Type Here to Get Search Results !

Tại sao Việt Nam chọn ngựa Mông Cổ để trang bị cho Cảnh sát cơ động Kỵ binh?

Ngày 8/6/2020, trên đường Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội, Bộ Công an ra mắt đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh. Và dĩ nhiên, hình ảnh những chú ngựa bị đem ra làm trò cười, và nhiều người hỏi: Tại sao không dùng ngựa châu Âu, vừa cao, to, lại đẹp?

Nhưng xin thưa, những chú ngựa mà chúng ta sử dụng có nguồn gốc thuần chủng 100% từ Mông Cô, người châu Âu – khi nhìn về Mông Cổ, lúc đầu cũng khinh thường những chú ngựa này, vì nhìn lùn xủn, thô kệch và không đẹp mã. Ngựa Mông Cổ chỉ cao tầm 1m40, có khi thấp hơn, và rõ ràng khi nhìn bề ngoài, những chú ngựa này thường bị đồng loại ở châu Âu tỏ ý khinh thường rõ rệt, nhưng không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ châu Âu, gần như toàn bộ châu Á đều bị vó ngựa của những “chú lùn” này san phẳng.

Đầu tiên, giống ngựa Mông Cổ có thể chịu đựng những hành trình dài, điều kiện làm việc khắc nghiệt, có thể chịu được cả khí hậu khô nóng, lạnh buốt, ẩm mốc. Điều đó phù hợp với điều kiện thời tiết ở nước ta.

Theo các nhà khoa học, ngựa là một trong số những loài vật đầu tiên được con người thuần hóa, vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên. Với địa hình của Mông Cổ thì cũng thật dễ hiểu khi nơi đây đã thuần hóa loài ngựa từ rất sớm.

Giống ngựa bản địa của Mông Cổ là nòi ngựa chiến nổi tiếng sinh ra tại các vùng thảo nguyên Mông Cổ và sa mạc Gobi thời đế quốc Nguyên Mông thế kỷ VII-XIII.

Là giống ngựa vùng thảo nguyên, tầm vóc không lớn nhưng có sức chịu đựng dẻo dai và chịu được điều kiện khô hạn của thảo nguyên. Ngựa Mông Cổ là giống ngựa kiêm dụng vừa làm việc vừa khai thác sữa phục vụ cho con người. Nếu ngựa cái được chọn lọc và nuôi dưỡng tốt có thể đạt 1lít sữa/con/ngày.

Trẻ con Mông Cổ học cưỡi ngựa từ năm 3 tuổi, gần như cùng thời điểm với lúc chúng tập đi chập chững những bước đầu tiên. Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Nadaam, hàng nghìn con ngựa được tập hợp lại để chuẩn bị cho 3 môn thể thao chính là đua ngựa, bắn cung và đấu vật. Quãng đường diễn ra cuộc đua ngựa là từ 15–30 km.

Giống ngựa này hầu như không hề thay đổi kể từ thời kỳ Thành Cát Tư Hãn. Người du mục sống theo kiểu truyền thống ở Mông Cổ ngày nay vẫn còn nuôi hơn 3 triệu con, đông hơn dân số của đất nước Mông Cổ.

Đế quốc Đại Mông Cổ đã từng có một đội kỵ binh lớn và thiện chiến dũng mãnh bậc nhất thế giới, giống ngựa ở Mông Cổ đều rất dẻo dai và nổi tiếng trên toàn thế giới, chúng được rèn luyện ở những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Và đó cũng là một trong những yếu tố giúp cho Thành Cát Tư Hãn chiến thắng trên nhiều chiến trường cho dù ngựa Châu Âu có thể hình to lớn hơn, tốc độ nhanh hơn nhưng cũng đều phải cúi đầu khuất phục dưới vó ngựa Mông Cổ.

Trong lịch sử, các đời phong kiến nhà Trần đã từng thu giữ ngựa chiến Mông Cổ, thuần hóa và trở thành những chiến binh dũng mãnh chống ngược lại quân Mông Cổ. Lịch sử đã chứng minh, khí hậu, con người Việt Nam phù hợp với loại ngựa này. Ngựa Mông Cổ còn có khả năng tự tìm kiếm thức ăn, chỉ cần duy nhất cỏ để duy trì sự sống chứ không cần nghe nhạc, mát xa thư giãn, uống sữa như ngựa đua châu Âu.

Một vấn đề khác là ngựa chiến Mông Cổ không sợ chiến tranh, không sợ tiếng súng, đao gươm. Chúng có thể giao tiếp với tâm trí của chủ sở hữu và thậm chí sẽ rất muốn tham gia vào cuộc chiến với chủ nhân. Đây là một giống ngựa có bề ngoài nhu mì nhưng khi vào trận sẽ hóa thành một chiến binh. Còn ngựa châu Âu, có những giống ngựa có sức khỏe và lực chiến rất hoàn hảo để dùng làm chiến mã trong chiến trường, tuy nhiên khi tham gia vào trong các trận chiến, chúng lại rất dễ bị hoảng sợ khi nhìn thấy đao kiếm, súng lửa hay đám đông, và đó cũng có lẽ là lý do mà những kỵ binh phương Tây thường đeo giáp và bịt mặt để hạn chế tầm nhìn của ngựa.

Nhìn chung, ngựa Mông Cổ không đẹp, thậm chí là xấu. Nhưng chúng lại có thân hình cân đối, ngực nở, bụng thon, chân to, bốn chân chắc khỏe, lông dày, cổ nở, sinh sản tốt và cực kỳ phù hợp với vai trò thú cưỡi. Ngoài ra, giống ngựa Mông Cổ không bị lai tạp bởi các giống ngựa khác, duy trì đặc điểm từ thời Đế quốc Mông Cổ đã chứng minh thực chiến đến tận ngày nay.

Ngựa Mông Cổ có thể phi với vận tộc trung bình 30 – 40km/1h trong 10h liên tục, dáng thấp, cổ không dài khiến cho tầm quan sát, người cưỡi dễ thao tác với súng đạn, gươm đao.

Việt Nam xưa kia có ngựa chiến, thiết kỵ binh Trịnh từng khiến Mạc, Nguyễn và cả Tây Sơn giai đoạn đầu ăn quả đắng. Thế nhưng đến thời triều Nguyễn thì chả hiểu vì sao, mà sau năm 1945 nhìn lại chúng ta chỉ còn giống ngựa thồ mà thôi.

Trên thực tế, các nước trên thế giới hiện nay vẫn sử dụng kỵ binh bởi cưỡi ngựa di chuyển trong đám đông nhanh hơn ô tô và ít nguy hiểm cho người khác hơn. Tầm nhìn của chiến sĩ công an cũng tốt hơn do ở cao. Và ngựa Mông Cổ thì lại hoàn toàn không như nhiều người vẫn nghĩ, đừng thấy chúng nhỏ bé mà khinh thường.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.