ích và sự phát triển hài hòa cho vạn vật.

Nếu có dịp đặt chân tới khu du lịch núi Thanh Thành, leo lên Mục Long Quan, phóng xa tầm mắt ôm trọn rặng núi tuyết Tây Lĩnh, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh công trình trị thủy kỳ vĩ trải ra ngút ngàn phía dưới. Hàng thiên niên kỷ đã đi qua nhưng kỳ quan này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vẫn được sử dụng để tưới tiêu cho gần 670 nghìn héc-ta đất nông nghiệp, vẫn chống ngập lụt hiệu quả và cung cấp nguồn nước quý giá cho hơn 50 huyện lỵ cũng như thành phố của tỉnh Tứ Xuyên. Ngay cả trận động đất kinh hoàng tàn phá dữ dội Tứ Xuyên năm 2008 cũng chẳng thể làm hư hại công trình này. Từ ngày có Đô Giang Yển - “dải ngân hà trên mặt đất”, Tứ Xuyên trở thành xứ “thiên phú”, được đánh giá là vùng canh tác nông nghiệp hiệu quả nhất ở Trung Quốc.

Đô Giang Yển là hệ thống thủy lợi được tạo nên bởi ba thành tố. Miệng cá để phân dòng. Phi Sa Yến để phân luồng chia lũ và xử lý đất cát. Còn Bảo Bình Khẩu chính là cửa nhập nước. Điều đáng ngạc nhiên, Lý Binh - tác giả của công trình nổi tiếng thế giới này vốn không phải là một chuyên gia cũng như một nhà khoa học. Ông chỉ là một viên quan được nhà Tần phái tới Thành Đô làm khâm sai.

Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên, lũ lụt đã trở thành cơn ác mộng không có hồi kết cho cư dân đôi bờ con sông Mân Giang. Cứ mỗi độ cuối xuân đầu hè, băng tuyết tan thành dòng nước lũ điên cuồng từ trên núi đổ xuống đồng bằng Thành Đô. Lòng sông nhỏ hẹp mà áp lực dòng chảy quá lớn nên bờ bãi bị phá tung, gây ngập úng khắp nơi. Cơn cuồng nộ của thiên nhiên qua đi để lại những bãi đất nham nhở sỏi đá chẳng thể canh tác, dân chúng khổ cực trăm bề. Nhiệm vụ càng trở nên khó khăn với Lý Binh khi không thể đắp đập nơi đây, do ông được lệnh phải giữ đường thủy thông thoáng cho các tàu thuyền quân sự qua lại.

Là một vị quan yêu dân, Lý Binh chẳng thể khoanh tay đứng nhìn. Ông quyết định khảo sát thực địa, nghiên cứu địa mạo và dòng chảy để từ đó đưa ra một phương án xử lý tối ưu. Một con đê nhân tạo dẫn một phần dòng chảy đến khu vực khác, một kênh mương xuyên qua núi Ngọc Lũy để đưa dòng nước ngọt lành về tưới tắm cho vùng đồng bằng màu mỡ Thành Đô đang khô kiệt. Để con đê thành hình, ông nghĩ ra cách đan những chiếc giỏ tre dài ngoằng nhồi đầy đá tảng gọi là zhulong, những chiếc cột chống ba chân bằng gỗ gọi là macha sẽ giúp cố định các giỏ đá bên dưới lòng sông. Nhờ hệ thống đê điều đầy sáng tạo này, hệ sinh thái cùng quần thể động thực vật phong phú vẫn phát triển tự nhiên, dòng sông vẫn sống thay vì bị con đập như sống dao chặn ngang lưng bức tử.

Trở ngại lớn nhất chính là con kênh dẫn nước xuyên đồi đá Ngọc Lũy, vào cái thời thuốc súng và chất nổ còn chưa được nhân loại phát minh ra. Để phá vỡ những tảng đá, Lý Binh chọn cách kết hợp thông minh giữa lửa và nước để đốt nóng và làm lạnh đột ngột khiến bề mặt bị nứt ra rồi loại bỏ dần dần. Nhân lực và vật lực được Tần Hiếu Văn Vương đầu tư rất lớn, thế nhưng cũng phải mất tới tám năm để con kênh rộng 20 mét có thể khoan thủng lòng đồi. Kết quả, dòng nước hung dữ bị chia đôi đã biến con thủy quái Mân Giang trở thành dải lụa hiền hòa, êm đềm uốn lượn mang lại vẻ ấm no, trù phú cho cả một vùng đất mênh mông.

Nhờ Đô Giang Yển, Lý Binh đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên áp dụng phương pháp khoa học trị lý nguồn nước, dựa trên kinh nghiệm “tùy theo thực tế mà khơi dòng dẫn nước” của “Đại Vũ trị thủy” thời Vua Nghiêu, Vua Thuấn. Từ Đô Giang Yển, tư tưởng di dân, dời núi, bố trí lại địa hình để kiểm soát dòng chảy tự nhiên đã trở thành cách thức được nhiều thế hệ đi sau áp dụng. Như kênh đào nhân tạo Đại Vận Hà nối liền hai dòng sông Dương Tử - Hoàng Hà được hoàn thiện vào thời nhà Tùy trong thế kỷ thứ bảy hay hình thành những tuyến đê dài hàng trăm cây số dọc theo những con sông lớn để ngăn lũ sau này. Ngày nay vẫn có hàng trăm chuyên gia thủy lợi nước ngoài tới thăm quan Đô Giang Yển mỗi năm. Và tất cả đều bày tỏ sự kinh ngạc và lòng thán phục với một con người có trí tuệ siêu phàm đã áp dụng kiến thức khoa học để tạo nên một công trình có một không hai cho muôn đời hậu thế.

Từ ý niệm ngăn dòng ngăn lũ, loài người đã không ngừng kiếm tìm giải pháp để không những giảm thiểu thiên tai, thiệt hại mà còn tận dụng để cung cấp năng lượng cho sinh hoạt, kinh tế xã hội phát triển. Cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng, các con đập thủy điện lần lượt ra đời. Chúng lớn, lớn hơn, phấn đấu cho đến lớn nhất.

