Type Here to Get Search Results !

Hãy là một người bình luận có văn hóa

Trước tiên, gửi đến +An về lời gợi ý về một chủ đề rất hay - Văn hóa Comment/ Bình luận/ Nhận xét. Về chủ đề này từ lâu Ali đã ấp ủ nhưng chưa thể viết vì vấn đề quá rộng. Nói cách khác, một lời nhận xét giản đơn có thể là một từ, nhưng đôi khi cần đến rất nhiều từ, thậm chí là cả một bài văn. Với giới hạn bài viết, Ali chỉ đề cập đến những "bình luận ngắn" mà thôi.

Nguồn cảm hứng


Bình luận ngắn ở đây được hiểu là "những bình luận thường nhằm để bình về một sự kiện, sự việc nhỏ hay là một mặt của vấn đề nảy sinh hàng ngày”. Nói chính xác, Ali đang muốn nói đến các bình luận ở các Website, Blog, Youtube, và các mạng xã hội. Các bình luận này thường phát xuất từ cảm hứng thức thời của người xem.

Còn nhớ trong những ngày tháng đầu khi Yahoo ra mắt tính năng Hỏi&Đáp, Ali đã miệt mài thử sức với rất nhiều câu hỏi. Thật không may, rất nhiều câu trả lời không được bình chọn là câu trả lời hay nhất. Vì thế, Ali đã ra sức tìm hiểu để làm thế nào để những câu trả lời của mình trở nên tốt nhất. Khi ấy, có một vài thủ thuật mà các member sử dụng là Search, Copy & Paste. Thủ đoạn này ban đầu rất thành công nhưng phần lớn đều không thỏa đáng với các câu hỏi cần sự trải nghiệm và tư duy. Kinh nghiệm là yếu tố then chốt để đưa ra các lời góp ý, bình luận tối ưu cho vấn đề người hỏi. Tất nhiên, với các câu hỏi thiên về tự nhiên và dữ kiện thì không một ai xuất sắc hơn "Bác Google". Riêng Ali chọn mục Tâm lý nên có nhiều sân chơi và thỏa sức thể hiện hơn.

Ngày nay, khi Google trở nên bá đạo thì con người càng lười nhác hơn trong việc sử dụng tư duy trong việc đưa ra nhận định của mình về vấn đề mình gặp phải. Thêm vào đó, các "anh hùng cào phím" ngày càng nhiều hơn. "Thánh chửi" cũng ra sức thể hiện. Còn người comment tử tế thì lại bị quy cho là sách vở, giáo điều và "anh hùng cào phím".

Mình có thể lấy bản thân ra làm ví dụ. Ali hiếm khi nào để lại đâu đó Comment thuộc loại vu vơ, thiếu suy nghĩ. Có chăng, những luận điểm của Ali chưa "tới" (nếu không muốn nói là "thiếu hiểu biết"), nhưng tuyệt đối Ali không bao giờ xóa hay sửa những gì mình đã phát ngôn. Gạch-đá hay gì gì đó Ali xin nhận. Nếu may thì gặp người dùng kinh nghiệm của mình để góp ý và chỉ ra cái sai của mình. Còn xui thì bị những lời chửi, phỉ báng hay chế nhạo. Cho dù là góp ý hay là xấu hơn thì Ali cũng đều nghiêm túc với tất cả những ý kiến phản hồi từ mọi người. Tư duy một người trưởng thành nói với Ali rằng "thật ngu ngốc nếu bạn tiến xa trong cuộc tranh luận không bao giờ có hồi kết". Bởi vì không phải ai cũng hiểu biết điều bạn muốn nói. Nếu gặp người Thông hiểu thì càng khó chứ nói gì tới người thực sự "khôn ngoan".


Thay đổi cách tư duy


Internet tuy là Ảo, nhưng những lời bình luận của các bạn ẩn sau cái Nickname ấy là con người thật đấy. Ngôn từ của bạn thế nào thì biểu đạt tư duy của bạn thế ấy.

Mình cũng bắt gặp không ít bạn bình luận với những lời nói khiếm nhã, ở các trang bài viết thì ít chứ ở các Video thì nhiều vô kể. Ngay cả khi các Video đó nói về Phật Pháp hay tôn giáo khác. Mình tự hỏi, các bạn ấy phát ngôn như thế để làm gì?

Họa hay Phúc đều từ miệng mà ra. Nếu không nói được gì tử tế thì tốt hơn là im lặng. Theo ý đó, những lời nhận xét cũng vậy.

Bình luận là để đưa ra quan điểm của bản thân, phản ánh góc nhìn của mình về vấn đề sự kiện đó. Đồng thời nói lên tâm tư và nguyện vọng, thái độ với những gì mình vừa xem. Sở dĩ những người hiểu biết nhiều, thông hiểu nhiều thứ thì ít ai vội đưa ra nhận định của mình nếu không không cần thiết hoặc trong trường hợp bị ép buộc.

Bình luận cũng là cách để bạn kiểm tra kiến thức, trau dồi khả năng ngôn ngữ để biểu đạt suy nghĩ của mình. Khi bạn nói chuyện với một người, 9/10 câu học đều chửi thề thì bạn sẽ nghĩ như thế nào? Nghiêm túc mà nói, ngôn ngữ của họ bị hạn chế. Dường như ngoài những lời ấy để nói thì khó mà có lời nào tử tế hơn thế chỗ.

