Type Here to Get Search Results !

Nếu nói "Vâng" là cách để thể hiện sự khiêm tốn, thì nói "Dạ" là cách thể hiện sự khiêm nhu, khiêm nhường

V

âng!, Dạ! là hai từ không ai không biết và không ai là chưa xài hơn một lần. Xét trong ứng xử, hai từ này cũng như bao từ khác, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau, trong đó có tôi.

Với người Á Đông, đặc biệt là người Việt dạy rất kỹ con cháu dùng hai từ này từ khi còn bập bẹ tập ăn tập nói. Thế nhưng, càng lớn lên thì người ta lại càng ít dùng hai từ này. Tại sao lại như vậy? Bài viết này tôi chỉ muốn biết và hiểu cho đúng bản chất của hai từ "Dạ - Vâng", rằng liệu nên hay không nên dùng? và dùng như thế nào cho đúng?

Có một thiếu tá vừa được thuyên chuyển về chỉ huy một tiểu đoàn mới. Ông tìm cách “hù” cho binh lính cho họ nể sợ ông. Một hôm, một anh binh nhì gõ cửa xin vào phòng ông. Ông nói:

- Vào đi. Nhưng đứng chờ đấy vì tôi đang bận tiếp điện thoại.

Rồi ông cầm điện thoại nói:

- Chào Đại tướng, rất hân hạnh được nghe ngài. Ngài muốn gì ạ?

Ông im lặng một hồi như đang lắng nghe, rồi nói tiếp:

- Vâng, thưa Đại tướng, tôi sẽ nói lại với Tổng thống về điều ấy.

Xong, ông đặt ống nghe xuống và nói với anh binh nhì:

- Xong rồi, bây giờ tới phiên anh. Anh có việc gì nào?

Anh binh nhì đáp:

- Dạ tôi thừa lệnh trung sĩ đến đây để nối giây điện thoại cho ngài, thưa Thiếu tá!

Rất nhiều câu chuyện tương tự thế không hiếm trong cuộc sống ngày nay phải không? Giờ thì chúng ta tiếp tục đi vào ý nghĩa của từng từ nhé!

1/ Vâng!

Vâng - là một động từ, thể hiện sự chấp nhận, vâng phục.

Theo phần lớn từ điển tiếng Việt, Vâng có nghĩa là:
- Nghe theo, tuân theo lời sai bảo, dạy bảo.
- Dùng để trả lời một cách lễ độ, tỏ ý ưng thuận hay nhận là đúng.

Ví dụ:

- Mai con phải dậy sớm để đi học nhé? - Vâng ạ.
- Cháu có hiểu làm thế là sai không? - Vâng, cháu cũng hiểu thế.

Theo cách sử dụng, Vâng có khi chỉ là lời đáp cho xong. Nó còn dùng để trêu đùa lẫn nhau. Dùng từ này nhiều, lặp lại và liên tục sẽ làm cho đối phương ức chế.

So với từ đồng nghĩa là từ "Dạ", từ này được dùng nhiều và phổ biến hơn.

Vâng lời mới được khen ngoan



Trong thực tế, khi một người nói với ai đó và được đáp lại với từ "Vâng!..." đằng trước, mọi người phần lớn đều cảm thấy hài lòng và cho rằng đối tượng là ngoan hiền, cư xử tốt. Kết quả, thường có thiện cảm hơn, dù cho đó mới là lần đầu gặp mặt. Và khi cái ý niệm đó trở thành lẽ thường qua bao thế hệ, là thước đo đầu tiên để đoán xét người khác, nó vô tình trở thành một "khuôn vàng thước ngọc" mà ai ai cũng biết đó là, Vâng lời mới được khen ngoan.

Không chỉ riêng mình, nhìn ra xung quanh, tôi thấy vô vàn những tương tự. Nhìn vào từng gia đình, đứa con nào vâng lời bố mẹ mới được khen ngoan. Nhìn tầm trung, ở nơi làm việc, có bao nhiêu người dám “cãi” sếp? Nhìn trên cao, trong những cuộc chất vấn tầm vóc nhà nước, có bao nhiêu ý kiến khác biệt với số đông, có bao nhiêu người tranh biện để bảo vệ quan điểm của mình?

Người nước ta, từ đời nọ qua đời kia, dạy nhau phải ngoan, phải thủ lễ trước hết: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mà cái lễ phải theo lẽ tôn ti trật tự: “Trứng đòi khôn hơn vịt”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Cá không ăn muối cá ươn/Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”... Mấy câu đó bạn có thấy quen không? Người làm cha làm mẹ Việt Nam có ai mà không nằm lòng và phán xử con thường bằng những lời lẽ như thế.

