Type Here to Get Search Results !

Chúng ta đang sử dụng truyền thông xã hội để đánh giá người khác

Xét ở góc độ thẩm mỹ, Truyền thông xã hội phát triển và trở nên phổ biến bao nhiêu thì giá trị của một người cũng được đánh giá tùy vào ngoại hình của họ bấy nhiêu.

Chúng ta đang sử dụng truyền thông xã hội để đánh giá người khác là một chủ đề hay mà chúng ta phải nói đến. Và nó cần phải được xem xét và nhận định cách nghiêm túc cho những gì ảnh hưởng lên con người, văn hóa và xã hội ngày nay.

Làn sóng Selfee

Selfie là từ viết tắt của cụm từ Self-Portrait Photo. Selfie là từ khóa của năm 2013, được Từ điển Oxford công bố vào ngày 17/11/2013, vượt qua sự cạnh tranh gay gắt của từ “Twerk".

“Selfie" được định nghĩa là: “Một tấm hình do người dùng tự chụp cho mình, thường được chụp bởi điện thoại thông minh, webcam hay các sản phẩm công nghệ khác... rồi được đăng lên và chia sẽ ở các trang mạng xã hội”. Tại Việt Nam, từ “Selfie” còn được hiểu như một hành động chụp hình "tự sướng".

Trào lưu này nhanh chóng phổ biến và trở nên thịnh hành. Đặc biệt là giới trẻ. Làm đẹp cho mình để có một bức ảnh selfee đẹp được coi là một nỗ lực không nhỏ của những người tham gia vào trò chơi này, đặc biệt là nữ giới.

Đáp ứng xu hướng ngày một tăng cao đó, các ứng dụng như Camera360, FaceTune, Photoshop,... chỉ là một trong hàng triệu ứng dụng tương tự. Xu hướng đó hiện nay đang dịch chuyển dần sang các mạng xã hội có tích hợp sẵn các tính năng làm đẹp luôn cho bức ảnh, chẳng hạn như Snapchat, Instagram.

Khi Snapchat, Instagram trở nên phổ biến thế nào thì người dùng càng có xu hướng chỉnh sửa ảnh của mình nhiều bấy nhiêu. Điều đó vô tình tạo nên thói quen duyệt ảnh ở mỗi người. Cũng theo đó, những ánh mắt sẽ nhìn nhận và đánh giá về người khác cũng khác đi.

Đó là lý do vì sao người ta cố để cho mình luôn trẻ trung, dành thời gian để xóa đi những nếp nhăn, nốt ruồi,... những gì được xem là xấu xí cần phải loại bỏ. Dường như đó là món quà khuyến mãi của thượng đế mà những người phụ nữ không hề mong đợi. Với sự đắc lực của các App chỉnh sửa hình ảnh, ngày nay chúng ta được thấy những bức ảnh đẹp lung linh, đầy sắc màu.

XEM THÊM: TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI: TƯƠNG LAI NÀO CHO CHÚNG TA

Làm gia tăng các vấn đề thẩm mỹ

Điều mà các nhà sáng lập truyền thông xã hội không ngờ đến có lẽ là nó vô tình kéo theo một số ngành phát triển theo, một trong số đó là Phẫu thuật thẩm mỹ.

Điều này cho thấy, các công cụ chỉnh sửa ảnh có thể giúp một người phụ nữ trở nên đẹp hơn với các thao tác chỉnh sửa thủ công, nhưng không thể giúp họ sống "thật" với chính con người thật của mình. Đó là sự thật phũ phàng và khó có thể chấp nhận. Đó gần như là lý do chính để họ tìm đến các trung tâm thẩm mỹ với hy vọng các chuyên gia có thể giúp họ cải thiện vẻ bên ngoài của mình.

Xu hướng mang bức ảnh tự sướng hài lòng nhất của mình đến gặp các chuyên gia thẩm mỹ trở nên phổ biến, và nhanh chóng trở thành trào lưu thịnh hành từ Á sang Âu, trên mọi miền thế giới, không giới hạn sắc tộc màu da.

Mối tương quan giữa truyền thông xã hội và con người đã và đang tác động lên nhau không nhỏ, thậm chí đến mức chấp nhận thay hình đổi dạng ban đầu chỉ vì phục vụ nhu cầu thể hiện, trông đẹp hơn trong mắt mọi người thông qua phương tiện truyền thông. Điều này đã minh chứng cho một quan điểm "ngầm" mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được, khi người ta tập trung vào ngoại hình của mình nhiều bao nhiêu thì cũng đánh giá giá trị của người khác qua ngoại hình nhiều bấy nhiêu.