Đập lớn và nhỏ, các nhà máy cũ dọc theo bờ sông là những ví dụ quen thuộc về cách chúng ta đã sử dụng nước như một nguồn năng lượng cho tất cả mọi thứ từ xẻ gỗ đến chế biến ngũ cốc để thắp sáng ngôi nhà. Thủy điện có nhiều ưu điểm, có lợi ích rõ ràng đặc biệt cho môi trường. Nó là sự tự duy trì. Nó không đốt cháy bất kỳ loại nhiên liệu hóa thạch nào, nó đóng vai trò trong việc giảm khí nhà kính. Và nó đi một chặng đường dài hướng đến việc giảm hoặc thậm chí ngăn chặn phá rừng. Trong vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Ví dụ, 90% năng lượng tái tạo của khu vực xuất phát từ thủy điện.

Ngày nay, những ý tưởng mới trong thủy điện đang mang lại sự đổi mới về phát điện vào ngôi nhà và phòng tắm. Mức trung bình 1 người xả gần 7570,824 lít nước xuống nhà vệ sinh mỗi năm, hàng tỷ lít nước lãng phí của người dân trên toàn thế giới.

Tìm cách khai thác sức mạnh của nước trong cách nhỏ hơn đang được quan tâm. Một ý tưởng thông minh được thử nghiệm bởi một sinh viên sau khi ra trường đại học của Anh. Ví dụ: trang bị đường ống nước thải trong các căn hộ cao tầng với cánh tua-bin. Khi nước chảy ra khỏi nhà vệ sinh, chậu rửa và vòi sen rơi trên lưỡi dao, máy phát cháy lên. Kết quả là có thể sử dụng cho các mục đích khác trong tòa nhà như điều hòa không khí, hoặc có thể bán lại cho lưới điện.

Tìm kiếm khu vực bị bỏ qua cho những ý tưởng mới luôn là một cách thông minh để giải quyết các vấn đề. Và khi những vấn đề quan trọng như bảo vệ nguồn nước, cân bằng sinh thái và lượng khí thải carbon, chào đón các tưởng tượng thủy điện trong cuộc sống hàng ngày đó là cách chúng ta đóng góp cho sự phát triển.

Song, là thành tựu "vĩ đại" hay những "quả bom nước" thì còn phải đợi thời gian chứng thực.

Khi nước được xem là thảm họa

Trong những ngày này, câu chuyện và thảm họa liên quan đến Đập Tam Hiệp khiến tất cả chúng ta chợt "tỉnh" và lo sợ cho những viễn cảnh tồi tệ có thể đến bất cứ lúc nào. Tuy Tam hiệp là dự án thủy điện lớn nhất thế giới mang lại nhiều lợi ích cho người dân Trung Quốc nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề từ khi nó được thai nghén cho đến ngày nay.

Do sự bồi lắng ở thượng nguồn, nước làm xói mòn bờ sông hạ lưu dễ dàng hơn. Trong tình huống như vậy, các bờ sông dễ sạt lở hơn. Đó là một mối nguy hiểm lớn đối với cả người dân và đất nước Trung Quốc, đặc biệt là khi có lũ lụt. Ngoài ra, ít trầm tích hơn còn làm cho vùng cửa sông Dương Tử co lại và nước biển xâm lấn vào bờ. Trong quá khứ, Thượng Hải ở cửa sông Dương Tử vốn lấn trung bình 40m ra biển; nhưng giờ đây, ngược lại thành phố lại phải đối mặt với mối đe dọa từ đại dương.

Từ khi có đập Tam Hiệp, nhiều loài cá không thể vượt qua Tam Hiệp và di cư như trước, và do đó thói quen sống và di truyền của chúng thay đổi. Trong khi đó, nơi sinh sản của một số loài cá ở sông Dương Tử giờ đây đã bị hồ chứa Tam Hiệp lấn chiếm. Một số sinh vật nước quý hiếm sống ở Dương Tử đã tuyệt chủng hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như cá trích Dương Tử và cá tầm Trung Quốc.

Khi việc xây dựng đập Tam Hiệp buộc môi trường địa chất xung quanh thay đổi, thảm họa địa chất xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực hồ chứa. Sạt lở, dòng chảy mảnh và động đất là những vấn đề phổ biến. Các khu vực thảm họa cũng có thể tăng thêm 4.000 điểm.

Có đập Tam Hiệp, lượng nước ở thượng nguồn lớn hơn nhiều, nhưng diện tích các hồ và vùng đất ngập nước ở hạ lưu giảm xuống. Lượng nước nhiều hơn, nhiều nước bốc hơi. Tương tự, ít nước, ít bay hơi. Sự thay đổi trên tác động đến vi khí hậu của lưu vực sông Dương Tử. Do đó, tình trạng hạn hán, lũ lụt và nhiệt độ dọc theo sông Dương Tử cũng thay đổi so với trước đây. Ví dụ, trong phạm vi của 1-2 km của hồ chứa Tam Hiệp, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng bằng 0,1-0,2 độ C, nhiệt độ trung bình vào mùa đông và mùa xuân tăng 0,3-1,3 độ C, nhưng vào mùa hè giảm 0,9-1,2 độ C.

Để xây dựng đập Tam Hiệp, một số lượng lớn các di tích lịch sử và các di tích văn hóa đã bị nhấn chìm hoặc ngập một phần, bao gồm hơn 60 địa điểm của Thời đại Cổ sinh, hơn 80 địa điểm Thời đại đồ đá mới và hơn 470 di tích lịch sử từ thời nhà Hán (202 TCN - 220 sau Công nguyên ) đến nhà Minh (1368 - 1644 sau Công Nguyên)... Đây được xem là một thảm họa đập Tam Hiệp không thể xóa nhòa và một sự mất mát lớn về văn hóa của nền văn minh cổ đại Trung Quốc.