Trái ngược với từ "Vâng" là từ "Cãi". Ai có ý kiến không giống mình, không đúng ý mình được liệt ngay vào dạng “cãi”. Mà đã “cãi”, tức là không ngoan. Gọi dạ bảo vâng! Ngoan ngoãn trở thành một cái đích hướng tới của giáo dục.

Mỗi con người là một cá thể. Xã hội chỉ đa dạng, đa nguyên khi mỗi con người là một cá thể độc lập. Càng nhiều sự khác biệt càng thúc đẩy sự phát triển. Có tranh luận mới tìm ra chân lý.

Nhưng có vẻ như số đông chúng ta không đang tranh luận mà chỉ cãi nhau theo lối cảm tính, lấy số đông áp đảo số ít, đa số thắng thiểu số, không chút phân vân đi theo lối mòn đã được vạch sẵn và luôn thấy đó là con đường duy nhất đúng. Nên mới có những cuộc phỉ báng, ném đá tập thể những người không giống mình.

Cuộc gọt giũa từ gia đình - trường học - nơi làm việc - xã hội đã cho ra kết quả là những con người tròn trịa, “gọi dạ, bảo vâng”.

Dù chúng ta có muốn tin hay không, có thừa nhận hay không, thì chúng ta đã và đang được “trồng” như thế đó, để không thành những con người độc lập, có khả năng tư duy độc lập, dám bước chệch ra khỏi lối mòn để tìm kiếm cái mới.

Từ "Dạ"


Ở đây tôi không nói đến nghĩa của từ "Dạ" theo kiểu "bụng làm dạ chịu". Hiểu nôm na là cái bao tử. Tôi chỉ nói về phương diện ứng xử trong xã hội, cách dùng mà thôi.

So với từ "Vâng", tôi thích từ "Dạ" hơn. Tôi luôn đánh giá cao những ai sử dụng từ này trong giao tế hàng ngày.

Xét về nghĩa, từ này nghĩa không khác với từ "Vâng. Nhưng xét về cách sử dụng, nó ít được dùng và không phải ai cũng chịu dùng. Tại sao lại như vậy?

Từ xa xưa, từ "Dạ" thường được phát xuất bởi 2 loại người: một là người bề dưới đối với cấp trên/ bề trên, hai là từ người ăn kẻ ở. "Không cùng đẳng cấp", "Không xứng", "Không có tư cách",... là cách nói đồng hành cùng với từ "Dạ". Từ "Dạ" từ ý niệm đó của nhiều người mà nó được cho là sự hèn mọn, bất cân xứng, hay chỉ là "bề dưới".

Nếu trong một cơ quan, cấp trên gọi cấp dưới Dạ/Vâng thì là lẽ thường. Con cháu vâng-dạ với người lớn cũng là lẽ thường. Nhưng khi tương quan là hai nhân-vị thì phải xem xét ở một khía cạnh khác và buộc phải nhìn nhận theo một cách khác chứ không đơn thuần ở tương quan người trên và kẻ dưới.

Video sau đây là một ví dụ điển hình.


Qua video, phần lớn mọi người đều dành một sự kính trọng nhất định dành cho bà cụ thay vì nhìn nhận cái nghề của bà thế này hay thế nọ. Tại sao một người lớn tuổi như bà lại "một Dạ, hai Dạ" với một người đáng tuổi con cháu mình? trong khi phía kia lại hiếm khi đối đáp với bà như vậy? Điều dễ nhận diện nhất sau mỗi từ "Dạ" ấy là cả một sự giáo dục, gia giáo và hàm dưỡng nơi bà cụ.

Kinh Thánh có câu:
"Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên" (Mt 23, 11-12).

Sau từ Dạ, nhân cách một con người trở nên sáng láng hơn cả.

Vậy thì nên dạy từ "Dạ" hay từ "Vâng"? - Theo tôi thì nên dạy cả hai, nhưng từ "Dạ" nên chú trọng hơn. Khi từ "Dạ" trở thành thói quen ở một người, họ tự khắc biết dùng từ "Vâng" ở nơi nó cần.

Với tôi, nếu nói "Vâng" là cách để thể hiện sự khiêm tốn, thì nói "Dạ" là cách thể hiện sự khiêm nhu, khiêm nhường.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.