Có lẽ giờ đây, cụm từ "phẫu thuật thẩm mỹ" cũng không còn ghê gớm nữa, nhiều người cũng dần có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Có người ngại ngùng khi công khai làm đẹp, nhưng cũng không ít người thẳng thắn thừa nhận "dao kéo" để trở nên hình ảnh mà mình mong đợi, để cảm thấy tự tin hơn và bất chấp cái giá phải trả sau này là gì.

Tác động đến văn hóa truyền thống

Lý thuyết văn hóa xã hội nói với chúng ta về cách con người định hình sắc đẹp dựa trên bối cảnh xã hội và tính đặc thù của nền văn hóa. Tuy nhiên, điều đó giờ đây đã có những "biến thể" nhất định trong cách nhìn nhận và đánh giá qua con đường trực tuyến. Điều nguy hiểm nhất chính là các truyền thông xã hội trở thành phương tiện chính để thiết lập các tiêu chuẩn văn hóa trong điệu kiện "đời sống ảo", phi thực tế.

So sánh là một phần trong bản chất của con người. Đó là một yếu tố thúc đẩy sự tiến hóa để thích nghi của con người với đời sống và cộng đồng.

Mọi người thích so sánh nhưng lại không thích khi mình bị đem ra so sánh. Tôi biết có những người trước đó không bao giờ nghĩ đến chuyện dao kéo, nhưng sau khi có của ăn của để, thành danh trong sự nghiệp và tiếp xúc với truyền thông xã hội một thời gian, họ đã quyết định sử dụng phương pháp thẩm mỹ để làm một cuộc "đại trùng tu" trước phản ứng chê bai, dè bỉu,... quá nhiều đến từ các Fan và cư dân mạng.

Làm thế nào để nó trở nên thịnh hành 

1. Được gợi mở từ câu chuyện đổi đời của các nghệ sĩ. 

Các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên luôn là đề tài nóng trong bất kỳ nền văn hóa nào. Họ đại diện cho những gì đặc trưng nhất của nền văn hóa đó bởi tính thời sự, Model, và các trào lưu đang thịnh hành.

Anh chàng ca sĩ trẻ Đức Phúc có lẽ là câu chuyện đại diện cho một thế hệ đang quan tâm đến vấn đề cải thiện nhan sắc để đáp ứng cho thời cuộc hơn cả. Vì thế, sống trong cái thời đại này mà ai đó phát ngôn rằng: "Tôi không quan tâm đến ngoại hình..." là một cách tự lừa dối mình, gạt thiên hạ.

Danh hiệu quán quân Giọng hát Việt 2015 là một bước đệm hoàn hảo để Đức Phúc bước chân vào con đường nghệ thuật. Thời điểm ấy, học trò 19 tuổi của Mỹ Tâm có ngoại hình không mấy bắt mắt, nếu so với những thí sinh khác trong cuộc thi thì Đức Phúc ở một khoảng cách rất xa.

Chính chàng ca sĩ này cũng thừa nhận rằng mình là "vịt con xấu xí" với mũi tẹt, mắt nhỏ, hàm răng hô, môi dày...

Đức Phúc chạm tới ngôi vị cao nhất cuộc thi Giọng hát Việt với sự trợ giúp đắc lực của HLV Mỹ Tâm. Mặc dù không được ưu ái về ngoại hình, nhưng Đức Phúc lại có giọng hát thiên phú. Còn nhớ trong một đêm thi, học trò của nữ ca sĩ Tóc nâu môi trầm đã chia sẻ rằng: "Âm nhạc của em làm thức tỉnh những người có ngoại hình như em. Họ đang giấu mình đâu đó và em là người khơi dậy cảm hứng cho họ".

Anh cũng tin rằng, đối với một ca sĩ thì giọng hát là yếu tố hàng đầu. Suy nghĩ đó của Đức Phúc không hề sai, nhưng hào quang showbiz lại cần nhiều hơn thế. Bên cạnh việc nghe và cảm thụ thì khán giả yêu cầu luôn cả phần nhìn.

Với dáng vẻ "vịt bầu xấu xí" của mình. Dù anh hát hay nhưng chẳng mấy ai xem anh diễn, các show ngày càng ít, anh đứng trước nguy cơ phải bỏ niềm đam mê ca hát của mình khi có ý định rời Tp. HCM để trở về Hà Nội. Bài học anh rút ra chính là vẻ bề ngoài trong cái nhìn, đánh giá của mọi người mạnh mẽ hơn những gì anh nghĩ.

Để tự tin hơn, Đức Phúc quyết định "một bước thay đổi cuộc đời" bằng việc "đập đi xây lại" gương mặt. Nén chịu đau đớn để đẹp hơn cũng là một cách hi sinh vì nghệ thuật. Sự lột xác của quán quân Giọng hát Việt 2015 gây sốt cộng đồng mạng một thời gian dài.