Di cư là một trong những vấn đề lớn nhất của đập Tam Hiệp. Sau khi hồ chứa bắt đầu trữ nước, khoảng 129 thành phố và thị trấn bị ngập lụt. Theo đó, hơn 1,2 triệu người ở Hồ Bắc và Trùng Khánh cần phải di cư theo đợt. Họ phải rời quê hương, nơi "chôn rau cắt rốn", để bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi xa lạ.

Đập Tam Hiệp lớn nhất, nó là điển hình cho sự nguy hại nhiều hơn là những lợi ích kinh tế nó hướng đến. Phải chăng sự hiện diện của con đập đã sai ngay từ khi nó sinh ra đời?

Ừ thì có ai đó sẽ cho rằng đập Tam Hiệp chỉ là trường hợp riêng bởi sự to lớn của nó, vậy hàng ngàn con đập trung và nhỏ trên khắp thế giới thì sao?

Hơn 15.000 con đập ở Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành “vũ khí” giết người, và ít nhất 2.300 trong số này đang trong tình trạng kém chất lượng hoặc không đạt yêu cầu, theo The Guardian dẫn cơ sở dữ liệu Đánh giá đập quốc gia (NID) của quốc hội Mỹ.

Tình hình các con đập bị bỏ bê và hư hại tại Mỹ đã được phơi bày sau khi 2 con đập ở bang Michigan bị vỡ, gây ngập trên diện rộng và buộc hàng ngàn người phải sơ tán khỏi nhà trong lúc dịch Covid-19 đang đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ đập vỡ càng thêm nghiêm trọng vì tình trạng khủng hoảng khí hậu đang khiến các chu kỳ mưa bị rối loạn. Tuổi thọ trung bình của một con đập ở Mỹ là 57 năm, và nhiều đập được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, thời điểm các tiểu bang vẫn chưa thiết lập hệ thống tiêu chuẩn an toàn.

Lào, một trong những nghèo nhất châu Á, không phải địa danh thường xuyên xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Trong vài dịp hiếm hoi báo chí nói về Lào, đó là những dự án thủy điện dòng trên dòng chính và các nhánh của sông Mekong với tham vọng của Vientiane nhằm trở thành "nguồn điện" của châu Á. Một lần khác, là khi bức tường nước khổng lồ sụp xuống và giấc mơ đó biến thành ác mộng.

Trong vòng nửa giờ, nước đã dâng lên đến hơn 9 m tại ngôi làng Xay Done Khong của Chantamart, Lào và vẫn không có dấu hiệu ngừng lại. Nhưng Chantamart là một người may mắn. Hàng trăm dân làng Xay Done Khong đã chạy thoát nhưng 15 người vẫn mất tích, trong đó có 9 đứa trẻ.

Từ ngày 22/7, tức một ngày trước khi thảm họa xảy ra, công ty Hàn Quốc tham gia dự án, SK Engineering & Construction (SK E&C) đã biết về các vết nứt đầu tiên trên đập phụ D của dự án đập Xepian Xe Nam Noy trên sông Xe Pian, họ bắt đầu sửa chữa đồng thời cảnh báo chính quyền, người dân địa phương. Thế nhưng, việc khắc phục vết nứt gặp khó khăn vì mưa lớn và đường sá nguy hiểm.

Những nỗ lực khắc phục vết nứt và xả nước trên đập chính đã không ngăn được vết nứt khác tiếp tục xuất hiện trên đập phụ này và khiến nó sụp vào 20h ngày 23/7. Tin tức bay đi còn chậm hơn, truyền thông chỉ biết được thông tin này sau đó gần 20 tiếng, tức chiều 24/7.

Danh sách những thảm họa vẫn còn dài...

An ninh nguồn nước

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng trong 30 năm tới dân số thế giới có thể đạt đến 8 tỷ, sẽ làm tăng nhu cầu nước lên 650% khiến cho 26 quốc gia với 250 triệu dân sẽ lâm vào tình cảnh thiếu nước căng thẳng. Người ta tính rằng cứ sau 21 năm, nhu cầu sử dụng nước lại tăng gấp đôi. Trong khi đó, hiện nay ô nhiễm nước vẫn không ngừng tăng lên. 1/4 số hồ của Trung Quốc bị ô nhiễm, hàng ngàn hồ của Thuỵ Điển bị axit hoá, 3/4 lượng nước sông của Balan bị nhiễm bẩn đến mức chỉ sử dụng cho nhu cầu công nghiệp cũng không đạt. Việc sử dụng quá mức nước sông Amu Daria và Syr Daria để tưới bông trên lãnh thổ Liên Xô cũ đã làm giảm 75% lượng nước ngọt chảy vào biển Aral khiến biển này trở nên khô cạn và tăng độ mặn, lượng cá đánh được hàng năm khoảng 50.000T đã hoàn toàn cạn kiệt khiến cho 60.000 người mất việc làm và đe doạ cuộc sống của 50 triệu dân sống xung quanh biển Aral.

Thiếu nước đã làm nghèo thêm những cộng đồng nghèo. Dân nghèo ở thủ đô Haiti phải chi 20% thu nhập để mua nước. 1/3 dân số Jacarta (Indonesia) - khoảng 2,6 triệu người - phải mua nước từ xe bồn với giá 1,5 - 5,2 USD/1m3. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Pakistan, Mauritania, Bangladesh, Nigeria và Hondura. Bắc Kinh (Trung Quốc) đang xem xét dự án chuyển tải nước từ nguồn xa 1.000km để cung cấp cho thành phố. Gần toàn bộ nước sinh hoạt ở Bỉ phải tải theo đường ống từ vùng biên giới với nước Pháp do toàn bộ hệ thống nước mặt và nước ngầm bị nhiễm bẩn vì phân súc vật và nhiễm mặn. Hiện nay, 40% dân số thế giới chung sống trong 250 lưu vực sông. Đó là cội nguồn gây ra tranh chấp. Ỏ nhiều nước, xung đột nguồn nước còn xảy ra giữa các tỉnh, giữa ngành nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và đô thị. Ở Ấn Độ, nước là cội nguồn của cuộc xung đột triền miên giữa 2 tỉnh miền Nam là tỉnh Karnataca và tỉnh Tamilnada.

