Type Here to Get Search Results !

Cú điện thoại thay đổi cả thế giới


40 năm về trước vào ngày này (3/4), cuộc nói chuyện đầu tiên qua điện thoại di động của thế giới đã diễn ra giữa hai con người là kỳ phùng địch thủ của nhau. Nhưng chính sự đối đầu của họ đã giúp mang tới cho nhân loại một phương thức liên lạc mới văn minh và hiệu quả như ngày hôm nay.

“Joel, Marty đây. Tôi đang gọi điện cho ông từ một chiếc điện thoại di động. Một chiếc điện thoại có khả năng mang theo bên người thực sự”. Đó là buổi sáng ngày 3/4/1973 và cú điện thoại đơn giản này đã mang tới một cuộc cách mạng cho thế giới.

Trêu ngươi địch thủ

Nhân vật Marty trong cuộc trao đổi ngắn ngủi đó là Martin Cooper, lãnh đạo đội nghiên cứu phát triển điện thoại di động của Công ty Motorola. Joel, người nhận điện thoại, là Joel Engel. Ông là lãnh đạo ở Công ty Bell Labs, đối thủ cạnh tranh chính của Motorola.

Martin đã thực hiện cú điện thoại khi đang đứng giữa Đại lộ số 6 ở Manhat- tan, New York, Mỹ, ngay phía trước khách sạn Hilton. Ông không nghĩ rằng mình đang làm nên lịch sử, khi là người đầu tiên thực hiện một cuộc trò chuyện bằng điện thoại di động. Không rõ vì nể trọng đối thủ, hay muốn trêu ngươi mà ông đã bấm số đối thủ khó nhằn nhất của mình.

Thiết bị ông dùng để gọi điện có tên DynaTAC 8000X, tên đầy đủ là Dy- namic Adaptive Total Area Coverage, một mẫu điện thoại di động thử nghiệm của Motorola. Nó đích thực là một cục gạch, theo đúng nghĩa đen. Nó nặng 1kg, dài tới 25 cm. Ngay chính các kỹ thuật viên của Motorola cũng gọi nó bằng hai biệt danh là “cái giày” hoặc “cục gạch”, do sự tương đồng về kích thước. Tuy nhiên, sau cú điện thoại của Martin bằng “cục gạch” có vẻ tầm thường ấy, thế giới đã không còn giống như trước nữa.

Martin Cooper, người đã thực hiện cuộc gọi điện di động đầu tiên của thế giới

Từ viễn tưởng vào đời thực

Cooper sinh tháng 12/1928, trong một gia đình Ukraina nhập cư vào Chi- cago, Illinois. Từ bé ông đã mê mẩn với các thiết bị điện và năm 1950 đã tốt nghiệp Viện công nghệ Illinois (IIT). Không lâu sau đó, ông tham gia lực lượng dự bị Hải quân Mỹ và trong Chiến tranh Triều Tiên, ông là sĩ quan trên một chiếc tàu ngầm.

Khi trở lại nhà sau chiến tranh, ông đã tiếp tục học tập và có bằng thạc sĩ Kỹ sư điện tại IIT.  Tập đoàn Teledyne ở Chicago đã lập tức tuyển ông vào làm. Nhưng năm 1954, ông nhận được một lời đề nghị khó có thể từ chối: Motorola muốn ông làm lãnh đạo một nhóm chịu trách nhiệm phát triển thiết bị liên lạc di động. Nhóm đã đi vào làm việc và nhanh chóng cho ra kết quả. Ví dụ, trong năm 1967, ông đã tạo ra được hệ thống thiết bị đàm thoại vô tuyến cự ly ngắn đầu tiên cho cảnh sát Chicago.

Martin nói rằng khi ông mới bắt đầu làm việc cho Motorola, đối thủ Bell đã bước chân vào lĩnh vực điện thoại di động từ lâu trước đó. Họ đã nghiên cứu từ những năm 1940, nhưng lại chỉ giới hạn ở việc làm sao để lắp được điện thoại lên xe hơi. Một sai lầm nghiêm trọng!

Ông tin rằng sự tự do thực sự phải là khi người dùng có thể thực hiện cuộc gọi từ bất kỳ địa điểm nào, vào bất kỳ lúc nào tùy thích. Nếu anh rời khỏi xe hơi, anh sẽ không thể gọi được điện thoại. Vậy sao có thể gọi là điện thoại di động?

Theo ông, người ta không cần phải lắp đặt cố định chiếc điện thoại ở trong xe hơi, trong nhà hay tại bàn làm việc như trước nữa mà có thể luôn mang theo bên mình.

"DynaTAC 8000X - chiếc điện thoại di động đầu tiên, đích thực là một cục gạch, theo đúng nghĩa đen. Nó nặng 1kg, dài tới 25 cm".

Motorola cũng đồng tình với quan điểm của Martin và quyết định đầu tư tới 100 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu của ông. Tuy nhiên, các vấn đề Martin phải vượt qua rất lớn. “Ví dụ như chiếc điện thoại di động đầu tiên của chúng tôi, vốn được chế tạo trong có 90 ngày, đã chỉ có chưa đầy 100 linh kiện bán dẫn. Nhưng chúng tôi vẫn phải liên tục giảm số lượng linh kiện bán dẫn, bởi khi đo chúng có giá tới nửa đô la mỗi linh kiện, một số tiền khá lớn” - ông kể.

Tới tháng 2/1973, nhờ nỗ lực của nhóm nghiên cứu, Motorola đã cho ra đời mẫu điện thoại di động thử nghiệm DynaTAC. Vào ngày 3/4 năm đó, Mar- tin đã thực hiện cú điện thoại lịch sử cho Joel Engel, người rõ ràng không vui vẻ gì khi nghe điện. Phải mất thêm 10 năm nữa từ thời điểm này, “cục gạch” mới có thể trở thành một thiết bị bán được ngoài thị trường. Nhưng điện thoại di động đã từ khoa học viễn tưởng đi vào đời thực.

Nghiên cứu công nghệ để phục vụ cuộc sống

Marty giờ đã 84 tuổi, nhưng ông vẫn có nhiều kế hoạch cho tương lai. Ông và vợ Arlene đã thành lập Công ty Dyna LLC ở California và tại đó, ông thử nghiệm, đầu tư tài chính và mô phỏng nhiều dự án công nghệ mới.

“Cuộc cách mạng mới chỉ bắt đầu diễn ra. Mức độ thâm nhập thị trường của điện thoại thông minh hiện vẫn nằm ở mức rất thấp, mới chỉ bằng 40% tiềm năng của nó” - ông thổ lộ.

Ở tuổi 84, Cooper vẫn tiếp tục cuộc “thập tự chinh công nghệ” của ông, bởi ông thấy nó như một nhiệm vụ trọng đại trong đời: “Bạn sẽ băn khoăn hỏi rằng tất cả những nỗ lực này là vì điều gì? Câu trả lời là các hình thức liên lạc mới sẽ thay đổi thương mại, đặc biệt là y tế và giáo dục. Hãy nghĩ về việc bạn đã có nhiều phát hiện mới trong y học và sau đó dễ dàng trao đổi một lượng lớn thông tin nhờ cách mạng trong liên lạc. Và những đứa trẻ tới trường không chỉ để thu kiến thức mà còn học cách sử dụng các công cụ mới như máy tính bảng iPad... Tuy nhiên, tác động quan trọng nhất mà công nghệ tạo ra với đời sống thường nhật của con người là các hình thức liên lạc mới sẽ giúp tiêu diệt nạn đói nghèo trên thế giới”. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.