2. Sự công nhận từ cư dân mạng

Một cô gái với nhan săc bình thường selfee hay Livestream hay thế nào thì luôn kém thu hút hơn những em chân dài với ngoại hình "chuẩn" và khuôn mặt khả ái.

Khi truyền thông xã hội trở thành môi trường để người ta có thể kiếm tiền, thì động lực dành cho nó cũng vì thế mà phải chú trọng và gia tăng sự đầu tư. Từ đó xuất hiện 2 loại đầu tư đáng kể
- Một là cải thiện nhan sắc phục vụ cho công việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm.
- Một còn lại là đi thuê những người mẫu sinh đẹp để thu hút hơn

Sẽ không khó để người viết có thể đưa ra một vài ví dụ. Nhưng hơn hết là chính bạn tự trải nghiệm ở các diễn đàn livestream, thậm chí là quá trình duyệt Facebook của mình.

Ấn tượng ban đầu luôn quan trọng. Với không gian được tạo ra từ các mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể bán những sản phẩm của mình, thì cuộc cạnh tranh là lẽ đương nhiên. Ngoại hình trở nên yếu tố then chốt trong việc thu hút ánh nhìn, cách đánh giả của mọi người trước khi thực sự trải nghiệm dịch vụ/sản phẩm từ đó cung cấp.

Những cạm bẫy

Thật khó chịu khi là nạn nhân của sự lừa dối, lừa đảo. Các marketer hiểu rõ điều đó, và đó là chiếc chìa khóa họ phát hiện ra và sử dụng như công cụ để thu hút các clicker.

Với các quý ông: những cô gái có nhan sắc ăn mặc sexy với cử chỉ mời gọi cùng nụ cười quyến rũ trên môi được trình bày bắt mắt luôn cuốn theo màn hình như lời mời gọi để được click vào. Sau đó là hàng loạt link và các cửa sổ liên tục được bật lên, có thứ cần nhưng đa phần là những gì các quý ông không mong đợi, thậm chí là phản cảm. Đây được xem là chiêu trò và cái bẫy phổ biến mà các webmaster đính kèm trong các link với hy vọng ai đó sẽ click vào để có thêm thu nhập.

Với các quý bà: Mỹ phẩm là những gì đập vào mắt các chị em ngay từ cái nhìn đầu tiên, dù trước đó họ không chủ đích vào trang web để xem quảng cáo.

Nếu các blog/web còn như vậy thì các phương tiện truyền thông nó còn kinh khủng hơn nữa. Một người tham gia vào các mạng xã hội gần như đều bị gạt bởi một chiêu trò nào đó. Nhẹ thì được dẫn dụ đến các trò chơi. Nặng thì mất tiền mất của bởi vì anh đã lầm tin em hay em đã lầm tin anh. Các chị em cũng vướng phải vấn đề với hàng dỏm, hàng kém chất lượng và phải mất thời gian, tiền bạc để khắc phục hậu quả.

"Thật-giả/ ngay-gian khó mà phân biệt" là những gì người tham gia vào truyền thông xã hội tự rút tỉa ra. Có thể giờ đây mọi người có thể thông thái hơn với việc tham gia trò chơi đó, và biết những cách cơ bản để tránh sự phiền nhiễu và chi phối của nó lên đời sống thực. Nhưng có một điều từ lâu đã ngấm ngầm và ăn sâu vào tư tưởng của họ đó là: xem và đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.

Nhìn chung, phương tiện truyền thông xã hội là một động lực quan trọng dẫn đến các can thiệp thẩm mỹ. Mặc dù chúng ta thảo luận về sự phức tạp của mối quan hệ này, chúng ta cũng nhận ra và thừa nhận những lợi ích xã hội tiềm tàng của phương tiện truyền thông xã hội, cụ thể là phổ biến kiến ​​thức, tiềm năng trao đổi ý tưởng và xây dựng cộng đồng.

Và chúng ta, những người tham gia hay để ý đến những gì truyền thông xã hội đăng tải, cách mà chúng ta tiếp cận các nội dung dựa trên vẻ lôi cuốn bởi ngoại hình, nhan sắc đồng nghĩa với việc chúng ta cũng đánh giá người khác qua ngoại hình. Điều đó không sai, khi thời giờ và sự lưu tâm của chúng ta là hạn hữu, trước để thưởng ngoạn cái đẹp, sau là nội dung và cuối cùng là sử dụng sản phẩm dịch vụ. Nhưng đừng quan trọng hóa nó đến mức rơi vào những cái bẫy mà nó muốn bạn rơi vào.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét
Spam, Comment bao gồm link quảng cáo và thiếu văn hóa sẽ bị xóa bởi người kiểm duyệt.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.