Type Here to Get Search Results !

'Mr. No' đã trở thành huyền thoại ngoại giao thế giới như thế nào?

Andrei Andreyevich Gromyko - một chính trị gia và nhà ngoại giao Liên Xô, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô. Báo chí phương Tây đặt tên hiệu cho Gromyko là “Mr. Nyet” (Mr. No) hay “Comrade Nyet”, và “Grim Grom” vì kiểu đàm phán bướng bỉnh của ông.

Một khởi đầu khác biệt

Andrei Andreyevich Gromyko - một chính trị gia và nhà ngoại giao Liên Xô, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, sinh năm 1909, tại làng Staryja Hramyki, gần Gomel (không còn trên bản đồ sau thảm kịch Chernobyl).

Trong tiểu sử chính thức, Gromyko được viết là người Nga, xuất thân trong một gia đình nông dân. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, ông xuất thân trong một gia đình khá giả. Sau một thời gian làm việc ở Canada, trở về quê hương, ông đã tham gia vào các cuộc Chiến tranh Nga - Nhật và Thế chiến II. Việc giúp cha khai thác gỗ từ tuổi thiếu thời, những bài học tiếng Anh và những câu chuyện về cuộc sống ở nước ngoài cũng như tham gia các trận chiến đã tạo nên nhân cách của nhà ngoại giao trong Gromyko. Năm 1931, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật nông nghiệp, Andrei nhập học tại Học viện Kinh tế Quốc gia Belarus và sau đó vào đảng. Hết năm thứ hai tại Học viện, chàng trai trẻ Gromyko chuyển sang học về văn thư và làm Hiệu trưởng một trường học ở làng Kamenka, quận Dzerzhinsky.

Năm 1934, khi mới 25 tuổi, anh chuyển đến Moscow và học tiếng Anh chuyên sâu trong vài năm, chơi thể thao và thậm chí còn mơ ước trở thành một phi công quân đội. Năm 1936, Andrei Gromyko bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và làm Nghiên cứu viên chính tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đồng thời, là giáo viên Kinh tế Chính trị tại Đại học Kỹ thuật xây dựng Moscow. Có vẻ như, với Gromyko, mọi thứ đã được an bài một cách nghiêm túc và lâu dài!

Nhưng, một lần nữa, số phận lại hướng ông đi theo lối khác. Gromyko trở thành nhân viên Bộ Ngoại giao năm 1939, sau những cuộc thanh trừng của Stalin với những người chịu trách nhiệm về quan hệ với Mỹ tại bộ này. Gromyko được cử tới Washington làm việc trong Đại sứ quán Liên Xô cho tới năm 1943, ông được chỉ định làm Đại sứ Liên Xô tại Mỹ - khi mới 34 tuổi.


Một nhân cách không hòa lẫn

Là một nhà ngoại giao, Andrei Gromyko có một phong thái rất nghiêm khắc, kiên định lập trường, không khoan nhượng, thậm chí cứng rắn. Trong nhiều năm đứng đầu Bộ Ngoại giao của quốc gia lớn nhất thế giới và trong mọi hoạt động, ông luôn yêu cầu một điều - tôn trọng đất nước của ông.

Trong những năm 40 của thế kỷ trước, để bảo vệ lợi ích đất nước, ông đã hơn 20 lần dùng quyền phủ quyết của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an. Ở phương Tây, Gromyko được đặt tên hiệu “Mr. Nyet” (Mr. No) hay “Comrade Nyet”, và “Grim Grom” vì kiểu đàm phán bướng bỉnh của ông. Báo chí phương Tây đã “vinh danh” ông với các biệt danh “Andrei Sói”, “Người không có khuôn mặt” …

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên Xô này là người mê sách, thích văn học lịch sử, sưu tầm vũ khí và tranh vẽ, yêu thích các bài hát của những năm chiến tranh (đặc biệt là “Đêm đen”) và nhiều lần xem phim “Cuốn theo chiều gió”.

Trong cuộc sống hàng ngày, Gromyko có một lối sống chuẩn mực, thức giấc đúng giờ, thích những món ăn đơn giản (ví dụ như cháo kiều mạch với sữa hoặc một ly trà khô và mứt trước khi đi ngủ)… Ông cạo râu bằng dao cạo đơn giản nhất, sáng sáng tập tạ và khá chú ý đến bản thân. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ông đi bộ khoảng 10km mỗi ngày.

