Kacey Musgraves - Butterflies
Thông tin
Kacey Lee Musgraves (21/08/1988) là ca sĩ người Mỹ nhạc đồng quê đoạt giải Grammy. Cô đã tự phát hành ba Album trước khi xuất hiện tại mùa thứ năm của chương trình tìm kiếm tài năng của USA Network Nashville Star vào năm 2007, cô xếp hạng thứ bảy. Năm 2012 cô ký hợp động với hãng địa Mercury Nashville, Kacey phát hành album phòng thu Same Trailer Different Park vào tháng 3 năm 2013.
Ca sĩ/ ban nhạc: Kacey Musgraves
Tên thật/ tên đầy đủ: Kacey Lee Musgraves
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập: 21/08/1988
Nước/ quốc gia: Golden, Texas, Hoa Kỳ
Kacey Musgraves xếp hạng nổi tiếng thứ 6167 trên thế giới và thứ 42 trong danh sách Ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng.
Kacey Musgraves, chủ nhân của hai tượng vàng Grammy trong đó có Album nhạc đồng quê của năm, đã thể hiện bài hát "Follow Your Heart" (tạm dịch: Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim) và chia sẻ suy nghĩ của mình: "Tôi tự hào vì có thể đứng đây để cất lên giai điệu của dòng nhạc đồng quê. Tôi chúc mừng tất cả những ai có mặt trong khán phòng này ngày hôm nay, bởi vì đã sống thật và dám công khai yêu người mà mình yêu".
Cảm nhận
Ngay hồi còn niên thiếu, vốn đã thích nghe nhạc, nghe nói bên cạnh nhạc cổ điển, nhạc rock, nhạc pop…, nước Mỹ còn có loại nhạc gọi là nhạc đồng quê (country music), tôi nghĩ vơ vẩn là loại nhạc này chắc chỉ dành cho giới nông dân, lao động nghèo người Mỹ, nghĩa là chắc cũng na ná như nhạc cổ Nam bộ, bài chòi Trung bộ hay hát chèo Bắc bộ mà giới đại chúng bình dân người Việt mình rất mê mà thôi.
Lần hồi tôi mới vỡ lẽ, rằng thực tế là trong nhạc đồng quê Mỹ không hề có kiểu hát hò nào giống như vô câu mùi mẫn hay xuống “xề” áo não ở các bài Vọng cổ, Phụng hoàng, Tứ đại oán, Khấp hoảng thiên, Trăng thu dạ khúc…, nghe buồn đứt ruột từ làn hơi thiên phú của các danh ca cổ nhạc như Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Phượng Liên, Lệ Thủy… Thời khá xưa là thập niên 60, các danh ca country music, như: Johnny Cash, Glen Campbell (có ca khúc Galveston trứ danh) hay Olivia Newton Jones (thiết tha vô cùng với bài If you love me). v.v..,. luôn trình diễn rất sống động, tươi mát, thậm chí là vui nhộn nữa.
Hơn thế, đề tài thường thấy trong nội dung lời nhạc đồng quê Mỹ thì rất bình phàm nhân con người, như tình yêu trai gái, sinh hoạt ở nông trại hay chốn thiên nhiên hoang dã, trong đó có những câu chuyện về cánh đồng lúa mạch, con sông chảy qua trước căn chòi trên thảo nguyên, hình ảnh con chó đốm, con bò cái.v.v…, và cả về niềm tin tôn giáo. Điển hình như trong Giải nhạc đồng quê (Country Music Association Awards – CMA Awards) Mỹ Quốc năm 2008, nhiều ca sĩ được giải nhất đều là qua các sáng tác về đề tài niềm tin tôn giáo, như Kenny Chesney với bài Everybody wants to go to the Heaven và George Strait với bài I saw God today.
Nhạc đồng quê Mỹ Quốc thời nào cũng có những tài năng sáng chói, không phải co hẹp trong sân chơi riêng của giới người Mỹ thích nhạc country mà còn nổi tiếng khắp cả nước, qua mặt cả danh tài của các dòng nhạc khác. Như tại lễ trao giải CMA Awards lần thứ 50 -2016 tại thành phố Nashville (bang Tennessee, được xem là thủ đô nhạc country Mỹ Quốc), Carrie Underwood lại thắng ấn tượng với giải thưởng ‘Nữ ca sĩ của năm’ và Garth Brooks đoạt giải thưởng ‘Nam ca sĩ của năm’. Hai danh ca nói trên từng được tôn vinh nhiều lần ở các kỳ CMA Awards các năm trước.