Ấn Độ còn là một nước mà những dự án thuỷ lợi cỡ lớn đã kích động sự phản đối dữ đội của nhân dân. Phong trào phản kháng kéo dài 15 năm của người địa phương chống lại dự án Narmada gồm 30 đập lớn, 135 đập vừa và 3.000 đập nhỏ, với 200.000 người phải di cư đã khiến Ngân hàng thế giới từ chối cho dự án vay tiền. Một dư án khác của Ấn Độ nhằm xây hồ chứa Sardar - Sarovar cũng lâm vào cảnh bị chống đối tương tự, do dự án đe doạ nhấn chìm 100.000 ha ruộng lúa và buộc khoảng 300.000 dân phải di cư, chủ yếu là người thiểu số Adivasi.

Việt Nam có may mắn là đất nước khá đồi dào tài nguyên nước. Tuy nhiên 2/3 lượng nước Việt Nam có (khoảng 500 tỷ/850 tỷ m3/năm) là nước quá cảnh từ nước ngoài chảy vào. Nước ta có hàng trăm lưu vực sông nhỏ và 23 lưu vực sông lớn có diện tích từ trên 1000 km2 mỗi lưu vưc, nhưng “tất cả các dòng sông đều bẩn” từ loại B trở lên theo kết luận của các báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia. Những trận hạn hán và lũ lụt dữ dội trong các năm gần đây ở miền Trung cho thấy khả năng chủ động nguồn nước vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó hầu hết các dòng sông đã bị ô nhiễm do xả thải công nghiệp, khai mỏ hoặc dư lượng hoá chất nông nghiệp. Sự thiếu tính toán khoa học trong việc di dân lòng hồ Hoà Bình đã nhiều chục năm trôi qua, cho đến nay vẫn để lại những hậu quả không mong muốn. Những bài học của thế giới về các xung đột môi trường liên quan đến nguồn nước đối với chúng ta chắc chắn không bao giờ cũ.

Nước ngọt chỉ chiếm 1% nguồn tài nguyên nước thế giới, rất cần thiết cho nông nghiệp, công nghiệp và con người. Để đáp ứng nhu cầu nước đô thị hiện nay, hơn một nửa số thành phố Châu Âu đã khai thác quá mức nước ngầm và ở nhiều nước nước ngầm đã bị ô nhiễm. Trong hơn 70 năm qua. Mexico City bị lún hơn 10 mét do khác thái quá mức nước ngầm. Thành phố Bangkok đang bị xâm mặn vào các tầng ngậm nước. Thành phố Jonhannesburg lấy nước cấp cách xa 600km từ vùng cao Lesotho. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng theo ước tính hơn 20% dân số thế giới đang bị thiếu nước. Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn nước ngọt cấp cho các thành phố thường gây ra các xung đột tiềm tàng và thậm chí xảy ra các cuộc chiến tranh vì nước.

Khoảng hơn 1 tỷ người không có nơi nương thân và các dịch vụ cơ bản như nước sạch. Điều tồi tệ hơn là ở nhiều nước, người nghèo lại phải mua nước của những người bán lẻ nên thường đắt hơn. Nghịch cảnh hơn nữa, trong khi người nghèo đang đấu tranh với nước, thì ở nhiều thành phố có tới một nửa lượng nước cấp bị thất thoát do rò rỉ và tệ ăn cắp nước. Những cơ chế thiếu hiệu quả và không bình đẳng trong cấp nước như vậy có thể chỉ dẫn đến xung đột sâu sắc hơn về mặt xã hội. Vào năm 2025, số dân trong các thành phố dự kiến tăng tới 5 tỷ, nhu cầu nước đô thị sẽ tăng theo cấp số mũ. Điều đó có nghĩa là bất kỳ giải pháp nào đối với khủng hoảng nước đầu gắn liền với công tác quản lý các thành phố.

Xung đột dẫn đến tranh chấp nguồn nước

Tài nguyên nước đang ngày càng trở nên khan hiếm trên toàn thế giới. Ngay tại nhiều nước phát triển như nước Mỹ, mực nước trong các túi nước ngầm đang ngày càng hạ thấp, nhiều dòng sông không còn đủ khả năng cung cấp nước ngọt cho các thành phố cũng như các vùng canh tác nông nghiệp vốn vẫn dựa vào nguồn nước của chúng. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng sở hữu tới 8% lượng nước ngọt toàn cầu. Vấn đề khan hiếm nước ngọt chủ yếu xảy ra do sự phân bố không đồng đều. Nhưng trên phạm vi toàn thế giới, các tranh chấp liên quan tới nguồn nước còn ở mức khẩn cấp hơn.

Một ví dụ điển hình là tình hình khan hiếm nước ở khu vực Trung Đông. Sự căng thẳng đang ở mức đỉnh điểm giữa Israel và chính quyền Palestine, Jordani và Syri, nhưng các khủng hoảng về nguồn nước cũng ảnh hưởng đến cả các quốc gia lân cận khác. Ví dụ như Ai Cập, 98% lượng nước sử dụng ở quốc gia này bắt nguồn từ sông Nin, nhưng có tới 85% lượng nước của sông Nin có nguồn gốc từ Ethiopia, một quốc gia có tỷ lệ gia tăng dân số cao và chắc chắn là nhu cầu về nước để đáp ứng được nhu cầu của người dân Ethiopia cũng sẽ tăng lên nhanh chóng. Để hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp về nguồn nước có thể dẫn tới chiến tranh giữa các dân tộc, các nhà lãnh đạo Trung Đông đều nhận thức được rằng họ cần phải hợp tác để quy hoạch bảo vệ và sử dụng chung nguồn nước với tầm nhìn dài hạn và cho toàn khu vực. Vấn đề này cần được quyết định nhanh chóng vì ngay cả khi không xảy ra hạn hán, lượng mưa vẫn giữ ở mức bình thường thì tình trạng khan hiếm nước ngọt vần gia tăng nghiêm trọng ở hầu hết các nước Trung Đông.