Theo ghi nhận của Igor Ivanov trong cuốn “Những bài tiểu luận về lịch sử của Bộ Ngoại giao Nga”, Andrei Gromyko được các đồng nghiệp gọi là “tổ phụ của ngành ngoại giao”. Gromyko khiến cả các đối thủ chính trị phải nể trọng, trong đó có nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, người cho rằng Gromyko chuẩn bị kỹ lưỡng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào, nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các vấn đề phải giải quyết và hiếm khi mắc sai lầm. Theo Kissinger, Gromyko là một nhà ngoại giao có tài và luôn giữ lời.

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên Xô rất thích đội mũ, vì đôi mắt của ông mà họ gọi ông là “sấm sét đen tối”, một hình ảnh nghiêm khắc.

Nhiều người biết về nhà ngoại giao Gromyko, nhưng họ quên mất rằng từ năm 1985-1988, ông đứng đầu Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô - trên thực tế, là Tổng thống của một cường quốc, dù chỉ trên danh nghĩa. Tất cả cho thấy, Gromyko là một người rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là khổ hạnh.

Một chiến sĩ suốt đời vì Tổ quốc

Năm 1946, Gromyko thôi giữ chức Đại sứ tại Washington để chuyên trách các vấn đề tại Liên hợp quốc (LHQ) và là đại diện của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Gromyko đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng Hiến chương Liên hợp quốc. Mỹ và đồng minh đã cố gắng sử dụng LHQ vì lợi ích của họ, đề xuất tất cả các quyết định được đưa theo nguyên tắc đa số đơn thuần. Ý thức được trong trường hợp này, Liên Xô, vốn vẫn thiểu số, sẽ mất vai trò trong LHQ, do đó, Gromyko kiên quyết bảo vệ “quyền phủ quyết” đối với bất kỳ cường quốc nào trong số năm cường quốc hàng đầu thế giới. Ông từng đưa ra tối hậu thư rằng Liên Xô sẽ rời khỏi tổ chức quốc tế này.

Có thể nói, ông đã quá mạo hiểm nếu các đối thủ của ông phớt lờ lời đe dọa, và có thể dễ dàng hình dung số phận tương lai của nhà ngoại giao dưới triều đại Stalin. Thế nhưng, họ đã "chết lặng" trước tuyên bố này đến nỗi đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Liên Xô và nước kế thừa Liên Xô là Nga, đến nay vẫn được hưởng quyền này.

Gromyko luôn tin vào vị thế siêu cường của Liên Xô và luôn thúc đẩy ý tưởng không có một thoả thuận quốc tế quan trọng nào có thể đạt được nếu không có sự tham gia của Liên Xô. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp sự đồng minh thời chiến giữa hai cường quốc tại các sự kiện như Hội nghị Yalta, Potsdam, San Francisco, nơi đặt nền móng cho trật tự thế giới hiện đại.

Gromyko phục vụ một thời gian ngắn với chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Liên Xô tại Vương quốc Anh (từ năm 1952-1953) và sau đó quay trở lại Liên Xô, giữ chức Thứ trưởng thứ nhất và Bộ trưởng Ngoại giao trong 28 năm (từ năm 1957 tới năm 1985, với nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao dài nhất trên thế giới trong thế kỷ 20).

Ông vào Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1973 và cuối cùng trở thành Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao. Tuy nhiên, Gromyko đã bị buộc phải rời khỏi vị trí ba năm sau đó bởi những quan điểm bảo thủ của mình dưới thời Gorbachev.

Với tư cách Bộ trưởng ngoại giao, Gromyko đã đóng vai trò trực tiếp trong vụ Khủng hoảng tên lửa Cuba và đã gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Kennedy. Chỉ cần một động thái bất cẩn của các chính trị gia và nhà ngoại giao, chiến tranh thế giới thứ ba có thể đã nổ ra. Chính tài năng ngoại giao của Gromyko, sự thận trọng cao độ trong hành động, khả năng phán đoán cân bằng tối đa và sự bình tĩnh thực sự đã giúp ông tìm ra lối thoát khỏi tình huống khó khăn đó.

