Hôn nhân là một ván game, trong đó mỗi người phối ngẫu được chơi ở “level” khác nhau. Bạn hãy nhớ điều này nhé, “level” khác nhau, không phải cùng một “level”, không có sự bình đẳng gì ở đây. Có thể người chồng buộc phải trải nghiệm độ khó của game cao hơn vợ, cũng có thể ngược lại, nhưng không bao giờ cùng “level” cả. Người ta có khi phải thua đậm mới hiểu và chấp nhận được điều này. Không bao giờ bình đẳng, đừng đòi hỏi bình đẳng. Và đừng bao giờ nghĩ rằng hai vợ chồng cần phải đóng khoản học phí như nhau, bằng nhau. Không bao giờ.
Để cứu vãn một cuộc hôn nhân trên đà lăn xuống vực, chỉ có cách đóng học phí cao hơn, trả giá nhiều hơn, nỗ lực hơn, từ chính ta. Bạn nhớ nhé, từ chính ta - dù là vợ hay chồng, đừng đòi hỏi người kia cũng phải trả giá thêm, nỗ lực thêm. Bài học là: hãy đọc kỹ “Thiên long bát bộ” của Kim Dung: đấu cờ, chơi game, phải biết chấp đối phương mấy nước. Tâm lý của người chấp hoặc được chấp là thấy không cam tâm, thấy hoặc mình bị thiệt hoặc bị coi thường, muốn nghiêng cuộc cờ đến khi nào trở nên cân bằng. Nhưng cân bằng rồi, thì chán - ai từng chơi game sẽ hiểu tâm lý ấy. Chán, thì xem như… xong, chả còn gì để nói. Chả còn gì để hàn gắn, cứu vãn. Là lăn xuống vực thôi.
Mỗi phút giây sống, tôi lại nghiệm ra những sai lầm của phút giây trước, để rồi hiểu rằng cần phải học mãi mãi. Sửa sai mãi mãi. Hôn nhân, ở đây chỉ là một ví dụ cho câu chuyện sống/học sống mà thôi.
Phải, khi thấy mối quan hệ có vấn đề, chúng ta có bản năng cứu vãn và hàn gắn. Một cuộc nói chuyện dài, một hành động tích cực, một chuyến du lịch, một món quà tặng, một sửa đổi tính tình bất ngờ ngoạn mục... tất cả đều đúng đắn, đều hay, đều nên làm, đều đáng khuyến khích. Chỉ có điều, trong thâm tâm ta chờ đợi người kia cũng phải tỏ ra tích cực tương tự. Tôi làm được thì cô phải làm được, tôi nhạy cảm biết điều thì cô cũng phải có “common sense” ngang với tôi, tôi thiện chí thì cô cũng phải thiện chí giùm tôi một chút mới phải chứ, ai lại nỗ lực một chiều kiên nhẫn một mình thế này, cô tưởng cô là ai, vân vân.
Kiên nhẫn, tích cực, quà tặng, sửa tính, tu thân, tích đức, hay ho lắm, là những khoản học phí đáng bỏ ra để học khôn, học cách giữ gìn hạnh phúc. Nhưng sẽ chẳng có tác dụng gì nếu bạn bắt người kia cũng phải trút hầu bao trả đúng bằng khoản học phí bạn đã trả. Bất cứ điều gì câu thúc, áp lực đều hỏng việc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy rằng hãy yêu thương cách nào để người được yêu cảm thấy tự do. Kèn cựa, so đo, đòi hỏi ở người yêu hoặc đối tượng phối ngẫu đều là các hành động khiến mất tự do. Hỏng việc, đây không phải là nói kiểu thực dụng, bởi vì ta đang cần thực dụng: ta đang cần tìm cách nào đó tốt nhất, có hiệu quả nhất để đạt mục đích cứu vãn hôn nhân.
Chúng ta chịu tác động và kiểm soát rất mạnh từ vô thức. Chỉ cần gợn lên một "hạt" ganh tị, thiện chí của ta đã giảm chất lượng hẳn rồi. Dù cho ta đang sắp xếp một cuộc nói chuyện mềm mỏng, đang lên kế hoạch một chuyến du lịch chỉ có ta và nàng, đang ngỏ lời mời một bữa tối chỉ có nến và hoa (tất nhiên thức ăn là bắt buộc phải có), đang dọn mình thanh sạch và quyết từ bỏ các thói quen xấu, các cách sống không phù hợp, dù cho vân vân và vân vân ti tỉ điều hay lẽ tốt, chỉ cần trong thâm tâm ta thoáng qua ý nghĩ ganh tị ("Sao không thấy cô ấy tỏ ra chút thiện chí nào hết vậy?") thì tôi khuyên bạn nên bỏ quách mọi cố gắng, mọi kế hoạch đi. Hãy đi ngủ cho được việc.
Để phục hồi chất lượng cho một cuộc hôn nhân, hãy học yêu lại từ đầu.
Bạn nhớ lại đi nào, lúc ta mới yêu, ta không chiếm hữu, ta chưa đòi hỏi bình đẳng, ta cho đi nhiều hơn tưởng tượng và ta nhận lại dù nửa nụ cười rơi vãi cũng đủ vui cả ngày. Lúc mới yêu, ta không so đo gì khi "chấp" người yêu vài nước cờ, vài “level” trong trận game. Lúc mới yêu, ta tích cực sống, tích cực sửa lỗi lầm, tích cực học thái độ sống đẹp sống sạch mà có bao giờ than vãn. Ta kiên nhẫn vô giới hạn, ta bao dung như bầu trời và phóng khoáng như mặt nước, ta chịu thiệt để người yêu được lợi. Ta như một thiền sư chỉ biết cho đi, hoàn toàn bất vụ lợi. Đó là lúc mới yêu.
Học yêu là dọn mình để quay lại cột mốc ấy: thuở ban đầu.
Nói thì đơn giản, mà ít khi làm được, bởi ngay khi ta quyết làm một cuộc khởi-đầu lại ngoạn mục, ta cũng không tránh nổi sự đòi hỏi mơ hồ là "người kia" cũng nên biết đến giùm ta một chút, em hỡi có hiểu lòng anh hay chăng anh đang khởi đầu lại đây này, đang “refresh all” đây này, đang đưa chúng mình trở về thuở ban đầu lưu luyến ấy đây này. Em đừng có phá ngang, em phải biết điều, em phải quay về thời điểm đó cùng với anh. Em phải, em phải…
Đòi hỏi, dù mơ hồ thôi, cũng như trả số về “point mort”, về số 0, xe (và bạn ở trên xe) đứng yên tại chỗ. Chẳng còn đích đến, chẳng còn điểm trở về, chẳng ý nghĩa gì nữa hết.
Vấn đề thiết yếu mà tôi muốn nói qua bài viết lôi thôi này là: Chịu đóng học phí là một lẽ, lẽ thường; vui vẻ chấp nhận đóng học phí khi "người kia" có thể được… học bổng mới là thái độ cần tập rất lâu để có được.
Tập cho đến khi nào tập được. Dĩ nhiên là trong trường hợp bạn thực sự muốn giữ lấy hoặc tìm lại hạnh phúc.
Nguồn Deponline
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.