Hệ thống các sông Tigris-Euphrates chảy qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq là cội nguồn tranh chấp của 3 quốc gia này. Dự án Anatoli khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1990 nhằm xây dựng 20 đập thuỷ điện lớn trên sông Euphrates, đe doạ làm giảm lưu lượng nước chảy sang lãnh thổ Syria từ 30 tỷ m3 xuống 20 tỷ m3. Năm đó, Iraq và Syria lập tức thiết lập liên minh quân sự để trả đũa. Rất may là Thổ đã từ bỏ ý định chặn dòng chảy nên đã tránh được một cuộc chiến tranh đáng tiếc.

Cùng chia sẻ sông Jordan nên Israel và Palestin rất khó thống nhất việc phân chia lãnh thổ. Còn Ai Cập thì luôn luôn lo lắng về hành động của Sudan và Ethiopia đối với đòng chảy sông Nin (Nile) vốn là huyết mạch của Ai Cập.

Ở Nam Á, các nước Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Bhutan có bốn điều giống nhau: đó là đều nằm ở sườn nam dãy Himalaya, nghèo, nhiều tài nguyên nước và luôn luôn mâu thuẫn về nguồn nước. Bhutan và Nepal với lợi thế là quốc gia đầu nguồn, tìm mọi cách để xây dựng nhiều đập và hồ thuỷ điện. Ấn Độ đưa ra dự án xây kè Ferrakka trên sông Hằng để chỉnh luồng lạch vào cảng Calcuta, dự án này gây hạ thấp mực nước và gia tăng nhiễm mặn ở cửa sông Hằng trên lãnh thố Bangladesh. Để đối phó, Bangladesh (1996) xây dựng một kè khác cũng trên sông Hằng nhằm dồn nước về vùng cửa sông để khắc phục hậu quả của kè Ferrakka.

Những ví dụ trên đây cho thấy sự tranh chấp nguồn nước có thể leo thang thành mối đe doạ đến hoà bình và ổn định. Xung đột liên quan đến nước sẽ căng thẳng hơn khi sang thế kỷ 21, nguồn nước còn trở nên khan hiếm hơn nữa do bùng nổ dân số, do ô nhiễm và do nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh.

Trên tất cả các lục địa đều có các khu vực đang phải đối diện với nạn khan hiếm nước. Trung Quốc, quốc gia sở hữu 7% lượng nước ngọt toàn cầu và 22% dân số thế giới, có tới 300 thành phố lớn đang ở trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Theo một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, hiện nay có tới 300 triệu người đang sống tại các vùng khan hiếm nước trầm trọng và con số này sẽ lên tới 3 tỷ người trong vòng 25 năm tới.

Hiện nay, nhiều thoả thuận và hiệp ước về nguồn nước quốc tế đã được xây dựng, thậm chí ở cả quy mô nhỏ, như ở khu vực Trung Đông. Giữa Syri và Israel có những bản ghi nhớ không chính thức theo đó mỗi bên đều hiểu rõ các hạn chế nhất định trong việc phân phối nguồn nước. Giữa Jordani và Israel có văn bản thoả thuận về vị trí cấp nước, giữa Syri và Jordani cũng có thoả thuận như vậy. Tuy vậy, giữa các quốc gia vẫn luôn tồn tại các tranh chấp khi các thoả thuận song phương và đa phương không được tuân thủ bởi tất cả các quốc gia có liên quan. Các túi nước ngầm và các dòng sông vẫn tiếp tục suy giảm mực nước và cái giá phải trả cho tình trạng đó sẽ ngày càng gia tăng. Nhu cầu thiết lập một hệ thống quốc tế để đánh giá nguồn nước toàn cầu đang ngày càng trở nên cấp thiết. Hoạt động mang nhiều tính kỹ thuật này cần được hỗ trợ bởi một loại hình toà án quốc tế về nước do vấn đề tranh chấp nguồn nước có thể mang quá nhiều tính kỹ thuật để có thể được giải quyết bởi Toà án Quốc Tế La Hay.

Đối với các khu vực khan hiếm nước, một kế hoạch có tầm nhìn khu vực cần được xây dựng một cách hoàn chỉnh và các quốc gia phát triển cần phải sẵn sàng ủng hộ tài chính cũng như kỹ thuật để thực hiện các kế hoạch như vậy. Cái giá bỏ ra chắc chắn sẽ nhỏ hơn nhiều so với cái giá chúng ta phải trả khi xảy ra tranh chấp.

Sự khan hiếm về nước là cực kỳ nhạy cảm, nó dễ dàng tạo ra các bất ổn định đủ kiểu và rất có thể là cội nguồn của chiến tranh. Có nhiều kiểu mất an ninh môi trường liên quan đến nước.Phân tích về những cuộc chiến tranh nước, có thể chia ra các kiểu sau:

Thứ nhất, những cuộc xung đột vũ trang công khai (ít xảy ra).

Thứ hai, thương thuyết, đàm phán căng thẳng giữa các quốc gia về chia xẻ nguồn nước quá cảnh.