Có quy mô rộng, sâu hơn giải CMA, giải Grammy là một giải thưởng hằng năm được tổ chức bởi Viện thu âm nghệ thuật và khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho những thành tựu xuất sắc trong ngành công nghiệp thu âm, được coi là giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực âm nhạc, tương đương giải Oscar bên điện ảnh. Giải Grammy nghiên cứu và trao thưởng rộng rãi đến nhiều thể loại âm nhạc, từ pop, rock, latin rock, R&B, country music, rap, dance/electronic, nhạc phim… Do đó, cũng hợp lý khi có ý kiến cho rằng có thể xem giải CMA là giải Grammy của dòng nhạc đồng quê. Và trong giải Grammy cũng năm 2016, Taylor Swift, ca sĩ xinh đẹp 26 tuổi, được mệnh danh là ‘Công chúa nhạc đồng quê Mỹ’, đã làm nức lòng người hâm mộ ở nước Mỹ cũng như quốc tế.
Tuy năm nay không thành công trong chính chuyên ngành nhạc đồng quê của mình (giải CMA) nhưng bên giải Grammy, Taylor Swift đoạt luôn hai giải quan trọng là ‘Album của năm’ và ‘Album nhạc pop xuất sắc nhất’ trong khi giải ‘Album nhạc đồng quê hay nhất’ lọt vào tay ca sĩ Chris Stapleton với ca khúc tựa là Traveller.
Mặt khác, những nét dân dã, hồn hậu của nhạc đồng quê Mỹ Quốc đã làm tôi rất khoái loại nhạc này. Trước hết là nhạc country gắn liền với những bài dân ca Mỹ rất quen thuộc, như Oh Susana, The red river valley song, Clementine. v.v… Hay vui nhộn vô cùng là qua các phim hoạt hình làm từ bộ truyện chàng cao bồi Lucky Luke, ta thấy trên sân khấu, các lão nhạc công – có cả các lão bà – say sưa chơi các nhạc cụ đơn sơ như banjo, guitar, harmonica, violin, còn bên dưới – tức trên bãi cỏ xanh tươi hay bãi cát tung bụi mịt mù – khán giả cuồng nhiệt ôm nhau nhảy hay luân phiên độc diễn các điệu dân vũ, khôi hài hơn là trong bãi có cả những chú chó ngoan cố sủa mãi hoặc những chú bò cứ vô tư nhai cỏ…
Riêng về chất giọng, các ca sĩ hát nhạc đồng quê Mỹ thường kéo dài đả đớt các nguyên âm, nghe như có bỏ dầu “ngã”, dấu “hỏi” vô tiếng Mỹ vậy, nghe cứ như giọng nẩu bèn bẹt, eo éo của bà con người Việt mình ở vùng trung Trung bộ.
Nhịp điệu nhạc đồng quê cũng khác các loại Rock, Pop ở chỗ đơn giản hơn, đều hòa hơn, ít chơi nhịp chõi, và phần bộ gõ (trống) cũng ít fantasy này nọ, không có những đoạn chợt buông lơi rồi chạy dồn một cách phang ngang, dậm dật.