Trong những năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Brezhnev, ông đã giúp xây dựng chính sách giảm căng thẳng giữa hai siêu cường và rất tích cực trong việc soạn thảo hiệp ước không gây hấn với Tây Đức. Năm 1966, ông có một cuộc đối thoại với Giáo hoàng Paul VI như một phần của Ostpolitik (chính sách hướng Đông) của Giáo hội, dẫn tới sự cởi mở hơn cho Nhà thờ Cơ đốc giáo Roma ở Đông Âu, làm dịu đi một số học thuyết chống tôn giáo của Liên Xô.

Nhờ những nỗ lực của Gromyko vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, những người Do Thái ở Liên Xô đã được phép di cư khỏi đất nước, mặc dù nhiều người trong giới lãnh đạo Liên Xô phản đối. Gromyko đã làm rất nhiều để đảm bảo rằng, cuộc chạy đua vũ trang nhằm hủy hoại nền kinh tế Liên Xô, trở thành vô ích. Gromyko được coi là tác giả và người khởi xướng đàm phán các hiệp ước giới hạn vũ khí, đặc biệt là Hiệp ước ABM, Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân, SALT I và II, và INF và các thoả thuận START. Vào những năm 1980, nhiều người ở phương Tây gọi Gromyko là “nhà ngoại giao số một” thế giới một cách kính trọng.

Phương châm trong mọi hoạt động ngoại giao của một trong những kiến trúc sư chính của chính trị và an ninh thế giới này là: “mười năm đàm phán tốt hơn một ngày chiến tranh”. Vì vậy, Gromyko đã chuẩn bị cho cuộc đàm phán một cách tỉ mỉ và cẩn thận, lưu giữ tất cả những thông tin cần thiết trong đầu, chỉ nhờ đến sự trợ giúp của các tài liệu trong những trường hợp bất đắc dĩ nhất.

Với khả năng nói tiếng Anh xuất sắc, ông luôn nghiên cứu kỹ lưỡng tính cách và tiểu sử của đối tác đàm phán của mình trước. Gromyko nổi tiếng bởi sự kiên nhẫn vô tận, đến nỗi đàm phán nhiều giờ với ông đã trở thành một bài kiểm tra sức chịu đựng đối với các nhà ngoại giao phương Tây. Gromyko đã dành gần 50 năm đời mình cho ngành ngoại giao và luôn đảm nhận những vai trò tiên phong. Ông luôn nhớ đến việc mình đang đại diện cho đất nước nào và ông coi việc đối tác tôn trọng ông cũng chính là tôn trọng quê hương Liên Xô của ông.

Một số nhà nghiên cứu hiện đại có ý đổ lỗi cho ông rằng, ông đã phục vụ Stalin, Khrushchev, Brezhnev và Gorbachev với lòng nhiệt thành như nhau. Đúng, Gromyko đã phục vụ, nhưng không phải các Tổng Bí thư, mà là Đất Nước của ông, Dân Tộc của ông - điều mà ông rất tự hào.

“Nhân vô thập toàn”

Khrushchov, Brezhnev, Andropov, Chernenko, Gorbachov khác nhau về tính cách, quan điểm sống, phương pháp lãnh đạo đất nước, nhưng tất cả họ trong gần ba thập kỷ, đều tin rằng, chỉ một người có thể và nên đại diện cho lợi ích của đất nước Liên Xô trên trường quốc tế, người đó là Andrei Andreevich Gromyko. Ông không bao giờ làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và bảo vệ chúng đến cùng. Nhưng “nhân vô thập toàn”…

Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị khá dài của mình, như chính Andrei Gromyko tự thừa nhận, ông đã mắc hai sai lầm và đều phải trả giá quá đắt.

Đầu tiên là sự đồng ý đưa quân đội Liên Xô vào Afghanistan năm 1979. Mặc dù quyết định này được đưa ra tập thể, và tình hình chính trị quốc tế đang hình thành khi đó đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức, nhưng cho đến những ngày cuối đời, ông vẫn hối hận về sự đồng ý của mình. Ông coi sai lầm quan trọng thứ hai của mình là ủng hộ việc Gorbachev ra ứng cử chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Thực tế là, nếu không có sự hậu thuẫn của Gromyko, Gorbachev gần như không có cơ hội đảm nhận vị trí đó.

Gromyko mất ngày 2/7/1989 tại Moscow ngay trước sinh nhật lần thứ 80 của mình. Ông có quyền được chôn cất tại bức tường điện Kremlin, nhưng trong di chúc, người quá cố yêu cầu được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichy.

Nguồn TGVN
{full_page}

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.