Thứ ba, tranh chấp cộng đồng về chiếm dụng nguồn nước: ở nhiều nước, nông nghiệp bị phê phán vì đã dùng quá nhiều nước nhưng đóng góp kinh tế lại không đáng kể. Nhiều nơi, các dịch vụ du lịch cũng bị tai tiếng vì chiếm dụng nước để phục vụ du khách. Ví dụ như nguồn nước sinh hoạt ở Đồ Sơn (Hải Phòng) chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn vì giá nước cao hơn (5.000 – 7.000đ/m3 so với 1.600 đ/m3 cung cấp cho dân). Những người nuôi trồng thuỷ sản nước lợ ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cũng thường không hài lòng với những người trồng lúa về nguồn nước. Vào mùa sâu bệnh, nước từ vùng trồng lúa chứa rất nhiều dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật đã gây hại cho nghề nuôi tôm sú. Các chủ trang trại nuôi tôm trên cát ở phường Phú Thọ (Phan Rang – Ninh Thuận) đã bị cộng đồng không nuôi tôm phản ứng quyết liệt vì đã bơm sạch nước ngầm để pha loãng nước biển dùng cho hồ tôm, làm cho các giếng trong phường đều trở nên nhiễm mặn không dùng được.

Thứ tư, sử dụng nguồn nước như một công cụ chiến tranh: xâm chiếm, ngăn chặn, phá huỷ các nguồn nước làm cho kẻ địch dưới hạ nguồn khốn đốn. Ví dụ trong chiến tranh vùng Vịnh, máy bay đồng minh tiến công liên tục vào hệ thống thuỷ lợi của Irak, hay quân Serbi đã phá huỷ đập Perusa của Croatia năm 1993 trong cuộc khủng hoảng Bancăng.

Cuộc chiến tranh giành nước là cuộc chiến không có hồi kết. Trong trường hợp mối quan hệ với các nước trong cùng lưu vực có vấn đề thì những nước ở đầu nguồn các dòng sông có rất nhiều ưu thế trong việc hạn chế khối lượng nước cho các nước (hay các vùng) dưới hạ lưu. Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có ưu thế trong chuyện này với Syria hay Irak, Nepal với Ấn Độ, Ấn Độ với Bangladesh... như đã nói ở trên. Việt Nam cũng là một quốc gia dưới hạ lưu của hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Mêkông... Những bài học về xung đột nguồn nước ở Trung Đông và Nam Á đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về an ninh nguồn nước. Các chương trình hợp tác và quản lý chung trong lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy và sông Sài Gòn-Đồng Nai là những điều kiện tốt trong việc tránh xung đột cộng đồng liên quan đến nước nếu các địa phương liên quan năng động hơn. Chiến lược quản lý lưu vực là rất quan trọng đối với vấn đề an ninh môi trường. Một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nước quá cảnh hay có ưu thế về nước quá cảnh thì nguy cơ mất an ninh nguồn nước càng cao. Trên thế giới có hơn 200 lưu vực sông hồ là biên giới quốc tế, làm tăng nguy cơ tranh chấp./.

Tình trạng biển xâm thực

Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế có uy tín, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Trung tâm Nghiên cứu các Hệ thống môi trường (CESR), Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA)… với 3.260 km đường bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam qua 28 tỉnh, thành phố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hiện tượng thiên tai cực đoan do nước biển dâng như xâm ngập mặn, biển xâm thực, bão, lốc... Trong nhiều năm qua, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng và gây ra những tác hại không chỉ đối với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng đến các công trình nhà ở, thậm chí đe dọa tính mạng con người.

Số liệu quan trắc tại các trạm hải văn ven biển Việt Nam giai đoạn 1993-2010 cho thấy, mực nước trung bình ở biển Đông tăng khoảng 4,7 mm/năm; trong đó, Việt Nam có mức tăng trung bình khoảng 2,8 mm/năm, nhiệt độ nước biển tăng lên 3oC. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước biển đã tăng 55-75 cm trong vòng 1 thế kỉ qua. Gần đây, các dự báo cũng đều khẳng định, mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm 33,3 cm vào năm 2050, 45 cm vào năm 2070 và khoảng 1 m vào năm 2100. Qua đó, Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định, nếu nước biển dâng thêm 1 m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP.Hồ Chí Minh, 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị biển xâm thực, trong đó Kiên Giang có thể ngập đến 75% diện tích; các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc. Kéo theo đó là 27% diện tích rừng ngập mặn và 20% diện tích rừng đầm lầy ở Việt Nam sẽ bị mất vĩnh viễn. Đặc biệt, vùng đất ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định là các khu vực dự báo sẽ bị xâm thực mạnh. Ngoài ra, đối với bờ biển Duyên hải miền Trung, có đường bờ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tương tác giữa lũ thượng nguồn và triều cường biển Đông cũng là đối tượng dự báo sẽ bị xâm thực khá mạnh. Phông mặn sẽ xâm thực theo hướng vào sâu trong đất liền. Không chỉ gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân, sự thay đổi này sẽ làm cho mức độ ăn mòn kim loại tại các công trình tăng lên.

Các nhà khoa học dự đoán khoảng một nửa bãi biển trên thế giới sẽ bị thu hẹp đáng kể trong cuối thế kỷ này, do tình trạng lũ lụt ven biển và các tác động của con người.

Theo Guardian, tình trạng xâm thực tại các bãi biển sẽ khiến môi trường sống của động vật hoang dã bị thu hẹp, cũng như khiến các khu dân cư ven biển mất đi vùng đệm bảo vệ chúng khỏi việc nước biển dâng lên hoặc các cơn bão.

Trong khi đó, các biện pháp chống lại tình trạng này được dự đoán sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, và trong một số trường hợp sẽ không thể là giải pháp bền vững.

Dựa trên hình ảnh vệ tinh được thu thập trong vòng 30 năm, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu chung EU phát hiện tình trạng xâm thực đã phá huỷ 36.097 km bờ biển. Họ dự đoán tình hình sẽ trở nên tệ hơn vào nửa sau của thế kỷ này, với việc 1/4 diện tích bãi biển của thế giới sẽ biến mất.

Đó thậm chí không phải là trường hợp xấu nhất, vì nó được đưa ra dựa trên kịch bản RCP 4,5 - khi nước biển dâng 50 cm vào năm 2100.