Bình luận còn là cách bạn lập ngôn. Có thể với một bài viết hay video thì chẳng đáng là gì, chẳng ảnh hưởng gì đến bạn và cũng chẳng ai quan tâm đến bạn là ai. Cho dù có nhiều người phản bác ý kiến của bạn thì bạn cũng chẳng để tâm, cứ xem như là trò chơi thăm dò dư luận hay phản ứng của mọi người như thế nào cũng được. Nói chung là chẳng ảnh hưởng gì đến bạn.

Thử đổi cách nghĩ, khi bạn ý thức với lời phát ngôn của mình bạn sẽ cảm thấy rất khó để đưa ra một lời nào đó. Khi bạn cẩn ngôn, tức là bạn phải suy tính rất nhiều trước khi phát ngôn. Điều đó ban đầu có thể có chút khó chịu, nhưng dần sẽ tạo thành nếp tư duy giúp ích rất nhiều cho mọi việc, trong mọi việc bạn làm. Bạn học được cách đặt mình vào người khác, học được cách nhảy ra 2 luồng suy nghĩ, nhận định của bạn và người đối diện để có cách nhìn và cách nghĩ bàng-quan hơn, sáng suốt hơn.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, nhân vật Quách Tĩnh nói "Mẹ tôi dạy, nói lời hay-làm việc tốt, tối ngủ ngon". Lời ấy nghe có vẻ buồn cười nhưng thực hiện thì mới thấy hiệu quả tới nhường nào.

Khi bạn lớn, với vai trò làm cha-mẹ, anh chị hay lớn hơn, lời nói của bạn phải "xứng" với vị trí của mình. Nếu bất xứng thì người lớn cười chê, trẻ nó coi thường.

Thế nên, dù chỉ là việc Bình luận thì cũng nên nói điều gì "có ích" thay vì cào vài phím cách vô lo vô nghĩ hoặc biểu đạt một xúc cảm nhất thời.

Bình luận thế nào?


Chẳng có một quy luật hay quy tắc nào dạy bạn phải bình luận thế này cho phải hay thế kia cho đúng. Bình luận là hành vi của tự do ngôn luận. Điều cốt lõi ở chỗ là bình luận của bạn có giá trị không mà thôi. Là đàn ông thì lời nói như là "đinh đóng cột", "tứ mã nan truy".

Khi tôi đi học, một người thầy của tôi nói "Lời nói gió bay, ghi lại hết bay". Tôi chưa bao giờ cho rằng lời nói là gió bay. Bởi nếu đúng là lời nói gió bay thì liệu ngày hôm nay tôi có nhắc lại lời người thầy năm ấy hay không?.

Công nghệ Website, đúng hơn là Coder thừa khả năng để lưu giữ những bình luận của bạn. Một trong các hình thức đó là Email. Riêng tôi, thỉnh thoảng tôi lại vào xóa Email và kiên nhẫn xem lại những Comment mà mình từng viết. Mỗi lần xem lại và so với những gì ở thực tại, tôi thấy được sự "ngây thơ làm sao" và tự hỏi vì sao khi ấy mình lại nói những lời ấy. Thật không sao hiểu được. Nhưng ai cũng vậy. Ngôn ngữ là niềm vui, song cũng là chiếc gương phản chiếu một thời đã qua của một người. Nó chân thực và sống động hơn những bức ảnh rất nhiều.

Bản thân Ali khi viết M21love cũng vậy, ban đầu khi một video hay gặp một bài viết hay, cảm hứng dâng cao khiến từ ngữ cứ tha hồ nhảy múa. Nhưng sau đó vài tháng, ngồi xem lại mới thấy buồn cười làm sao. Thiệt tình! Lúc ấy chỉ biết mỉm cười và tự hỏi: "sao lúc ấy mình lại như thế? sao mình lại vội vàng quá vậy? vân vân và vân vân... Nhưng đó chính là Ali, là xúc cảm thực. Kể cả bây giờ ngồi nặn óc ra mà viết cũng chẳng thể nào thốt ra những ngôn từ như vậy.

Ali khuyến khích bạn để lại bình luận ở khắp nơi. Càng nhiều càng tốt. Và với mỗi bình luận, hãy nghiêm túc với chúng. Hãy tin mình, đó là một trò chơi hoàn toàn có lợi cho bạn. Ít nhất là khi xem lại, bạn thấy tìm lại được chính mình, biết mình, hiểu mình và từ đó trưởng thành hơn trong mọi sự.

Kinh Dịch nói rằng: "Xuất từ ngôn thiện, tắc Thiên lý chi ngoại ứng chi. Xuất kỳ ngôn bất thiện tắc Thiên lý chi ngoại di chi". Nghĩa là nói ra một lời lành, thì ngoài xa ngàn dặm ứng lành; nói ra một lời chẳng lành thì ngoài xa ngàn dặm dời đó, tức đổi lành ra dữ. (1)

Ở đời, có những tư tưởng biến đổi được lòng người, có những tư tưởng làm nên sự nghiệp. Những tư tưởng ấy là ngọn đuốc thiêng dẫn dắt người ta vào cõi chí thiện. Chúng ta nên dùng lời nói của mình để phát biểu những tư tưởng giống như vậy. Trái lại, tư tưởng nào có tính chất xoi mói người khác, hoặc làm hại người, hại vật, thì hẳn chúng ta không nên dùng lời nói của mình mà phát biểu nó ra ngoài.(2)

Nên biết rằng, thiên hạ lấy lời nói để đo trình độ tấn-hóa của mình, còn đối với Luật nhân-quả, một lời nói chẳng lành sẽ có họa trả lại

Hãy là một người bình luận có văn hóa.

[1 & 2] Lập ngôn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.