Bên cạnh đó, cho đến ngày nay đã sang thế kỷ 21 lâu rồi, dù bên phía các dòng nhạc đại chúng khác đã dần hồi phát sinh biến tướng đủ kiểu, từ pop, rock biến thành disco, R&B, salsa, alternative, funk, heavy metal, rap (nhạc nói) .v.v…, tôi thấy sân khấu nhạc đồng quê Mỹ trước sau vẫn không thay đổi cái vẻ vui sống hồn nhiên cố hữu. Kiểu đồng phục “quần jean, nón vành, giầy bốt” tràn ngập từ sân khấu xuống tới hàng khán giả. Và khác với những ca, nhạc sĩ của nhiều ban nhạc rock metal, psychedelic hay salsa, thích đề tóc kiểu người tiền sử và ăn mặc nhếch nhác, có khi còn cố tình chơi đồ rách vá, thì những ca sĩ nhạc đồng quê như Garth Brooks, Tm MacGraw …, lúc nào cũng tóc tai gọn gàng, chăm chút sơ mi chim cò, ca rô sọc màu sắc rực rỡ, kèm theo tua ren các thứ. Còn các diva nhạc đồng quê như Shania Twain, Gretchen Wilson rất xinh đẹp, hấp dẫn nhưng lại không “khoe hàng” sexy tùm lum như mấy nàng Bejoncé Knowles, Britney Spears, Lady Gaga… bên nhạc Pop hay R&B. Như trong lễ trao giải CMA 2008, các nữ ca sĩ như Jennifer Nettles, Carrie Underwood, Brad Paisley, hay các nhóm Sugarland, Rascal Flatts, Lady Antebellum…, đều ăn mặc trang nhã, kín đáo, giản dị.
Không rõ có phải nhờ vào phong cách trang nhã “ca, diễn nghệ thuật là chính” chứ không phải “show mình mẩy, hàng họ là chính” mà nhạc đồng quê Mỹ Quốc cứ thầm lặng ca, diễn mà lại lấy được cảm tình bền chặt của đa số đại chúng Mỹ hay không, cứ thấy một đại diện của dòng nhạc này đã thành công tột đỉnh, bỏ xa đại diện các dòng nhạc nhạc khác trong “The Voice” – show tivi ca nhạc đắt người xem hàng đầu của toàn nước Mỹ suốt nhiều năm qua. Đó là ca sĩ cao kều Blake Shelton, từng liên tục từ 2010 đến 2014 đoạt nhiều giải thưởng khác nhau ở các giải Grammy, CMA và iHeartRadio Music. Trong giàn 4 huấn luyện viên của The Voice, Blake là huấn luyện viên duy nhất chuyên về nhạc đồng quê và đáng nể hơn nữa, trong suốt 11 mùa giải The Voice (bắt đầu năm 2006), Blake không hề bị thay thế lần nào bởi ca sĩ khác ở vị trí “ghế nóng” như tình trạng của 3 – 4 nam, nữ huấn luyện viên khác. Cũng dễ hiểu thôi, Blake Shelton vừa giúp học trò Sundance Head, ca sĩ râu rìa “chuyên trị” nhạc đồng quê, không bao giờ thiếu cái nón cao bồi Texas khi ra hát, đoạt giải Quán quân The Voice năm 2016, có nghĩa là huấn luyện viên Blake Shelton và các học trò trong đội anh được quần chúng Mỹ (MC trong show The Voice gọi khối “giám khảo” tập thể này là America) nhiệt liệt ủng hộ và bình chọn dài dài, nên team (đội) Blake đã thắng lợi đến tận lần thứ 5 trong 11 kỳ The Voice, gồm 3 lần quán quân và 2 lần á quân.
Trong không khí nhạc đồng quê phấn chấn, yêu đời ấy, người Mỹ cùng hát, cười, la hét, nốc bia… Nước Mỹ tuy giàu mạnh cũng đã từng điêu đứng vì suy thoái tài chính, người dân mất nhà, mất việc làm, nhưng hễ đã “máu” nhạc đồng quê của mình lên rồi, cứ như anh chàng Mỹ lại cười thật tươi, nói Oh, I’m fine. Tốt thôi cuộc đời ạ!
Tương tự, dân Mỹ từng bị nhiều dân tộc khác trên thế giới kết án là khó ưa ở cái óc duy lý, thực dụng, khép kín, tư kỷ kiểu “Nước Mỹ của người Mỹ”, nhưng hình như một khi người Mỹ đắm mình vào dòng nhạc đồng quê, dân gian của họ – dòng nhạc nguyên sơ đã có mặt từ thời các đoàn xe ngựa rong rủi trên sa mạc Viễn Tây, đi mở mang bờ cõi Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ – thì không hiểu sao, riêng tôi lại thấy họ rất dễ mến, dễ gần, bởi lúc đó rõ ràng là họ sống thả lỏng con người họ theo tình cảm mềm mại, cảm xúc dễ dàng, có khi hồn nhiên, hiếu động như bọn trẻ con vui đùa.
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.