Tuy nhiên, nếu thế giới tiếp tục thải ra carbon với tốc độ hiện tại, mực nước biển sẽ tăng thêm khoảng 80 cm vào năm 2100, theo Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu. Nếu điều này xảy ra, 13% những bãi biển trên Trái Đất sẽ chìm trong nước.

Trên toàn cầu, mức xâm thực trung bình sẽ là 86,4 mét theo kịch bản RCP 4,5 hoặc 128,1 mét nếu việc phát thải carbon tăng lên, mặc dù con số chính xác sẽ phải dựa trên từng bãi biển cụ thể. Những bãi biển phẳng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là những bãi biển dốc, hoặc so với những bến cảng được duy trì nhân tạo như một phần của phát triển đô thị ven biển.

Các bãi biển lớn trên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như phía Ấn Độ Dương của Australia, sẽ bị thu hẹp trong khoảng từ 100-200 mét. Việc giảm thiểu phát thải carbon có thể ngăn chặn 17% sự xâm thực bờ biển vào năm 2050, và 40% vào năm 2100, giúp giữ vững trung bình 42 mét cho mỗi bờ biển, theo các nhà nghiên cứu.

Mực nước biển dâng cao sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề được gây ra bởi việc xây dựng và rào chắn trên bờ biển, như những toà nhà, đường sá hay đập - vốn làm thay đổi hệ thống bổ sung cát tự nhiên cho các bãi biển.

Tác nhân thứ 3 gây xói mòn bờ biển là sự gia tăng của các cơn bão, bắt nguồn từ việc biến đổi khí hậu. Những cơn bão này sẽ làm xói mòn những bãi biển dễ bị tổn thương nhất.

Vào cuối thế kỷ này, sẽ có khoảng 63% các khu vực ven biển thấp trên thế giới sẽ bị đe doạ. Ở những khu vực này, cả mật độ dân số và sự phát triển đô thị đều có xu hướng ở mức cao hơn so với sâu trong đất liền.

Báo động tình trạng Băng tan nhanh


Một cuộc khảo sát mới cho thấy tình trạng tan băng tại Bắc Cực khiến cứ mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương. Các nhà khoa học ở Mỹ, Chile, Canada, Na Uy và Hà Lan đã góp phần nỗ lực vào nghiên cứu trên trong suốt 47 năm qua. Nghiên cứu được đăng trên Environmental Research Letters.


Đó là lượng băng tan nhiều hơn đáng kể so với lượng băng tan từ Nam Cực mặc dù Nam Cực chứa nhiều băng hơn. Tuy nhiên, được thúc đẩy bởi các cụm sông băng ở Alaska, Canada và Nga và dải băng rộng lớn của Greenland, Bắc Cực đang nóng lên nhanh chóng, vượt xa toàn bộ lục địa băng ở phía Nam cho đến nay.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là tốc độ tan băng ở cả hai khu vực này dường như ngày càng diễn biến nhanh một cách đồng thời, khiến mực nước biển sẽ ngày càng dâng cao hơn trong những thập kỷ sắp tới. Cụ thể một nghiên cứu riêng gần đây cho thấy tỷ lệ băng tan tại Nam Cực cũng tăng cao gấp 3 lần chỉ trong một thập kỷ.

“Không phải tới cuối thế kỷ này, nhân loại mới nhận biết các vấn đề liên quan tới hiện tượng mực nước biển dâng. Các vấn đề đó đã xuất hiện ngay ở thời điểm hiện tại với tốc độ tan băng ở Bắc Cực diễn ra nhanh gấp 3 lần kể từ năm 1986. Lượng băng nổi tại đây cũng đang sụt giảm nhanh chóng, gần chạm tới tỷ lệ băng tan trên đất liền.

Từ năm 1971 đến nay, con số này đã lên tới 2,3cm. Trong giai đoạn từ năm 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỷ tấn/năm, điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 1986 - 2005, theo ước tính, lượng băng tan khoảng 5.000 tấn/giây. Qua đó, có thể thấy, tốc độ tan băng ở Bắc Cực trong giai đoạn từ năm 2005 - 2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với thời kỳ 1986 - 2005.

Một nghiên cứu riêng biệt gần đây đã phát hiện ra rằng tỷ lệ băng tan ở Nam Cực cũng đã tăng gấp ba lần chỉ trong một thập kỷ, đạt mức 219 tỷ tấn mỗi năm từ năm 2012 - 2017.

Giả sử những con số này là chính xác và tổng hợp chúng lại với nhau, các vùng cực của thế giới đang mất khoảng 666 tỷ tấn băng vào đại dương mỗi năm - với mực nước biển tăng gần 2 milimet mỗi năm.

Hiện tượng băng tan sẽ tạo nên những tảng băng lớn. Làm ảnh hưởng tới tàu thuyền qua lại. Khi các con thuyền đi trên biển va phải các tảng băng trôi cò kích thước lớn sẽ làm tàu bị hư hỏng nặng. Thậm chí có thể bị nhấn chìm.

Hơn nữa các đảo, quần đảo và các vùng ven biển cũng có thể sẽ bị nhấn chìm, con người sẽ mất đất, mất nhà.

Bên cạnh đó, nước biển cũng có độ axit cao hơn, phần lớn là do hấp thụ khí thải. Nếu nồng độ này tiếp tục tăng lên, hệ sinh vật dưới biển sẽ phải đối mặt với nguy cơ diệt vong lớn. Nhất là các loài có vỏ hoặc xương như thân mềm, cua, san hô,...

Và con người cũng không thể nào tránh được những hậu quả mà chính họ góp phần tạo nên. Ví dụ như bệnh dịch, thiên tai, mùa màng thất bát,… Chúng đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới đời sống của nhân loại. Nhân loại sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn đe dọa tới sự sống trên Trái Đất.

Thách thức và giải pháp để quản trị nguồn nước

Diễn đàn nước Thế giới lần thứ hai và hội nghị bộ trưởng 3/2000 tại Hà Lan đã thông qua tầm nhìn và khung hành động về nước thế kỷ 21. Từ diễn đàn này, căn cứ vào kết quả quốc tế mà các quốc gia sẽ xây dựng cho mình "Chương trình hành động quốc gia về an ninh nước thế kỷ 21".

Hội thảo quốc gia nước thế kỷ 21, tầm nhìn và hành động tới 2025 tại Hà Nội (3/2000) đã thông qua tầm nhìn về nước của Việt Nam là: sử dụng tổng lượng, bảo vệ tài nguyên nước vững bền và phòng chống có hiệu quả các tác hại về nước. Khái niệm an ninh về nước của Thế giới được hiểu là:

Một là, nước ngọt và hệ sinh thái được bảo vệ và cải thiện

Hai là, phát triển bền vững và chính trị ổn định được cổ vũ

Ba là, ai cũng có nước sạch để dùng với giá cả hợp lí, đảm bảo sức khoẻ và năng lực sản xuất

Bốn là, con người được bảo vệ khỏi các nguy hiểm do nước gây ra

Năm là, an ninh về nước trong thế kỷ 21 của quốc gia là "Sử dụng tổng hợp, bảo vệ và phòng chống có hiệu quả các tác hại về nước", với 7 điểm cụ thể:

·Cung cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh cho mọi người

·Đủ nước cho an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội

·Bảo tồn các hệ sinh thái nước

·Phòng chống và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra

·Đánh giá nước hợp lý

·Cộng tác nhiều bên để quản lý thống nhất tổng hợp tài nguyên nước có hiệu lực và hiệu quả

·Hợp tác quốc tế và các nguồn nước, chia sẻ vì lợi ích chung.

Sáu là,trong khung hành động Thế giới có sáu chỉ tiêu chỉ dẫn về an ninh nước Thế giới trong 15 năm tới là:

· Có chính sách và chiến lược toàn diện về quản lý nước tổng hợp đang được thực hiện tại 75% số quốc gia vào năm 2005 và tất cả các quốc gia vào năm 2015.

· Giảm một nửa tỷ lệ số người hiện nay chưa được cấp đủ nước sạch với giá phải chăng vào năm 2015.

· Giảm một nửa tỷ lệ số người hiện nay chưa có phương tiện vệ sinh vào năm 2015.

· Tăng 30% khả năng tưới cho cây lương thực bằng các công trình và nước mưa vào năm 2015.

· Giảm rủi ro do lũ lụt cho 50% số người sống trong vùng ngập lũ vào năm 2015.

· Tất cả các quốc gia phải có tiêu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái nước ngọt vào năm 2005 và chương trình cải thiện hệ sinh thái nước ngọt được thực hiện vào năm 2015.

Tổ chức Cộng tác vì nước Toàn cầu (GWP) đề nghị các quốc gia căn cứ chỉ tiêu chỉ dẫn trên để định ra chỉ tiêu phấn đấu tương ứng của quốc gia. Việc xây dựng khung hành động quốc gia đòi hỏi sự quan tâm và cộng tác giữa các cấp các ngành về nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển và quản lý trong lĩnh vực nước bao gồm cả quản lý tài nguyên nước và quản lý dịch vụ nước.

Trong các chỉ tiêu của Việt Nam về quản lý nước tổng hợp thì chỉ tiêu hệ sinh thái nước ngọt chưa rõ ràng. Trong luật tài nguyên nước chỉ đề cập khái quát đến bảo vệ môi trường mà chưa nói gì về các hệ sinh thái nước. Đây là vấn đề mà nhiều nước trên Thế giới rất quan tâm. Cân bằng sinh thái trong hệ sinh thái nước là sự bảo đảm chất lượng nước. Nhu cầu đầu tư hàng năm cho tài nguyên nước để thực hiện chiến lược nước Toàn cầu đến năm 2025 tăng đến 180 tỷ đô la trong tổng 4,5 ngàn tỷ đôla.Tầm nhìn nước thế kỷ 21 cũng kết luận có khủng hoảng nước, nhưng đó là sự khủng hoảng của quản lý. Nguồn nước phải được xử lý với công nghệ tốt nhất, quản trị tốt nhất, khích lệ nhất và sự phân phối tốt nhất.


Trên thế gian không có gì yếu mềm bằng nước nhưng không thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.

Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy.

Nước không tranh giành - Nước giúp đỡ vạn vật, không phân cao thấp. Vì không tranh giành mà không oán hận, lo âu.

Nước vô ngã - Vạn vật đều dựa vào nước mà tồn tại, nước không chối từ trách nhiệm, đem thân mình hiến dâng cho tự nhiên, không cần báo đáp.

Nước hạ mình chỗ thấp - Trăm sông đổ về một biển, biển nằm dưới sông, vì ở chỗ thấp nên làm vua trăm họ.

Nước mềm mại - Thiện hạ không gì mềm mại bằng nước, nhưng cũng không gì công phá mạnh bằng nước. Kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn.

Nước luôn tiến lên - Nước ngày đêm chảy xiết, gặp núi tự biết chuyển mình, gặp vật cản tự biết đảo chiều dòng chảy, không sợ gian nan tiến về phía trước.

Nước vị tha - Nước bao dung vĩ đại, bất luận ân oán, đúng sai. Biển lớn dung nạp trăm nghìn dòng sông, tấm lòng bao dung mới có thể trở nên vĩ đại. Vách núi nghìn trượng sừng sững, không mang dục vọng thì có thể giữ mình cương trực.

Nước có thể lật thuyền mà cũng có thể nâng thuyền, nước có trăm điều thiện mà không một điều dối lừa, nước thật quá hữu dụng.

Kẻ trí thông Đạo vô cùng yêu thích cái không ngừng của Nước.
Người Nhân Nghĩa thi hành Đạo Lý nên yêu thích cái vững vàng bất dịch của Núi.
Và thời đại nào cũng cần nước...
{full_page}

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.